Bài học từ cách chọn người của Steve Jobs – một trong những doanh nhân thành công nhất nước Mỹ. Một nhà lãnh đạo giỏi phải là người có tầm nhìn.
Vì sao Jobs truyền ngôi cho kẻ thuộc nhóm người mà ông vẫn căm ghét, những kẻ mà theo ông đã khiến những “gã khổng lồ công nghệ” phải gục ngã? Câu trả lời thực sự rất đơn giản:
Cook không phải là một gã làm sản phẩm, nhưng Cook là người lãnh đạo luôn tôn trọng, luôn đề cao những gã làm sản phẩm kế thừa Jobs.
Nhìn vào Apple của ngày hôm nay và bạn sẽ thấy điều đó. Nếu như Steve Jobs luôn là người trình diễn gần như độc nhất tại các sự kiện Apple trước đây thì ngày nay Cook sẽ không giành hết thời lượng về phần mình:
Trọng trách ra mắt sản phẩm luôn được dành phần nhiều cho những “gã làm sản phẩm” như Phil Schiller, Craig Federighi, Jeff Williams… Chính những người này mới là người kế thừa thực sự của Jobs, Cook chỉ là “kẻ giúp việc” mà thôi.
Steve Jobs không chọn người thay thế, mà chọn người gìn giữ di sản cho chính mình.
Năm 1995, 10 năm sau ngày bị ép rời khỏi Apple, Steve Jobs đã phát biểu một câu để đời về tình cảnh buồn của những “gã khổng lồ công nghệ” một thời như IBM và Xerox:
“Nếu bạn là một người làm sản phẩm tại IBM hay Xerox, nếu bạn tạo ra một chiếc máy tính hay một chiếc máy copy tốt hơn… Điều gì sẽ xảy ra? Công ty của bạn vốn đã có thị phần độc quyền rồi, [sản phẩm tốt hơn] không thể giúp công ty thành công thêm nữa.
Lúc này, những kẻ duy nhất có thể giúp công ty thành công hơn là những kẻ làm sale và marketing, và cuối cùng họ sẽ lên làm lãnh đạo công ty. Những người làm sản phẩm sẽ bị loại bỏ ra khỏi khâu lên quyết định, rồi dần dần công ty sẽ quên mất việc tạo ra những sản phẩm tuyệt vời là như thế nào.
Sự nhạy bén với sản phẩm, tư tưởng thiên tài về sản phẩm vốn đã giúp công ty vươn lên vị trí độc quyền sẽ dần dần bị loại bỏ bởi những kẻ điều hành công ty này, những kẻ vốn không thể phân biệt một sản phẩm tốt với một sản phẩm xấu”.
Chỉ 2 năm sau, ông được đưa về điều hành Apple. Lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ, Apple lại được lãnh đạo bởi một “người làm sản phẩm” – Steve Jobs. Và với iMac, iPod, iPhone rồi iPad, Apple dần dần vươn lên trở lại đỉnh cao thế giới công nghệ.
Steve Jobs chỉ sống được thêm 1 năm sau ngày vén màn iPhone 4. Những năm tháng cuối đời, ông dành nhiều thời gian cho một cuốn tiểu sử do cây viết Walter Isaacson, một cây viết lỗi lạc ghi chép lại.
Mới đây, Isaacson, kẻ chịu trách nhiệm ghi lại ký ức của Jobs, đã hé lộ một điều bất ngờ về mối quan hệ giữa nhà sáng lập Apple và người kế vị Tim Cook:
“Đôi khi, những lúc Steve chịu đau đớn, và khi ông ấy giận dữ, ông ấy sẽ nói rằng Cook không phải là người làm sản phẩm. Tôi đã nghĩ rằng, tôi chỉ ghi lại những điều có nghĩa với độc giả (của hồi ký), chứ không phải những lời chỉ trích ấy”.
Điều đó có nghĩa rằng Steve Jobs không hề coi người kế nhiệm của mình thuộc vào nhóm người nên làm chủ công ty. Và đó cũng không hẳn là một điều bất ngờ đối với những ai từng đọc quá khứ của Tim Cook:
Không hẳn là chuyên về sale/marketing nhưng Cook rõ ràng mang thiên hướng quản lý kinh doanh hơn là thiết kế sản phẩm hay kỹ thuật. Dù có bằng kỹ thuật công nghiệp nhưng Cook cũng có bằng MBA và nổi danh đầu tiên từ IBM, ở vị trí giám đốc đáp ứng đơn hàng. Trước khi về Apple, Cook là phó chủ tịch tại Compaq, mảng thiết bị doanh nghiệp.
