2022 là một năm chật vật với giới tỷ phú không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới. Gần 1400 tỷ USD giá trị tài sản ròng của top 500 tỷ phú trong bảng xếp hạng người giàu của Bloomberg đã bị xóa sổ.
Với đa số người giàu trên thế giới, 2022 thực sự là một năm tồi tệ. Gần 1.400 tỷ USD giá trị tài sản ròng của top 500 tỷ phú trong bảng xếp hạng người giàu của Bloomberg đã bị xóa sổ.
Không những thế, 2022 còn là năm xảy ra nhiều rắc rối của đối với giới tỷ phú, đó là vụ lừa đảo của tỷ phú tiền điện tử một thời Sam Bankman-Fried hay cuộc chiến ở Ukraine kéo theo những đòn trừng phạt nhằm vào một số tỷ phú của nước này. Ngoài ra còn có những rắc rối liên quan đến thương vụ mua lại Twitter của tỷ phú Elon Musk, người đã mất 138 tỷ USD trong năm nay.
Tất cả những điều đó cùng với lạm phát lan rộng và lãi suất tăng mạnh đã khiến 2022 trở thành năm mất mát của nhiều tỷ phú vốn chứng kiến tài sản tăng vọt trong thời đại dịch. Từ tỷ phú Musk, ông chủ Amazon Jeff Bezos, người sáng lập sàn giao dịch điện tử Binance Zhao Changpeng cho đến CEO Meta Mark Zuckerberg đều chứng kiến tài sản hao hụt nhanh chóng. Theo Bloomberg, tổng giá trị tài sản bị bốc hơi của các tỷ phú này lên khoảng 392 tỷ USD.
Tuy nhiên, vẫn có một số tỷ phú đi ngược với số đông khi trở nên giàu hơn trong năm đầy biến động này. Ông trùm hạ tầng Ấn Độ Gautam Adani đã vượt qua nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates và huyền thoại đầu tư Warren Buffett về giá trị tài sản. Ngoài ra, một số gia tộc giàu nhất thế giới như gia tộc Kochs hay gia tộc Mars cũng gia tăng về tài sản.
Tóm tắt 1 năm đầy biến động với các tỷ phú giàu nhất thế giới:
Tháng 1: Những tín hiệu cảnh báo
Musk – người giàu nhất thế giới khi đó, mất 25,8 tỷ USD vào ngày 27/1 sau khi Tesla dự báo về những thách thức liên quan đến nguồn cung. Đây là mức giảm lớn thứ 4 trong 1 ngày theo dữ liệu của Bloomberg Billionaires Index và cũng báo trước 1 năm không mấy thuận lợi với Musk.
Tháng 2: Những người đầu tiên “nghèo đi”
Các tỷ phú giàu nhất nước Nga đã mất tổng cộng 46,6 tỷ USD vào tháng 2, khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Trong 1 thời gian ngắn, giới chức EU và Mỹ đã nhắm đến những “ông trùm” của Nga và doanh nghiệp của họ bằng cách áp dụng biện pháp trừng phạt, khiến các tỷ phú gần như không thể tiếp tục kiểm soát tài sản của họ ở phương Tây.
Các siêu du thuyền bị tịch thu, thị trường bất động sản hạng sang ở London “liêu xiêu” và tỷ phú Roman Abramovich thông báo bán Chelsea. Các tỷ phú Nga tiếp tục mất thêm 47 tỷ USD trong năm nay khi mâu thuẫn vẫn chưa hạ nhiệt.
Tháng 3: Các tỷ phú Trung Quốc “đau đầu”
Thị trường Trung Quốc biến động mạnh khiến tài sản của nhóm người giàu nhất nước ngày giảm 64,6 tỷ USD vào ngày 14/3. Họ mất 164 tỷ USD trong năm 2022 do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường bất động sản chìm trong khủng hoảng, quy định nghiêm ngặt với ngành công nghệ và căng thẳng thương mại với Mỹ.
Tháng 4: “Canh bạc” của Elon Musk
Ngay sau khi tiết lộ nắm giữ 9,1% cổ phần trong Twitter, Musk đã đề nghị thâu tóm công ty này vào ngày 14/4 với 44 tỷ USD. Đây là một số tiền lớn, ngay cả với Musk. Để huy động vốn cho thương vụ này, Musk đi vay vài tỷ USD, cầm cố cổ phiếu USD và huy động được 21 tỷ USD tiền mặt.
