Từ một người bình thường với công việc đầu tiên là làm công nhân, tỷ phú USD Trần Bá Dương hiện nay đã nắm 1/3 thị phần ô tô Việt Nam, phủ hàng vạn hecta đất, xứng danh ông trùm công – nông – thương của Việt nam.
Nếu ai đó cho rằng các tỷ phú đều sinh ra đã ở vạch đích thì điều đó chắc chắn không đúng với ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải. Từ một người bình thường với công việc đầu tiên là làm công nhân, ông Dương đã vươn lên trở thành một trong 6 tỷ phú đô la của Việt Nam, được tạp chí Forbes công nhận.
Ông Thái Duy Hùng, người từng làm Phó Tổng giám đốc và sau đó làm Cố vấn Chủ tịch Hội đồng quản trị THACO mới đây đã chia sẻ chi tiết về những ngày tháng khởi nghiệp của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch tập đoàn.
Anh công nhân vét mỡ bò và chuyện về “gánh hát rong” của chàng kỹ sư trẻ
Chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả bài viết này và bức hình chưa từng được công bố thời ông Dương còn làm công nhân “vét mỡ bò”.
Khoảng cuối năm 1983, một kỹ sư trẻ thư sinh đến nhận việc tại Nhà máy Đại tu ô tô Đồng Nai. Thời đó một kỹ sư cơ khí tốt nghiệp Đại học Bách khoa TPHCM ra trường thường được bố trí làm việc ở phòng kỹ thuật. Thế nhưng, chàng kỹ sư trẻ xin làm việc tại xưởng như một công nhân. Người kỹ sư đó tên Trần Bá Dương, một chàng trai có dáng người mảnh khảnh nhưng đôi mắt sáng và ánh nhìn kiên định.
Với sự cần cù, chịu khó, thông minh, đam mê nghiên cứu sáng tạo, gần ba năm sau, từ một kỹ sư học việc, anh đã trở thành một người thợ lành nghề, xử lý tốt các tình huống hỏng hóc phức tạp của xe ô tô, ngang với tay nghề của công nhân bậc cao. Sau đó, với trình độ và kinh nghiệm của mình, anh được bổ nhiệm làm Trưởng phòng kỹ thuật, rồi Quản đốc xưởng.
Những năm đó, kinh tế khó khăn, cả nước đang bị “cấm vận”, lĩnh vực ô tô cũng chịu ảnh hưởng không ít. Thời gian này xe ô tô cũng khan hiếm, chủ yếu xe của các cơ quan, đơn vị hư hỏng đều mang đến Nhà máy Đại tu ô tô. Tuy nhiên, phụ tùng mới thay thế, sửa chữa không có, các thợ tại xưởng đa số là “chế” cho phù hợp. Hơn nữa, máy móc, thiết bị kiểm tra cũng hạn chế nên chất lượng sửa chữa thấp, dễ bị hư hỏng trở lại nên mất lòng tin và khách hàng ít dần.
Đến đầu năm 1987, thiếu việc làm nên nhà máy có nguy cơ giải thể, Ban Giám đốc đã thành lập Đội sửa xe lưu động và cử kỹ sư Dương làm đội trưởng. Anh được giao một xe tải nhẹ đời cũ và 10 công nhân. Lúc này trong các xưởng sữa chữa thì xưởng của anh Dương là có uy tín nhất với khách hàng, Anh lại có nhiều sáng kiến cải tiến như mài trục cơ, doa xy lanh, đồ gá tiện piston, segment, bạc biên, máy chạy rà động cơ, đóng được cả rơ moóc …
Tuy nhiên, Đội sửa xe lưu động là một nhiệm vụ mới, chưa có tiền lệ và rất khó khăn khi triển khai trong thực tế. Nhưng, với chàng kỹ sư trẻ Trần Bá Dương thì không gì là không thể và anh đã nhận nhiệm vụ. Anh Dương mang “đội quân” của mình rời nhà máy và tìm lại những khách hàng trước đó đã vào nhà máy sửa xe rồi không trở lại. Anh đến xin gặp đội xe, gặp lãnh đạo đơn vị thừa nhận về chất lượng dịch vụ trong việc sữa chữa thời gian qua… và cam kết: Sửa tại chỗ, sửa xong xe chạy tốt mới thanh toán tiền; xuất xưởng theo thời gian yêu cầu, công khai phụ tùng vật tư thay thế. Hiểu được tâm lý các chủ xe, anh đã động viên anh em làm cả ngày đêm. Những xe hỏng nặng đã có “máy dự phòng”, chỉ cần cùng thông số kỹ thuật, độ lại cao su chân máy…qua một đêm điều chỉnh là có thể bàn giao.
