Cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam khuyên các bạn trẻ: “Tôi từng đến làng gốm Bát Tràng và học được cách mà họ quản lý hàng nghìn người mà không hề tốn chi phí. Nên tôi khuyên các startup nếu gặp vấn đề thì quay về những làng quê và học hỏi họ cách quản lý rất hiệu quả với chi phí cực thấp…”
Tại một chương trình Gala Summit Startup Việt năm 2019 khởi động tại TP.HCM với chủ đề “Hành trình kỳ lân – Unicorn to be” thu hút hơn 300 khách mời là các doanh nhân, startups, cố vấn, nhà đầu tư, “kỳ lân” trong khu vực.
Tham gia phiên thảo luận đầu tiên về cách thức nâng tầm giá trị của startup Việt, bà Quỳnh Anh Nguyễn – Giám đốc Đầu tư và Tăng tốc WISE, ông Nguyễn Thành Nam – Chủ tịch Endeavor Việt Nam, nguyên CEO Tập đoàn FPT, ông Ngô Hoàng Gia Khánh – Phó giám đốc Phát triển Doanh nghiệp Tiki đã đưa ra nhiều giải pháp cho startup trong thời kỳ công nghệ số phát triển nhanh chóng.
“Kỳ lân” không được đánh giá qua lợi nhuận, mức độ tăng trưởng mà chính là con người
Nói về cách thức điều hành một doanh nghiệp trở thành kỳ lân, bà Quỳnh Anh cho rằng, dù chúng ta đang kỳ vọng trở thành kỳ lân, ai cũng vậy, nhưng thực chất đa số các startup đều chỉ ở giai đoạn sơ khai. Chưa ai biết được chúng ta có thành kỳ lân hay không.
Nhưng nhìn vào ADN của startup, tiềm năng của các bạn nằm ở chính đội ngũ sáng lập. Đây là nền tảng rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Và sau đó, mới là công nghệ. Yếu tố thứ ba, để phát triển được cần phải có đủ nguồn vốn phù hợp.
Ở góc độ Tiki, khi nào biết chúng ta sẵn sàng để phát triển? Ông Khánh chia sẻ, thương mại điện tử có một luật chơi đã được chứng minh. Cái gì tốt cho khách hàng thì sẽ là con đường để Tiki hướng đến. Làm sao để có sản phẩm tốt hơn, dễ mua hơn, giao hàng nhanh hơn. Đó là những điều cốt lõi.
Trong quá trình phát triển sẽ có một số vấp váp. “Ví dụ chúng tôi đã thành công ở mảng sách, và sau đó chúng tôi ra mắt một ứng dụng sách điện tử cho khách hàng. Nhưng vấn đề là đến bây giờ không ai biết về ứng dụng”, ông Khánh chia sẻ.
Ngoài ra trong một số tình huống, Tiki không có đủ nhân sự để phát triển. Như vậy có hai yếu tố startup cần lưu ý, đừng làm cái gì khách hàng không muốn và phải luôn chú trọng tìm kiếm người tài.
Là đơn vị hỗ trợ startup, ông Nguyễn Thành Nam cho rằng startup cần chú trọng tăng cường nguồn nhân lực, nếu không có con người thì sẽ không làm được gì. Điều quan trọng là cần xây một đội ngũ đủ lớn. Cần trả lời câu hỏi “chúng ta cần một đội ngũ lớn cỡ nào?”.
Tại Endeavor, tổ chức hỗ trợ và đầu tư này không chú trọng nhiều đến sản phẩm, công nghệ mà họ quan tâm nhiều đến đội ngũ nhân sự, đặc biệt là nhà sáng lập có năng lực hay không, có truyền cảm hứng hay không và có tạo ra tác động tích cực cho xã hội hay không.
Ông Nam cho rằng tìm nhân tài rất quan trọng và có tầm nhìn để phát triển lớn mạnh. Chẳng hạn như tạo được doanh nghiệp có đến 10.000 người thì mức độ tác động rất lớn, truyền cảm hứng, mang đến những ảnh hưởng tốt cho xã hội.
“Tôi nhớ câu chuyện của một nhân viên của tôi từng làm việc tại FPT Software, thời gian sau anh ta nói công việc dễ quá và không muốn làm với tôi nữa. Sau đó, anh ta tự lập công ty riêng rồi quay lại với tôi với tư cách là nhà đầu tư.
Một điều ngạc nhiên là cách anh ta phát triển nhanh hơn cả thời gian chúng tôi đã làm. Bây giờ có khoảng 2.000 người hơn 30 tuổi làm việc cho anh ta, đó có nghĩa là anh ấy đã thành công trong việc tạo ảnh hưởng đến nhiều người. Điều đó rất tuyệt, một lãnh đạo phải làm gương được cho nhân viên của mình như thế”, ông Nam kể.
Cũng theo ông Nam, chúng ta phát triển về lượng người dùng, về “traffic”, nhưng liệu có tạo ra giá trị thực, có bền vững hay không. Nếu nguồn vốn phong phú, chúng ta gọi được hàng trăm triệu USD, chúng ta dễ dàng tiêu tiền để đạt được tăng trưởng bằng mọi giá.
