Ngày càng có nhiều công ty, tập đoàn lớn của Trung Quốc có kế hoạch đầu tư mới hoặc mở rộng các dự án sản xuất tại Việt Nam.
Theo Reuters, 2 nhà sản xuất hệ thống lưu trữ năng lượng và pin của Trung Quốc đang cân nhắc các khoản đầu tư trị giá hàng trăm triệu USD/công ty vào Việt Nam. Nguồn tin khẳng định giá trị kết hợp của các khoản đầu tư có thể vượt 1 tỷ USD.

Xiamen Hithium Energy Storage Technology đã làm việc với các quan chức và nhà quản lý ngành tại Việt Nam để mở ra cơ hội đầu tư 900 triệu USD nhằm xây dựng một nhà máy trên diện tích đất rộng hơn 30 ha.
Nếu khoản đầu tư được hoàn tất với con số nói trên, công ty này sẽ trở thành một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Một nguồn tin khác của Reuters tiết lộ khoản đầu tư đang được xem xét sẽ có giá trị ít nhất 500 triệu USD.
Hithium cho biết công ty có kế hoạch mở rộng công suất sản xuất lên 70 GW vào cuối năm nay. Hithium có trụ sở tại thành phố cảng phía Đông Nam Hạ Môn chuyên sản xuất các sản phẩm lưu trữ năng lượng cố định, bao gồm pin và kho chứa lớn hơn giúp quản lý việc cung cấp năng lượng không liên tục từ các nhà máy năng lượng mặt trời hoặc gió.
Trong khi đó, Growatt New Energy, công ty thuê một nhà máy chế tạo sẵn tại Việt Nam, đang có kế hoạch chi khoảng 300 triệu USD xây một nhà máy mới trên diện tích 15 ha đất công nghiệp.
Một nguồn tin riêng của Reuters cũng cho biết Growatt có kế hoạch mở rộng tại Việt Nam. Doanh nghiệp từ chối bình luận thêm liên quan khoản đầu tư này.
Các nguồn tin cho biết cả 2 công ty đều đang đàm phán với nhiều cơ quan chức năng và khu công nghiệp về các địa điểm tiềm năng cho các nhà máy.
Hiện tại, ngày càng nhiều công ty Trung Quốc có kế hoạch đầu tư mới hoặc mở rộng các dự án sản xuất tại Việt Nam.
Việt Nam cũng được đánh giá là thị trường năng lượng tái tạo đang phát triển. Tuy nhiên, nền kinh tế đang bùng nổ phải vật lộn với tình trạng cắt điện thường xuyên do nhu cầu ngày càng tăng, biến đổi khí hậu và lưới điện yếu.
Dù vậy, Việt Nam vẫn chưa thông qua luật cho phép sử dụng các cơ sở lưu trữ năng lượng để tăng cường mạng lưới điện.
Theo Precedence Research, thị trường lưu trữ năng lượng cố định toàn cầu sẽ tăng giá trị lên khoảng 224 tỷ USD vào cuối thập kỷ này, từ mức hơn 31 tỷ USD vào năm 2021. Các công ty lớn trên thị trường bao gồm Tesla, Panasonic và Philips…
Dự định xây nhà máy ở Việt Nam, ‘ông trùm’ ngành pin Trung Quốc Hithium là ai?
Công ty Xiamen Hithium Energy Storage Technology (viết tắt là Hithium) – doanh nghiệp sản xuất pin lithium hàng đầu thị trường Trung Quốc đang mong muốn đầu tư xây dựng nhà máy tại tỉnh Hải Dương.

Mới đây, ông Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đã có buổi tiếp và làm việc với ông Will Shangguang, Giám đốc Đầu tư và Phát triển, phụ trách chiến lược đầu tư toàn cầu của Công ty Xiamen Hithium Energy Storage Technology (Trung Quốc). Tại buổi làm việc, ông Will Shangguang bày tỏ vinh dự và mong muốn được đầu tư tại Hải Dương.