Thị trường diễn biến không mấy khả quan trong vài tháng sau đó, Musk cố gắng tìm một “lối ra” và chìm trong những tranh cãi về pháp lý kéo dài hàng tháng với Twitter. Khi thương vụ hoàn tất vào tháng 10, tài sẩn của Musk thấp hơn 39 tỷ USD so với thời điểm ông đưa ra đề nghị.
Tháng 5: Các tỷ phú mua lại Chelsea
Một nhóm được dẫn đầu bởi tỷ phú ngành tài chính Todd Boehly và Clearlake Capital đã trả 4,25 tỷ bảng Anh (5,25 tỷ USD) để mua lại Chelsea. Đây là con số lớn chưa từng thấy trong các thương vụ mua lại các câu lạc bộ bóng đá. Song, thương vụ này cũng thu hút được rất nhiều “ông lớn”, bao gồm tỷ phú người Anh Jim Ratcliffe, đồng sáng lập Apollo Global Management Josh Harris, đồng chủ tịch Bain Capital Steve Pagliuca và Ken Griffin của quỹ Citadel và gia đình Ricketts.
Tháng 6: Nhà Walton sở hữu đội bóng bầu dục
Rob Walton – người thừa kế tài sản nhà Walton, đồng ý mua đội bóng bầu dục Denver Broncos với giá 4,65 tỷ USD, mức giá cao kỷ lục trong thương vụ mua lại một đội thể thao ở Mỹ và tiếp tục nhấn mạnh sức hấp dẫn của việc sở hữu một đội bóng thuộc NFL (Giải bóng bầu dục Mỹ).
Tháng 7: Các nhà phát triển Trung Quốc vẫn chật vật vì khủng hoảng
Yang Huiyan đã mất danh hiệu nữ tỷ phú giàu nhất châu Á sau khi tài sản của bà giảm hơn 1 nửa giá trị trong 7 tháng. Country Garden – nhà phát triển mà bà thừa kế từ cha vào năm 2005, đã hưởng lợi lớn từ xu hướng xây dựng nhà ở bùng nổ trong những năm gần đây. Song, khi Bắc Kinh nỗ lực kiềm chế sự bành trướng của ngành này, các dự án đã bị đình trệ và nhiều người mua nhà phản đối, không thanh toán khoản thế chấp. Giá cổ phiếu của Country Garden đến nay vẫn chưa hồi phục.
Tháng 8: Tỷ phú Ấn Độ “thăng hoa”
Các ông trùm ngành than dường như là một xu thế ở thời đại khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh cả thế giới bị xáo trộn bởi mâu thuẫn ở Ukraine, thì tỷ phú Gautam Adani, sở hữu đế chế thác than ở Ấn Độ, đã vượt qua Bill Gates và Bernard Arnault để trở thành người giàu thứ 3 thế giới vào tháng 8. Đây là thứ hạng cao chưa từng có đối với 1 tỷ phú châu Á.
Tập đoàn Adani đã sử dụng đòn bẩy để nhanh chóng đa dạng hóa hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp này xoay hướng sang kinh doanh cảng, trung tâm dữ liệu, xây đường cao tốc và năng lượng xanh. Vào tháng 9, ông Adani vượt qua Bezos và là người giàu thứ 2 thế giới.
Tháng 9: Mark Zuckerberg “chao đảo”
Ngay cả trong 1 năm ngành công nghệ đối diện khó khăn chung, thì Zuckerberg vẫn “nghèo đi” một cách nổi bật. Giữa tháng 9, giá trị tài sản của ông chủ Meta giảm 71 tỷ USD kể từ ngày 1/1, tức là 57%. Nguyên nhân là do ông chuyển sự tập trung sang metaverse và sự suy thoái của ngành công nghệ cũng kéo tụt giá cổ phiếu Meta. Trong năm nay, Zuckerberg tụt 19 bậc trên bảng xếp hạng của Bloomberg và kết thúc năm ở vị trí thứ 25.
