Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm vừa công bố của Vingroup và Masan Group cho thấy nhiều thành viên HĐQT không nhận thù lao. Trong đó có 2 chủ tịch Phạm Nhật Vượng và Nguyễn Đăng Quang.
Báo cáo soát xét bán niên của Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) và Vinhomes (HoSE: VHM) vừa công bố cho thấy trong giai đoạn nửa đầu năm, Vingroup và Vinhomes đã chi trả thù lao cho HĐQT và ban tổng giám đốc lần lượt 24,1 tỷ đồng và 24,8 tỷ đồng.
Ông Phạm Nhật Vượng – tỷ phú giàu nhất Việt Nam theo xếp hạng của Forbes, Chủ tịch Vingroup và thành viên HĐQT Vinhomes không hề nhận bất cứ thù lao nào trong nửa đầu năm nay. Thậm chí, ông cũng không nhận trong 6 tháng đầu năm 2021.
Hiện tại, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup đang nắm giữ gần 2,16 tỷ cổ phiếu VIC (trong đó có 1,17 tỷ cổ phiếu gián tiếp sở hữu thông qua nắm 92,88% cổ phần tại Tập đoàn Đầu tư Việt Nam). Tính theo giá trị cổ phiếu VIC, tài sản của ông Vượng trị giá 6,6 tỷ USD, trong khi Forbes ghi nhận tài sản của tỷ phú Việt Nam là 4,9 tỷ USD.
HĐQT Vingroup gồm 9 thành viên, gồm 1 Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch và 4 thành viên HĐQT độc lập. Thù lao trong 6 tháng đầu năm gần 5 tỷ đồng. Trong đó, ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch), bà Nguyễn Diệu Linh (Phó Chủ tịch) và thành viên HĐQT ông Yoo Ji Han – người vừa trở thành thành viên HĐQT độc lập không nhận thù lao.
Các cá nhân còn lại nhận thù lao từ mức 517 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng. Hai người nhận cao nhất là Phó Chủ tịch Vingroup Phạm Thu Hương – vợ ông Phạm Nhật Vượng và Phó Chủ tịch HĐQT Phạm Thúy Hằng (em gái bà Hương).
Lương cho Ban Tổng giám đốc Vingroup trong 6 tháng đầu năm là 19,6 tỷ đồng, giảm khoảng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, lương của riêng CEO Nguyễn Việt Quang là gần 6,2 tỷ đồng, tăng 9%. Tính cả thù lao, ông Quang nhận từ Vingroup 7,1 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.
Tại Vinhomes, ngoài ông Vượng, một thành viên HĐQT khác cũng không nhận thù lao là ông Asish Jaiprakask Shastry. 7 thành viên còn lại nhận từ 458 triệu đồng tới 1,4 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tương ứng con số tổng là gần 4,8 tỷ đồng.
Về ban điều hành Vinhomes, Tổng Giám đốc Nguyễn Thu Hằng nhận thù lao gần 6 tỷ đồng và các thành viên khác nhận hơn 14 tỷ đồng.
Việc các doanh nghiệp thuyết minh thù lao của các thành viên HĐQT và lương tổng giám đốc thay vì để con số tổng cộng có thể do quy định từ 1/1/2022, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với công ty đại chúng không đưa nội dung thù lao của từng thành viên HĐQT, tiền lương của Tổng giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác thành mục riêng trong báo cáo tài chính hàng năm của công ty và báo cáo đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên.
Theo BCTC soát xét bán niên, Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) chi tổng cộng gần 106 tỷ đồng trả tiền lương cũng như thù lao của cho các thành viên quản lý chủ chốt. Mức cụ thể trả cho từng bộ phận không được nêu rõ nhưng HĐQT không nhận thù lao sau nửa đầu năm.
Việc các thành viên HĐQT Masan Group không nhận thù lao diễn ra từ năm 2020 – sau khi nhận sáp nhập chuỗi VinMart và VinMart+ (hiện là WinMart và WinMart+) vào cuối năm 2019 khiến kết quả kinh doanh đi xuống. Hiện HĐQT đang có 8 thành viên bao gồm Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang; các thành viên HĐQT gồm bà Nguyễn Hoàng Yến; ông Nguyễn Thiếu Nam; ông Nguyễn Đoan Hùng; ông David Tan Wei Ming; bà Nguyễn Thị Thu Hà; ông Ji Han Yoo và ông Woncheol Park. Trong hai năm 2021 và 2020, Tổng giám đốc Danny Le đã nhận lần lượt 12,2 và 9,5 tỷ đồng tiền lương, thưởng và các phúc lợi khác.
Ông Nguyễn Đăng Quang là nhà sáng lập của Masan Group và là một trong 7 tỷ phủ USD tại Việt Nam với khối tài sản ước tính khoảng 1,8 tỷ USD, theo Forbes. Hiện ông đang nắm giữ hàng trăm triệu cổ phiếu MSN thông qua các công ty con. Vì vậy, dù không nhận thù lao nhưng ông vẫn sẽ nhận thêm cổ phiếu và tiền mặt mỗi lần Masan Group chia cổ tức hoặc thưởng cho cổ đông.
Ông Quang cùng HĐQT không nhận thù lao trong bối cảnh Masan Group vẫn có kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quý II. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần 36.023 tỷ đồng, giảm 12,6% so với đầu năm 2021. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 2.576 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so cùng kỳ năm trước
Trong các tỷ phú USD của Việt Nam, ngoài ông Nguyễn Đăng Quang, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup (HoSE: VIC) và ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hòa Phát (HoSE: HPG) cũng không nhận thù lao sau trong nửa đầu năm nay.
Trên thế giới, việc các CEO, lãnh đạo các tập đoàn lớn không nhận thù lao hoặc nhận mức lương tượng trưng 1 USD không phải điều lạ. Giám đốc điều hành Facebook – Mark Zuckerberg; CEO Tesla – Elon Musk; co-founder Google – Larry Page và Sergey Brin, hay trước đó là nhà đồng sáng lập Apple – Steve Jobs và Bill Gates – nhà sáng lập Microsoft là những cái tên nổi bật góp mặt trong câu lạc bộ tỷ phú nhận lương 1 USD.
Mức thù lao này chỉ là một phần trong tổng gói thu nhập mà họ có thể sẽ nhận được. Các lãnh đạo doanh nghiệp có được thu nhập từ quyền chọn mua cổ phiếu, cổ tức của công ty hoặc các khoản thưởng liên quan đến mục tiêu về hoạt động kinh doanh. Các khoản này có thể lên đến hàng trăm triệu USD, giúp tài sản của các tỷ phú tăng nhanh.
Theo Người Đồng Hành, NDH