Lãnh đạo Tập đoàn BYD của Trung Quốc bày tỏ mong muốn sản xuất xe ô tô điện tại Việt Nam và nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Theo Bloomberg, hôm 5/5, Wang Chuanfu – Chủ tịch kiêm người sáng lập BYD – đã có cuộc họp với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà. Tại buổi nói chuyện, ông Chuanfu hy vọng Việt Nam sẽ tạo “điều kiện thuận lợi” để công ty hoàn thành các thủ tục đầu tư và sớm bắt đầu sản xuất xe điện tại Việt Nam cũng như các khu vực khác của Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, công ty cũng có kế hoạch hình thành chuỗi doanh nghiệp phụ trợ cho dự án ôtô điện. Hiện tỉnh Phú Thọ đang được BYD nhắm đến để đầu tư.
Người phát ngôn của BYD đã xác nhận về kế hoạch sản xuất xe điện tại Việt Nam nhưng không tiết lộ thêm thông tin chi tiết.
BYD, thương hiệu xe điện lớn nhất Trung Quốc, đang xây dựng cơ sở sản xuất ở nước ngoài đầu tiên tại Thái Lan. Bên cạnh Việt Nam, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến đang xem xét Philippines và Indonesia cho một nhà máy mới ở Đông Nam Á.
BYD đã bán được 210.295 xe trong tháng 4, tăng gấp đôi so với một năm trước nhưng chỉ nhỉnh hơn không đáng kể so với tháng trước. Dù hầu hết doanh số bán hàng đến từ Trung Quốc nhưng BYD đang mở rộng thị trường ra châu Á, châu Âu và Mỹ Latinh. Hoạt động xuất khẩu chiếm khoảng 6% doanh số bán xe điện của hãng.
Cổ phiếu BYD đã tăng hơn 2% trong phiên giao dịch ngày 8/5 tại Hong Kong sau khi Chính phủ Trung Quốc một lần nữa cam kết hỗ trợ lĩnh vực xe điện. Tính riêng năm nay, giá cổ phiếu BYD đã tăng 25%.
Được Warren Buffett hậu thuẫn, “anh cả” xe điện Trung Quốc chiếm ngôi vương từ Tesla của Elon Musk
Doanh số bán xe điện của BYD đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng 12 và tiếp tục củng cố vị thế hãng sản xuất ô tô chạy bằng nhiên liệu phi hoá thạch lớn nhất thế giới. Ngoài ra, kết quả kinh doanh khả quan này cũng cho thấy khoản đặt cược của Berkshire Hathaway – tập đoàn của tỷ phú Warren Buffett, vào công ty này là đúng đắn.
Công ty của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã trả 232 triệu USD để mua 225 triệu cổ phiếu của nhà sản xuất xe điện Trung Quốc vào năm 2008.
Hãng xe có trụ sở tại Thâm Quyến cho biết trong báo cáo gửi lên sàn giao dịch Hong Kong, doanh số bán xe chạy hoàn toàn bằng điện của BYD đã tăng 4% so với tháng 11, lên 235.197 vào tháng 12. Ngoài ra, doanh số bán xe của hãng tăng gấp 3 trong năm 2022 lên 1,86 triệu chiếc, hầu hết được bán ở Trung Quốc.
Yếu tố thúc đẩy doanh số của BYD đối với các đội xe taxi cũng như xe hộ gia đình đó là giá thành “vừa túi tiền”. Điều này cũng cho thấy tình trạng sa thải nhân sự trong ngành công nghệ của Trung Quốc và nền kinh tế ảnh hưởng bởi đại dịch đã khiến người mua phải cân nhắc về những mẫu xe rẻ hơn, được sản xuất trong nước, thay vì các mẫu nhập khẩu hay thương hiệu ngoại như Tesla.
Eric Han – giám đốc cấp cao của Suolei, một công ty tư vấn ở Thượng Hải, cho biết: “BYD được hưởng lợi từ việc ‘người tiêu dùng giảm tiêu thụ’ khi nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Các phương tiện dành cho thị trường đại chúng của nước này được người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu đón nhận nồng nhiệt, vì chúng được coi là các sản phẩm ‘đáng đồng tiền bát gạo’.”
