Tỷ phú đầu tiên của nhân loại Rockefeller khuyên nhân viên không nên dành phần lớn thời gian (trừ lúc ngủ) để làm việc mà phải chú ý đến các khía cạnh khác của cuộc sống.
Rất lâu trước khi Jeff Bezos, Elon Musk trở thành những người giàu nhất thế giới, ông trùm dầu mỏ John D. Rockefeller đã lập kỷ lục với khối tài sản của mình.
Vừa là nhà từ thiện, vừa là ông chủ của đế chế dầu mỏ Standard Oil Company, Rockefeller trở thành tỷ phú đầu tiên của nước Mỹ vào năm 1916.
Vào thời điểm đó tài sản của Rockefeller trị giá gần 2% nền kinh tế quốc gia. Nếu Bezos cũng muốn sở hữu giá trị tương đương thì ông phải tăng gấp đôi tài sản của mình lên khoảng 399,2 tỷ USD
Năm 16 tuổi, John D. Rockefeller bước vào thế giới kinh doanh với tư cách là một nhân viên kế toán tại Hewitt and Tuttle, một công ty môi giới nông sản ở Cleveland, Ohio.
Hai năm sau, do không hài lòng về mức lương thấp, Rockefeller bỏ việc để thành lập một doanh nghiệp cũng hoạt động trong lĩnh vực này.Không lâu sau, nó đã trở thành một trong những công ty tốt nhất ở Cleveland và tên tuổi của ông được nhiều người biết đến hơn.
Chưa dừng lại ở đó, ông hợp tác với một nhà hóa học để thành lập một trong những nhà máy lọc dầu đầu tiên ở Mỹ mang tên Standard Oil. Đến năm 1865, đây là công ty có lợi nhuận cao nhất toàn cầu. Rockefeller cũng được coi là tỷ phú đầu tiên trên thế giới.
Rockefeller cho biết có 5 nguyên tắc quan trọng giúp ông đạt được thành công này. Dưới đây là những nguyên tắc đó:
Luôn nói sự thật
Rockefeller là một người trung thực. Các nhân viên ngân hàng yêu mến điểm này của ông và sẵn sàng hợp tác cũng như hậu thuẫn cho hầu hết các dự án kinh doanh của vị tỷ phú vì họ tin tưởng ông.
Rockefeller xây dựng văn hóa làm việc của mình dựa trên sự trung thực. Ông yêu cầu mọi người phải luôn nói sự thật và chịu trách nhiệm với lời nói cũng như hành động.
Ông từng nói: “Điều quan trọng nhất đối với một người là tạo dựng được uy tín, danh tiếng và tư cách”.
Chú ý đến từng chi tiết
Ron Chernow nói về sự chú ý của Rockefeller đến từng chi tiết trong cuốn sách bán chạy nhất của mình. Từ ngoại hình, thói quen buổi sáng, thói quen hàng ngày, các mối quan hệ nghề nghiệp, nỗi ám ảnh về những con số, Rockefeller đều chú ý đến từng tiểu tiết.
Những chi tiết nhỏ này kết hợp lại để tạo nên doanh nhân quyền lực bậc nhất thế giới. Ngoài để ý đến công việc, ông trùm dầu mỏ còn dành thời gian quý giá của mình để hiểu những người làm việc với ông rõ hơn và luôn tôn trọng mọi người.
Xây dựng một nhóm tuyệt vời
Rockefeller đối xử rất công bằng và trả lương cao cho cấp dưới. Ông là một trong những doanh nhân đầu tiên cho phép nhân viên trực tiếp gửi khiếu nại hoặc đề xuất.
Hơn ai hết, ông hiểu rằng để xây dựng một doanh nghiệp vĩ đại, ông cần một nhóm tuyệt vời. Để làm điều đó, ông tập trung vào EQ (trí tuệ cảm xúc).
Ông từng nói: “Khả năng tương tác với người xung quanh và xử lý vấn đề cũng đáng giá như các mặt hàng như đường hay cà phê. Tôi sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho khả năng đó”. Và đội ngũ vừa có chuyên môn vừa có trí tuệ cảm xúc đã giúp ông gặt hái nhiều thành công.
Chăm sóc bản thân
Trong cuốn hồi ký của mình, Rockefeller nói về tầm quan trọng của việc chăm sóc bản thân. Ông cảnh báo mọi người không nên hy sinh sức khỏe chỉ vì làm giàu.
Ông khuyên nhân viên không nên dành phần lớn thời gian (trừ lúc ngủ) để làm việc mà phải chú ý đến các khía cạnh khác của cuộc sống. Và ông chính là ví dụ điển hình nhất: Nhờ chăm sóc bản thân tốt, ông sống đến 97 tuổi.
