Nhóm cổ phiếu Vingroup đã đi lên mạnh mẽ sau thông tin tích cực, tuy nhiên điều này vẫn không đủ giúp thị trường chung tăng điểm.
Cổ phiếu VIC của Vingroup trở thành tâm điểm trong phiên giao dịch chứng khoán ngày 7/12 sau thông tin VinFast vừa nộp hồ sơ đăng ký IPO và tiến gần tới lộ trình niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market.
Kỳ vọng về một thương vụ huy động vốn lớn trên thị trường quốc tế giúp nhà đầu tư mạnh dạn đổ tiền mua cổ phiếu VIC, bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để đưa mã chứng khoán này lên giá trần.
Cổ phiếu kết phiên trong sắc tím tại 71.200 đồng, mức thị giá cao nhất kể từ ngày 5/7 đến nay. Đây cũng là cổ phiếu được giao dịch lớn nhất trên các sàn với giá trị đạt 665 tỷ đồng (khối lượng sang tay hơn 9,4 triệu đơn vị).
Vốn hóa doanh nghiệp theo đó tăng mạnh vượt mức 271.500 tỷ đồng (hơn 11 tỷ USD). Tài sản của cổ đông lớn nhất – chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng – cũng tăng gần 8.800 tỷ đồng sau thông tin trên, nâng tổng giá trị cổ phiếu VIC mà vị tỷ phú này nắm giữ lên con số gần 136.200 tỷ đồng.
VIC cũng là tâm điểm của giao dịch khối ngoại khi được mua ròng lớn nhất sàn chứng khoán. Các nhà đầu tư nước ngoài đã gom ròng hơn 4,2 triệu cổ phiếu VIC, tương đương với giá trị gần 300 tỷ đồng.
Đà tăng đột biến của VIC cũng là “cứu cánh” cho thị trường chung đỏ lửa hôm nay. Cổ phiếu tập đoàn đa ngành này tăng hết biên độ đã đóng góp đến 4,36 điểm tăng cho chỉ số; chưa kể phần đóng góp của VHM (Vinhomes – tăng giá 0,9%) và VRE (Vincom Retail – tăng giá 0,5%).
Bất chấp động lực mạnh mẽ từ nhóm Vingroup thì thị trường chung vẫn bị bán tháo mạnh mẽ, nhất là áp lực chốt lời quyết liệt tại nhóm tăng nóng như chứng khoán, bất động sản, đầu cơ…
VN-Index có nhiều thời điểm đã lao dốc nặng trước diễn biến bán sàn ở hàng loạt nhóm quan trọng. Chỉ số có thời điểm rớt gần 14 điểm trước khi kịp hồi phục nhẹ.
Chỉ số đại diện sàn HoSE đóng cửa còn giảm 7,67 điểm (-0,73%) về mức 1.041,02 điểm. Trong khi đó HNX-Index cũng rơi mạnh 1,35% xuống 209,93 điểm và UPCoM-Index mất 0,8% còn 70,45 điểm.
Cổ phiếu bất động sản chứng kiến làn sóng bán tháo mạnh mẽ nhất. Trong đó, NVL của Novaland tiếp tục có dư bán sàn hàng chục triệu đơn vị tại mức giá 19.200 đồng, nối tiếp chuỗi 3 phiên giảm sàn liên tục.
Cổ phiếu HPX của Hải Phát cũng giảm 3 phiên sàn liên tiếp còn 7.310 đồng với hơn 25 triệu đơn vị chưa thể bán được ở giá thấp nhất. Cổ phiếu DXG của Đất Xanh có phiên giảm sàn thứ 2 về mức 13.100 đồng với dư bán sàn hơn một triệu đơn vị. Tình trạng trắng bên mua còn xuất hiện ở NRC, CEO, DIG, LDG, NBB, HDC, CRE…
Cổ phiếu ngành chứng khoán cũng không khá khẩm hơn khi áp lực chốt lời quyết liệt. Các mã APS, VIX, TVB, APG đều đã rơi về giá sàn. Nhiều mã khác giảm khá sâu như DSC mất 13,5%, SBS giảm 8,6%, MBS đi lùi 5,1% hay VDS giảm 4,7%…
Nhóm cổ phiếu đầu cơ sau giai đoạn hồi phục ấn tượng cũng chuyển màu sang sắc xanh lơ. Hàng loạt mã rơi về mức giá sàn với tình trạng trắng bên mua như AMD, API, IDJ, L14, L18, MHC, VC9, OGC, SJF, DAG…
Toàn thị trường chìm trong sắc đỏ do áp lực bán trên nhiều nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ. Toàn sàn có 696 mã giảm giá (trong đó có 130 mã giảm sàn), ngược lại chỉ có 240 mã tăng điểm trong phiên.
Thanh khoản thị trường không còn ấn tượng do bên mua hạn chế giao dịch. Tổng giá trị giao dịch đạt gần 16.250 tỷ đồng; riêng sàn HoSE chiếm 14.044 tỷ đồng, giảm đến 40% so với hôm qua.
Động lực thị trường vẫn đến từ dòng tiền của khối ngoại khi nhóm nhà đầu tư này tiếp tục rót ròng phiên thứ 13 liên tiếp. Khối ngoại hôm nay mua ròng hơn 1.000 tỷ đồng trên HoSE, với các mã mục tiêu là VIC, VHM và STB.
Theo Zingnews
Ngày 7/12, VinFast Trading & Investment Pte. Ltd công bố đã nộp hồ sơ đăng ký theo Mẫu F-1 lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) để phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng (IPO).
Số lượng cổ phần chào bán và khoảng giá dự kiến vẫn chưa được xác định. VinFast dự kiến niêm yết cổ phiếu phổ thông trên sàn Nasdaq Global Select Market với mã VFS.
Citigroup Global Markets Inc., Morgan Stanley & Co. LLC, Credit Suisse Securities (USA) LLC và J.P. Morgan Securities LLC sẽ đóng vai trò ngân hàng dựng sổ chính, kiêm đại diện của các nhà bảo lãnh phát hành cho đợt chào bán được đề xuất.
Trong khi BNP Paribas Securities Corp., HSBC Securities (USA) Inc., RBC Capital Markets, LLC và Wolfe/Liên minh Nomura cũng sẽ là các bên đồng dựng sổ. Robert W. Baird & Co. Incorporated sẽ đóng vai trò đồng quản lý.
Việc chào bán chỉ được thực hiện bằng một bản cáo bạch. Bản sao của bản cáo bạch dự thảo có thể được thu thập từ SEC và Citigroup.
Phía công ty nói thêm thông tin đăng ký liên quan đến các chứng khoán này đã được nộp cho SEC nhưng vẫn chưa có hiệu lực. Những chứng khoán này không được bán, cũng như không được chấp nhận đề nghị mua trước thời điểm tuyên bố đăng ký có hiệu lực.
Xem thêm bài liên quan
- Ô tô điện VinFast “vượt đại dương” sang Mỹ, tài sản chủ tịch Phạm Nhật Vượng tăng ngoạn mục hơn 10.000 tỷ
- Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng sắp sang tay lượng cổ phiếu 2850 tỷ để đầu tư cho công ty thuê xe điện VinFast
- Shark Thủy giải trình việc cổ phiếu “giảm sàn” 16 phiên không hồi kết, xin lỗi phụ huynh, nhân viên…