Trong lễ tổng kết năm 1987, Ông Phùng Như Ý – Bí thư Đảng Ủy, Phó Giám đốc Ty Giao thông Vận tải Đồng Nai tham dự, khen thưởng và Đội sửa chữa xe lưu động của kỹ sư Trần Bá Dương được anh em yêu mến gọi đùa là “gánh hát rong”.
Tận tụy với công việc nên chàng kỹ sư trẻ dành hết thời gian của mình cho máy móc, nghiên cứu các cách sửa chữa, sáng tạo các thiết bị để nâng cao tay nghề và chất lượng của Đội. Mẹ anh nhớ con trai chăm học, chăm làm thỉnh thoảng lên Biên Hòa thăm. Khi đó, anh đang chui… dưới gầm xe, quần áo đầy dầu mỡ. Mẹ thương nên lúc nào cũng “dúi” cho anh vài chỉ vàng hoặc một ít tiền để anh lo cơm nước, quần áo bảo hộ, ứng trước lương, sắm xe máy cho anh em đi làm, chạy mua phụ tùng vật tư.
“Gánh hát rong” của chàng kỹ sư trẻ cứ sửa xe từ công ty này qua đơn vị khác ở Khu công nghiệp Biên Hòa I, nội thành Biên Hòa, đến các huyện. Đến cuối năm 1988, sau khi lấy lại được uy tín, thu hút thêm nhiều khách hàng đến sữa chữa tại nhà máy, “gánh hát rong” mới hoàn thành sứ mệnh và kết thúc công việc của mình.
Khó khăn nào rồi cũng qua, cơ hội mới lại đến. Đầu năm 1989, nhà nước cho nhập các loại xe du lịch, xe tải, xe khách tay lái nghịch đã qua sử dụng, kỹ sư Trần Bá Dương lại bảo vệ thành công đề tài… “chuyển tay lái nghịch” với Bộ giao thông. Đây là một đề tài nặng về kỹ thuật, sáng tạo nhưng lại mở ra nhiều hướng đi, công việc cho anh em công nhân.
Từ đó, năng lực uy tín thực sự của chàng kỹ sư trẻ Trần Bá Dương không chỉ được biết đến tại nhà máy, công xưởng tại Biên Hòa, Đồng Nai mà còn cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây cũng là tiền đề để anh Dương thành lập Công ty TNHH Ô tô Trường Hải – tiền thân của Công ty Cổ phần Tập Đoàn Trường Hải với hệ sinh thái đa ngành ngày hôm nay.
Hệ sinh thái “siêu khủng” của tỷ phú Trần Bá Dương: Nắm 1/3 thị phần ô tô, phủ hàng vạn hecta đất, xứng danh ông trùm công – nông – thương
Theo thông tin từ Tập đoàn Thaco, trong năm 2021, Thaco đã triển khai và hoàn thành chương trình tái cấu trúc và nâng cấp quản trị với hệ sinh thái đa ngành gồm: 2 Tập đoàn là Thaco Auto (Ô tô), Thagrico (Nông Lâm nghiệp) và 4 Tổng công ty là Thaco Industries (Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ), Thadico (Đầu tư xây dựng); Thilogi (Logistics) và Thiso (Thương mại dịch vụ).
Thaco Auto chịu trách nhiệm quản trị và điều hành sản xuất kinh doanh ô tô trên toàn chuỗi giá trị Sản xuất – Phân phối – Bán lẻ.