Hầu hết các mẫu xe của BYD đều có giá từ 100.000 NDT đến 200.000 NDT (29.000 USD). Mức giá này là rất phải chăng so với xe Tesla hay các hãng nội địa khác như Nio và Xpeng, với những xe được trong bị công nghệ hiện đại hơn có giá hơn 300.000 NDT.
Tian Maowei – giám đốc bộ phận sale tại Yiyou Auto Service Thượng Hải, nhận định: “Xe điện có giá dưới 200.000 NDT phổ biến với dân văn phòng vì họ muốn tiết kiệm tiền. Ở thị trường nội địa, xe điện và xe plug-in hybrid của BYD bán rất chạy vì có pin hiệu năng cao, được đánh giá là ngang ngửa với pin của các hãng xe cao cấp hơn.”
BYD ban đầu chỉ là một nhà sản xuất pin nhưng nay đã ghi nhận doanh số bán xe điện hàng tháng tăng 10 tháng liên tiếp kể từ tháng 3/2022. Hãng cũng giành “ngôi vương” từ Tesla của Elon Musk trong quý II vừa qua.
Trong khi đó, doanh số của Tesla thấp hơn 6% so với ước tính của Phố Wall, khi giao 405.278 xe điện trên toàn thế giới trong 3 tháng cuối năm 2022. Giá cổ phiếu của hãng đã lao dốc mạnh chưa từng thấy. Doanh số bán hàng trên toàn cầu vào năm ngoái của Tesla tăng 40%, lên 1,31 triệu xe nhưng vẫn thấp hơn 29% so với BYD.
Được thành lập bởi tỷ phú Trung Quốc Wang Chuanfu vào năm 1995, BYD bắt đầu sản xuất xe từ năm 2003. Công ty chủ yếu bán xe ở Trung Quốc đại lục nhưng đang tìm cách phát triển ra ngoài “biên giới” với kế hoạch mở rộng ra một số thị trường nước ngoài. Berkshire Hathaway hiện sở hữu 14,9% cổ phiếu BYD đang niêm yết trên sàn Hong Kong tính đến ngày 8/12.
Dòng pin lithium sắt phốt phát (LFP) của hãng đã chứng minh được hiệu năng tốt với người dùng và cả các nhà lắp ráp xe của Trung Quốc. Các thỏi pin được sắp xếp theo cách giúp tăng mật độ hiệu năng, đồng thường tăng khả năng chống tình trạng quá nhiệt. Loại pin này cũng được cung cấp cho nhà máy của Tesla ở Berlin.
Theo dự báo của Hiệp hội xe khách Trung Quốc (CPCA), tốc độ tăng trưởng về doanh số xe điện của Trung Quốc có thể chậm lại tới 30% vào năm 2023, khi đã tăng hơn gấp đôi vào năm 2022 lên ước tính 6,4 triệu chiếc. Nguyên nhân là do khoản trợ cấp mua xe điện sẽ hết hiệu lực kể từ tháng 1, theo đó người mua sẽ ngần ngại mua xe hơn.
Song, Trung Quốc vẫn là thị trường xe điện lớn nhất thế giới, khi cứ 5 chiếc ô tô mới chạy trên đường thì có 3 chiếc có khả năng chạy bằng pin vào năm 2025, theo dự báo của UBS.
Còn Tesla vẫn là cái tên dẫn đầu trong phân khúc xe điện cao cấp ở đại lục. Trong 11 tháng đầu năm ngoái, nhà máy ở Thượng Hải đã giao hơn 390.000 xe Model 3 và Model Y cho khách hàng ở Trung Quốc, cao hơn 21,5% so với doanh số 321.000 chiếc vào năm 2021.
BYD vượt trội so với các đối thủ sản xuất xe điện khác
Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của BYD do Warren Buffett hậu thuẫn đã tăng 8,5% trong tháng qua so với mức giảm 40% của Tesla. Họ cũng đã vượt qua thước đo của các nhà sản xuất xe điện toàn cầu, vốn đã giảm 12% và vượt trội so với các công ty cùng ngành trong nước là Li Auto Inc. và Nio Inc.
