Ô tô là lĩnh vực đã tạo ra nhiều tỷ phú cho thế giới, trong đó có người giàu nhất hành tinh Elon Musk. Bên cạnh CEO Tesla, những người thừa kế nhà BMW, Ferrari hay Hyundai… đều sở hữu khối tài sản hàng tỷ USD.
Hãng xe điện Tesla đã đưa đồng sáng lập trở thành tỷ phú USD và CEO Elon Musk trở thành tỷ phú giàu nhất thế giới với tài sản cao kỷ lục.
Sau đây là “cân đo” độ giàu có của ông chủ các hãng xe ô tô trên thế giới, tài sản của các tỷ phú dựa trên bảng xếp hạng Real time của Forbes cập nhật tháng 2/2022.
Elon Musk, đồng sáng lập và CEO Tesla
- Tài sản: 238,6 tỷ USD
Không chỉ là tỷ phú giàu nhất ngành ôtô, Elon Musk còn là người giàu nhất thế giới hiện nay. Tỷ phú 50 tuổi này đã có một năm 2021 đầy thăng hoa trong sự nghiệp. Cổ phiếu Tesla tăng mạnh đưa vốn hóa của hãng xe điện Mỹ vượt mốc 1.000 tỷ USD. Công ty công nghệ vũ trụ SpaceX của Musk cũng đạt định giá 100 tỷ USD.
Nhờ đó, tài sản của tỷ phú được Time lựa chọn là “Nhân vật của năm 2021” tăng mạnh và từng có thời điểm vượt 300 tỷ USD. Tuy nhiên, CEO Tesla đã chứng kiến tài sản “bốc hơi” hàng chục tỷ USD từ đầu năm đến nay.
Theo kết quả kinh doanh quý IV/2021, Tesla đạt lợi nhuận kỷ lục nhờ doanh số các mẫu xe phổ thông tăng mạnh. Tỷ phú Elon Musk cũng cho biết các kỹ sư của Tesla đang làm việc cật lực để ra mắt người máy tên Optimus vào năm tới. Dù vậy kết quả kinh doanh tích cực và kế hoạch của hãng xe điện không gây được ấn tượng với các nhà đầu tư.
Susanne Klatten và Stefan Quandt, người thừa kế BMW
- Tài sản: 29,1 tỷ USD và 25,6 tỷ USD
Susanne Klatten cùng với em trai Stefan Quandt là người thừa kế hãng xe hơi BMW. Nữ doanh nhân này còn gây dựng tài sản thông qua hãng dược phẩm Altana, công ty năng lượng gió Nordex AG cũng như doanh nghiệp sản xuất sợi carbon, than chì SGL. Theo Forbes, Susanne Klatten sở hữu 19,1% của BMW trong khi Stefan Quandt nắm giữ 23,6%. Cha bà Klatten là Herbert Quandt – người đã có công “giải cứu” BMW vào cuối những năm 1950.
Dù nắm giữ gần nửa cổ phần hãng xe BMW, trách nhiệm và sự ghen tị của người khác khi cả hai được thừa kế khối tài sản lớn luôn là sức ép với chị em nhà Quandt.
“Rất nhiều người cho rằng cả ngày chúng tôi chỉ ngồi trên du thuyền đi quanh Địa Trung Hải”, Klatten cho biết trong một bài phỏng vấn hiếm hoi trên Manager Magazin, “Vai trò người quản lý tài sản cũng có những mặt không hề dễ chịu chút nào đâu”.
Wang Chuanfu – Hãng xe BYD
- Tài sản: 19,5 tỷ USD
Wang Chuanfu là người sáng lập tập đoàn sản xuất ôtô điện và pin BYD – doanh nghiệp có một phần sở hữu của nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffett.
Năm 2009, ông Wang từng giữ ngôi vị người giàu nhất Trung Quốc theo thống kê của Hurun Report (tập đoàn ở Thượng Hải chuyên xuất bản các ấn phẩm dành cho giới thượng lưu) với tổng giá trị tài sản đạt 5,1 tỷ USD, dù năm trước chỉ đứng khiêm tốn ở vị trí thứ 103.
Li Shufu, Chủ tịch Geely
- Tài sản: 18,8 tỷ USD
Li Shufu là Chủ tịch của Geely Automobile Holdings, một trong những nhà sản xuất ôtô lớn nhất Trung Quốc. Tỷ phú Li đã khiến ngành công nghiệp ôtô toàn cầu phải đánh giá lại về Geely khi thâu tóm và vực dậy hãng ôtô Thuỵ Điển Volvo chỉ trong thời gian ngắn. Năm 2010, Geely mua lại Volvo từ Ford Motor và nhanh chóng thay đổi hoàn toàn thương hiệu và công ty này.