Kết quả năm 2021, Thaco Auto tiếp tục đứng đầu thị trường trong nước với thị phần trên 35%, tổng doanh số đạt gần 100.000 xe. Phát triển 36 sản phẩm mới, 40 showroom mới, nâng tổng số lên 350 showroom, đại lý.
Kế hoạch năm 2022, Thaco Auto muốn doanh số đạt trên 120.000 xe; phát triển mới 40 showroom, nâng tổng số lên 390 showroom, trong đó có một số mô hình tích hợp: Tổ hợp showroom, tổ hợp showroom Auto kết hợp Trung tâm thương mại, đồng thời nâng cấp quản trị từ các Chi nhánh trở thành các Công ty tỉnh thành về mặt pháp lý và thực hiện việc phục vụ khách hàng.
Thaco Industries với chiến lược phát triển Công nghiệp Cơ khí & Công nghiệp Hỗ trợ là một ngành sản xuất kinh doanh chính của Thaco thông qua hợp tác liên kết, liên doanh với các đối tác trong và ngoài nước để sản xuất kinh doanh các sản phẩm Cơ khí, sản phẩm Công nghiệp Hỗ trợ trong và ngoài ngành ô tô, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Năm 2021, doanh thu Thaco Industries đạt gần 6.000 tỷ đồng; xuất khẩu đạt hơn 50 triệu USD. Thaco Industries sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, phát triển các sản phẩm chiến lược, đồng thời nâng cấp quản trị toàn diện. Kế hoạch 2022, dự kiến doanh thu trong nước đạt 12.700 tỷ đồng và xuất khẩu đạt trên 260 triệu USD (tăng gấp 5 lần).
Thagrico với chiến lược Đầu tư, sản xuất nông nghiệp là trồng trọt cây ăn trái; chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt, heo giống, heo thịt với quy mô lớn trên nền tảng hữu cơ và quản trị sản xuất theo phương pháp công nghiệp.
Với trái cây, năm 2021 Thagrico đã hoàn thiện quy hoạch và đầu tư các vùng trồng cây ăn trái và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; chăm sóc hơn 28.000 ha cây ăn trái, xuất khẩu được hơn 300.000 tấn trái cây các loại với doanh thu đạt hơn 175 triệu USD. Kế hoạch 2022, sản lượng xuất khẩu 620.000 tấn với doanh thu ước đạt hơn 350 triệu USD.
Về chăn nuôi bò, công ty đã tổ chức thực hiện dự án chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt theo mô hình bán chăn thả và vỗ béo tập trung với tổng đàn bò giống lên 26.000 con, đến nay, đã sinh sản được gần 5.000 con bê. Năm 2022, tiếp tục đầu tư chăn nuôi tại các Khu liên hợp nông nghiệp, nâng tổng quy mô trang trại lên 84.000 con bò.
Với chăn nuôi heo, Thagrico năm 2021 đã lập và đầu tư các dự án chăn nuôi heo giống, heo thịt tại Bình Định, An Giang với quy mô trại 142.000 con. Năm 2022, tiếp tục đầu tư dự án tại Đăk Lăk với quy mô trang trại lên đến 175.000 con.
Thadico (Công ty Đại Quang Minh) thực hiện vai trò quản lý đầu tư xây dựng và trực tiếp triển khai đầu tư xây dựng các dự án Hạ tầng giao thông, Khu công nghiệp, Khu đô thị và Bất động sản.
Tại TP.HCM, tiếp tục triển khai dự án cầu Thủ Thiêm 2 và bàn giao, đưa vào sử dụng trước 30/4/2022. Hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đầu tư, để triển khai dự án các KCN Cơ khí ô tô, Nông – Lâm nghiệp, Cảng và hậu cần cảng tại Chu Lai – Quảng Nam, Thaco – Thái Bình. Ngoài ra, Thadico cũng thực hiện các dự án Bất động sản phức hợp, thương mại theo kế hoạch kinh doanh của các lĩnh vực Thương mại – Dịch vụ, Phân phối – Bán lẻ Ô tô và các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp tại An Giang, Bình Định, Tây Nguyên, Lào và Campuchia cho Thagrico.
