Nhận lương 1 USD/năm (tương đương với chỉ 23.000 đồng/năm) không có nghĩa là những sếp tổng của các tập đoàn lớn đang đi làm không công. Thực tế đây là một chiến lược có thể coi là “thả con săn sắt bắt con cá rô”.
Những ‘sếp tổng’ nhận lương 1 USD/năm
Là những người đứng đầu công ty, nắm mọi quyền hành và phải chịu nhiều áp lực, mọi người sẽ nghĩ rằng các chủ tịch của những tập đoàn lớn sẽ sẽ nhận được mức lương ‘khủng’. Song thực tế không phải tất cả đều như vậy. Giám đốc điều hành Meta – Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành của Alphabet – Larry Page, Giám đốc điều hành của Zynga – Mark Pincus, nữ tỷ phú thành công nhất nước Mỹ Meg Whitman… vẫn chỉ có mức là 1 USD/năm (23.000 đồng/năm).
Mức lương này đã trở nên phổ biến trong tuyên bố của các quan chức chính phủ hàng đầu nước Mỹ và một số giám đốc điều hành từ trong Thế chiến II. Vào đầu những năm 1940, khi nước Mỹ trong giai đoạn cố gắng thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Một số nhà lãnh đạo kiệt xuất như Philip Reed – CEO của GE và William S. Knudsen – Chủ tịch General Motors đã cung cấp dịch vụ của họ miễn phí cho chính phủ. Tuy nhiên, luật pháp cấm Washington thuê các tình nguyện viên mà không trả lương, những người này đã được đề nghị trả mức lương 1 USD. Họ được mệnh danh là ‘những người đàn ông 1 USD/ năm’.

Nhiều thập kỷ sau, khái niệm này đã được một nhóm CEO mới trong khu vực kinh tế tư nhân áp dụng. Đây không phải là một cử chỉ hi sinh như trong thời chiến tranh, mà là một động thái hướng đến các cổ đông trong công ty.
Người dẫn đầu xu hướng này là Lee Iacocca – CEO của Chrysler Corporation đã sẵn sàng cắt giảm lương của bản thân xuống còn 1 USD trong bối cảnh tình hình kinh doanh tồi tệ. Đến khi công ty nhận được khoản vay 1,5 tỷ USD và tình hình công ty được khôi phục, ông đã được xem như một tấm gương tiêu biểu cho tinh thần hi sinh.
Từ đó trở đi, mức lương 1 USD trở thành một hình thức quảng cáo trong giới CEO về việc họ sẵn sàng chịu thiệt để công ty được phát triển.
Trong một buổi trả lời hỏi đáp trên facebook, hồi tháng 6/2015, Mark Zuckerberg đã tiết lộ lý gia nhập CLB lương 1 USD. Anh cho biết bản thân đã kiếm đủ tiền. “Giờ đây tôi chỉ tập trung đảm bảo rằng tôi làm điều tốt nhất có thể với những gì tôi có có. Cách tốt nhất tôi có thể giúp mọi người là thông qua facebook, mọi người có thể chia sẻ, kết nối với cả thế giới”, anh nói.
Song thực tế nguyên nhân gia nhập câu lạc bộ lương 1 USD của các CEO chỉ đơn giản là như vậy?
Đằng sau khoản lương 1 USD/năm
Theo Indiatimes, các CEO sẵn sàng nhận mức lương thấp đến như vậy nhằm mục đích tránh phải trả thuế thu nhập cao.