Năm 2018, ông Li Shufu tiếp tục thu hút sự chú ý với thương vụ thâu tóm cổ phần của Daimler AG – công ty mẹ của thương hiệu Mercedes-Benz. Sự kiện này được coi bước ngoặt lịch sử của một nhà sản xuất ôtô tư nhân Trung Quốc tại thị trường châu Âu.
Năm 2014, Chủ tịch Geely từng nói với Forbes Asia rằng ông làm chiếc xe đầu tiên của mình từ cát khi chưa đầy 10 tuổi trên bãi biển ở quê hương. “Chúng tôi sống trong ngôi làng nông nghiệp mà chẳng ai có đủ tiền để mua một chiếc xe hơi hay thậm chí đi máy bay. Chúng tôi cũng không có tiền để mua đồ chơi và tôi không thể tưởng tượng nổi một ngày mình lại tạo ra những chiếc xe hơi thật sự”, ông Li nhớ lại.
Piero Ferrari, người thừa kế Ferrari
- Tài sản: 4,7 tỷ USD
Piero Ferrari là con trai của Enzo Ferrari – người sáng lập hãng siêu xe Ferrari nổi tiếng thế giới. Piero sở hữu 10% của nhà sản xuất ôtô Italia và trở thành tỷ phú khi công ty này niêm yết trên thị trường chứng khoán New York vào tháng 10/2015. Cha của Piero, ông Enzo Ferrari từng là một tay đua cho Alfa Romeo trước khi thành lập đội đua Scuderia Ferrari năm 1929. Chiếc xe đua đầu tiên họ sản xuất vào năm 1947.
Mong-Koo Chung và Euisun Chung, cựu Chủ tịch và Chủ tịch Hyundai Motor
- Tài sản: 4,5 tỷ USD và 3,2 tỷ USD
Chung Mong-koo từng là Chủ tịch của Hyundai Motor, nhà sản xuất ôtô lớn nhất Hàn Quốc trước khi từ chức hồi tháng 3 năm 2020. Ông Chung là con trai thứ hai của nhà sáng lập Hyundai Chung Ju-yung. Ông tiếp quản Hyundai vào năm 2000 và đã biến công ty từng bị chê chất lượng xe kém này thành một trong những nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới.
Sau khi Chung Mong-koo từ chức, con trai của ông là Euisun Chung kế thừa vị trí chủ tịch. Vai trò của Euisun tại Hyundai ngày càng rõ nét từ khi ông được thăng chức phó chủ tịch điều hành năm 2018. Tỷ phú này cũng được đánh giá là người chèo lái sự thay đổi của Kia Motor – công ty con của Hyundai khi mang về cựu thiết kế của Audi Peter Schreyer. Ông cũng cho ra mắt thương hiệu cao cấp Genesis vào năm 2015.
He Xiaopeng – Hãng xe Xpeng Motors
- Tài sản: 6,5 tỷ USD
He Xiaopeng là người sáng lập và Chủ tịch của Xpeng Motors, một công ty khởi nghiệp về xe điện. Trước Xpeng, Xiaopeng thành lập trình duyệt UCWeb – sau đó được Alibaba Group mua lại.
Khi Elon Musk, CEO Tesla, quyết định chia sẻ hơn 200 bằng sáng chế của công ty cho công chúng tham khảo năm 2014, He Xiaopeng không hề ngại ngùng cho biết ông chính là “fan cứng” của Tesla và Xpeng Motors được thành lập từ cảm hứng từ đó.
Tháng 10/2017, Xpeng giới thiệu mẫu xe G3 đầu tiên do hãng sản xuất. Xe điện của Xpeng được thiết kế nhỏ gọn, cung cấp các chức năng thông minh bao gồm: đỗ xe tự động, tương tác bằng giọng nói và điều khiển từ xa. G3 có thể tăng tốc từ 0 lên 100 km/h trong 5,8 giây và pin đủ để di chuyển 300 km sau một lần sạc.
William Li – Hãng xe Nio
- Tài sản: 3,7 tỷ USD
Thường được gọi là “Elon Musk xứ Trung Quốc”, William Li là nhà sáng lập startup xe điện Nio Inc – đối thủ của Tesla tại thị trường Trung Quốc. Với niềm đam mê ôtô, năm 2014, Li quyết định thành lập Nio với tiền đầu tư từ các hãng công nghệ lớn như Tencent, Baidu và Lenovo.
Năm 2016, tại triển lãm Saatchi (London, Anh), Nio ra mắt mẫu xe thể thao 2 cửa đầu tiên Nio EP9 và bán được 6 chiếc tại đây với giá 3,2 triệu USD/chiếc cho các nhà đầu tư. Tới năm 2017, công ty này nhận được đơn hàng đầu tiên.