Tháng 10: Các tỷ phú Covid đối diện thực tế
Quả bong bóng của nền kinh tế Covid đang xì hơi nhanh chóng và kéo theo cả tài sản của những tỷ phú từng kiếm được rất nhiều tiền trong thời kỳ này. Trong đó bao gồm Stephane Bancel của Moderna, (Ernie Garcia II và Ernie Garcia III của hãng kinh doanh ô tô đã qua sử dụng Carvana, Bom Kim của nền tảng mua sắm trực tuyến Coupang và tất nhiên là Eric Yuan của Zoom.
58 tỷ phú có tài sản tăng với tốc độ chóng mặt trong thời kỳ đại dịch đã chứng kiến đà sụt giảm trung bình là 58% so với mức đỉnh. Đây là mức giảm lớn nhất so với các hạng mục khác của Bloomberg Billionaires Index.
Tháng 11: Từ 16 tỷ USD đến trắng tay
Nhà sáng lập FTX – Sam Bankman-Fried, chứng kiến công ty sụp đổ sau khi rơi vào cuộc khủng hoảng thanh khoản, cho thấy những lỗ hổng lớn trong bảng cân đối kế toán của đế chế tiền số, cùng với đó là hoạt động quản trị yếu kém.
Số tài sản trị giá 16 tỷ USD của SBF đã bị xóa sạch trong chưa đầy 1 tuần. Ở thời kỳ đỉnh cao, anh sở hữu 26 tỷ USD. Vụ sụp đổ này đã ảnh hưởng đến nhiều chính trị gia ở Washington, vì SBF đã nhiều lần quyên góp cho các nhóm vận động hành lang và cho các tổ chức từ thiện. Các nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon cũng gặp cú sốc lớn. Ngoài ra, khoảng 1 triệu khách hàng của sàn này cho đến nay vẫn chưa biết liệu họ có lấy lại được tiền hay không.
Trong khi đó, CEO của Binance – CZ, mất khoảng 84 tỷ USD trong năm nay, trong khi các tỷ phú tiền số khác như Cameron và Tyler Winklevoss, Michael Novogratz và Brian Armstrong tìm cách né tránh vụ FTX.
Tháng 12: Elon Musk mất ngôi người giàu nhất hành tinh
Tỷ phú hàng hiệu Bernard Arnault đã trở thành người giàu nhất thế giới. Dù ông không tránh khỏi khó khăn trong năm 2022 khi mất 16 tỷ USD, nhưng vẫn chưa là gì so với 138 tỷ USD của Musk. Việc Musk mất “ngôi vương” là do quyết định bốc đồng mua lại một công ty truyền thông xã hội làm ăn bết bát, đi vay quá nhiều, gặp vấn đề về chuỗi cung ứng.
Các tỷ phú Việt đã mất gần 8 tỷ USD năm 2022
Trung tuần tháng 3 năm nay, khi Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới 2022, lần đầu tiên, Việt Nam có 7 tỷ phú USD trong danh sách với sự xuất hiện mới nhất của ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch Nova Group.
Trong khi đó, 6 cái tên quen thuộc còn lại gồm Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.
Tuy nhiên, sau chưa đầy một năm, 2022 lại trở thành mốc thời gian đáng quên khi những rung lắc trên thị trường chứng khoán cùng bức tranh kinh tế nhiều biến động khiến tài sản ròng của các tỷ phú Việt giảm hàng tỷ USD.
Chỉ còn 6 tỷ phú USD
Tính đến cuối năm nay, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng vẫn dẫn đầu danh sách người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản ròng 4 tỷ USD. Tuy nhiên, so với giá trị tài sản ròng ước tính hồi đầu năm khoảng 6,2 tỷ USD, vị tỷ phú này đã mất tới 2,2 tỷ USD, tương đương mức giảm ròng 25% tài sản trong năm nay. Hiện tại, ông Vượng cũng là vị đại gia mất nhiều tiền nhất trong năm 2022, theo số liệu từ Forbes.
Bên cạnh việc người giàu nhất Việt Nam sụt giảm hàng tỷ USD tài sản năm nay, ông Bùi Thành Nhơn, thậm chí đã rời khỏi danh sách tỷ phú USD từ vào giữa tháng 11 khi giá cổ phiếu NVL (Novaland) liên tục giảm mạnh, kéo khối tài sản ròng của ông Nhơn xuống dưới mốc 1 tỷ USD.