Một trong những câu nói hay nhất của ông là “Người làm việc cả ngày là người không kiếm được tiền”. Rockefeller tin rằng người không dành thời gian chăm sóc bản thân sẽ không kiếm được tiền.
Theo vị tỷ phú, chăm sóc bản thân bắt đầu bằng một giấc ngủ ngon, uống nhiều nước, tập thể dục và chế độ ăn uống điều độ.
Tập trung vào các mục tiêu
Rockefeller luôn tập trung vào mục tiêu đã đặt ra, nhất quán với thói quen và kiên trì với cách tiếp cận của mình.
Khi chuyển đến Cleveland, ông coi tìm việc mới là một việc nghiêm túc. Ông mặc vest đen, cạo râu sạch sẽ, đánh bóng giày và sẵn sàng cung cấp dịch vụ của mình.
Rockefeller giữ các mục tiêu chính đã đề ra là động lực thúc đẩy hành động. Nhờ, đó, ông đã đạt được thành công lớn trong sự nghiệp.
Tư duy làm giàu tuyệt đỉnh ẩn sau câu chuyện “3 miếng dưa hấu” của tỷ phú giàu nhất lịch sử nhân loại John D. Rockefeller
Một câu chuyện về bài học lợi ích vô cùng sâu sắc cho những ai muốn làm giàu của “Vua dầu mỏ” John D. Rockefeller.
Nhắc đến tỷ phú John Davison Rockefeller Sr. (8/7/1839 – 23/5/1937) là nhắc đến sự giàu có tột bậc. Ông Vua dầu mỏ này được xem là người Mỹ giàu có nhất mọi thời đại và người giàu nhất trong lịch sử hiện đại.
Rockefeller cũng được coi là tỷ phú đầu tiên trên thế giới và người giàu nhất lịch sử thế giới hiện đại với Giá trị tài sản ròng đạt đỉnh được ước tính là 418 tỷ đô la Mỹ (tính theo đô la năm 2019; đã điều chỉnh lạm phát) vào năm 1913.
Tài sản cá nhân của ông ước tính khoảng 900 triệu USD vào thời điểm năm 1913, gần bằng 3% GDP của Hoa Kỳ là 39,1 tỷ USD năm đó.
Tư duy làm giàu tuyệt đỉnh ẩn sau câu chuyện “3 miếng dưa hấu”
Tại sao người giàu lại giàu? Tại sao người nghèo lại nghèo? Câu chuyện “3 miếng dưa hấu” của chính John D. Rockefeller sẽ truyền cảm hứng giúp bạn thay đổi hiện trạng và thoát khỏi cảnh nghèo khó.
Có một thanh niên ở Mỹ bị ám ảnh bởi việc làm giàu và khao khát một ngày nào đó trở thành triệu phú. Thế nhưng, do không biết nên bắt đầu từ đâu nên anh suy nghĩ về vấn đề này cả ngày, kể cả lúc ngủ.
Một ngày nọ, khi đang kiếm tiền như thường lệ, anh bất ngờ xem được danh sách người giàu có lúc bấy giờ, và ánh mắt anh tập trung vào người đứng đầu bảng – Rockefeller của Công ty Dầu nhớt Mobil.
Thế rồi, anh nảy ra ý tưởng đến gặp Rockefeller để thực hiện ý tưởng “làm giàu”.
May mắn, chàng thanh niên đã có thể gặp gỡ tỷ phú Rockefeller. Đối diện với chàng trai chưa từng gặp, Rockefeller tò mò hỏi lý do đến thăm, chàng trai sốt ruột nói: “Xin chào, tôi đã ngưỡng mộ tên tuổi ông từ lâu rồi.
Hôm nay mạo muội đến đây cũng vì muốn hỏi ông cách trở thành tỷ phú, tôi thực sự muốn tiến bộ và trở thành người giống như ông”. Nghe đoạn, Rockefeller đã mời anh chàng trẻ tuổi vào nhà.
Người thanh niên vừa bước vào cửa đã bị choáng ngợp bởi nội thất xa hoa bóng loáng, anh chưa bao giờ thấy một căn nhà được trang hoàng lộng lẫy như vậy.
Trong khi chàng trai chưa hết thẫn thờ, Rockefeller nói với anh: “Hôm nay người giúp ở nhà được nghỉ phép cả rồi, tôi lại không biết thức ăn để tiếp đãi đặt ở đâu. Tuy nhiên, tôi tìm thấy một quả dưa hấu, mời cậu ăn nhé!”.
