100 người giàu nhất Hàn Quốc đang sở hữu 22.582 ngôi nhà – dữ liệu được Cơ quan Thống kê Hàn Quốc tính đến ngày 1/11. Tổng giá trị tài sản được chính phủ Hàn Quốc ước tính tới 2,3 tỷ USD.
Theo Korea Times, dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc mới đây cho biết tính đến ngày 1/11, 100 người giàu nhất Hàn Quốc đang sở hữu 22.582 ngôi nhà, cao hơn 1.893 ngôi nhà so với năm ngoái. Con số này tương đương mức tăng 9,1%.
Tổng giá trị khối tài sản này ước tính lên tới 2.950 tỷ won, tương đương 2,3 tỷ USD, tăng 17% so với năm ngoái.
Điều này đồng nghĩa bình quân mỗi tài phiệt Hàn Quốc sở hữu khoảng 226 ngôi nhà với tổng giá trị tài sản được kê khai ước tính đạt 30 tỷ won, tương đương 23,4 triệu USD.
Giới chức Hàn Quốc chỉ trích các chính sách quản lý bất động sản dưới quyền của tổng thống đương nhiệm tạo điều kiện cho người giàu gia tăng tài sản đầu cơ.
Ngay giữa tháng 12, chính phủ Hàn Quốc cho biết một trong những định hướng chính sách kinh tế trong năm tới sẽ bao gồm giảm thuế và nới lỏng các quy định cho vay đối với người sở hữu nhiều bất động sản.
Theo một số quan chức nước này, chính phủ đáng lẽ nên tập trung vào hoạt động ổn định thị trường nhà ở thay vì thúc đẩy làn sóng đầu cơ bất động sản trong giới giàu có.
Khoảng cách giàu nghèo ở Hàn Quốc đạt mức kỷ lục
Ngày càng nhiều thanh niên xứ củ sâm không đủ điều kiện kinh tế để bắt đầu cuộc sống một mình. Họ rơi vào nhóm những người nghèo nhất và ít có cơ hội sở hữu bất động sản.
Theo Cơ quan thống kê Hàn Quốc, tài sản trung bình thuộc sở hữu của 20% hộ gia đình có thu nhập cao nhất là 1,65 tỷ won, gấp 64 lần so với 25,8 triệu won của 20% nhóm tương phản.
Đó là khoảng cách giàu nghèo lớn nhất kể từ khi đơn vị này tiến hành khảo sát, Chosun Ilbo đưa tin.
Hệ số Gini đối với tài sản, đánh giá mức độ phân bổ của cải, nằm ở mức 0,66, cũng là ngưỡng cao kỷ lục.
Chỉ số nằm trong khoảng từ 0 đến 1 và càng gần 1 thì sự bất bình đẳng càng cao. Tình trạng này chủ yếu là do giá bất động sản leo thang.
Khoảng 98,6% hộ gia đình trong số 20% những người giàu nhất sở hữu đất đai, nhưng tỷ lệ này chỉ ở mức 10,1% với nhóm còn lại.
Theo Hội đồng Bất động sản Hàn Quốc, giá nhà trung bình đã tăng 7,47% từ tháng 3/2021 đến tháng 3/2022.
Giới thượng lưu đang nắm giữ khối tài sản tăng 9,1%, đồng nghĩa với việc giá trị cũng nâng lên 10,7%. 90% giới siêu giàu ở xứ kim chi sống thoải mái trong nhà hoặc căn hộ của riêng có diện tích ít nhất 150 m2.
Người giàu tầm trung chi khoảng 4,79 triệu won/tháng (3.900 USD) cho chi phí sinh hoạt, gồm 1,4 triệu won (1.140 USD) cho đồ ăn đắt tiền, 670.000 won (545 USD) cho giáo dục và 560.000 won (456 USD) cho tiền nhà ở. Tổng giá trị tài sản càng lớn, mức chi tiêu càng tăng.
Những người thuộc top 0,1% giàu nhất Hàn Quốc là khách hàng VVIP của ngân hàng, công ty môi giới, hãng hàng không, cửa hàng bách hóa.
Ngược lại, các hộ gia đình thuộc nhóm 20% dưới đáy chứng kiến của cải của họ giảm 0,5%. Cơ quan thống kê Hàn Quốc cho rằng xu hướng này là do sự bùng nổ số lượng người độc thân.
Nói cách khác, ngày càng có nhiều thanh niên xứ củ sâm không đủ điều kiện kinh tế để bắt đầu sống một mình và rơi vào phân khúc những người nghèo nhất.
Theo số liệu của chính phủ, họ sở hữu tài sản trung bình chỉ 211 triệu won vào năm ngoái. Ngoài ra, thu nhập bình quân của nhóm này là khoảng 26,9 triệu won. Trong đó, 57,7% đến từ tiền lương và 5,5% thuộc các nguồn khác như đầu tư chứng khoán, tiết kiệm.
Nếu dựa vào tiêu chí “Báo cáo về sự giàu có của Hàn Quốc năm 2022” (2022 Korean Wealth Report) thuộc tổ chức tư vấn Ngân hàng Hana, người giàu được định nghĩa là có tài sản tài chính hơn 1 tỷ won.
Nhóm 30-49 tuổi với tổng của cải trên 1 tỷ won và dưới 2 tỷ won được gọi là “người giàu mới”, phân biệt với “người giàu truyền thống” – các cá nhân 50 tuổi trở lên với hơn 2 tỷ won tài sản cơ bản.
Sự cách biệt giàu – nghèo trong giới trẻ Hàn Quốc được cho xuất phát từ gia cảnh khác nhau. Ảnh: AFP.
Sự cách biệt giàu – nghèo trong giới trẻ Hàn Quốc được cho xuất phát từ gia cảnh khác nhau. Ảnh: AFP. |
Cách biệt từ vạch xuất phát
Sự phân hóa giàu – nghèo trong xã hội Hàn Quốc từng được khắc họa trong nhiều tác phẩm điện ảnh và nghệ thuật, tiêu biểu là bộ phim đạt giải Oscar “Parasite” của đạo diễn Bong Joon-ho.
Bộ phim kể về một gia đình họ Ki sống tại tầng bán hầm (hay còn gọi là “banjiha”), tìm cách sống bám lấy nhà chủ giàu có và gặp phải kết cục thê thảm. Nó phơi bày khía cạnh đen tối về sự tăng trưởng kinh tế: sự phân hóa cực đoan giữa người giàu với người nghèo trong xã hội.
Thực tế, trong bối cảnh giá nhà tăng cao ở Seoul, nhiều sinh viên và cặp vợ chồng mới cưới chấp nhận thuê nhà banjiha với hy vọng một ngày sẽ kiếm đủ tiền để thuê căn hộ trên cao.
Trái lại với mong ước thoát khỏi khu nhà banjiha của những người trẻ tuổi, người già và thất nghiệp chỉ muốn an thân sống qua ngày, tránh khỏi kiếp vô gia cư.
Theo thống kê của chính phủ, hiện có hàng trăm nghìn người sống ở tầng bán hầm tại thành phố Seoul. Phần lớn họ sống ẩn mình trong khu nhà vốn bị che khuất bởi những tòa nhà và trung tâm thương mại.
Sự phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn cũng là lý do khiến ngày càng nhiều người trẻ không đủ kinh tế từ chối kết hôn, sinh con.
Ở xứ củ sâm, sở hữu một ngôi nhà được xem là điều kiện tiên quyết để kết hôn. Nhiều người cũng e ngại sinh con khi việc nuôi dạy một đứa trẻ quá đắt đỏ.
Theo Zingnews