Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất châu Á trong năm 2022, báo hiệu sự khởi sắc bất chấp những rủi ro từ nguy cơ suy thoái toàn cầu.
Đó là bình luận mới nhất của hãng tin chuyên về tài chính Bloomberg sau khi Việt Nam chính thức công bố tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 8,02% trong năm nay.
Chỉ số này đã tăng nhanh hơn mục tiêu tăng trưởng ban đầu của chính phủ là 6% – 6,5% và được hỗ trợ bởi mức tăng trưởng 5,92% nhanh hơn dự kiến trong quý cuối cùng.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Việt Nam, ngành sản xuất tăng trưởng 8,1% trong năm nay và là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Sức bật mạnh mẽ trong các ngành dịch vụ cũng đã góp phần hỗ trợ tăng trưởng chung.
Theo Bloomberg, kết quả tốt hơn mong đợi trên đã giúp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thêm dấu hiệu để theo dõi trước khi quyết định điều chỉnh chính sách tiền tệ thay vì thắt chặt.
Tờ báo của Mỹ cũng đã trích dẫn một số số liệu quan trọng vừa được công bố ngày 29/12, trong đó có sản xuất vào cuối tháng 12 tăng 8,1% so với một năm trước đó. Xuất khẩu tháng 12 giảm 14% so với một năm trước, trong khi nhập khẩu giảm 8,1%.
Giá tiêu dùng tăng 4,55% trong tháng 12 so với một năm trước đó. Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu hạn chế mức tăng giá trung bình ở ngưỡng 4% trong năm nay. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước tính tăng 13,5% trong năm nay lên 22,4 tỷ USD.
Ngày 14/12, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang vận hành tốt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn, cũng như là các dự báo rủi ro về triển vọng kinh tế đã tăng lên. ADB dự báo mức tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam là 6,3% khi các đối tác thương mại lớn khác chứng kiến mức tăng trưởng chậm lại.
Bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục đấu tranh để kiểm soát lạm phát trong năm tới.
Vì sao GDP tăng cao nhất 12 năm?
Ngoài lý do mức nền so sánh thấp, các chuyên gia cho rằng GDP đạt mức tăng ấn tượng nhờ các nhân tố sáng như tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và giải ngân FDI.
Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố hôm 29/12 cho biết kinh tế Việt Nam năm nay tăng 8,02%, mức kỷ lục của giai đoạn 2011-2022. Con số này đã được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước dự báo từ trước. Trung tuần tháng này, HSBC cho rằng GDP Việt Nam năm nay sẽ là 8,1%.
Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương trước đó cũng nhận định tại một tọa đàm ở TP HCM rằng GDP có thể ở mức 8%. “Đây là kết quả rất tốt và rất cao. Trước đó, tôi từng nghĩ tăng trưởng có thể 8,5%, nhưng do chế biến chế tạo giảm những tháng cuối năm”, ông Tú Anh nói.
Vậy những nhân tố nào tạo nên con số tăng trưởng kỷ lục năm qua? Đầu tiên theo các chuyên gia là do mức nền so sánh thấp. 2021 vốn là năm chịu thiệt hại nặng nề bởi Covid-19, với GDP chỉ tăng 2,58% so với 2020, dưới mục tiêu đặt ra là 6,5%. Nhưng thành quả từ các nhân tố sáng trong quá trình phục hồi cũng không thể phủ nhận. Theo ông Tú Anh đó là tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và giải ngân FDI.
Cơ quan thống kê thông tin, trong mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (GDP), khu vực dịch vụ đóng góp nhiều nhất (gần 57%); tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng (góp hơn 38%) và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp (5,11%).
Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (tức dòng chảy khu vực dịch vụ) tăng 19,8% so với 2021, loại trừ yếu tố giá vẫn tăng 15,6%. Nếu so với 2019 – thời điểm trước dịch – cũng tăng 15%.