Các nhà đầu tư coi BYD là người dẫn đầu cho lĩnh vực xe điện của Trung Quốc và nói rằng công ty sẽ là người hưởng lợi chính khi quốc gia này mở cửa lại nền kinh tế. Mặc dù đó là một lợi ích cho tất cả các nhà sản xuất ô tô, BYD vẫn có vị trí tốt vì nó đang chiếm thị phần, có quyền định giá tốt hơn và kiểm soát phần lớn chuỗi cung ứng, sản xuất chip và pin của riêng mình.
Kevin Net, giám đốc danh mục đầu tư tại Edmond de Rothschild Asset Management ở Paris, cho biết: “Chúng tôi thích sự tích hợp theo chiều dọc của BYD, được xây dựng trong nhiều năm, điều mà nhiều người hiện đang cố gắng đạt được. Và tất nhiên là phần thưởng bổ sung khi Trung Quốc mở cửa trở lại trong năm nay”.
Năm ngoái là một năm khó khăn đối với các nhà sản xuất xe điện trên toàn cầu. Lãi suất tăng và lạm phát cao hơn làm tổn thương nhu cầu. Chuỗi cung ứng gặp khó khăn và cạnh tranh gia tăng cũng ảnh hưởng đến điểm mấu chốt. Riêng đối với BYD, cổ phiếu đã giảm 27%, với mức lỗ tăng nhanh sau khi Berkshire Hathaway Inc. của tỷ phú Buffett, một công ty ủng hộ lâu dài, giảm bớt một phần cổ phần của mình.
Tuy nhiên, BYD dường như đã vượt qua nhiều trở ngại đó. Khối lượng sản xuất và bán các loại xe năng lượng mới của hãng này đã tăng gấp ba lần trong một năm bất chấp chính sách Covid Zero của Trung Quốc gây ra các đợt phong tỏa lẻ tẻ và kéo dài trên toàn thành phố.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, BYD đã nhận được khuyến nghị mua tương đương nhiều thứ hai trong số các nhà sản xuất ô tô toàn cầu với giá trị thị trường vượt quá 1 tỷ USD, chỉ sau Mahindra & Mahindra Ltd có trụ sở tại Mumbai. Ít nhất 13 công ty môi giới đã xác nhận khuyến nghị đó trong tuần trước.
Tất cả những lợi ích đó đi ngược với sự mất mát của Tesla, đặc biệt là khi công ty xe điện khổng lồ này cũng cố gắng giành được chỗ đứng vững chắc hơn ở Trung Quốc. Cổ phiếu của công ty của Elon Musk đã giảm 65% vào năm ngoái, bị kéo xuống thấp hơn khi ông tiếp quản Twitter Inc.
Vào thứ Ba (3/1), cổ phiếu đã giảm hàng ngày lớn nhất kể từ năm 2020 sau khi không đạt ước tính giao hàng trong quý thứ ba liên tiếp mặc dù đã giảm giá mạnh cho người tiêu dùng Trung Quốc.
Vào thứ Sáu (6/1), Tesla đã thực hiện một đợt giảm giá khác đối với một số sản phẩm của mình tại quốc gia châu Á do cạnh tranh khốc liệt hơn. Trong khi đó, BYD đã thông báo tăng giá đối với một mẫu xe phổ biến vào cuối năm ngoái và công ty trong tuần này đã tung ra mẫu xe đầu tiên trong số hai thương hiệu xe điện hạng sang mới mà hãng sẽ giới thiệu trong năm nay. Cổ phiếu của công ty đã giảm tới 7,7%, chạm mức thấp nhất trong hơn hai năm vào thứ Sáu (6/1).
Christina Woon, giám đốc đầu tư bộ phận chứng khoán châu Á tại abrdn plc, cho biết: “Những sai sót gần đây của Tesla về hiệu suất và sản lượng đã làm gia tăng mối lo ngại về nhu cầu trên thị trường”.
Theo Zingnews, Tổng hợp
Xem thêm bài liên quan
- Thấy gì từ việc tỷ phú Elon Musk đến Trung Quốc: “Cái bắt tay” tối quan trọng cho thành bại của xe điện Tesla
- Được Warren Buffett hậu thuẫn, “anh cả” xe điện Trung Quốc chiếm ngôi vương từ Tesla của Elon Musk
- Liệu VinFast của Việt Nam có thể soán “ngôi vương” của Tesla với chiến lược giá rẻ và công nghệ cao?