Công việc áp lực của các tỷ phú công nghệ khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi rằng họ làm cách nào để giải tỏa stress? Để có thể tiếp tục công việc đầy áp lực và sống một cách vui vẻ như vậy?
Các tỷ phú công nghệ thường tìm đến cách giải tỏa stress bất chấp mọi ảnh hưởng sức khỏe, với cái cớ là tìm kiếm ý tưởng đột phá hoặc giải tỏa áp lực công việc.
Elon Musk dùng ketamine và Sergey Brin đôi khi thích nấm ảo giác, theo các nguồn tin trực tiếp chứng kiến và nguồn tin nội bộ tại các công ty nói với The Wall Street Journal.
Các giám đốc cấp cao tại công ty đầu tư mạo hiểm Founders Fund, nổi tiếng với các khoản đầu tư vào SpaceX và Facebook, cũng nhiều lần tổ chức các bữa tiệc có các loại thuốc gây ảo giác. Nhiều giám đốc điều hành trong ngành công nghệ thậm chí coi các loại thuốc này và các chất kích thích tương tự là cánh cửa dẫn đến những bước đột phá trong kinh doanh.
“Mỗi giây phút có hàng triệu người đang uống các thuốc gây ảo giác”, theo Karl Goldfield, cựu cố vấn tiếp thị và bán hàng ở San Francisco, người không có được đào tạo về y tế nhưng đã tư vấn cho bạn bè và đồng nghiệp trong ngành công nghệ cách dùng thuốc dựa trên kinh nghiệm cá nhân.
Thông lệ sử dụng chất kích thích tại thung lũng Silicon
Lời mời tham gia các bữa tiệc chất kích thích và thuốc gây ảo giác thường được gửi qua ứng dụng nhắn tin mã hóa Signal, thay vì qua email hoặc tin nhắn, vì vậy khó bị lộ ra ngoài. Tại một số bữa tiệc tư nhân cao cấp, người tham gia được yêu cầu ký thỏa thuận không tiết lộ và đôi khi trả hàng trăm USD để tham dự, theo những người đã tham dự hoặc nhận được lời mời.

Dùng thuốc kích thích gần như đã trở thành thông lệ trong hoạt động kinh doanh đối với nhiều nhân sự cấp cao trong ngành công nghệ, cho dù hầu hết thuốc này là bất hợp pháp, đi kèm với rủi ro gây nghiện và lạm dụng. Thung lũng Silicon cũng dung túng cho việc này, nhiều công ty không xét nghiệm nhân viên thường xuyên.
Spencer Shulem, Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp BuildBetter.ai, cho biết ông sử dụng LSD khoảng 3 tháng một lần vì cảm thấy thuốc làm tăng khả năng tập trung và suy nghĩ sáng tạo hơn. Shulem nói rằng khi làm việc một mình sau nhiều giờ, ông sẽ sử dụng một liều đủ thấp để không ai phát hiện.
Vị CEO sống tại thành phố New York (Mỹ) cho biết áp lực từ các nhà đầu tư có thể khiến những nhà khởi nghiệp công nghệ tìm đến chất kích thích để có những ý tưởng sáng tạo hơn. “Các nhà đầu tư không muốn một người bình thường, một công ty bình thường. Họ muốn một cái gì đó phi thường, và không ai sinh ra đã như vậy”, Shulem nói.
Một số thuốc như ketamine được sử dụng trong y tế, do đó không ít giám đốc công nghệ nói rằng dùng thuốc có lợi ích sức khỏe. Các nhà đổi mới công nghệ như Steve Jobs của Apple từ lâu đã nói về việc sử dụng LSD. Tuy nhiên thực tế là những người tự sử dụng đều tự mua và uống chứ không có chỉ định hay kê đơn của bác sĩ.