Thiso là Tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ. Trong năm 2021, Thiso và Emart Inc. đã ký kết thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn Công ty TNHH Emart Việt Nam, thỏa thuận nhượng quyền độc quyền để tiếp quản hoạt động siêu thị Emart đồng thời tiếp tục triển khai các dự án mở rộng hệ thống tại thị trường Việt Nam.
Mục tiêu năm 2022, Thiso Retail sẽ đưa vào hoạt động ít nhất 2 siêu thị Emart trong khu vực TP. HCM và triển khai xây dựng thêm 3 siêu thị trên cả nước.
Thilogi là đầu mối tổ chức và cung ứng dịch vụ logistics phục vụ cho Thaco và đối tác bao gồm: dịch vụ vận tải biển quốc tế và nội địa, Cảng biển và vận tải đường bộ; tập trung tại Khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Lào, Campuchia nhằm phục vụ vận chuyển đối lưu 2 chiều bổ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh Ô tô, Nông nghiệp, Cơ khí & CNHT, Thương mại dịch vụ và phát triển kinh doanh ngoài.
Năm 2021, sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 3 triệu tấn, tăng gần 50% so với năm 2020, vận chuyển gần 38.000 container linh kiện ô tô; vận chuyển đường bộ hơn 25.500 container vật tư nông nghiệp đối lưu với các tỉnh Tây Nguyên và Campuchia, Lào.
Năm 2022, Thilogi kế hoạch vận chuyển gần 53.000 container linh kiện, hơn 39.000 container trái cây và vật tư nông nghiệp, sản lượng hàng hóa qua cảng Chu Lai dự kiến hơn 4,2 triệu tấn.
Trong năm 2021, Thaco đã nộp ngân sách Nhà nước hơn 20.000 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2020, đồng thời đóng góp tích cực cho các hoạt động xã hội như tài trợ kinh phí phòng chống dịch Covid-19 gần 1.100 tỷ đồng bao gồm 4,8 triệu kit test nhanh Covid-19, 190 xe chuyên dụng y tế các loại; cùng nhiều vật tư, trang thiết bị y tế cho các đơn vị tuyến đầu chống dịch trên hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước; Đóng góp hơn 16 tỷ đồng ủng hộ người nghèo đón Tết 2022.
Năm 2022: THACO tiếp tục đầu tư mạnh cho sản xuất công nghiệp và nông nghiệp
Với chiến lược trở thành Tập đoàn công nghiệp đa ngành hàng đầu khu vực ASEAN, phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới, Chủ tịch HĐQT THACO Group Trần Bá Dương vừa đưa thông điệp hoạt động của toàn bộ doanh nghiệp trong năm 2022.
THACO Group hiện có 2 Tập đoàn (THACO AUTO và THAGRICO) cùng 4 Tổng công ty thành viên (THACO INDUSTRIES, THADICO, THILOGI, THISO). Là doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của đất nước, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, mà đáng chú ý nhất là công nghiệp nặng, nông nghiệp, logicstic, thương mại và xây dựng hạ tầng nên kế hoạch đầu tư và sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp thuộc THACO Group luôn thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư cũng như dư luận.
Bởi vậy, thông điệp của năm 2022 mà người đứng đầu THACO Group đưa ra cũng rất được trông chờ khi sẽ có tác động không nhỏ tới các lĩnh vực mà doanh nghiệp này đang hiện diện.
THACO AUTO: Doanh số 125.000 xe, đầu tư thêm 42 showroom mới
Năm 2022, THACO AUTO sẽ tập trung chuyên sâu vào nghiên cứu phát triển công nghệ và các tính năng thông minh, phát triển sản phẩm xe du lịch điện, sản phẩm xe các loại theo yêu cầu khách hàng mang thương hiệu riêng của THACO và kiểm soát chất lượng sản phẩm xuyên suốt trên toàn chuỗi.
Doanh số bán hàng đặt ra cho năm 2022 là 125.000 xe ô tô các loại, trong đó xe du lịch là hơn 97.000 chiếc với các thương hiệu BMW, MINI, Mazda, Peugeot, Kia. Các loại xe tải, bus, minibus là 28.000 chiếc.
