Chuyến đi của CEO Tesla Elon Musk tới Trung Quốc thu hút sự quan tâm lớn của người dân nước này.
Từ khi đặt chân đến Bắc Kinh hôm 30/5, Elon Musk đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Công nghiệp Trung Quốc. Ông cũng ăn tối với Zeng Yuqun – Chủ tịch hãng sản xuất pin CATL. Nội dung các cuộc gặp này được giữ kín. Bộ Công nghiệp Trung Quốc chỉ cho biết Musk và Bộ trưởng Jin Zhuanglong bàn bạc về phát triển xe điện.
Tuy nhiên, Musk vẫn tạo ra cơn sốt trên mạng xã hội Trung Quốc. “Ông ấy đúng là thần tượng của toàn cầu. Elon Musk thật vĩ đại”, một người dùng tại Trung Quốc bình luận.
Thậm chí, thực đơn bữa ăn của Musk và Zeng tại nhà hàng cao cấp Man Fu Yan tối 30/5 cũng được chia sẻ rộng. Tờ thực đơn này được trang trí bằng hình con ngựa, mô tả Tesla là “ngựa ô nổi bật so với các hãng xe truyền thống”.
Theo CNBC, từ những cái bắt tay với các quan chức Trung Quốc, đến những chuyến đi tới Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp nước này, Elon Musk đã cho thấy tầm quan trọng của đất nước 1,4 tỷ dân trên thị trường xe điện toàn cầu.

“Chuyến đi tới Trung Quốc rất quan trọng đối với CEO Tesla”, CNBC dẫn lời ông Anthony Sassine – chiến lược gia tại công ty quản lý đầu tư Kraneshares – nhận định.
Trung Quốc chiếm 50% doanh số bán xe và 20% năng lực sản xuất của Tesla. Trong cuộc họp cổ đông vào tháng 4, vị tỷ phú Mỹ đã xác định thương chiến giữa Washington và Bắc Kinh là rủi ro đối với triển vọng của công ty trong năm 2023.
Vị thế quan trọng
Ông Sassine khẳng định chuyến đi tới Trung Quốc của Musk là một “tuyên bố chính trị”. “Các lãnh đạo doanh nghiệp như Musk và Giám đốc JPMorgan Jamie Dimon đang nói với giới chức ở cả hai bờ Thái Bình Dương rằng, doanh nghiệp cần sự ổn định chính trị”, vị chuyên gia bình luận.
Thêm vào đó, các điều kiện vĩ mô đang không đứng về phía ngành công nghiệp xe điện. Trung Quốc đã chấm dứt việc trợ cấp cho những sản phẩm xe điện mới. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng tăng lãi suất dồn dập để kìm hãm lạm phát.
Trước những thay đổi về kinh tế vĩ mô, các công ty đồng loạt hạ giá bán để thúc đẩy doanh số bán hàng. Và điều này giáng đòn lên lợi nhuận.

Đó là tín hiệu cho thấy tầm quan trọng trong việc bảo vệ thị trường Trung Quốc, và tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với hệ thống toàn cầu của Tesla
Ông Bill Russo – nhà sáng lập kiêm CEO của Automobility
Tesla đã giảm giá xe điện tại Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái và tháng 1 năm nay, nhưng rồi tăng giá trở lại hồi tháng 5. Dù vậy, giá bán của xe Tesla vẫn thấp hơn so với đầu năm nay.
Theo ông Bill Russo – nhà sáng lập kiêm CEO công ty tư vấn chiến lược và đầu tư toàn cầu Automobility, việc Tesla buộc phải giảm giá bán cho thấy tầm quan trọng của thị trường xe điện Trung Quốc đối với hãng xe Mỹ.
“Đó là tín hiệu cho thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ thị trường Trung Quốc, và tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với hệ thống toàn cầu của Tesla”, ông nói với CNBC.
Theo ông, Tesla cần lợi thế kinh tế nhờ quy mô của Trung Quốc, từ đó tạo ra lợi thế về chi phí trên toàn cầu. “Nhưng để duy trì được điều đó, hãng phải duy trì một mức gắn bó nhất định với nước này”, ông Russo giải thích.

Cuộc chiến gay gắt
Dĩ nhiên, đó không phải là điều dễ dàng với Tesla. Ông Russo nhấn mạnh rằng Trung Quốc là một thị trường xe điện rất cạnh tranh. Hãng xe điện của Musk buộc phải cạnh tranh với nhiều công ty trong nước để giành giật lợi thế.
“Không giống những thị trường khác trên thế giới, Tesla không phải là công ty lớn duy nhất tại thị trường này”, ông Russo nhận định.
Tesla phải giành giật thị phần bằng những vũ khí cũ. Model 3 ra mắt cách đây 3 năm, còn Model Y cách đây 2 năm. Do đó, hãng dùng mức giá rẻ để cạnh tranh với các hãng xe điện của Trung Quốc, vốn đang rao bán những mẫu xe mới hơn.