Xuất khẩu Việt Nam 9 tháng đầu năm thực sự tốt nhờ kinh tế các nước đối tác chính phục hồi, thặng dư thương mại hàng hóa trên 10 tỷ USD. Mảng này chỉ yếu dần kể từ tháng 10 nên cả năm ước đạt hơn 371 tỷ USD, vẫn tăng 10,6%.
Và trong số động lực tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được nhắc tới như là điểm cộng góp vào mức tăng GDP. Vốn FDI cam kết dù giảm 11% nhưng vốn giải ngân năm nay đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5%, mức cao nhất 5 năm qua.
Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Thống kê đánh giá, khu vực nông, lâm, thuỷ sản tiếp tục cho thấy vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong năm 2022. Bà cho biết sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, xuất khẩu nông sản đạt kết quả ấn tượng nhờ vào chất lượng sản phẩm, quá trình xúc tiến thương mại và đa dạng hoá thị trường.
Bên cạnh đó, với khu vực công nghiệp, xây dựng, các doanh nghiệp đã chủ động hơn về kế hoạch sản xuất, khắc phục khó khăn. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là động lực chính cho tăng trưởng của nền kinh tế với tốc độ tăng 8,1%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 7,45%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,05%…
Năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%. Vậy cách nào để đặt hy vọng vượt mục tiêu này?
Ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Thống kê cho rằng, qua phân tích, đây là mức tăng trưởng đầy thách thức trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đều khó khăn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có nhiều động lực để phát triển, đạt được mục tiêu đề ra.
Đồng tình, Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh cho rằng có rất nhiều cách. Đầu tiên, việc củng cố và khơi thông nội lực là quan trọng, nhất là khi một số lĩnh vực chưa khai thác hết tiềm năng. Trong đó, đáng chú ý là nghịch lý “thị trường khan vốn nhưng tiền mang đi cất”.
Thực tế, theo ông, năm qua tăng trưởng kỷ lục 12 năm nhưng tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ xấp xỉ trước dịch, với 11,2% so với mức 10,2% của năm 2019 và 11,2% của 2018. Tiền cho đầu tư công lẫn nhu cầu doanh nghiệp vẫn nằm yên nhiều trong ngân hàng. Đến 30/11, giải ngân vốn ngân sách nhà nước khoảng 58,33%. Sang năm, Việt Nam phải giải ngân tổng vốn đầu tư công trên 700.000 tỷ đồng.
Theo Tiến sĩ Phạm Thị Thanh Xuân, Trưởng Bộ môn Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế – Luật, có hiện tượng cuộc đua lãi suất chỉ làm “vốn chạy vòng quanh” giữa các ngân hàng chứ không chảy nhiều vào sản xuất.
“Cuộc đua lãi suất dường như là sự tranh giành thị phần của các định chế tài chính, còn hỗ trợ vĩ mô có giới hạn. Cần dừng cuộc đua này lại nếu không sẽ khó cho kinh tế vì chi phí vốn không ngừng leo thang”, bà Xuân nói.
Vì vậy, theo các chuyên gia, ngoài tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, việc giảm lãi suất, tăng cung tiền sẽ phần nào khơi thông mạch máu cho năm sau. Bởi lẽ, có cơ sở để không quá lo ngại vấn đề lạm phát. Thực tế, lạm phát của Việt Nam được cho là đến từ chi phí đẩy (giá nhập khẩu, tỷ giá tăng) chứ không phải tổng cung tiền tăng.
Trong khi, chi phí đẩy năm sau có khả năng hạ nhiệt khi tỷ giá giảm, phù hợp với việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ – Fed giảm tốc độ nâng lãi (chỉ với 50 điểm phần trăm tháng này). Ngoài ra, hầu hết nước xung quanh (trừ Thái Lan) đã phá giá nội tệ cao hơn nên Việt Nam đang có lợi thế chi phí nhập nguyên liệu, hạn chế nhập khẩu lạm phát. “Sản lượng nền kinh tế cũng đang nằm xa sản lượng tiềm năng nên việc đưa tiền ra không kích hoạt lạm phát”, ông Tú Anh nêu quan điểm.