Mảng dịch vụ và phụ tùng của THACO AUTO cũng có mục tiêu đạt hơn 6.500 tỷ đồng trong năm 2022.
Cũng để thực hiện các mục tiêu bán hàng và dịch vụ này, THACO AUTO sẽ tiếp tục đầu tư thêm 42 showroom để nâng tổng số các showroom của mình lên 383.
Chỉ tính riêng năm nay, THACO AUTO sẽ chi đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.
THAGRICO: Bắt đầu có lãi
THAGRICO đang nắm trong tay 48.500 ha đất canh tác tại Tây Nguyên và Campuchia. Chiến lược được ông Trần Bá Dương đưa ra là sản xuất kinh doanh nông nghiệp với quy mô lớn trên nền tảng hữu cơ.
Trong kế hoạch năm 2022, THACGRICO sẽ đạt sản lượng trái cây là gần 400.000 tấn và 2.000 tấn mủ cao su với doanh thu là 4.700 tỷ đồng. Doanh nghiệp này sẽ tiếp tục trồng mới 1.500 ha cây ăn trái, nâng tổng diện tích trong năm 2022 lên đạt 10.300 ha chuối, 890 ha dứa và 3.700 ha xoài.
Các loại gia súc là bò và heo sẽ được nuôi dưới cả hình thức lấy giống và lấy thịt. THAGRICO sẽ nhập khẩu 7.000 con bò giống và cung cấp 16.000 con bò sinh sản cho các các Khu liên hợp nông nghiệp Ea H’leo (Đăk Lăk), Snoul, Kounmom (Campuchia), đồng thời xuất bán gần 8.500 con bò thịt thương phẩm. Tổng đàn bò đến cuối năm 2022 là hơn 53.000 con.
Có quy mô chăn nuôi lớn, THAGRICO cũng tổ chức sản xuất phân hữu cơ để cung cấp cho các nông trường cây ăn trái.
Tổng đàn heo giống, heo con là hơn 125.000 con; bán ra 109.000 con heo thịt thương phẩm. Mở rộng trang trại chăn nuôi heo tại Bình Định, An Giang và triển khai đầu tư mới trang trại chăn nuôi heo giống – heo thịt tại cao nguyên;
Với hoạt động chăn nuôi này, THAGRICO cũng sẽ đảm trách sản xuất 75.000 tấn thức ăn chăn nuôi và đầu tư thêm một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại miền Trung.
Hoạt động nông nghiệp sẽ được quản trị theo phương pháp công nghiệp, ứng dụng công nghệ sinh học và số hóa với lộ trình phù hợp.
Theo tính toán, tổng doanh thu của THAGRICO trong năm 2022 dự kiến là 10.700 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu là 7.000 tỷ đồng (tương đương gần 300 triệu USD); chi đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng.
Đối với Công ty cổ phần HAGL Agrico, hiện THACO sở hữu 26,7% cổ phần và điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của HAGL Agrico từ năm 2021 với tổng diện tích là 36.050 hecta tại Lào và Campuchia.
Năm 2022, sản lượng trái cây của HAGL Agrico sẽ là 177.000 tấn và hơn 12.000 tấn mủ cao su với doanh thu dự kiến là 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên do phải ghi nhận chi phí chăm sóc và chi phí chuyển đổi vườn cây rất lớn từ năm 2020 trở về trước nên HAGL Agrico ước lỗ khoảng 2.400 tỷ đồng.
Tìm kiếm nguồn vốn vay để tiếp tục đầu tư Hạ tầng kỹ thuật giao thông, điện, thủy lợi, xưởng đóng gói, nhà ở cán bộ nhân viên và công nhân với chi phí 728 tỷ đồng.