“Một vài năm trước, nói về dùng thuốc ảo giác ở Thung lũng Silicon là điều tối kỵ. Bây giờ mọi việc đã thay đổi”, Edward Sullivan, Giám đốc điều hành của Velocity Coaching, doanh nghiệp chuyên huấn luyện các nhà sáng lập và giám đốc điều hành công ty, cho biết.
Sullivan nói rằng khoảng 40% khách hàng tỏ ra quan tâm đến thuốc ảo giác, trong khi 5 năm trước chỉ có một số rất ít. Thậm chí, một số huấn luyện viên cho biết họ hỗ trợ các đội ngũ lãnh đạo tổ chức dùng thuốc trong công ty. Kỳ vọng của các doanh nhân là chỉ cần dùng một liều nhỏ và thuốc sẽ giảm bớt lo lắng hoặc tăng cường sự tập trung, và một số người cho biết sẵn sàng dùng liều cao hơn khi cần tìm ra một ý tưởng đột phá.
Giá đắt phải trả khi lạm dụng thuốc
Giám đốc điều hành đã bị sa thải của công ty khởi nghiệp Iterable, Justin Zhu, cho biết đã dùng LSD theo lời giới thiệu của một doanh nhân khác nhằm đối phó với chứng trầm cảm do trở thành CEO. Dùng thuốc cũng là lý do khiến Zhu bị hội đồng quản trị sa thải.
Musk công khai hút cần sa vào năm 2018 trên podcast The Joe Rogan Experience. Tỷ phú cũng đã nói với mọi người rằng có dùng liều nhỏ ketamine để điều trị chứng trầm cảm và dùng liều lớn hơn tại các bữa tiệc, theo những người đã chứng kiến Musk dùng thuốc.
Việc các sếp công nghệ dùng thuốc cũng có thể tạo ra văn hóa độc hại trong công ty, bình thường hóa việc sử dụng chất kích thích. Một cựu nhân viên tại nhà máy của Tesla ở Fremont, California (Mỹ), nói rằng công ty này dung túng đối với việc sử dụng cần sa và thuốc ảo giác ngoài giờ làm việc và nhân viên không bị xét nghiệm định kỳ. Người này cũng nói rằng cảm thấy được khuyến khích bởi Musk, Giám đốc điều hành của Tesla, vì tỷ phú này thường xuyên đùa về chất kích thích trên Twitter.

Các chuyên gia y tế cho biết những người tự mua và dùng thuốc có thể rơi vào tình trạng nghiện hoặc lạm dụng. “Không có gì đảm bảo rằng người tự dùng thuốc sẽ đạt được tác động tích cực”, Alex Penrod, chuyên gia về chứng nghiện ở Austin, Texas (Mỹ), cho biết.
Penrod cho biết ông ủng hộ việc sử dụng chất gây ảo giác với sự trợ giúp của bác sĩ hoặc chuyên gia trị liệu được đào tạo, nhưng trên thực tế nhiều người dùng chỉ lấy lợi ích lâm sàng của chất gây ảo giác làm cái cớ để biện minh cho việc sử dụng bừa bãi.
Khi sử dụng các loại thuốc mà không có sự trợ giúp của các chuyên gia được đào tạo, người dùng dễ rơi vào tình trạng tự hủy hoại bản thân hơn là đạt được hiệu quả tích cực, theo Sullivan.
Đó là những gì đã xảy ra với Tony Hsieh, cựu Giám đốc điều hành của Zappos, người đã qua đời vào cuối năm 2020 sau một vụ cháy nhà. Hsieh tin rằng ketamine có thể giúp mình giải quyết những thách thức kinh doanh khi làm việc tại Zappos, công ty thuộc sở hữu của Amazon, nhưng rơi vào tình trạng lạm dụng, theo WSJ. Dưới áp lực từ Amazon, Hsieh đã từ chức ngay trước khi qua đời.
Các tỷ phú công nghệ làm việc nhiều gấp đôi người bình thường, họ làm gì để giải tỏa căng thằng?
Chúng ta vẫn thường nói rằng tiền cũng không thể mua được hạnh phúc nhưng thực tế thì các nhà khoa học đã chứng minh được rằng trung bình con người trên thế giới cần thu nhập khoảng 100 nghìn USD mỗi năm để cảm thấy hạnh phúc. Ít hơn số đó sẽ cảm thấy thiếu thốn, còn nhiều hơn lại tạo cảm giác ganh tị, so sánh với những người giàu hơn để rồi bạn lại phải làm việc, cố gắng kiếm nhiều tiền hơn nữa.
Thực tế đã chứng minh một phần của nghiên cứu trên khi mà các tỷ phú công nghệ đạt được khối tài sản khổng lồ, cuộc sống của họ có thể nói là “cả đời không tiêu hết tiền” nhưng đi kèm theo đó lại là những trách nhiệm vô cùng lớn lao.
Như Mark Zuckerberg phải chịu áp lực rất nhiều và bị đổ lỗi về các chính sách bảo mật của Facebook, hay Elon Musk đang phải vất vả lèo lái Tesla thoát khỏi tình cảnh phá sản, đến mức Musk phải ngủ lại nhà máy, làm việc cao điểm có lúc lên tới 90 tiếng mỗi tuần.
1. Paul Allen
Nhắc đến các tỷ phú công nghệ biết cách phân bổ thời gian làm việc, giải trí thì không thể không nhắc đến Paul Allen, đồng sáng lập Microsoft cùng với Bill Gates. Từng chia sẻ rằng mình thích biển, Paul Allen đã mua cho mình một du thuyền đồ sộ mang tên Octopus. Ông dùng chiếc du thuyền này cho khá nhiều mục đích, từ nghiên cứu, cứu hộ, cho tới cả việc đi du lịch để xả stress.
Bên cạnh đó, Allen cũng là một tín đồ của văn hóa đại chúng, yêu thích âm nhạc và ông đã thành lập cả một Viện bảo tàng Văn hóa đại chúng tại Seatlle.