Ấy thế mà, cuối cùng Jobs vẫn đặt Cook lên trên tất cả các “đệ tử” làm sản phẩm của mình. Trong bức thư từ giã vị trí lãnh đạo công ty, ông nói:
“Về vấn đề người kế nhiệm, tôi đặc biệt đề nghị rằng chúng ta hãy thực thi kế hoạch nối tiếp và đưa Tim Cook vào vị trí CEO của Apple. Tôi tin rằng những ngày tươi sáng nhất, sáng tạo nhất của Apple vẫn còn đang ở phía trước”.
3 tháng sau, Jobs qua đời. Các anti-fan vẫn chờ đợi về một kịch bản tương tự như năm 1985 lặp lại. Khi ấy, người thừa kế của Jobs – cũng là kẻ đá nhà sáng lập Apple ra khỏi chính công ty của mình – là một người làm “sale và marketing” như những gì Jobs đã chỉ trích. Không còn khả năng tạo ra những sản phẩm cuốn hút như chiếc Macintosh, Apple dần dần lụi bại trước Microsoft và rồi tiến sát đến bờ vực phá sản.
Đến nay, Apple đã trải qua 10 năm không có bàn tay dìu dắt của Jobs (Tim Cook vốn đã lên nắm quyền điều hành trực tiếp từ năm 2009). Nhưng Apple của năm 2019 khác hẳn với Apple của năm 1995:
Apple năm 1995 thì lụi bại, Apple của năm 2019 thì vẫn đang ở rất gần mức nghìn tỷ. Apple năm 1995 chứng kiến đối thủ lớn nhất là Microsoft thống trị mọi mặt, Apple năm 2019 vẫn làm chủ thị trường smartphone cao cấp, thị trường tablet, smartwatch và wearable. Apple năm 1995 thua lỗ nặng nề, còn Apple của năm 2019 có lợi nhuận bằng Samsung và Google cộng lại (số liệu CounterPoint).
Chắc hẳn bạn chưa biết Tim Cook chứ không phải Steve Jobs, đã từng kéo Apple khỏi vũng lầy nhờ tài năng thiên bẩm của mình
Từng hứng chịu nhiều lời chỉ trích về lối điều hành kiểu “tay buôn” và thiếu nhiệt huyết với các sản phẩm công nghệ, Tim Cook thực sự đóng vai trò đối với Apple? Tại sao Steve Jobs lại quyết định chọn mặt gửi vàng cả cơ đồ giao cho ông?
Trên thực tế, Tim Cook không phải một nhân vật “visionary” truyền cảm hứng như Steve Jobs nhưng lại đóng vai trò cực kỳ thiết yếu trong thành công ngày nay của Apple nhờ tài quản lý chuỗi cung ứng bậc thầy.
Chính những nỗ lực cải tổ chuỗi cung ứng của ông đã giúp Táo khuyết lấy lại quyền kiểm soát hầu như mọi khía cạnh của sản phẩm cũng như thực thi theo đúng được tầm nhìn của Jobs.
Kể từ khi bước chân vào Apple năm 1998 theo lời mời của Steve Jobs cho đến năm 2008, Cook dành phần lớn thời gian của mình để đi… đóng cửa các nhà máy, kho bãi của công ty trên khắp thế giới.
Thay vào đó, ông thiết lập quan hệ với các đối tác gia công, sản xuất, thiết lập cho Apple một chuỗi cung ứng khép kín mà trong đó, hãng nắm quyền kiểm soát toàn bộ nhưng đồng thời cũng chỉ phải tập trung đảm nhiệm khâu nghiên cứu và thiết kế sản phẩm.
Theo thông tin thu được từ hàng chục cuộc phỏng vấn với cựu nhân viên và lãnh đạo bộ phận cung ứng và vận hành của Apple, công ty đã xây dựng được một hệ sinh thái kín và nắm toàn quyền kiểm soát chuỗi giá trị, từ thiết kế cho đến các cửa hàng offline.
Và cũng chính nhờ quy mô lớn của mình, thậm chí đôi khi là cả sự thô bạo trong kinh doanh, Apple có được những hợp đồng linh kiện và vận chuyển béo bở với mức chiết khấu cao, thu về lãi lớn mà không cần phải bận tâm về những kho hàng tồn gặm nhấm lợi nhuận mà nhiều công ty gặp phải.
Ngay cả cựu lãnh đạo chuỗi cung ứng của HP, ông Mike Fawkes cũng phải nhận định rằng “Họ đã đưa hệ thống vận hành lên một tầm cao chưa từng thấy.”
Những đột phá về vận hành của Apple bắt đầu nổi lên ngay từ khi Steve Jobs mới quay về công ty năm 1997. Khi đó, hầu hết các hãng máy tính đều vận chuyển qua đường biển, lựa chọn chậm nhưng rẻ hơn nhiều so với đường hàng không.
Để đảm bảo dòng máy tính iMac xanh có sẵn dịp Giáng sinh năm 1998, Jobs đã trả 50 triệu USD để mua toàn bộ kho hàng còn trống trên các chuyến bay những ngày này. Động thái liều lĩnh này đã chặn đứng hoàn toàn nỗ lực mua chỗ trống sau đó của đối thủ Compaq.