Thứ hai, các chuyên gia cho rằng việc tận dụng tối đa các cơ hội còn lại sẽ rất quan trọng trong năm sau, khi kinh tế thế giới có thể kém sáng sủa. Trong đó, thu hút FDI vẫn tốt và du lịch kỳ vọng hồi phục nhanh hơn.
Theo HSBC, bất chấp những “cơn gió ngược” có tính chu kỳ, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Ngoài Lego, các tập đoàn lớn như Samsung, LG gần đây đã công bố sẽ tiếp tục rót tiền, cho thấy sự hấp dẫn lâu dài của Việt Nam.
Công ty quản lý đầu tư Colliers cũng cho rằng Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm thu hút đầu tư hàng đầu. “Chúng tôi nhận được ngày càng nhiều yêu cầu từ các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… nhắm đến nhiều phân khúc bất động sản tại Việt Nam, từ khu công nghiệp, văn phòng, nhà ở, cho đến bán lẻ và khách sạn”, ông David Jackson, Tổng giám đốc, Colliers Việt Nam nói.
Theo ông, dù tâm lý chung vẫn rất thận trọng, nhà đầu tư nước ngoài đang tận dụng giai đoạn thị trường giảm tốc để củng cố danh mục đầu tư. “Với các chủ đầu tư trong nước, chúng tôi cho rằng các hoạt động tái cấu trúc và M&A sẽ còn tiếp diễn trong những tháng tới, chủ yếu nhằm chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng ổn định hơn trong dài hạn”, ông nói thêm.
Trong lĩnh vực dịch vụ, đà tăng trưởng của tiêu dùng nội địa có chậm lại nhưng vẫn còn. Riêng du lịch có cơ hội tăng tốc phục hồi. Chỉ tính 11 tháng 2022, du lịch nội địa đã vượt mốc 100 triệu lượt khách, tăng hơn gấp 1,5 lần so với mục tiêu 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt năm 2019.
Khách quốc tế cả năm hơn 3,6 triệu lượt, vẫn giảm 79,7% so với năm 2019. Dù vậy, thị trường mới như Ấn Độ, Trung Đông đang tiềm năng. Gần nhất, việc Trung Quốc – từng là nguồn khách lớn nhất – mở cửa trở lại với chính sách không cần cách ly khi nhập cảnh từ 8/1 thắp lên hy vọng mới.
“Chưa rõ khách quốc tế năm sau có đạt 8 triệu lượt hay không nhưng khách Trung Quốc có thể là một nguồn lớn, đặc biệt là với miền Trung”, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế – Luật, dự đoán.
Cuối cùng là việc theo dõi và có phương thức thích ứng kịp thời với một vài “ẩn số” khó lường sẽ giúp Việt Nam tránh các cú sốc làm trật bánh tăng trưởng.
Các chuyên gia cho rằng, cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây vẫn chưa hồi kết, khiến giá năng lượng khó đoán. Mỹ tiếp tục siết chặt cấm vận công nghệ Trung Quốc và hàng nước này có thể không còn rẻ do năng suất lao động giảm. Lạm phát tại Mỹ, Âu vẫn dai dẳng, cộng với lãi suất cao khiến sức mua toàn cầu ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu như Việt Nam. Khi thu nhập thực tế từ xuất khẩu giảm, có xác suất tiền lương tăng chậm hơn lạm phát.
“Dù lạm phát Mỹ có thể không như lo lắng nhưng cần bám sát tình hình suy thoái của châu Âu do quyết định của Fed và xung đột Ukraine diễn biến rất nhanh. Vì vậy, các nghiên cứu sắp tới về nền kinh tế cần theo diễn biến quốc tế hơn, đánh giá nguồn lực của mình”, ông Dũng khuyến nghị.
Theo Báo tin tức, Vnexpress