Vefac dự kiến chào bán 853 triệu cổ phiếu để huy động 8.530 tỷ đồng, nhằm rót thêm tiền vào dự án Vinhomes Cổ Loa và trung tâm hội chợ.
Công ty cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (Vefac -Mã: VEF) mới công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 dự kiến diễn ra vào ngày 25/5, trong đó đáng chú ý có tờ trình về huy động vốn từ cổ đông.
Hội đồng quản trị đề xuất phương án chào bán gần 853 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 512%, đồng nghĩa cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu VEF có quyền mua thêm 512 cổ phiếu phát hành mới.
Giá chào bán dự kiến 10.000 đồng/cổ phần, tương ứng số tiền thu về gần 8.530 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của doanh nghiệp này sẽ tăng vọt từ 1.666 tỷ lên mức 10.196 tỷ đồng.
Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia và Khu đô thị mới tại huyện Đông Anh (Vinhomes Cổ Loa) đã được UBND TP.Hà Nội duyệt Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 tại Quyết định 2588/QĐ-UBND vào tháng 6/2020.
Theo quy hoạch, khu đất nghiên cứu dự án Vinhomes Cổ Loa gần 385 ha với quy mô dân số dự kiến khoảng 38.100 người. Tổng vốn đầu tư dự án Vinhomes Cổ Loa khoảng 42.215 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia khoảng 7.336 tỷ đồng.
Cổ đông có thể chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu cho nhà đầu tư khác và bên nhận chuyển nhượng quyền mua không được phép tiếp tục chuyển nhượng cho bên thứ ba. Cổ phiếu phát hành cho bên có quyền mua không bị hạn chế chuyển nhượng.
Nguồn tiền thu về dự kiến sẽ chi 1.467 tỷ đồng để bổ sung vốn thực hiện dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc Gia (Hà Nội) và gần 6.976 tỷ đồng để thực hiện dự án Khu đô thị mới tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Phần còn lại 87 tỷ đồng sẽ bổ sung vốn lưu động.
Lưu ý rằng, trong hai năm 2021 và 2022, Vefac cũng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ nhưng đều chưa thực hiện được.
Ngoài kế hoạch tăng vốn, Vefac còn xin ý kiến cổ đông thông qua kế hoạch không chia cổ tức năm 2022, toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sẽ được giữ lại để bổ sung vốn kinh doanh.
Cho năm 2023, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 10 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ và nhưng chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế lại giảm 37% so với thực hiện năm ngoái xuống mức 200 tỷ đồng (chủ yếu nhờ lãi tiền gửi và cho vay).
Vefac sẽ tiếp tục triển khai đồng thời các dự án tại Hà Nội gồm Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia; Khu đô thị mới Đông Anh; Tổ hợp Trung tâm Thương mại Dịch vụ tại 148 Giảng Võ, Ba Đình và Khu Chức năng Đô thị Nam Đại lộ Thăng Long tại Mễ Trì.
Vefac tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước được thành lập năm 1995. Sau khi cổ phần hóa, Tập đoàn Vingroup trở thành công ty mẹ nắm giữ 83% cổ phần Vefac và có tỷ lệ lợi ích 86,54%.
Công ty con của Vingroup hiện có quy mô tổng tài sản hơn 8.800 tỷ đồng. Riêng lượng tiền và tương đương tiền chiếm hơn 1.600 tỷ; khoản cho vay các đối tác gần 4.000 tỷ (hưởng lãi suất 11%/năm).
Cũng trên báo cáo tài chính quý đầu năm nay, công ty có khoản chi phí sản xuất kinh doanh dở dang ở dự án Vinhomes Cổ Loa là 1.053 tỷ đồng. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang là gần 1.700 tỷ đồng tại 4 dự án.
Tập đoàn Vingroup lãi quý I/2023 cao nhất gần 3 năm, tăng hơn gấp đôi cùng kỳ năm 2022
Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với khoản doanh thu tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, trong quý đầu năm nay, doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã ghi nhận 38.963 tỷ đồng doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ. So với cùng kỳ năm trước, mức doanh thu này đã tăng tới 114%.
