Không phải ai cũng biết, trước khi lọt top những tỷ phú đô la của thế giới do Forbes công nhận, những doanh nhân của Việt Nam đều theo học những khối ngành mang tính đặc thù và hiện vẫn là ước mơ của các sĩ tử.
Tạp chí Forbes (Mỹ) công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2023, Việt Nam có 6 đại diện gồm Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.
Họ đều là những cái tên xuất sắc trong từng lĩnh vực riêng và nhận được sự ngưỡng mộ từ nhiều người. Vì vậy, ngay từ con đường học vấn của những tỷ phú hàng đầu Việt Nam này cũng được nhiều người quan tâm và tìm hiểu.
Để có được thành công trên thương trường, những người giàu nhất Việt Nam đều có học vấn khủng, theo học tại các trường đại học danh giá trong nước và quốc tế.
1. Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng – ngành kinh tế và địa chất
Người nắm giữ nhiều tài sản nhất trong số 6 tỷ phú đô la của Việt Nam là ông Phạm Nhật Vượng. Năm 1980 – thông qua mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với các nước Đông Âu – đặc biệt là Liên Xô, Việt Nam đã gửi rất nhiều học sinh đạt thành tích học tập xuất sắc nhất sang nước bạn học tập với các chuyên ngành liên quan đến kinh tế, tài chính, khoa học – kỹ thuật. Thời kỳ đó, du học Liên Xô là niềm mơ ước thoát nghèo của nhiều thanh niên Việt Nam.
Năm 1985 ông thi đỗ vào trường ĐH Mỏ địa chất Hà Nội. Nhờ thành tích học tập xuất sắc, năm 1987, ông giành được học bổng du học tại Học viện địa chất Moscow, chuyên ngành kinh tế và địa chất.
Sau khi tốt nghiệp và kết hôn, ông chuyển đến thành phố Kharkov, mở cửa hàng ăn lấy tên Việt Nam Thăng Long. Sau đó ông khởi nghiệp với thương hiệu mì Mivina, mở đầu cho hành trình gây dựng khối tài sản 4,3 tỷ USD (đứng thứ 636 thế giới).
2. Chủ tịch HĐQT VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo – ngành điều khiển học kinh tế, tài chính tín dụng, quản lý kinh tế
Là người giàu thứ 1368 trên thế giới, trước khi có được khối tài sản lên đến 2,2 tỷ USD, Chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo từng thi đỗ ĐH Ngoại thương.
Tuy nhiên ngay sau đó bà đi du học ở Đông Âu. Trong cộng đồng du học sinh lúc bấy giờ, bà Thảo nhanh chóng nổi lên nhờ thành tích học tập xuất sắc.
Ở tuổi 27, người phụ nữ giàu nhất Việt Nam có 2 bằng cử nhân và 1 bằng Tiến sĩ. Bà tốt nghiệp tiến sĩ Học viện Mendeleev ngành điều khiển học kinh tế. Đồng thời nữ tỷ phú này lấy bằng cử nhân ngành tài chính tín dụng tại Học viện Thương mại Moscow và cử nhân ngành Quản lý kinh tế lao động tại trường Kinh tế quốc dân Moscow.
Sau 3 năm tích lũy nhờ buôn bán hàng hoá qua lại giữa các nước, bà Thảo có trong tay 1 triệu USD khi chỉ mới 21 tuổi.
Sau khi về nước, bà dấn thân vào lĩnh vực ngân hàng và bất động sản. Với nền tảng đó, bà Thảo đã chính thức thành lập hãng hàng không Vietjet Air và dẫn dắt công ty thành công nhanh chóng cho đến thời điểm hiện tại.
3. “Vua thép” Trần Đình Long – ngành Toán kinh tế
Tỷ phú thép Trần Đình Long sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Từ thuở đi học, ông học rất giỏi môn văn và thường có tên trong đội tuyển học sinh giỏi của trường. Dẫu đam mê văn học, nhưng ông lại theo học chuyên ngành Toán kinh tế của Đại học Kinh tế Quốc dân.
Đây là ngành học chuyên nghiên cứu về việc vận dụng toán học và việc phân tích các mô hình kinh tế, nhằm mục đích hiểu rõ hơn về các quy luật kinh tế của nền kinh tế thị trường đầy biến động.
