Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, nhiều chuyên gia nước ngoài rất đồng tình với định hướng của Việt Nam là nước ta không thể nghèo, không cần quá giàu, nhưng có cuộc sống an toàn và có nhiều tình yêu thương.
Chiều 6/12, tiếp tục Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã truyền đạt chuyên đề về “Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Về mục tiêu phát triển, theo Phó Thủ tướng, quy hoạch tổng thể quốc gia đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm.
Về mục tiêu cụ thể, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021 – 2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Tỷ trọng trong GDP của khu vực dịch vụ đạt trên 50%, khu vực công nghiệp – xây dựng trên 40%, khu vực nông, lâm, thủy sản dưới 10%.
Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP. Quy mô dân số đến năm 2030 đạt khoảng 105 triệu người.
Theo ông Vũ Đức Đam, hiện nay ở các đô thị lớn như TP.HCM nhiều gia đình có điều kiện nuôi dạy con tốt nhưng lại không muốn sinh hoặc chỉ sinh 1 – 2 con, còn các vùng khó khăn, vùng núi, nông thôn lại sinh nhiều hơn.
“Đây là câu chuyện phải chú ý để hỗ trợ để làm sao các con, cháu sau này sinh ra được học hành tốt” – ông Vũ Đức Đam nói và thông tin Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia cũng đặt mục tiêu về tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm.
Về giáo dục, đặt mục tiêu nước ta thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tốt nhất châu Á. Tỷ lệ sinh viên đại học đạt 260 trên 1 vạn dân. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 – 40%.
“Giáo dục phổ thông của ta đã tốt, giáo dục đại học cũng có thể làm được nếu giải quyết tốt câu chuyện tự chủ đại học, vừa qua đã phát triển mạnh việc này. Việt Nam hiện nay có 260 người/10.000 dân trong độ tuổi được đi học đại học, tỷ lệ này là thấp so với Thái Lan, Hàn Quốc…
Chúng ta không phải thừa thầy thiếu thợ mà thiếu cả thầy giỏi, thiếu thợ giỏi. Còn đào tạo nghề vừa qua phát triển mạnh nhưng vẫn còn yếu, tới đây phải làm mạnh mẽ hơn” – Phó Thủ tướng cho biết.
Về y tế, theo ông Vũ Đức Đam, quy hoạch tổng thể quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2030, đạt 35 giường bệnh và 19 bác sĩ trên 1 vạn dân; tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%.
Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của đất nước.
Quy hoạch cũng đặt mục tiêu tầm nhìn đến năm 2050, nước ta là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 – 32.000 USD.
Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70 – 75%. Chỉ số phát triển con người ở mức cao, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Chia sẻ quá trình làm việc với nhiều chuyên gia nước ngoài, Phó Thủ tướng cho biết, nhiều chuyên gia nói với ông, họ đồng tình với quan điểm phát triển của Việt Nam.
Chuyên gia đặt câu hỏi: Liệu Việt Nam có nên phát triển giống như một số nước hiện nay? Ở một số nước phát triển, thu nhập rất cao nhưng họ sống 3 tiếng/ngày trên tàu điện, không muốn lập gia đình.
Và họ rất đồng tình với định hướng của Việt Nam là nước ta không thể nghèo, không cần quá giàu, cần vừa phải, nhưng có cuộc sống an toàn và có nhiều tình yêu thương giữa con người với nhau, giữa con người với thiên nhiên và vạn vật. Đó là lý tưởng phấn đấu.
“Có chuyên gia nói họ đến từ nước phát triển nhất, nhưng nếu được ước, họ ước được quay lại như Việt Nam và phát triển theo định hướng này. Không thể đi xe đạp, không đi xe gắn máy vì khi trời mưa sẽ ướt, nhưng có thể đi xe Toyota thì còn hơn là đi xe Lexus mà sống quá nhanh và tàn phá tất cả” – ông Vũ Đức Đam chia sẻ.
Về các nhóm giải pháp, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kết cấu hạ tầng; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với không gian phát triển mới; phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia; và phát triển các hành lang kinh tế.
Cụ thể, hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng văn hóa, xã hội, hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở tăng năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng tại địa bàn có vị trí, điều kiện thuận lợi, có hạ tầng phát triển, cảng biển, cảng hàng không quốc tế lớn, khu kinh tế ven biển, tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao để hình thành các đầu tàu lôi kéodẫn dắt sự phát triển của quốc gia.
Cùng với đó hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc – Nam, cácvà hành lang kinh tế Đông – Tây, các vành đai kinh tế ven biển; kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng…/.
Bản quy hoạch quốc gia tốt nhất
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ bên lề Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: “Quyết tâm của Chính phủ đã thể hiện rõ trong bản quy hoạch. Đây là điểm rất đáng mừng”.
PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá chất lượng của bản quy hoạch đã được nâng lên sau mỗi lần đóng góp ý kiến. Ban Biên tập đã tiếp thu ý kiến một cách rất nghiêm túc, cẩn thận. Từ đó tạo ra hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội, thể hiện sự cầu thị lắng nghe, nhờ thế chúng ta hy vọng sẽ có bản quy hoạch quốc gia tốt nhất trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, không nên kỳ vọng trong một bản quy hoạch phải giải quyết hết tất cả các mong muốn “nén” vào trong đó, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang có cuộc đua tranh lớn với thế giới. Ngoài các chương trình phát triển thông thường thì bản quy hoạch cần tạo ra những tuyến đột phá rất mạnh.
“Một trong những tuyến đột phá mà trong quy hoạch này đã thiết kế rất rõ đó là dự kiến mục tiêu có 5.000 km đường bộ cao tốc đến năm 2030. Hiện nay nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải lưu thông với tốc độ cao, đòi hỏi phải có sự kết nối hiệu quả trong khi đất nước ta có hình thể dài mà độ mở lại lớn nên cách tiếp cận làm đường cao tốc chắc chắn là cách tiếp cận rất cơ bản để tạo ra đột phá”, PGS. TS Trần Đình Thiên bày tỏ quan điểm.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, kinh nghiệm của thế giới và ngay cả ở các nước Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, gần đây là Trung Quốc đã cho thấy một thực tế, đó là trong giai đoạn đầu, càng dốc sức làm đường cao tốc để tạo nền tảng thì nền kinh tế càng bay lên nhanh, chất lượng phát triển cao.
“Trong những năm gần đây, Chính phủ đã nỗ lực dốc sức cho xây dựng đường cao tốc, đôn đốc, tạo mọi điều kiện cơ chế, chính sách để giải quyết ách tắc. Và lần nay thể hiện trong bản quy hoạch. Đây là điểm rất đáng mừng. Tôi tin những điều đó sẽ mang lại những đột phá mạnh”, PGS.TS Trần Đình Thiên cho hay.
Cũng theo PGS.TS Trần Đình Thiên, quy hoạch quốc gia phải dựa trên khung mang tính chất nền tảng, đó là quy hoạch giao thông, quy hoạch hạ tầng. Trong quy hoạch hạ tầng, mạch chính là tuyến đường cao tốc, nhưng vẫn còn các tuyến khác cần chú ý thêm như: Tuyến đường sắt cao tốc, các cảng hàng không, cảng biển – đây là những “tọa độ” cùng với đường cao tốc phải đồng nhịp, đồng hành với nhau, bởi nếu chú ý mỗi đường bộ cao tốc thì cũng không bảo đảm hiệu quả tốt nhất.
Theo VOV, Báo chính phủ