Trong mức doanh thu xấp xỉ 1,7 tỷ USD quy đổi kể trên, phần lớn đóng góp vẫn đến từ hoạt động kinh doanh chuyển nhượng bất động sản với 28.823 tỷ đồng, chiếm 74% doanh thu thuần hợp nhất và tăng gấp 4,3 lần so với quý I/2022. Đây cũng là động lực chính giúp chỉ tiêu doanh thu thuần hợp nhất của Vingroup tăng hơn gấp đôi trong quý vừa qua.
Bên cạnh mảng chuyển nhượng bất động sản, các mảng kinh doanh cho thuê bất động sản đầu tư và dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí đều ghi nhận mức tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ, mang về lần lượt 2.165 tỷ (chiếm 5,6% doanh thu hợp nhất) và 2019 tỷ đồng (5,2%).
Ngoài ra, các hoạt động kinh doanh như bệnh viện, giáo dục đều ghi nhận tăng trưởng dương trong quý. Ngược lại với hoạt động sản xuất và doanh thu từ các hoạt động khác ghi nhận đà suy giảm.
Theo Vingroup, nếu tính cả phần doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản ghi nhận vào thu nhập tài chính, tổng doanh thu thuần hợp nhất quý I của tập đoàn này đạt tới 50.271 tỷ đồng, tăng 100% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, mức tăng trưởng cao được hỗ trợ nhờ tốc độ bàn giao các căn bất động sản thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 2 quý vừa qua, trong khi các lĩnh vực cho thuê bất động sản đầu tư, dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí, y tế và giáo dục đều ghi nhận tăng trưởng tốt.
Cũng trong quý I, nhờ các hoạt động kinh doanh dần trở lại bình thường, biên lãi gộp của Vingroup đã tăng vọt từ 1,12% năm trước lên 11,4%, qua đó mang về 4.435 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng gần 22 lần.
Bất chấp các chi phí tài chính (chủ yếu là lãi vay và phát hành trái phiếu) cùng chi phí bán hàng tăng mạnh, nhờ tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp cùng mức tăng trưởng doanh thu kể trên, Vingroup đã thu về 4.264 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế quý vừa qua, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Do chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tăng gấp gần 3 lần, lợi nhuận sau thuế của Vingroup quý đầu năm nay chỉ đạt 589 tỷ đồng, tăng 15%. Tuy vậy, đây vẫn là mức lợi nhuận sau thuế cao nhất mà doanh nghiệp này ghi nhận được kể từ quý II/2021 đến nay.
Vingroup cho biết trong quý đầu năm nay, hầu hết mảng kinh doanh của tập đoàn đều đã ghi nhận phục hồi tích cực.
Trong hoạt động công nghệ – công nghiệp, VinFast đã bàn giao xe VF 8 City Edition tại thị trường Bắc Mỹ và bàn giao các mẫu xe VF 9, VF 5 tại thị trường Việt Nam.
Với khối thương mại dịch vụ, trong quý đầu năm nay, Vingroup cho biết công ty con Vinhomes đã tiếp tục bàn giao các sản phẩm bất động sản tại khu đô thị Vinhomes Ocean Park 2 và phân khu The Rainbow, thuộc dự án Vinhomes Grand Park, TP.HCM.
Tính riêng quý I, nhà phát triển bất động sản này cũng đã ghi nhận gần 29.300 tỷ đồng doanh thu thuần và 11.923 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 230% và 152% so với cùng kỳ năm trước.
Với bất động sản bán lẻ, Vincom Retail đã ghi nhận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, tổng doanh thu hợp nhất tăng 42% và lợi nhuận sau thuế tăng 171%, lần lượt đạt 1.943 tỷ và 1.024 tỷ đồng.
Với lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, hoạt động của Vinpearl cũng đã phục hồi theo đà chung của thị trường du lịch. Tổng số đêm phòng bán quý I của doanh nghiệp này đã đạt gần 296.000 phòng, tăng 58%.
Tính đến cuối quý I, tổng tài sản cân đối với nguồn vốn của Vingroup đạt gần 597.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,3% so với đầu năm. Trong đó, phần lớn tài sản của tập đoàn này vẫn đang nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn (149.223 tỷ đồng); tài sản cố định (135.367 tỷ); tài sản dở dang dài hạn (100.099 tỷ) và hàng tồn kho (91.911 tỷ đồng)…
Theo Zingnews