Kim Woo Choong, cựu chủ tịch tập đoàn Daewoo, được xem như một trong những nhân vật mâu thuẫn nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Ông đã để lại cho người trẻ nhiều bài học sinh tử từ cả thành công và thất bại.
Bài học nhà sáng lập Daewoo để lại cho người trẻ
Là một trong những học sinh tệ nhất lớp và hay gây rối của trường cấp 3 Kyowgi, nhờ sự quan tâm và dìu dắt của người thầy, cựu Chủ tịch Tập đoàn Daewoo Kim Woo-Choong đã dần dần trở nên nghiêm túc. Khi sắp tốt nghiệp, ông là một trong những người có điểm cao nhất trường Kyowgi.
“Tôi muốn nói đôi lời với các bậc phụ huynh và thầy cô giáo vấn đề này. Không phải mọi sinh viên đều là sinh viên giỏi cả và một số trong họ là những kẻ gây rối. Và chính những học sinh đó mới cần đến sự quan tâm và săn sóc của các bậc phụ huynh và thầy cô”, ông Kim Woo-Choong – nhà sáng lập kiêm cựu Chủ tịch Tập đoàn Daewoo – tâm sự trong cuốn hồi ký của mình.
Hãy quan tâm tới những học sinh cá biệt, Edison còn bị đuổi khỏi trường cơ mà!
Trong thời buổi lộn xộn sau chiến tranh Triều Tiên, cậu sinh viên Kim Woo-Choong phải bỏ học chừng 1 năm vì kinh tế khó khăn. Khi quay lại trường, việc học trở nên vất vả, điểm không được khá cho lắm và hạnh kiểm của học sinh này cũng chẳng có gì để tự hào.
Nhưng câu chuyện đã thay đổi khi người thầy Rhee Seok-Hee trở thành thầy giáo dạy lớp 11 tại lớp của Kim Woo-Choong ở trường Kyowgi.
“Tôi không biết ông Rhee có ý định gì mà trong học kỳ đầu ông ta đề cử tôi làm lớp phó, rồi học kỳ tới ông chỉ định tôi làm trung sĩ phụ trách”, ông Kim Woo-Choong kể lại.
Và cuộc đời của cậu học sinh cá biệt đột nhiên thay đổi khi giữ chức vụ mới.
“Trước đó, ngay cả chào học sinh lớp trên tôi cũng không bận tâm lắm, rồi thình lình tôi trở thành trung sĩ phụ trách. Mỗi sáng tôi thường đứng trước gương để xem xét bộ đồng phục học sinh đã tề chỉnh chưa và tôi cũng đã dần dần trở nên nghiêm túc”, nhà sáng lập Daewoo hồi tưởng lại.
Rồi cậu học sinh cá biệt ngày nào bắt đầu học tập chuyên cần, chính ông Rhee đã đề nghị cậu học tập noi theo gương của Lee Woo Book – một học sinh giỏi và gương mẫu trong lớp, sau này trở thành bạn thân và sếp phó của Kim Woo-Choong tại Daewoo.
“Ông Rhee là người đầu tiên trong đời tôi nhận ra năng lực và tính cách tiềm ẩn của tôi. Đó là lý do tại sao tôi coi việc gặp ông là một bước ngoặt trong đời mình”.
“Tôi đã gắng hết sức mình để không làm hổ thẹn việc ông đã chính thức công nhận khả năng của tôi. Tôi học hành cần mẫn và bắt đầu thay đổi để chứng minh với ông là việc đề bạt tôi không phải là không có căn cứ. Bởi vì, không ai lại muốn làm thất vọng những người tin tưởng vào khả năng mình”, Kim Woo-Choong kể lại.
Từ trường hợp của mình, ông gửi lời nhắn nhủ tới thầy cô giáo và các bậc cha mẹ: Chính những học sinh hay gây rối mới cần đến sự quan tâm và săn sóc của các bậc phụ huynh và thầy cô.
“Nếu chỉ chửi mắng và trách móc sẽ không có kết quả gì. Các bạn phải quan tâm tới họ và khám phá ra những khả năng độc đáo của họ. Các bạn phải nhận ra khả năng tiềm ẩn của các bạn trẻ, hướng dẫn theo đúng cách để giúp họ bộc lộ ra tiềm năng vô hạn của mình”.
“Einstein lúc còn là sinh viên học rất tệ và Edison còn bị tống ra khỏi trường”, Kim Woo-Choong viết trong cuốn sách của mình nhan đề “Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm”.
Ông Kim vẫn luôn chia sẻ rằng nếu không có thầy giáo Rhee Seok-Hee thì ông không thể tưởng tượng nổi bây giờ ông sẽ ở đâu.