Tất nhiên mức lương 1 USD không phải là thu nhập duy nhất của các CEO. Đó chỉ là một phần trong tổng gói thù lao mà họ có thể sẽ nhận được. Ngoài tiền lương 1 USD, các CEO còn thu nhập từ quyền chọn cổ phiếu, cổ phần, khoản thưởng. Thuế thu nhập từ các khoản này thường thấp hơn so với thuế thu nhập cá nhân từ lương.
Kết quả hoạt động của công ty càng tốt thì các khoản tiền dưới dạng cổ phiếu, vốn cổ phiếu và tiền thường sẽ càng có giá trị và ngược lại. Từ đây họ gia tăng số cổ phần nắm giữ trong công ty giúp bản thân trụ vững ở vị trí điều hành dù có bị phản đối bởi chính nội bộ công ty.
Theo The Hustle, một nghiên cứu đã so sánh mức lương của các CEO nhận 1 USD và các CEO không nhận mức lương thấp như vậy đã phát hiện ra rằng: Trong khi các CEO nhận lương 1 USD nhận được được ít hơn khoảng 1,6 triệu USD tiền mặt so với các đồng nghiệp thì cuối cùng họ lại kiếm được nhiều hơn 3,5 triệu USD dưới các hình thức khác.
Chẳng hạn, Steve Jobs đã nhận mức lương 1 USD mỗi năm từ năm 1997-2011, tức ông nhận được 15 USD tiền mặt. Tuy nhiên, trong cùng khoảng thời đó, giá trị của cổ phiếu của ông đã tăng từ 17,5 triệu USD lên 2,2 tỷ USD. Apple đã thưởng cho ông một chiếc máy bay riêng trị giá 90 triệu USD. Thậm chí chỉ riêng trong năm 2007, ông đã kiếm được 647 triệu USD từ cổ phiếu bị hạn chế giao dịch.
Điều này cũng còn hướng đến mục đích sâu xa khác khiến các nhà đầu tư yên tâm hơn vì một người sẽ làm việc chăm chỉ hơn khi thu nhập gắn liền với hiệu quả hoạt động của công ty.

Nhưng với các CEO nhận mức lương 1 USD thì đây là một cuộc chơi mạo hiểm bởi vì vận may của họ được gắn liền với hiệu quả hoạt động của công ty. Nếu công ty ăn nên làm ra, họ có thể kiếm được hàng triệu hoặc hàng tỷ từ các giao dịch chứng khoán hoặc ngược lại.
Bên cạnh đó, việc sẵn sàng nhận mức lương 1 USD thay vì 1 triệu USD như nhiều người vẫn nghĩ còn cho thấy sự cống hiến và cam kết của người điều hành đối với công ty, tạo ra hình ảnh tích cực với công chúng.
Đặc biệt, việc làm này của các CEO có thể coi là một chiến lược tác động tâm lý nhân viên, thúc đẩy hiệu quả làm ăn của công ty. Bằng việc giảm lương cơ bản của mình xuống mức 1 USD/năm toàn thể mọi người sẽ nhìn nhận đó là một sự hy sinh lớn lao của lãnh đạo để thúc đẩy tương lai bền vững và an toàn, ủng hộ tinh thần làm việc nhiều hơn bất chấp gian khó.
Ông Phạm Nhật Vượng cùng loạt tỷ phú USD nhận lương 0 đồng
Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup; ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát; ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Masan… đã nhận thù lao 0 đồng trong năm 2022.
Trong báo cáo thường niên vừa công bố, ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) và các Thành viên Hội đồng quản trị không nhận lương năm 2022.
Ông Long cùng các thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) đã quyết định giữ lại toàn bộ lợi nhuận để dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Hội đồng quản trị của Hòa Phát có 8 người, gồm 1 Chủ tịch, 3 Phó chủ tịch, 3 thành viên HĐQT và 1 phụ trách quản trị.
Điều này trái ngược hẳn với năm 2021 khi doanh nghiệp này đã mạnh tay chi 118 tỷ đồng để trả thù lao cho các thành viên HĐQT, mỗi người nhận được hàng chục tỷ đồng.
Theo Forbes, ông Trần Đình Long hiện có tổng tài sản đạt 1,8 tỷ USD. Ông cũng đang nắm giữ hơn 1,5 tỷ cổ phiếu HPG, tương ứng 26% vốn điều lệ công ty.