Năm 2022 vừa qua, đây là một trong những ngành có điểm trúng tuyển khá cao ở ĐH Kinh tế Quốc dân, 27,15 điểm. Như vậy có thể thấy để trúng tuyển ngành này đòi hỏi thí sinh phải đạt hơn 9 điểm/môn.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị, một nhân viên của Hoà Phát từng nhận xét: “Chắc do học Toán kinh tế nên sếp rất kỹ và chi tiết về số liệu về các dự án trước khi đưa ra quyết định, nhưng lại rất linh hoạt với biến động của thị trường. Và cũng có lẽ vì logic kiểu toán nên sếp thường căn cứ vào thực tiễn để điều chỉnh hướng đi chứ không có những giấc mơ kiểu ‘thay đổi thế giới’ như các VIP khác”.
4. Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh – ngành kỹ sư điện, quản trị nhân lực
Lần thứ 5 xuất hiện trong danh sách của Forbes, ông Hồ Hùng Anh đang nắm giữ khối tài sản khoảng 1,5 triệu USD. Theo Forbes Việt Nam, ông có bằng kỹ sư điện tại trường đại Bách khoa Kiev (Ukraine) và thạc sĩ Quản trị nguồn nhân lực tại ĐH Giao thông đường bộ Moskva.
Doanh nhân này tham gia hội đồng quản trị Techcombank năm 2004. 4 năm sau ông trở thành Chủ tịch ngân hàng này cho đến thời điểm hiện tại.
Ngoài những đóng góp cho Techcombank, ông Hồ Hùng Anh còn được biết đến là người xây dựng đế chế Masan cùng với ông Nguyễn Đăng Quang. Ông từng nắm giữ chức vụ Tổng Giám đốc của Masan và là Phó Chủ tịch HĐQT công ty.
5. Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương – ngành Máy nâng chuyển bốc xếp
Vào danh sách của Forbes từ năm 2018, tài sản của Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và gia đình ước tính khoảng 1,5 tỷ USD. Ông theo học và có bằng cử nhân Đại học Bách khoa TP.HCM chuyên ngành máy nâng chuyển bốc xếp.
Sau khi tốt nghiệp, ông Dương xin làm công nhân sửa chữa ô tô, sau đó dần được đề xuất lên vị trí quản lý.
Vị doanh nhân sáng lập THACO vào năm 1997, ban đầu chỉ bán xe. Một thời gian sau, THACO bắt đầu lắp ráp xe cho các thương hiệu quốc tế như Kia, Mazda và Peugeot. Đến nay, THACO là một trong những công ty xe hàng đầu ở Việt Nam.
6. Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang – ngành Quản trị kinh doanh, Vật lý hạt nhân
Trong thế hệ du học sinh Việt Nam tại Đông Âu những năm 1980-1990, ông Nguyễn Đăng Quang là gương mặt tiêu biểu với thành tích học tập nổi bật.
Sau 10 năm du học, ông tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) của Đại học Kinh tế Nga Plekhanov. Bên cạnh đó, còn có trong tay tấm bằng Tiến sĩ Vật lý hạt nhân tại Đại học Vật lý ứng dụng – Viện Hàn lâm khoa học Belarus.
Sau khi hoàn thành chương trình học, ông trở về nước công tác tại Viện khoa học Việt Nam rồi trở lại Nga để “buôn” mì gói.
Hồi mới nổi, nhiều người hỏi “nghe nói nhà nước cho ông học hành dữ dằn, học về vật lý hạt nhân (học vị Tiến sĩ) nhưng sao lại đi buôn mì gói?”, người đứng đầu Masan trả lời tại Đại hội cổ đông 2019: “Hơn hai mươi năm trước, tình hình kinh tế Việt Nam còn khó khăn, nhu cầu “no bụng” người Việt Nam là rất cấp thiết, cách tốt nhất và nhanh nhất mà họ có được là một gói mì.
Đến một ngày, Masan phát hiện ra không chỉ riêng gì người Việt Nam mà còn 140 triệu người dân Nga cũng cần gói mì để giải quyết cơn đói lòng”.
Nhìn chung có thể thấy, các tỷ phú đô la của Việt Nam chủ yếu lựa chọn các ngành liên quan đến kinh doanh, quản lý và kỹ thuật để theo học.
Theo thống kê của Bộ giáo dục – đào tạo, trong mùa tuyển sinh năm 2022 vừa qua đây đều là những khối ngành có sức hút với sinh viên. Đặc biệt lĩnh vực kinh doanh và quản lý có tỷ lệ sinh viên trúng tuyển và xác nhận nhập học cao nhất trong 25 lĩnh vực khác nhau (24,54%).
