Người Trung Quốc đang tự mình viết nên những câu chuyện kỳ tích trong mọi lĩnh vực công nghệ cao, sáng ngang thậm chí vượt trội cả những quốc gia phát triển của phương Tây.
Trung Quốc chỉ giỏi copy thôi. Máy bay C919 của hãng COMAC Trung Quốc làm sao so được với máy bay Boeing và Airbus của Mỹ và Châu Âu có lịch sử lâu đời cùng công nghệ dẫn đầu thế giới. Máy bay C919 của Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào công nghệ phương tây, bao gồm cả động cơ và hệ thống điện tử hàng không.
Đấy là một số bình luận của cộng đồng mạng Việt Nam cũng như giới truyền thông phương tây sau khi máy bay C919 thực hiện thành công chuyến bay thương mại đầu tiên.
Câu hỏi đặt ra là trong lĩnh vực máy bay thương mại, Trung Quốc sẽ tiến tới đâu, liệu có đuổi kịp và vượt Boeing và Airbus như Trung Quốc đã làm với nhiều lĩnh vực công nghệ khác?
Tôi nhớ lại cách đây 25 năm, chúng tôi đi thăm nhà máy sản xuất máy tính IBM ở Thâm Quyến, khi ấy hãng Legend (Trung Quốc) liên doanh với IBM (Mỹ) chỉ để gia công lắp ráp máy tính PC cho IBM.
Đúng 16 năm sau Legend (khi này đã đổi tên là Lenovo) mua lại chính bộ phận máy tính PC của IBM toàn cầu và hiện tại Lenovo đã trở thành 1 trong 3 hãng máy tính PC lớn nhất thế giới, sánh ngang với Dell và HP của Mỹ cả về công nghệ lẫn qui mô công ty.
Và đây là câu chuyện về đường sắt cao tốc: Năm 2000, TP Thượng Hải mua một hệ thống tàu đường sắt cao tốc TransRapid của Đức với hình thức trọn gói chìa khoá trao tay.
Thế rồi sau đó Trung Quốc dần dần làm chủ công nghệ đường sắt cao tốc, tự sản xuất đầu tàu và toa xe, giờ đây Trung Quốc đã trở thành cường quốc số 1 thế giới với hệ thống đường sắt cao tốc dài 42.000 km, chiếm hơn 2/3 tổng chiều dài đường sắt cao tốc toàn thế giới. Không những thế, Trung Quốc còn giữ kỷ lục về tốc độ tàu cao tốc thương mại (350 kmh và 430 kmh, còn tốc độ cao nhất của Đức và Nhật là 330 kmh).
Chưa hết Trung Quốc còn dẫn đầu thế giới trong việc xây dựng đường sắt cao tốc cho các quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Indonedia, Serbia, Hungary, Lào.
Thêm câu chuyện về chiếc máy đào hầm TBM (Tunnel Boring Machine): Cách đây 12 năm, Trung Quốc nhập chiếc máy TBM từ Đức với giá 101 triệu USD/chiếc.
Hiện tại Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất máy TBM hàng đầu thế giới với chất lượng không thua kém gì máy TBM của Đức nhưng giá chỉ có 8 triệu USD và Trung Quốc đã dùng chính những chiếc máy TBM này đào hệ thống đường hầm Yinjiangbuhan dài 1.400km đưa nước từ đập Tam Hiệp đến Bắc Kinh.
Chính những chiếc máy đào hầm TBM nội địa này đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia có kỹ năng và giá thành thấp nhất thế giới trong lĩnh vực làm đường hầm metro, đường hầm xuyên núi, dưới đáy sông và đáy biển trong các dự án metro, đường sắt và đường bộ.
Người Trung Quốc còn có thể kể thêm các câu chuyện tương tự trong lĩnh vực máy tính lượng tử, mạng viễn thông 5G, trí tuệ nhân tạo AI, thương mại điện tử, ô tô điện, kính viễn vọng, tên lửa siêu thanh và nhiều lĩnh vực khác.
Chính vì thế mà chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi mươi mười năm năm nữa, máy bay COMAC của Trung Quốc với các dòng C919, C920, C930, C935 ngang hàng với các dòng máy bay Boeing và Airbus của Mỹ và Châu Âu cả về công nghệ lẫn thị phần máy bay thương mại toàn cầu.
Tác giả: Doanh nhân Đỗ Cao Bảo
Máy bay C919 do Trung Quốc chế tạo có chuyến bay thương mại đầu tiên
Dòng máy bay chở khách do Trung Quốc chế tạo để cạnh tranh với các doanh nghiệp như Airbus và Boeing đã có chuyến bay thương mại đầu tiên vào hôm 28/5, Bloomberg đưa tin.
Chuyến bay thương mại đầu tiên của dòng máy bay chở khách thân hẹp C919 do Trung Quốc chế tạo được thực hiện 6 tháng sau khi sản phẩm này được bàn giao cho hãng hàng không China Eastern Airlines.
Chia sẻ trên mạng xã hội Weibo Weibo, hãng hàng không này cho biết chuyến bay MU919 đã khởi hành từ thành phố Thượng Hải vào lúc 10h32 (giờ địa phương). Máy bay chở theo 128 hành khách và đã hạ cánh an toàn ở thủ đô Bắc Kinh.
Chuyến bay thương mại đầu tiên của dòng máy bay C919 đánh dấu điểm kết trong hành trình dài của Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC). Công ty này bắt đầu nghiên cứu phát triển dòng máy bay chở khách thân hẹp vào năm 2008.
Quá trình sản xuất được khởi động vào năm 2011. Những phải đến tháng 9/2022, dòng máy bay C919 mới nhận được giấy phép hoạt động thương mại.
Hãng hàng không China Eastern Airlines là doanh nghiệp đầu tiên nhận bàn giao các máy bay C919 với đơn đặt hàng 5 chiếc.
Sau khi được bàn giao vào tháng 12/2022 cho đến tháng 2, chiếc máy bay này đã được thử nghiệm hàng ngày để đảm bảo yêu cầu có tối thiểu 100 giờ bay an toàn.
Trung Quốc hy vọng dòng máy bay chở khách thân hẹp của nước này sẽ phá vỡ sự thống trị của Boeing và Airbus trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Cả 2 dòng máy bay Airbus A320neo và Boeing 737 Max đã nhận được các đơn đặt hàng kéo dài cho đến hết thập kỷ này.
Cho đến nay, COMAC đã nhận được các đơn đặt hàng cho 1.000 chiếc C919. Tuy nhiên, phần lớn các đơn hàng này vẫn chưa được xác nhận.
Tuy C919 đã nhận được giấy phép vận hành thương mại tại Trung Quốc, quá trình cấp chứng chỉ hoạt động cho dòng máy bay tại châu Âu vẫn đang diễn ra. Mỗi chiếc máy bay C919 có giá khoảng 99 triệu USD.
Theo Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- “Trung Quốc chỉ giỏi copy thôi” – Họ đang viết nên câu chuyện kỳ tích trong lĩnh vực máy tính lượng tử, mạng 5G, AI, thương mại điện tử, ô tô điện, kính viễn vọng,…
- 2 “ông lớn” ngành năng lượng Trung Quốc cân nhắc đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam
- Lộ diện đối thủ có thể soán ngôi “công xưởng số 1 thế giới” của Trung Quốc: Không muốn bỏ tất cả trứng vào một rổ!