Tuy nhiên, Tập đoàn Hòa Phát vẫn trả lương và thưởng cho Ban Giám đốc công ty 5,3 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2021. Hiện tại, ban giám đốc của Hòa Phát gồm ông Nguyễn Việt Thắng – Tổng Giám đốc và bà Nguyễn Thị Thảo Nguyên – Phó Tổng Giám đốc.
Trong năm 2022, Hòa Phát đã ghi nhận 2 quý thua lỗ liên tiếp trong nửa cuối năm với lợi nhuận là âm 1.992 tỷ đồng. Lợi nhuận cả năm đạt 8.443 tỷ đồng, giảm gần 76% so với năm 2021 và là mức thấp nhất kể từ 2019. Kết quả này cũng kém xa mục tiêu lợi nhuận 25.000 – 30.000 tỷ mà đại hội cổ đông năm 2022 đặt ra.
Năm 2022 cũng là lần đầu tiên Hòa Phát không chia cổ tức kể từ khi niêm yết. Về số tiền giữ lại, ông Trần Đình Long cho biết, sẽ dùng để triển khai mạnh dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2.
Trong báo cáo thường niên năm 2022, ông Trần Đình Long cho biết, năm 2021 là năm Tập đoàn Hòa Phát đạt được doanh thu và lợi nhuận rực rỡ nhất trong lịch sử 30 năm phát triển. Tuy nhiên, những biến động lớn về kinh tế, chính trị thế giới diễn ra trong năm 2022 đã ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của Hòa Phát.
Dù dịch COVID-19 đã được đẩy lùi nhưng xung đột địa chính trị, lãi suất, lạm phát, tỷ giá đã tạo thành lốc xoáy cuốn bay thành quả tích lũy của nhiều nền kinh tế và Hòa Phát lần đầu tiên ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ sâu liên tiếp trong 2 quý cuối năm 2022.
“Trong cùng một năm mà ngành bất động sản từ nóng chuyển sang nguội dần và đóng băng vào cuối năm. Tỷ giá, lãi suất cũng lên cơn sốt chưa từng có và chỉ hạ nhiệt bớt vào tháng 12/2022”, ông Long chia sẻ.
Theo ông Long, năm 2023, dự báo kinh tế thế giới và Việt Nam chưa lạc quan hơn, tuy nhiên Hòa Phát sẽ luôn thận trọng, tự tin và vững bước tiến lên, phát huy tốt những lợi thế của mình.

Cụ thể, năm 2023, Hòa Phát sẽ đầu tư thêm hạ tầng kỹ thuật dự án Khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng với diện tích quy hoạch 216 ha. Kế hoạch trong 10 năm tới, Tập đoàn sẽ phát triển 10 khu công nghiệp, gồm cả các khu công nghiệp hiện nay đang có.
Đối với mảng dự án nhà ở và khu đô thị, tập đoàn này sẽ tập trung phát triển các đại đô thị diện tích từ 300-500 ha, đóng góp vào quá trình đô thị hóa các khu dân cư hiện hữu của địa phương. Các dự án bất động sản nhà ở, khu đô thị đang được nghiên cứu và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện.
Một tỷ phú USD khác của Việt Nam là ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) cũng không nhận thù lao trong năm 2022. 6 thành viên khác trong Hội đồng quản trị Masan cũng nhận thù lao 0 đồng.
Ông Nguyễn Đăng Quang được Forbes định giá có tổng tài sản của ông đạt 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, ông không trực tiếp sở hữu nhiều cổ phiếu của các công ty con hay Tập đoàn Masan.
Trong khi đó, ông Danny Le – Tổng giám đốc Masan – được trả lương và thưởng là 11,9 tỷ đồng, trung bình 992 triệu đồng/tháng trong năm 2022. So với năm 2021, tổng thu nhập mỗi tháng của ông Danny Le năm 2022 giảm khoảng 348 triệu đồng.
Năm 2022, doanh thu thuần Masan Group giảm 14% so với năm 2021 còn 76.380 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng của Masan đạt 3.567 tỷ đồng, giảm gần 60% so với năm 2021.

Ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) và là Thành viên Hội đồng quản trị Công ty CP Vinhomes nhưng tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng nhận thù lao 0 đồng. Hiện tại, Forbes định giá tài sản ông Phạm Nhật Vượng 4,3 tỷ USD.
Tại Vingroup còn có bà Nguyễn Diệu Linh – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Yoo Ji Han – Thành viên Hội đồng quản trị độc lập Tập đoàn Vingroup cũng nhận lương 0 đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Quang – Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup nhận lương gần 6,2 tỷ đồng trong năm 2022. Còn các thành viên quản lý khác nhận tổng cộng khoảng 13,4 tỷ đồng.
Theo Nhịp sống thị trường/ Tienphong
Xem thêm bài liên quan
- 10 nguyên tắc giúp Sam Walton thành “ông vua bán lẻ”: “Hãy tiết kiệm giúp khách hàng từng đồng tiền lẻ”
- Làm thế nào để có nghìn tỷ trong tay? – Đơn giản dễ hiểu, ai đủ trình thì làm theo!
- 3 tỷ phú thất bại ê chề nhất trong giới nhà giàu: Tài sản “bay màu” sau một đêm, có người còn “thân bại danh liệt”