Hồi đầu năm, vị lãnh đạo Nova Group này từng được ước tính sở hữu khối tài sản ròng lên tới 2,9 tỷ USD và là người giàu thứ 4 tại Việt Nam. Tính đến ngày 10/11, tài sản ròng của Chủ tịch Nova Group chỉ còn 978,2 triệu USD. Sau khi mất vị trí tỷ phú, Forbes đã dừng cập nhật tài sản của ông Nhơn.
Ước tính, tài sản của vị đại gia này đã giảm sâu hơn nhiều so với lần cập nhật gần nhất. Hiện thị giá NVL chỉ giao dịch dưới vùng 15.000 đồng/cổ phiếu, giảm xấp xỉ 70% so với thời điểm Forbes cập nhật gần nhất (10/11).
Ngoài ông Nhơn, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát – ông Trần Đình Long – cũng từng có thời điểm rời danh sách tỷ phú khi tài sản ròng rơi xuống dưới mốc tỷ USD. Theo đó, ngày 9/11, tài sản của ông Long từng giảm xuống còn 958 triệu USD, giảm 70% so với con số 3,2 tỷ USD ghi nhận hồi đầu năm.
Giai đoạn 11/3-9/11, cổ phiếu HPG của Hòa Phát đã giảm một mạch từ 47.600 đồng/đơn vị xuống còn 13.000 đồng, tương đương mức giảm 73%. Biến động này cũng khiến vốn hóa của Hòa Phát rơi khỏi top 10 niêm yết lớn nhất sàn HoSE.
Đây là lần thứ hai tài sản của ông Long giảm xuống dưới 1 tỷ USD. Vị này từng có thời gian ngắn (khoảng 9 tháng) ghi nhận tài sản ròng vượt mức 1 tỷ USD vào năm 2018 trước khi bị loại khỏi danh sách này.
Nhờ đà phục hồi của cổ phiếu HPG, ông Long nhanh chóng lấy lại vị trí tỷ phú sau khoảng một tuần. So với ngày 9/11, thị giá HPG đã tăng khoảng 38%.
Tuy vậy, hiện khối tài sản ròng của ông chủ Tập đoàn Hòa Phát được ước tính vào khoảng 1,5 tỷ USD, cũng giảm 1,7 tỷ USD so với đầu năm.
Diễn biến tương tự cũng ghi nhận với ba tỷ phú USD của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang, với giá trị tài sản giảm hàng tỷ USD từ đầu năm đến nay.
Trong đó, vị nữ CEO Vietjet Air hiện sở hữu 2,3 tỷ USD tài sản ròng, giảm 800 triệu USD (-25%) so với đầu năm; Chủ tịch Techcombank sở hữu 1,6 tỷ USD, giảm 700 triệu USD (-30%); Chủ tịch Masan hiện nắm 1,4 tỷ USD, giảm 500 triệu USD (26%).
Trong khi đó, tài sản của tỷ phú Trần Bá Dương và gia đình có mức biến động thấp nhất. Chủ tịch Thaco hiện nắm 1,5 tỷ USD, giảm 100 triệu USD (-7%) so với con số 1,6 tỷ USD ước tính hồi đầu năm.
Như vậy, trong chưa đầy một năm gần nhất, 7 tỷ phú USD của Việt Nam đã mất xấp xỉ 8 tỷ USD. Hiện tổng tài sản của 6 tỷ phú USD còn lại trong danh sách vào khoảng 12,3 tỷ USD.
Theo Bloomberg/Nhịp sống thị trường, Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- Forbes: Cung hoàng đạo sở hữu nhiều người giàu nhất thế giới
- Chuyện đời bươn chải của “Bố già Hồng Kông” Lý Gia Thành: Cậu bé mồ côi thất học làm 16 giờ 1 ngày, 7 ngày 1 tuần để thành tỷ phủ giàu nhất châu Á
- Tỷ phú Bill Gates: Tôi làm việc điên cuồng cho đến năm 30 tuổi, thức trắng đêm viết code thật thỏa mãn