Dàn 13 “khai quốc công thần” sáng lập tập đoàn FPT: Hầu hết là Tiến sĩ Toán – Lý, chung giá trị sống và đam mê khoa học
Để gây dựng và phát triển tập đoàn FPT trở thành một “đại bàng” trong giới công nghệ Việt như ngày nay, cách chọn người đồng hành của Chủ tịch Trương Gia Bình và đội ngũ 13 thành viên sáng lập có nhiều điểm đặc biệt.
34 năm trước vào năm 1988, 13 nhà khoa học trẻ của Việt Nam đã thành lập FPT với mong muốn xây dựng “một tổ chức kiểu mới, giàu mạnh bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, góp phần hưng thịnh quốc gia, đem lại cho mỗi thành viên của mình điều kiện phát triển đầy đủ nhất về tài năng và một cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần.”
Người ta đúc kết rằng với một công ty khởi nghiệp thì ba nhân tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại và phát triển bền vững là ý tưởng kinh doanh, vốn (tiền) và con người (các sáng lập viên hay còn gọi là người đồng hành).
Vậy anh Trương Gia Bình và FPT đã chọn người đồng hành như thế nào?
Đầu tiên phải là tài năng.
Tài năng được khẳng định qua học hành, qua thực tế làm việc. Đặc điểm chung về tài năng của nhóm sáng lập FPT và sáng lập FPT TP Hồ Chí Minh là:
– Học sinh chuyên toán (tỉnh, thành phố, quốc gia, quốc tế)
– Tốt nghiệp đại học nổi tiếng ở nước ngoài ngành Toán học và Vật lý
– Đang là cán bộ nghiên cứu khoa học hoặc giáo viên đại học
– Trình độ chuyên môn cao qua thực tiễn làm việc
Điểm thứ hai là phẩm chất.
Nhóm sáng lập FPT được lựa chọn trên cơ sở quan hệ bạn bè, đồng nghiệp thân thiết, phẩm chất, tính nết và giá trị sống, giá trị cốt lõi của mỗi cá nhân được khẳng định qua thời gian dài cùng học, cùng chơi, cùng làm việc.
Các thành viên sáng lập FPT có thể chia làm 2 nhóm sau:
A/ Nhóm MGU và Viện Cơ học:
Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscova (MGU) là trường đại học đứng đầu về giảng dạy và nghiên cứu khoa học cơ bản của Liên Xô và Đông Âu. Nhóm này không những cùng tốt nghiệp Toán Cơ (MGU) mà còn cùng về làm việc trong nhóm Trao đổi Nhiệt và Chất, Viện Cơ học Việt Nam sau khi tốt nghiệp. Nhóm gồm các thành viên sau:
1) Trương Gia Bình (Tiến sĩ Toán Cơ MGU)
2) Phạm Hùng (Tiến sĩ Toán Cơ)
3) Lê Thế Hùng (Tiến sĩ Toán Cơ)
4) Nguyễn Trung Hà (Giải 3 Toán quốc tế 1978)
5) Nguyễn Thành Nam (Tiến sĩ Toán Cơ)
6) Đào Vinh: Chánh văn phòng Viện Cơ học, người chuyên lo các thủ tục hành chính cho nhóm Trao đổi Nhiệt và Chất.
Thế hệ tiếp theo cùng học MGU có các Tiến sĩ Toán: Trần Văn Trản, Nguyễn Khắc Thành, Lê Trường Tùng.
B/ Nhóm bạn bè:
Nhóm này bao gồm bạn bè trực tiếp hoặc gián tiếp với anh Trương Gia Bình. Khi có ý định thành lập FPT, anh Trương Gia Bình đã tìm cách “rủ rê” tham gia, đó là:
1) Bùi Quang Ngọc: bạn học chuyên toán Chu Văn An với anh Trương Gia Bình, tốt nghiệp Toán, ĐH Tổng hợp Kisnhinov – KGU, bảo vệ Tiến sĩ về CSDL tại Grenoble (Pháp), phó chủ nhiệm khoa CNTT (ĐH Bách khoa Hà Nội).
2) Lê Vũ Kỳ: bạn học chuyên toán Chu Văn An với anh Trương Gia Bình, giáo viên Vật lý Học viện KTQS.