Trong năm 2022, THAGRICO cũng quyết định đặt Văn phòng tổng quản tại Gia Lai để quản trị xuyên suốt chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh của THAGRICO và hỗ trợ nghiệp vụ quản trị cho HAGL Agrico, thực hiện phân cấp quản trị từ Văn phòng Tổng quản THAGRICO đến các Khu liên hợp nông nghiệp/ các Công ty; Xí nghiệp/ Trang trại/ Nhà máy nhằm đảm bảo vận hành hiệu quả bộ máy sau tái cấu trúc. Phát triển đội ngũ nhân sự có chuyên môn kỹ thuật cao; tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện nhân sự địa phương, kết hợp với đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên trong nước và nước ngoài.
THACO INDUSTRIES: Đầu tư 3.500 tỷ đồng cho công nghiệp cơ khí và hỗ trợ
Là Tổng công ty sở hữu 20 nhà máy được tách ra từ THACO AUTO nhằm phát triển công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, mục tiêu năm 2022 của THACO INDUSTRIES là tiếp tục phát triển đa dạng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong nước và xuất khẩu.
Doanh nghiệp này sẽ đầu tư nâng cấp công nghệ các nhà máy hiện hữu và đầu tư đưa vào hoạt động các dự án nhà máy mới bao gồm: Nhà máy cấu kiện hạng nặng; Nhà máy thiết bị áp lực; Nhà máy thiết bị chuyên dụng… Đồng thời nghiên cứu khả thi nhằm hình thành 2 khu công nghiệp phía Bắc và phía Nam với mô hình sản xuất đã thành công tại Chu Lai, nhằm góp phần giảm chi phí logistics cho khách hàng ở hai miền và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Năm nay, THACO INDUSTRIES sẽ tiếp tục đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng, trong đó nâng cấp các nhà máy hiện hữu là 700 tỷ đồng và dự án đầu tư mới là 2.800 tỷ đồng.
Kế hoạch doanh thu năm 2022 của THACO INDUSTRIES là hơn 13.000 tỷ đồng, bao gồm cung cấp cho THACO hơn 6.300 tỷ đồng, cung cấp cho các đối tác bên ngoài hơn 6.700 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu hơn 6.100 tỷ (tương đương 265 triệu USD).
Doanh nghiệp này cũng sẽ được vận hành hoạt động theo cấu trúc mới trong đó có 3 công ty đầu mối gồm: Công ty cung ứng phôi thép và vật tư nguyên vật liệu; Công ty trung tâm cơ khí đóng vai trò gia công cơ khí và Công ty trung tâm R&D cung cấp dịch vụ thiết kế và phát triển sản phẩm.
Ba công ty này sẽ hỗ trợ cho các nhà máy trực thuộc và các đối tác bên ngoài nhằm tối ưu hóa và giảm giá thành cho chuỗi giá trị sản xuất cơ khí và công nghiệp hỗ trợ.
THADICO: Bàn giao cầu Thủ Thiêm 2
Năm 2022, THADICO sẽ đảm nhiệm việc xây dựng mới 35 tổ hợp showrom ô tô; triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động từng phần tại Khu Công nghiệp Cơ khí Ô tô mở rộng cho THACO AUTO, Khu Công nghiệp chuyên Nông – Lâm nghiệp tại Chu Lai và Khu công nghiệp chuyên Nông nghiệp tại Thái Bình; thông qua Công ty Xây dựng (THADICONS), tổ chức thi công hoàn thiện cơ bản các công trình tại các khu liên hợp trồng trọt tại Campuchia, Lào và tại các trang trại heo, bò tại Việt Nam cho THAGRICO. Triển khai thi công dự án mở rộng bến cảng Chu Lai và Khu cảng, logistics và phi thuế quan cho THILOGI. Hoàn thành đưa vào hoạt động Siêu thị Emart Sala Thủ Thiêm vào tháng 10/2022 và Siêu thị Emart Phan Huy Ích – Gò Vấp vào tháng 12/2022 cho THISO.
Ngoài các dự án trong THACO Group, THADICO cũng triển khai các dự án theo chiến lược đầu tư – kinh doanh như: hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng dự án cầu Thủ Thiêm 2 vào 30/04/2022; triển khai xây dựng các dự án tại Khu Đô thị Sala – Thủ Thiêm. Đồng thời nghiên cứu, phát triển các dự án Khu đô thị tại Chu Lai và một số tỉnh thành khác.