Thầy giáo Rhee sau này trở thành Giám đốc trường đại học Chung-Ang, sau đó là Chủ tịch của Daewoo Poudakion.
Ông Kim Woo-Choong lập nên Tập đoàn Daewoo từ một công ty thương mại dệt may vào cuối năm 1967. Vào thời điểm hùng mạnh nhất, Daewoo có 320.000 công nhân, nhân viên làm việc tại 110 quốc gia và đã sản xuất ra: tàu biển, quần áo, tivi, ôtô, đàn piano, xây cao ốc, các thiết bị hàng không vũ trụ… và nhiều mặt hàng khác.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997, tập đoàn này phá sản năm 1999 với khoản nợ trên 75 tỷ USD.
Tuy nhiên, Kim Woo-Choong vẫn được coi như một huyền thoại kinh doanh, một người đi “nhặt nhạnh” những “mảnh vụn” để tạo nên một tập đoàn lớn.
Cuộc đời Kim Woo Choong: Đỉnh cao và vực thẳm
Kim Woo Choong sinh ngày 19/12/1936, tại Daegu, Hàn Quốc, trong một gia đình rất nghèo. Tuổi thơ của ông đã nếm trải những nhọc nhằn của cuộc sống từ rất sớm.
Cha Kim Woo Choong là một thầy giáo bị bắt cóc và tống ra Bắc Triều Tiên trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Gia đình ông sau đó cũng phải chạy trốn khỏi Seoul và sống tị nạn ở Taeger. Năm 14 tuổi, Kim Woo Choong trở thành trụ cột gia đình.
Năm 16 tuổi, Kim Woo Choong phải một mình lo miếng ăn cho cả gia đình. Những ngày ấy, gia đình ông thiếu thốn đủ mọi thứ, thường xuyên bị đói, nhưng cũng chính sự đói khát ấy đã đem đến cho ông lòng can đảm để sống.
Mỗi ngày Kim Woo Choong phải bán tối thiểu 100 tờ báo, nếu không mẹ và hai em trai của ông sẽ không có gì để ăn. Ông luôn phải nghĩ ra cách mới để bán được nhiều báo. Trước khi ra khỏi nhà đi bán báo, ông cẩn thận chuẩn bị sẵn tiền trả lại, ông chạy một vòng, ném báo vào cửa hiệu, rồi tiện đường quay về, ông thu tiền từ từ.
Không phải là ai cũng trả ngay nhưng ông có thể bán hết số báo và thu đủ tiền trong một hai ngày. Chỉ sau hai tháng, những cậu bé bán báo khác phải chịu thua sự nhanh nhẹn và chăm chỉ của ông. Chúng quyết định nhường hẳn cả khu chợ cho ông.
Những ngày thời tiết xấu, bán hàng ế ẩm, cậu bé Kim chỉ kiếm được vài xu. Những đêm ấy, khi ông về nhà thì mẹ và các em đã ngủ. Dần dà, ông hiểu họ ngủ sớm vì muốn dành cơm cho ông ăn bởi khi ấy trong nhà chỉ có một bát cơm. Nhìn các em ôm bụng đói đi ngủ, nước mắt ông chỉ chực trào ra.
Sau này, Kim Woo Choong phải bỏ học một năm vì kinh tế khó khăn. Khi quay trở lại, dù rất chật vật nhưng ông đã vươn lên và hoàn thành chương trình học xuất sắc. Ông Kim là một trong những người có số điểm cao nhất của khoa kinh tế trường ĐH Yonsei năm 1960.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông vào làm tại một công ty thương mại nhỏ, chuyên về dệt may và vải vóc. Năm 1976 ông tách ra và thành lập Công ty Kỹ nghệ Daewoo cùng 5 người bạn với số vốn ít ỏi 10.000 đôla và một khoản vay 5.000 đôla, trong một căn phòng thuê bé nhỏ, bẩn thỉu ở một góc tòa nhà.
Không lâu sau, ông mua lại quyền điều hành toàn bộ Daewoo. Chỉ trong 10 năm, ông đã là chủ sở hữu của tòa nhà lớn nhất Hàn Quốc lúc bấy giờ: Trung tâm Daewoo.
Ông Kim làm ăn rất tốt và mua lại nhiều công ty khác nhau. Hồi đó, ông được mệnh danh là nhà ảo thuật trong việc biến các công ty bên bờ vực phá sản thành những cỗ máy sản xuất tiền không biết mệt mỏi.