Xiamen Hithium Energy Storage Technology là doanh nghiệp công nghệ cao được thành lập vào năm 2019, chuyên nghiên cứu và phát triển, sản xuất và kinh doanh vật liệu lõi pin lithium-ion, hệ thống và pin lưu trữ năng lượng LFP.
Công ty này có trụ sở chính tại TP. Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) và hệ thống văn phòng đại diện đặt Bắc Kinh (Trung Quốc), Munich (Đức), California (Mỹ), Sydney, Brisbane (Úc), Mumbai (Ấn Độ) và Singapore.
Năm 2022, sau 3 năm đi vào hoạt động, Xiamen Hithium Energy Storage Technology nhanh chóng vươn lên dẫn đầu thị trường Trung Quốc về số lượng dự án pin lưu trữ năng lượng và tỷ lệ tăng trưởng số lượng đơn hàng (đạt hơn 4.000%).
Công ty đạt doanh thu thuần khoảng 520 triệu USD trong năm 2022 và kỳ vọng sẽ đạt doanh thu khoảng 2,18 tỷ USD trong năm 2023.
Với mục tiêu đạt công suất sản xuất pin hàng năm là 135 GWh vào năm 2025, Xiamen Hithium Energy Storage Technology hiện đang tiến hành mở rộng hệ thống cơ sở sản xuất.
Bên cạnh các địa điểm sản xuất và nghiên cứu hiện hữu tại Phúc Kiến và Thâm Quyến, công ty này đang tiến hành xây dựng các nhà máy ở Trùng Khánh, Thành Đô (Trung Quốc) và Mỹ; đồng thời tìm kiếm cơ hội phát triển cơ sở sản xuất ở các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Về pin lưu trữ năng lượng LFP mà Xiamen Hithium Energy Storage Technology sản xuất, chi phí của dòng pin này rẻ hơn trung bình 20% so với niken mangan coban (NMC).
Về phía tỉnh Hải Dương, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng đã thông tin với ông Will Shangguang và đoàn công tác những tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, nguồn nhân lực của Hải Dương; đồng thời nhấn mạnh tỉnh đang có nhu cầu và ưu tiên thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, công nghiệp sáng tạo, công nghiệp hỗ trợ.
Lãnh đạo Hải Dương cam kết tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đầu tư tại địa phương, đồng thời đề nghị Xiamen Hithium Energy Storage Technology thực hiện tốt các quy định trong quá trình tìm hiểu, khi thực hiện đầu tư và hoạt động sau này, trong đó thực hiện tốt nghĩa vụ tài chính và các chế độ, chính sách với người lao động.
Tại Hải Dương, trong thời gian qua, khu vực đầu tư nước ngoài trên địa bàn đã có những bước phát triển lớn mạnh không ngừng về số lượng và chất lượng.
Thống kê của UBND tỉnh cho thấy, tính đến nay, trên địa bàn Hải Dương có gần 500 dự án FDI, với tổng vốn trên 9,2 tỷ USD đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp thứ 4 trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và đứng 11 cả nước.
Trong đó, mục tiêu, ngành nghề tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 437 dự án, tổng vốn 8.672,6 triệu USD, chiếm 94% vốn đăng ký.
Lĩnh vực dịch vụ có 42 dự án với số vốn 316,2 triệu USD, chiếm 3,4% tổng vốn đăng ký. Lĩnh vực nông nghiệp có 17 dự án với số vốn 226,9 triệu USD, chiếm 2,6% tổng vốn đăng ký.
Theo Zingnews, Tổng hợp
Xem thêm bài liên quan
- Hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam, Hàn Quốc ký ghi nhớ hợp tác: Mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 150 tỷ USD vào năm 2030
- Samsung sẽ nâng vốn đầu tư tại Việt Nam từ 18 tỷ USD lên 20 tỷ USD: Tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn
- “Trung Quốc chỉ giỏi copy thôi” – Họ đang viết nên câu chuyện kỳ tích trong lĩnh vực máy tính lượng tử, mạng 5G, AI, thương mại điện tử, ô tô điện, kính viễn vọng,…