Đưa vào vận hành dự án phức hợp Socar Sala vào tháng 10/2022 và triển khai thi công 06 dự án phức hợp khác trên toàn quốc; hoàn thành bàn giao căn hộ cho khách hàng vào tháng 06/2022 và cải tạo giai đoạn 1 Trung tâm thương mại hiện hữu cho Khu phức hợp Yangon – Myamar.
Trong năm 2022, THADICO tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị theo phương pháp quản trị công nghiệp; kiện toàn bộ máy nhân sự, đặc biệt là đội ngũ nhân sự lãnh đạo, quản lý nhằm thực hiện các dự án với chuỗi giá trị khép kín từ nghiên cứu khả thi; đầu tư và thiết kế kiến trúc; thiết kế kỹ thuật và thi công xây dựng; đưa vào sử dụng và quản lý vận hành.
THILOGI: Khoảng 90.000 container qua tay
Kế hoạch năm 2022, THILOGI sẽ thực hiện dịch vụ forwarding cho hơn 55.000 container bằng đường biển quốc tế từ nước ngoài về Chu Lai và đối lưu hơn 27.000 container trái cây xuất khẩu trong đó hơn 1.000 container cho khách hàng bên ngoài.
Đội tàu Trường Hải Star vận chuyển hơn 28.300 container các tuyến đường biển nội địa trong đó có gần 17.000 container cho khách hàng bên ngoài. Vận chuyển đường bộ 39.000 container trái cây và vật tư nông nghiệp từ Campuchia, Lào và Tây Nguyên đến các cảng xuất khẩu và ngược lại; vận chuyển 128.000 xe ô tô thành phẩm từ Chu Lai đến các Công ty tỉnh thành/ đại lý. Tiếp nhận hơn 720 lượt tàu với sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Chu Lai dự kiến đạt hơn 4,2 triệu tấn.
THISO: đưa thêm 2 siêu thị Emart vào hoạt động
Trong năm 2022, THISO dự kiến đưa vào hoạt động thêm 02 đại siêu thị tại TP.HCM là Emart Sala (Thủ Thiêm) vào tháng 10/2022 và Emart Phan Huy Ích (Gò Vấp) vào tháng 12/2022. Đồng thời, triển khai đầu tư xây dựng để đưa vào hoạt động Emart tại Đồng Nai, Bình Dương và Tây Hồ Tây (Hà Nội) trong năm 2023.
Bên cạnh đó, tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu về doanh thu bình quân trên một siêu thị cao nhất cả nước.
Trong năm 2022, THISO cũng sẽ tuyển dụng bổ sung nhân sự từ bên ngoài và đào tạo phát triển đội ngũ lãnh đạo đáp ứng cấu trúc, sơ đồ tổ chức và định biên theo nhu cầu phát triển mở rộng hệ thống với 10 siêu thị đến năm 2025; đồng thời, đáp ứng tiêu chí tiêu chuẩn nhân sự chung của THACO và đặc thù của ngành bán lẻ từ Emart Korea.
Không chỉ có các đơn vị thành viên tiến hành đầu tư, mà THACO Group cũng sẽ tiến hành phát triển hệ sinh thái đa ngành tiêu biểu tại Quảng Nam, miền Trung và kết nối với hai miền Nam – Bắc; Tây Nguyên, Lào, Campuchia trên tất cả các lĩnh vực gồm sản xuất ô tô, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, Logistics, nông nghiệp, đô thị, thương mại dịch vụ và du lịch công nghiệp.
Tổng giá trị đầu tư trong năm 2022 của THACO tại Chu Lai sẽ là khoảng 5.000 tỷ đồng và tập trung vào các dự án khu công nghiệp, khu đô thị và hạ tầng giao thông, nhằm đưa hoạt động sản xuất kinh doanh của THACO thực sự lên tầm cao mới theo hướng bền vững hơn trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới.
Theo Doanh nghiệp và tiếp thị, Báo đầu tư