Ngoài Nio, William Li cũng là nhà sáng lập Bitauto, công ty cung cấp nội dung web và dịch vụ marketing cho các doanh nghiệp ngành ôtô tại Trung Quốc.
Li Xiang – Hãng xe Li Auto
- Tài sản: 5,1 tỷ USD
Li Xiang là nhà sáng lập công ty xe điện có trụ sở tại Bắc Kinh Li Auto. Hãng xe này đã niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) vào tháng 7 năm ngoái. Sản phẩm nổi tiếng nhất của công ty là Li One – một chiếc SUV điện 6 chỗ.
Để phân biệt sản phẩm của mình với các hãng khác, như xe điện của Tesla, Li Xiang đã phát triển một hệ thống mang tên EREV (xe điện phạm vi mở rộng). Hệ thống của Li được cung cấp năng lượng từ cả pin và động cơ đốt trong.
Li Auto từng thu hút một số nhà đầu tư tên tuổi như hãng giao đồ ăn Meituan Dianping hay ByteDance – công ty mẹ của Tik Tok. Người sáng lập Meituan, tỷ phú Wang Xing là thành viên hội đồng quản trị của công ty từ tháng 7/2019.
RJ Scaringe – Hãng xe Rivian Automotive
- Tài sản: 1,1 tỷ USD
RJ Scaringe là nhà sáng lập của hãng xe điện Rivian. Ông mơ ước thành lập công ty ôtô riêng từ khi còn học trung học. Sau khi nhận bằng tiến sĩ tại MIT, năm 2009, Scaringe trở về quê nhà Melbourne, Florida và thành lập công ty tiền thân của Rivian. Công ty này đã nhận được vốn đầu tư từ Amazon, Ford và một số nhà đầu tư khác
Dù mới niêm yết trên trên sàn chứng khoán ở New York trong tháng 11 này, vốn hóa thị trường của Rivian đã vượt 100 tỷ USD, lớn hơn cả vốn hóa của những hãng xe lâu đời ở Mỹ như General Motors (GM) và Ford Motor.
Rivian mới giao những chiếc xe đầu tiên của hãng cách đây 2 tháng và chủ yếu là xe bán cho nhân viên. Trong năm nay, hãng dự kiến chỉ sản xuất khoảng 1.200 xe tại nhà máy ở Normal, Illinois. Rivian lỗ khoảng 1 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021. Công ty dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ đạt mức sản lượng hàng năm 150.000 xe.
Phạm Nhật Vượng với ẩn số VinFast
- Tài sản: 6,4 tỷ USD
Sản xuất và phân phối xe ô tô điện VinFast trên đất Mỹ rồi tới toàn cầu, nhất là sau “cơn địa chấn” VF e34 tại Việt Nam và VF e35, VF e36 mới ra mắt tại Los Angeles Auto Show 2021, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đủ khôn ngoan trong chiến lược và tầm nhìn để “không lấy trứng chọi đá”.
Chính bản thân tỷ phú Phạm Nhật Vượng thì muốn Việt Nam phải được thế giới biết đến không chỉ như một dân tộc anh hùng mà người Việt còn rất trí tuệ, uy tín, vị thế của đất nước mạnh về công nghệ, đáng tin cậy về đẳng cấp.
Trước đó, Bloomberg vừa đưa tin Tập đoàn Vingroup (VIC) đang xem xét đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Mỹ đối với công ty sản xuất ô tô VinFast, dự kiến huy động khoảng 2 tỉ USD. VinFast kỳ vọng vào mức định giá ít nhất 50 tỉ USD sau khi niêm yết.
Nếu thành công, hãng xe sẽ trở thành công ty Việt Nam đầu tiên niêm yết tại Mỹ. Hiện tỷ phú Phạm Nhật Vượng sở hữu trực tiếp và gián tiếp hơn 40% tại VinFast. Với cơ cấu sở hữu hiện tại, một khi đợt IPO của VinFast tiến hành thành công và đạt được mục tiêu vốn hóa tối thiểu 50 tỉ USD như kỳ vọng, khối tài sản cá nhân (trực tiếp và gián tiếp) của ông Phạm Nhật Vượng có thể tăng thêm ít nhất là 20 tỉ USD. Forbes cập nhật đến ngày 16.4 tài sản của tỉ phú Phạm Nhật Vượng là 9,8 tỉ USD, xếp hạng 234 người giàu nhất hành tinh.
Như vậy, nếu VinFast thực hiện IPO đạt như kỳ vọng, thì người giàu nhất Việt Nam có thể sở hữu tài sản đến 30 tỉ USD, trở thành người giàu nhất Đông Nam Á cũng như đứng trong Top 50 người giàu nhất thế giới.
Tổng hợp