Hơn nữa, đối thủ trong nước BYD đã ra mắt loại xe hybrid có động cơ điện và động cơ đốt trong, có thể chạy liên tục mà không cần phải dừng lại để sạc điện. Đây là vũ khí mà Tesla không có.
Hơn nữa, doanh thu của BYD trong lĩnh vực kinh doanh pin điện thuần túy cũng cao gấp đôi Tesla. Vì thế, hãng xe điện Mỹ buộc phải dựa vào giá cả để duy trì khả năng cạnh tranh.
“Ở các thị trường khác, Tesla được coi là một hãng xe điện cao cấp. Nhưng để tồn tại trong cuộc đua tại thị trường Trung Quốc, hãng buộc phải bước vào cuộc chiến giá”, ông Russo bình luận.
CEO hãng chip Mỹ: ‘Đừng lơ là Trung Quốc’
Mới đây, CEO của hãng chip lớn nhất thế giới đã cảnh báo rằng đừng nên đánh giá thấp khả năng phát triển chip của Trung Quốc. Và thương chiến có thể đẩy nhanh quá trình này.
Theo Nikkei Asia, ông Jensen Huang – người sáng lập kiêm CEO Nvidia – cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ phát triển các công ty chip của riêng mình, và ngành công nghiệp chip của Mỹ phải tìm cách để duy trì khả năng cạnh tranh. Nvidia là công ty chip lớn nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường.
“Dù quy định là gì, chúng tôi cũng tuân thủ tuyệt đối. Nhưng Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội này để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước. Đó là lý do startup GPU ở Trung Quốc ra đời”, ông Huang đề cập tới xung đột thương mại giữa Bắc Kinh và Washington.
GPU là bộ xử lý những tác vụ liên quan đến đồ hoạ cho vi xử lý trung tâm CPU. Chúng là thành phần quan trọng trong công nghệ trí tuệ nhân tạo và trò chơi.

Hệ sinh thái riêng của Trung Quốc
“Ởthời điểm này, nếu không làm việc trong ngành công nghiệp chip nhưng vẫn muốn thành lập một công ty sản xuất chip, các vị sẽ thành lập công ty nào? Đó là một startup GPU. Và có rất nhiều công ty khởi nghiệp trong mảng này ở Trung Quốc”, ông Huang cho biết.
Nvidia đã bị mắc kẹt giữa thương chiến của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Công ty sản xuất bộ xử lý H100 – được dùng cho các công nghệ AI như ChatGPT.
Năm ngoái, gã khổng lồ chip Mỹ đã bị hạn chế bán chip H100 và A100 sang Trung Quốc. Để bán hàng cho các khách hàng Trung Quốc, hãng cũng phải thay đổi cấu hình của H100 nhằm tuân thủ quy định của phía Mỹ.
Nguồn lực của Trung Quốc dành riêng cho lĩnh vực này là khá lớn. Vì thế, các vị không thể đánh giá thấp họ
Ông Jensen Huang – người sáng lập kiêm CEO Nvidia
Theo ông Huang, rất khó để đoán trước xem liệu các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ có gián tiếp tạo ra một hệ sinh thái phần cứng và phần mềm AI của riêng Trung Quốc hay không.
Nhưng theo ông, công chúng phải thừa nhận những tiến bộ về công nghệ của Trung Quốc trong điện toán đám mây, dịch vụ Internet, thanh toán kỹ thuật số, xe điện và công nghệ xe tự hành.
“Chúng ta phải chạy thật nhanh”, ông Huang nói với Nikkei Asia về khoảng cách công nghệ giữa các startup GPU của Trung Quốc và Nvidia.
“Nguồn lực của Trung Quốc dành riêng cho lĩnh vực này là khá lớn. Vì thế, các vị không thể đánh giá thấp họ”, ông nhấn mạnh.
Theo Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- Được Warren Buffett hậu thuẫn, “anh cả” xe điện Trung Quốc chiếm ngôi vương từ Tesla của Elon Musk
- Cuộc đời “nhà hóa học” Vương Truyền Phúc: Cậu bé nông thôn nghèo thành tỷ phú ô tô điện vượt mặt Tesla của Elon Musk
- Hãng ô tô điện lớn nhất Trung Quốc muốn sản xuất xe tại Việt Nam: VinFast sắp có thêm đối thủ lớn ngay trên sân nhà