Nhóm cổ phiếu Vingroup bứt phá trong bối cảnh tập đoàn này vừa xuất khẩu lô 999 chiếc xe điện VinFast VF8 sang Mỹ, trở thành hãng ôtô Việt Nam đầu tiên xuất khẩu ra nước ngoài.
Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực trong phiên cuối tuần nhờ lực kéo mạnh mẽ của nhóm vốn hóa lớn, tâm lý nhà đầu tư được cải thiện lan rộng ra nhiều nhóm cổ phiếu khác với sắc xanh áp đảo.
VN-Index có đà khá tốt khi mở cửa phiên sáng và tiếp tục nhích dần lên cuối ngày. Chỉ số đại diện cho sàn HoSE đóng cửa tăng 23,75 điểm (2,51%) lên mức cao nhất trong ngày tại 971,46 điểm.
Các sàn giao dịch tại Hà Nội cũng có kết quả khả quan. Trong đó bộ chỉ số HNX tăng 5,55 điểm (2,9%) lên 196,77 điểm và UPCoM có thêm 1,33% đạt 68,41 điểm.
Nhóm vốn hóa lớn đóng góp quan trọng nhất cho sự đi lên và lan tỏa ra thị trường. Bộ chỉ số VN30 của 30 mã hàng đầu thị trường ghi nhận mức tăng 2,84% với 25/30 mã tăng giá, trong đó có 2 mã chạm đến giá trần và 2 mã lên sát giá cao nhất.
Động lực lớn nhất trong phiên hôm nay là mã VIC của Vingroup khi tiếp tục tăng vọt 6,6% lên 65.000 đồng (xấp xỉ giá trần). Bên cạnh VHM của Vinhomes đi lên 4,4% và VRE của Vincom Retail có thêm 1,1% giá trị.
Nhóm Vingroup bứt phá trong bối cảnh tập đoàn này vừa xuất khẩu lô 999 chiếc xe điện VF8 sang Mỹ, trở thành hãng ôtô Việt Nam đầu tiên bán hàng ra nước ngoài. Sau thị trường Mỹ, hãng xe Việt cũng sắp giao hàng sang Canada và châu Âu vào năm 2023.
Lô xe VinFast VF 8 đầu tiên xuất cảng này dành cho thị trường Mỹ và được chuyên chở bằng tàu thuê riêng Silver Queen của Panama. Dự kiến, sau khoảng 20 ngày xuất phát từ cảng MPC Port, lô xe sẽ cập cảng California (Mỹ) và sẽ được bàn giao tới những khách hàng đầu tiên vào cuối tháng 12 này.
Với diễn biến này, chỉ trong 2 ngày vừa qua, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Vingroup – đã tăng thêm 10.136 tỷ đồng. Tại Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng đang sở hữu 742,04 triệu cổ phiếu VIC tương đương 19,18% vốn điều lệ tập đoàn Vingroup và gián tiếp sở hữu 1,17 tỷ cổ phiếu này thông qua cổ phần tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam. Giá trị tài sản cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng hiện vào khoảng 124.039 tỷ đồng.
Trước đó, ông Vượng sở hữu trực tiếp 985,5 triệu cổ phiếu VIC nhưng vào ngày 17/11, Chủ tịch Vingroup đã chuyển quyền sở hữu 234,5 triệu cổ phiếu VIC chiếm tỷ lệ 6,29% vốn điều lệ cho Công ty Cổ phần Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI để thực góp vốn bằng cổ phiếu VIC vào VMI.
Công ty VMI có vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng với 3 thành viên sáng lập là Công ty Cổ phần Vinhomes, ông Phạm Nhật Vượng và bà Phạm Thu Hương. Trong đó, Vinhomes góp 900 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ sở hữu 5%), bà Phạm Thu Hương góp 900 tỷ đồng (tương ứng 5%) và phần còn lại là vốn góp của ông Phạm Nhật Vượng ở mức 16.200 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ 90%).
Cổ phiếu ngành chứng khoán cũng giao dịch rất tích cực khi sắc tím xuất hiện hàng loạt, từ những mã vốn hóa lớn như SSI, VND, VCI, HCM đến nhóm vốn hóa nhỏ hơn như APS, SBS, APG, AGR…
Cổ phiếu ngân hàng giao dịch khởi sắc với mức tăng phổ biến 2-5%. Cổ phiếu ngành bất động sản (trừ một số mã cá biệt giảm sàn) phần lớn đã leo lên mức giá trần. Tương tự là trạng thái tích cực tại nhóm thép, phân bón, thủy sản, dệt may, dầu khí, điện, bán lẻ…
Nhóm tác động tiêu cực chủ yếu đến từ một số trường hợp riêng biệt. Trong đó, NVL của Novaland giảm sàn gây tác động tiêu cực nhất, đây đã là phiên giảm sàn thứ 16 liên tiếp của mã này với lượng dư bán vẫn còn hơn 50 triệu đơn vị.
Tương tự là cổ phiếu PDR của Phát Đạt giảm sàn phiên thứ 15 liên tiếp về 12.900 đồng với khoảng 100 triệu đơn vị vẫn chưa bán được. Hai mã bất động sản nhỏ hơn HPX và NRC trong trạng thái mất thanh khoản do áp lực bán giải chấp.
Một số mã vốn hóa lớn đi ngược thị trường trong phiên cuối tuần còn có GAS của PV Gas giảm 0,9% xuống 104.800 đồng, VHC của Vĩnh Hoàn bất ngờ giảm sàn, SAB của Sabeco mất 0,3% hay DGC của Hóa chất Đức Giang đi lùi 1,2%.
Độ rộng thị trường đã phản ánh mức tăng khá đồng đều với sắc xanh chiếm phần lớn. Toàn sàn có 743 mã tăng giá (trong đó 151 mã tăng trần), ngược lại chỉ có 240 mã giảm giá trong phiên.
Xu hướng thị trường tích cực nhưng dòng tiền vẫn chưa có sự đột biến. Tổng giá trị giao dịch trên các sàn đạt tổng cộng 10.730 tỷ đồng, tăng 15% so với phiên hôm qua.
Cơ cấu dòng tiền đã có sự chuyển biến tích cực. Khối tự doanh chứng khoán đã đảo chiều mua ròng mạnh 257 tỷ đồng trên HoSE. Trong khi đó khối ngoại cũng đẩy mạnh mua ròng tiếp 962 tỷ đồng, tập trung vào các mã đầu ngành như CTG, VHM và HPG.
Theo Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- Cổ phiếu Vingroup tăng kịch trần sau tin VinFast IPO trên sàn chứng khoán Mỹ: Vốn hóa tăng thêm 17.000 tỷ
- Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng sắp sang tay lượng cổ phiếu 2850 tỷ để đầu tư cho công ty thuê xe điện VinFast
- Cơ cấu các cổ đông của VinFast khi IPO gồm những ai? Vingroup sở hữu sở hữu bao nhiêu cổ phần?