2. Sergey Brin
Sergey Brin cùng với Larry Page là đồng sáng lập của Google. Trong quỹ thời gian rảnh rỗi của mình, Brin thường xuyên tham gia vào các môn thể thao mạo hiểm như nhào lộn, nhảy dù cùng các hoạt động mang tính thách thức giới hạn của cơ thể khác. Thời còn ở Stanford, Brin cũng từng là một tay bơi lội cừ khôi.
Thực tế thì các hoạt động thể thao là thứ rất được Brin quan tâm bởi vào năm 2008, Brin phát hiện ra mình bị bệnh Parkinson và cách duy nhất để anh chuẩn bị đón nhận cũng như giảm tác hại của bệnh là tập luyện thể thao mà thôi.
3. Daniel Ek
Nhà sáng lập của Spotify tuy có khối tài sản “khiêm tốn” hơn so với các nhân vật kể trên nhưng với 2,8 tỷ USD tài sản theo thống kê đầu năm 2018 vừa qua thì nó cũng đủ để anh có cuộc sống thoải mái, có điều kiện tham gia những chuyến du lịch đắt tiền, những thú vui sang chảnh…
Ấy vậy nhưng niềm đam mê duy nhất của Ek lại chỉ có âm nhạc mà thôi. Mỗi khi buồn chán, căng thẳng trong công việc, Ek thường cầm guitar lên và chơi một vài bài.
4. Jack Ma
Jack Ma, nhà sáng lập của Alibaba khởi nghiệp năm 35 tuổi và đã dành rất nhiều thời gian để xây dựng nên công ty trị giá hàng trăm tỷ USD của mình. Tuy bận rộn với công việc nhưng Jack Ma vẫn cố gắng dành thời gian để tập Thái cực quyền. Kể từ năm 2009, Jack Ma còn tự mình dạy Thái cực quyền cho các nhân viên tại Alibaba và sau đó còn mời cả Lý Liên Kiệt tham gia cùng mình.
Tập Thái cực quyền giúp cho Jack Ma luôn giữ được sự bình tĩnh trong cuộc sống, cân bằng được áp lực trong công việc.

5. Elon Musk
Tỷ phú công nghệ Elon Musk hiện đang điều hành Tesla cũng như SpaceX từng được biết đến như một người nghiện công việc. Đã có thời điểm Musk làm việc tới 90 giờ mỗi tuần.
Dù có một khối tài sản lớn nhưng Musk không dành tiền vào những thú vui sang chảnh quá mức. Thay vào đó, Musk thường xuyên dành thời gian rảnh để đưa các con mình đi chơi. Ngoài ra, Musk còn có một sở thích khác sau ngày làm việc, đó là nằm dài ở nhà và… chơi điện tử.
6. Mark Zuckerberg
Mark Zuckerberg đã sáng lập nên Facebook và sau phiên điều trần với quốc hội Mỹ trong tháng 3 vừa qua, cả thế giới đã phải công nhận rằng Facebook hiện có ảnh hưởng quá lớn tới xã hội, chẳng ai có thể loại bỏ hay làm khó dễ công ty này, đơn giản là bởi vì cả thế giới đều đang dùng và cần sử dụng Facebook hàng ngày.
Tuy phải điều hành công ty nhưng Zuckerberg vẫn thường xuyên dành cho gia đình những khoảng thời gian riêng. Như khi con gái chào đời, Zuckerberg đã nghỉ tận 2 tháng để dành thời gian ở bên cạnh bé gái của mình. Bên cạnh đó, Zuckerberg cũng thường xuyên dành thời gian cùng gia đình đi du lịch khắp nơi.
Theo Zingnews/ Trí thức trẻ