Làm sao để trong lúc phát triển, tăng trưởng, chúng ta cần giữ được “ADN” của doanh nghiệp, tức giá trị cốt lõi của mô hình kinh doanh, mô hình sản phẩm, đừng chạy đua theo tăng trưởng.
Thế nào là thành công của một startup?
Làm thế nào để định nghĩa về thành công? Đại diện Tiki cho rằng, điều tiêu cực về phát triển là nó gây nghiện. Chúng ta tốn rất nhiều tiền để quảng cáo, từ đó tăng trưởng rất mạnh về lượng người dùng, lượng truy cập… Nhưng giá trị mang lại cho khách hàng đằng sao đó có đáng hay không?
Còn theo bà Quỳnh Anh, một chiếc xe muốn chạy tốt thì động cơ phải mạnh. Một startup muốn phát triển thì phải có những quy trình tốt. Như lái xe thì phải biết nhìn đàng trước, nhìn kính chiếu hậu để xem chúng ta biết trái – phải, có đi đúng làn đường. Khi một startup mới gia nhập thị trường rất khắc nghiệt.
Những ngày đầu, người sáng lập rất tâm huyết. Nhưng điều quan trọng là các bạn phải thích nghi, học từ thị trường, phải biết xoay trục, theo dõi những chỉ số hàng ngày qua các con số một cách thường xuyên…
Ở góc độ khác, ông Nam cho rằng doanh nghiệp nếu chỉ có hai người thì sẽ phát sinh hai vấn đề, 10 người thì có 10 vấn đề, 1.000 người thì vấn đề phát sinh là vô số. Vậy làm sao để giải quyết chúng?
“Tôi từng đến làng gốm Bát Tràng và học được cách mà họ quản lý hàng nghìn người mà không hề tốn chi phí. Tôi ngạc nhiên vì ở đó, mọi người làm việc với nhau bằng sự thân tình, gần gũi, không ai gây áp lực cho ai nhưng hiệu quả lại rất đáng kinh ngạc. Từ đó, tôi học được rất nhiều thứ hữu ích mà không có trường lớp nào có thể dạy được”, ông Nam chia sẻ.
Đồng thời, ông Nguyễn Thành Nam cũng khuyên các startup nếu muốn quản trị con người tốt, hãy tìm đến những miền quê để học hỏi. Nơi đó có sự hài hòa, giao thoa giữa cách quản trị với sự gần gũi giữa con người với nhau. Họ làm việc bằng sự thoải mái nhất có thể nhưng lại mang lại hiệu quả cao nhất.
Về phần Tiki, ông Khánh cho biết 4 năm trước có 300 nhân sự, hiện thời hơn 5.500 người. Về mặt tích cực tạo ra nhiều công ăn việc làm nhưng nó đi đôi với nhiều thách thức. Chẳng hạn, những yêu cầu, mục đích của ban lãnh đạo truyền đạt xuống có bao nhiêu nhân viên đọc, bao nhiêu người thấu hiểu và thực hiện, đó là bài toán khó.
“Với một nhóm nhỏ, chúng tôi có thể dễ dàng tổ chức một cuộc họp và truyền tải thông điệp, tương tác với nhau. Nhưng hiện tại với hàng nghìn nhân viên và nhiều văn phòng ở khắp cả nước, phải nghiên cứu cách truyền tải thông điệp một cách thực sự hiệu quả”, ông Khánh nói.
Dành một lời khuyên cho các bạn trẻ, ông Nam khuyên startup cần tự tin vì khả năng không giới hạn và không ngừng nỗ lực thực hiện ước mơ. Còn bà Quỳnh Anh cho rằng muốn phát triển, hãy xây điều mà phát triển được và điều đó cao hơn khả năng của mình.
Ông Khánh nhấn mạnh startup cần ghi nhớ lý do tại sao khởi nghiệp, khi gặp khó khăn, thử thách chúng ta sẽ có động lực khi nhớ lại lý do tại sao chúng ta khởi nghiệp, tại sao chúng ta phải chịu những khó khăn này.
Đừng vội lo giải bài toán toàn cầu, startup trẻ hãy giải bài toán đói nghèo, mua được cái ô tô cho mình trước, đó là bài toán vĩ đại mà xưa chúng tôi hèn không mơ tới!
“Tôi khuyên tất cả các bạn đầu tiên phải giải bài toán đói nghèo cho chính mình đã, phải mua được cái ô tô cho mình. Bài toán của mình mình còn không giải được nữa, lại đi lo bài toán thế giới”, cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam khuyên các bạn trẻ.
99% startup thất bại, mà một phần nguyên nhân đến từ khâu thương mại hóa sản phẩm.
Trong khuôn khổ tọa đàm “Nguồn nhân lực công nghệ và thương mại hóa sản phẩm công nghệ”, ông Nguyễn Thành Nam – Chủ tịch HĐQT FUNiX, cựu CEO FPT – cho rằng startup là phải giải quyết được một bài toán, một vấn đề của xã hội. Nhưng vấn đề của các startup hiện nay thường là không đặt ra được một bài toán đúng.