3) Lê Quang Tiến: đội tuyển Toán Quốc tế 1975, tốt nghiệp Vật lý tại KGU, giáo viên Vật lý Học viện KTQS, làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ do chị Võ Hồng Anh hướng dẫn (quen anh Trương Gia Bình qua chị Võ Hồng Anh. Chị Võ Hồng Anh là Giáo sư, tiến sĩ Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia, con gái cả của Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
4) Nguyễn Chí Công: tốt nghiệp ĐH Bách khoa Praha (Czech), chuyên gia máy tính Viện Tính toán và Điều khiển, quen Bùi Quang Ngọc thời làm Tiến sĩ bên Pháp.
5) Võ Mai: tốt nghiệp ĐH tại Hungary, đang làm việc tại Viện Vũ khí (BQP), quen anh Trương Gia Bình qua Võ Hồng Nam (bạn học bên Hungary).
6) Đỗ Cao Bảo: tốt nghiệp Toán Điều khiển, Học Viện KTQS, bạn Võ Mai, trợ lý Tự động hoá Cục Tác chiến (BQP).
7) Trần Đức Nhuận: thuộc Xí nghiệp lắp máy LILAMA, quen biết anh Trương Gia Bình và nhóm Viện Cơ học trong quá trình thực hiện các hợp đồng kinh tế trước đó.
Các thành viên gia nhập FPT năm 1989-1990 theo các bạn học có Phan Ngô Tống Hưng, Nguyễn Minh Hiền, Nguyễn Chính Nghĩa.
Nhóm sáng lập FPT TP Hồ Chí Minh năm 1990 (sau đó 18 tháng), bao gồm:
1) Hoàng Minh Châu: tốt nghiệp Toán KGU, cùng với Bùi Quang Ngọc và Lê Quang Tiến, đang công tác tại Trung tâm Toán – Máy tính, Bộ Quốc phòng.
2) Trương Thanh Thanh: chị gái của anh Trương Gia Bình, học Vật lý phân tử tại Đại học Tổng hợp Bacu (Liên Xô), giảng viên ĐH Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
3) Ngô Vi Đồng: tốt nghiệp Toán ĐH TH Donetsk (Ucraina), cùng làm việc ở Trung Tâm Toán – Máy tính, BQP với Hoàng Minh Châu.
4) Nguyễn Minh Sơn: giảng viên ĐH Tổng hợp TP Hồ Chí Minh cùng với chị Trương Thanh Thanh.
Cách lựa chọn tài năng và phẩm chất cán bộ như trên đã được anh Trương Gia Bình văn bản hoá trong qui chế nội bộ FPT 1988: “FPT đặc biệt đánh giá các thành viên của mình các phẩm chất sau: Trung thành tuyệt đối; Tận tuỵ, có trách nhiệm với công việc chung; Trình độ nghiệp vụ cao; Trung thực; Năng động, sáng tạo; Đoàn kết, tương trợ; Kỷ luật; Năng lực giao tiếp; Nếp sống lành mạnh”.
Qui chế tuyển dụng: “Một thành viên mới khi ra nhập FPT buộc phải có sự giới thiệu và xác nhận về phẩm chất và tài năng của ít nhất 2 thành viên cũ” được FPT duy trì ít nhất là 5 năm đầu tiên, đến năm 1994 mới chuyển sang chế độ tuyển dụng theo phương thức thi tuyển như ngày nay.
Dưới góc nhìn của cá nhân tôi: chính cách chọn người đồng hành không chỉ tài năng mà còn phải cùng văn hoá, cùng các quan niệm về các giá trị cốt lõi của cuộc sống như thế nào là bạn bè, chiến hữu, tinh thần đồng đội, quan niệm về tốt xấu, cân bằng giữa tinh thần và vật chất, quan niệm đúng đắn về tiền bạc, tinh thần trách nhiệm, trung thực và trung tín … của FPT và anh Trương Gia Bình chính là nhân tố quan trọng nhất giúp cho FPT phát triển trường tồn theo thời gian.
Theo Nhịp sống thị trường/ blogdoanhnhan
Xem thêm bài liên quan
- Ngỡ ngàng danh xưng tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và câu chuyện “kiếm tiền không phải mục tiêu của tôi”
- Chuyện chưa kể về nữ doanh nhân giàu có bậc nhất Hà Thành đầu thế kỷ 20 xưa: Hào hùng nhưng cũng lắm truân chuyên
- Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lần đầu tiết lộ cám dỗ lớn nhất và sở thích kì lạ khác biệt của mình so với nhiều doanh nhân khác