Tương tự như vậy, khi doanh thu iPod bắt đầu đi lên vào năm 2001, Apple nhận ra rằng vận chuyển những chiếc máy nghe nhạc nhỏ nhẹ này từ các xưởng sản xuất Trung Quốc về Mỹ qua đường hàng không hóa ra lại rẻ hơn cả tàu biển.
Khi nhân viên HP mua iPod và xem lại lịch sử vận chuyển, họ đã được một phen bất ngờ. Các vụ việc tương tự cũng từng xảy ra vào năm 2010, khi Apple chi mạnh đặt hàng thật nhiều màn hình smartphone trước khi ra mắt iPhone 4, khiến các hãng như HTC không thể tìm đủ nhà cung ứng màn hình bởi họ đều đang bận sản xuất cho Apple.
Thời gian sản xuất iPad 2, Apple cũng từng mua sạch các máy khoan cao cấp, khiến cho các hãng đối thủ muốn mua phải đợi tới 6 tháng thay vì 6 tuần như thông thường.
Chính lối vận hành liều lĩnh sẵn sàng chi mạnh để thu về đậm hơn nhờ quy mô lớn về dài hạn đã giúp Apple vượt mặt nhiều công ty phần cứng. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà những bên làm bạn với Táo khuyết có thể bỗng chốc kiếm được một núi tiền, nhưng cũng có lúc chỉ biết khóc ròng vì phải lệ thuộc vào những điều khoản nghiệt ngã trong cuộc chơi của ông lớn này.
Quyền kiểm soát chặt chẽ toàn bộ chuỗi giá trị từ thiết kế sản phẩm cho đến bán lẻ cũng mang lại cực nhiều lợi thế cho Apple. Chuyên gia thiết kế Jony Ive cùng các đồng sự cũng đã từng dành nhiều tháng liền sống tại khách sạn để được ở gần các bên cung ứng và sản xuất, giúp đẩy nhanh quá trình thử nghiệm và ra mắt sản phẩm.
Đến khâu bán tại từng cửa hàng offline, Apple cũng theo dõi một cách vô cùng sát sao. Mỗi khi có một sản phẩm được bán ra, công ty đều theo dõi nhu cầu thị trường theo từng cửa hàng và từng khung giờ để dự báo và điều chỉnh sản lượng lắp ráp mỗi ngày.
Mức lợi nhuận biên 40% của Apple so với mức phổ biến chỉ khoảng 10-20% của các hãng khác là con số minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.
Nó cũng cho thấy tài năng quản trị vận hành của Tim Cook – “cánh tay thép” của Steve Jobs ngày nào. Tuy không có tài năng thiên bẩm về sản phẩm như Jobs nhưng Cook lại có khả năng tạo ra một chuỗi cung ứng hùng mạnh như Michael Dell từng làm với Dell.
Một thành tích đáng nể khác của Cook là công lao tiết giảm lượng đối tác cung ứng chủ chốt của Apple từ 100 xuống còn 24, ép họ phải từ bỏ các thương vụ béo bở khác bên ngoài để dồn toàn lực cho Apple, thậm chí là thuyết phục nhiều bên đặt xưởng sản xuất kề sát nhà máy của Apple.
Ông cũng chính là người đã đóng cửa 10 trên 19 kho hàng của Apple, cắt giảm số ngày quay vòng hàng tồn kho từ 1 tháng xuống 6 ngày chỉ trong 9 tháng đầu năm 1998. Tới năm 1999, Cook đã cắt giảm số ngày quay vòng này xuống còn đúng 2 ngày. Ấn tượng hơn, ông còn cắt giảm quy trình sản xuất một chiếc máy tính Apple từ 4 tháng xuống còn 2 tháng.
Có thể nói Tim Cook khó lòng thế chỗ được Steve Jobs nhưng lại là nhân tố quyết định sự thành bại của Apple, hay nói đơn giản hơn thì, khi đã có sản phẩm (phần cứng) đủ tốt, việc làm thế nào để nhân rộng, bán và kiểm soát chúng chặt chẽ chính là chiếc chìa khóa tiếp theo mà một công ty cần phải có.
Tham khảo Bloomberg, Quora/Lê Hoàng
Xem thêm bài liên quan
- Ngẫm tư duy quản trị doanh nghiệp đỉnh cao từ bộ phim”kinh điển”: Người lãnh đạo không cần giỏi nhất nhưng chắc chắn phải có 4 điều này
- Công thức thiên nga “SWAN”: Bí thuật để sếp giỏi dễ dàng tìm được nhân tài cho doanh nghiệp
- Sếp công ty công nghệ bật mí về hệ thống chấm “điểm cầu tiến” đổi ra ngày phép, phần thưởng cho nhân viên để hướng tới mục tiêu 10 000 nhân sự