“Các vấn đề các bạn gặp phải, thật ra là tự các bạn nghĩ ra là chính. Chứ các bạn bỏ rất ít thời gian để quan sát xem thực tế liệu có vấn đề hay không. Những vấn đề các bạn biết là do các bạn đọc báo chứ không quan sát. Chúng ta không biết làm toán, không đặt ra được bài toán đúng thì không thể giải toán, hoặc lời giải rất rối rắm“, ông Nam nói.
Bản thân ông và FPT cũng bỏ nhiều công sức đi tư vấn cho các bạn trẻ – những công việc vì hệ sinh thái startup nước nhà mà chẳng ai đo đếm, nhưng lại gặp vấn đề là các bạn startup không biết vấn đề của các bạn là gì.
Làm thế nào đặt bài toán đúng?
Cựu CEO FPT cho rằng, một bài toán bao giờ cũng bắt đầu bằng chính vấn đề của bản thân mình, bắt đầu bằng “ta”, tức là “ta muốn”, “ta” phải có khao khát, mong muốn được đi giải một bài toán, bài toán gì cũng được, thậm chí là bài toán đói nghèo của bản thân.
“Bài toán đói nghèo của bản thân là một bài toán rất dễ giải. Tôi khuyên tất cả các bạn đầu tiên phải giải bài toán đói nghèo cho chính mình đã, phải mua được cái ô tô cho mình. Bài toán của mình mình còn không giải được nữa, lại đi lo bài toán thế giới”.
“Rất nhiều bạn không dám nói ra bài toán nhỏ bé, nghĩ nó tầm thường. Tôi thì thấy nó vĩ đại, chẳng tầm thường. Sinh viên đặt mục tiêu như thế quá vĩ đại. Chúng tôi ngày xưa làm gì có mục tiêu như thế. Hèn lắm!”, Chủ tịch HĐQT FUNiX hài hước.
Ông Nam cho rằng các bạn trẻ nên đặt mục tiêu rõ ràng, mạch lạc, và ít nhất là phải giải được bài toán của chính mình đã. Ông Nam cũng cho rằng trong hội đồng đánh giá startup, khi đánh giá, rất mong muốn hỏi các bạn trẻ 1 câu: “Cụ thể là em trình bày xong thì em muốn gì cho em, trước khi em muốn thay đổi thế giới”.
“Nếu các bạn không trả lời được thì tôi nghĩ nên đánh rớt. Mất thời gian lắm! Bởi các bạn vẫn chưa tìm ra được mình“, ông Nam thẳng thắn.
2 năm ngồi ghế giám khảo chương trình Nhà sáng chế, ông Nam cho biết ông rất ngạc nhiên khi thấy những người không được học hành nhiều đã tìm ra lời giải rất sáng tạo cho vấn đề của chính họ.
Trái ngược với lời khuyên nên giải bài toán của bản thân, ông Trương Quốc Hùng – TGĐ VinBrain – 25 năm là kỹ sư và lãnh đạo chiến lược sáng tạo sản phẩm của Microsoft cho rằng: “Tương lai thì mình không thể biết được, vì thế hôm nay phải có những giấc mơ to lớn“. VinBrain chính là một ví dụ, khi hôm nay có thể giải một bài toán tại Việt Nam với tinh thần y đức là hàng đầu, nhưng ngày mai lời giải ấy có thể áp dụng để giải bài toán thế giới.
Trước câu hỏi của điều phối viên tọa đàm Trương Lý Hoàng Phi – TGĐ VinTech City – về vấn đề startup nên giải bài toán nhỏ trước mắt như ông Nam khuyên nhủ, hay giải bài toán lớn như TGĐ VinBrain để có thể đi xa, ông Hùng cho rằng “Không có bài toán nào là hay hay dở, mà vấn đề là chúng ta đặt quyết tâm giải quyết thế nào“.
“Ngày hôm nay, đặt bài toán làm cho thế giới tốt hơn chút xíu thôi cũng là hay rồi. Nếu đặt bài toán nhỏ, cũng phải đảm bảo 3 tiêu chí rất quan trọng: đặt bài toán với Mục đích rõ ràng, Thực hiện có được không, và Làm sao đo lường được sự thành công đó”.
“Bài toán lớn hay nhỏ, lúc nào cũng phải có cách đo lường, quyết tâm, nghị lực và tầm nhìn trong thực hiện“, TGĐ VinBrain nhắn nhủ.
Theo Trí Thức Trẻ
Xem thêm bài liên quan
- Cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam: Sao cứ phải “dụ” nhân tài về nước làm gì? Người Việt ra nước ngoài được người giỏi dạy thì tốt quá, chứ ở Việt Nam thì chúng ta “tuổi gì” dạy họ?
- “Thánh cãi” cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam: Bài học về triết lý kinh doanh từ các cô “osin” đi lao động nước ngoài khiến tôi nhớ suốt đời
- Shark Việt nhắn nhủ giới trẻ Startup: “Tuổi khởi nghiệp từ 18 – 81 là đẹp nhất!”