Tiếp theo, Rockefeller cắt dưa hấu thành 3 miếng với kích thước khác nhau, ông nói với chàng trai trẻ: “Trước khi ăn, tôi muốn hỏi cậu một câu: Nếu 3 miếng dưa hấu này tượng trưng cho những lợi ích khác nhau mà cậu có thể nhận được trong tương lai, cậu sẽ chọn miếng nào?”.
Người thanh niên rất nhanh nhảu, không do dự cầm miếng to nhất trong ba miếng, trong khi Rockefeller chọn miếng dưa hấu nhỏ nhất.
Họ bắt đầu ăn cùng lúc, trong khi người trẻ đó vẫn đang ăn miếng dưa hấu to, thì Rockefeller đã ăn hết miếng dưa hấu nhỏ nhất và ăn cả miếng còn trên bàn.
Lúc này, chàng thanh niên bỗng hiểu ra ẩn ý mà Rockefeller muốn truyền tải. Còn bạn, bạn có hiểu dụng ý của “Vua dầu mỏ” khi mời chàng trai ăn dưa hấu không?
Đạo lý ẩn sau câu chuyện “3 miếng dưa hấu” rất đơn giản: Trong ba miếng dưa hấu có kích thước khác nhau, đại đa số mọi người vì ham cái lợi lớn nhất trước mắt nên sẽ chọn miếng dưa hấu to nhất giống như anh thanh niên trong truyện.
Nhưng trên thực tế, hai miếng dưa hấu nhỏ của Rockefeller cộng lại còn nhiều hơn cả miếng mà chàng trai trẻ đã ăn.
Câu chuyện chưa kết thúc, sau khi họ ăn hết dưa hấu, Rockefeller đã kể cho chàng thanh niên nghe kinh nghiệm trưởng thành và tư duy làm giàu của mình: “Nếu muốn thành công, ta không phải chỉ đi tìm những lợi ích lớn nhất, mà nên học cách lựa chọn và từ bỏ những lợi ích trước mắt để nhìn nhận về lâu dài, nhằm thu được nhiều lợi ích hơn. Đây chính là con đường đi đến thành công của tôi”.
Ông tiếp: “Tại sao lại có khoảng cách giữa người nghèo và người giàu? Mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau cho câu hỏi này. Nhưng theo tôi, những tác nhân tạo ra khoảng cách giàu nghèo bao gồm năng lực cá nhân, tư duy, tầm nhìn, sự may mắn… Và quan trọng nhất chính là tầm nhìn”.
Nguyên nhân khiến nhiều người nghèo không chỉ không thể thay đổi hiện trạng, mà còn ngày càng nghèo đi, không hẳn là do họ không làm việc chăm chỉ hay họ không biết cách đầu tư, mà vì họ chỉ tập trung vào lợi ích sinh tồn trước mắt, thích tính toán chi li những điều nhỏ nhặt.
Quả thực đó là do cuộc sống ép buộc, nhưng điều này không phải là không thể thay đổi. Trên thực tế, người giàu cũng sẽ tính toán vì lợi ích trước mắt, nhưng đồng thời, họ có tầm nhìn dài hạn, không chỉ giới hạn hạn hẹp ở hiện tại.
Khi họ thấy rằng tiến lên sẽ thu về hơn, họ có thể không do dự từ bỏ những lợi ích hiện thời. Suy cho cùng, muốn kiếm được nhiều hơn thì phải nhìn xa, sự tạm thời sẽ trở nên vô ích trong các kế hoạch lâu dài.
Nếu một người thiển cận và chỉ tập trung vào lợi ích nhất thời kiếm được tiền thì cũng sớm tiêu hết, hoặc mất trắng vào các khoản đầu tư khác. Do đó, hãy học cách nhìn nhận lâu dài, sự giàu có sẽ đến gần bạn hơn.
Nguồn: Doanh Nghiệp Tiếp Thị / Trí Thức Trẻ
Xem thêm bài liên quan
- Câu chuyện kinh doanh: Làm cách nào bán được cái áo cũ rách với giá cao ngất ngưởng? – Bạn bán hàng gì không quan trọng, quan trọng là bạn bán như thế nào
- 7 “Bí quyết vàng” từ những người thành công hơn người mà ai cũng nên học hỏi: Người không than vãn gần như chẳng làm nên trò trống gì
- Tỷ phú giàu nhất mọi thời đại Rockefeller tiết lộ tư duy làm giàu tuyệt đỉnh ẩn sau câu chuyện “3 miếng dưa hấu”