Sau 30 năm ngắn ngủi, tập đoàn Daewoo đã được xếp thứ 2 về tài sản và thứ 3 về lợi nhuận ở Hàn Quốc, một thành quả khó tin đối với bất kỳ ai. Từng nắm trong tay hơn 100.000 công nhân trong nước và khoảng 200.000 công nhân ở nước ngoài, trong con mắt của các nhà đầu tư, Daewoo được coi là hạt nhân trong công cuộc cải cách lúc bấy giờ.
Kim Woo Choong đã lập những kỷ lục thế giới như xưởng đóng tàu lớn nhất thế giới ở Daewoo Dapo, phân xưởng áo quần lớn nhất thế giới ở Busan, doanh số bán áo quần lớn nhất thế giới…
Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov từng gọi Kim là “Kimghis Khan”, so sánh những bước tiến vượt ra khỏi biên giới quốc gia của Kim Woo Choong với người chinh phục Mông Cổ huyền thoại.
Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Daewoo phá sản năm 1999 với khoản nợ trên 75 tỉ đôla. Cuộc khủng hoảng này ập đến giữa lúc chiến lược sản xuất ôtô của ông phải mất một thời gian dài nữa mới thu được lợi nhuận từ những nhà máy mới xây dựng.
Ông Kim bị cáo buộc là nguyên nhân chính gây ra sự sụp đổ của Daewoo vì đã thổi phồng tài sản của công ty lên đến 41 tỉ USD để vay được những khoản vốn đầu tư rất lớn cho kế hoạch bành trướng sản xuất ôtô của mình.
Bắt đầu từ đây, Kim Woo Choong đã đối mặt với những sóng gió không nhỏ trong đời: Từ tháng 10/1999 đến 6/2005, Kim Woo Choong đã sống lưu vong trước khi về nước trình diện trước tòa. Ngày 30/5/2006, tòa án Seoul đã tuyên án Kim Woo Choong 8 năm rưỡi tù giam cho các tội danh gian lận tài chính. Ngày 30/12/2007, ông được ân xá.
“Hãy ước mơ nhưng đừng tham lam vội vã”
Tổng kết lại cuộc đời thăng trầm của mình, Kim Woo Choong cho rằng tuổi trẻ và ước mơ là điều quan trọng nhất. Những người biết ước mơ sẽ không biết nghèo khó, bởi mỗi người sẽ giàu có như chính ước mơ của họ. Chính cuộc đời đi lên từ gian khó của ông đã chứng minh ước mơ là khởi đầu cho tất cả.
Ông nhấn mạnh: “Các bạn đừng vội bằng lòng, chấp nhận hoàn cảnh hiện tại mà hãy nắm bắt thế giới bên ngoài và nhớ luôn ở trong tư thế sẵn sàng”.
Trong cuốn sách khác có tựa đề “Kim Woo Choong: Từ chú bé bán báo đến chủ tịch tập đoàn hàng đầu thế giới”, 9 người đã kể những kỷ niệm của họ về ông trùm Kim.
Trong đó, tiểu thuyết gia nổi tiếng Lee Moon Yul nhớ lại chuyến tháp tùng ông Kim tới 3 châu lục cùng một lúc năm 1992: “Để tiết kiệm thời giờ, ông Kim đã dồn nén lịch trình bay. Chúng tôi ngủ ở châu Á, thức dậy ở châu Âu. Rồi lại ngủ ở châu Âu, thức dậy ở châu Phi”.
Những người khác cũng kể lại, năm 1997, ông Kim ở nước ngoài 233 ngày, thực hiện 23 chuyến công tác và thăm 42 nước. Trong năm đó, ông bay tổng cộng 775 tiếng. Theo họ, Kim là một “người tham công tiếc việc”, hoàn toàn bị công việc ám ảnh.
Ông nghiện làm việc, đến mức chỉ nghỉ một ngày trong suốt nhiều năm. Đó là ngày đưa tang người con trai ông, bị chết do tai nạn vào năm 1990.
Kim Woo Choong đã lấy công việc làm niềm đam mê, sở thích và thú vui của mình. Ông vẫn ước một ngày có 30 đến 90 giờ để có thể làm việc được nhiều hơn. Ông đã luôn cố gắng và chỉ biết cố gắng để thực hiện ước mơ và hoài bão để rồi rơi vào chính “cái bẫy ước mơ” do mình tạo ra.
Kim Woo Choong cũng tự thừa nhận:
“Lỗi lầm lớn nhất của tôi là quá tham vọng, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ôtô. Tôi đã thực hiện quá vội vã, gấp gáp, muốn có được tất cả sau 5 năm thay vì 15 năm. Tôi đã đầu tư mà không cần biết đến thị trường và chỉ chăm chăm cho mục tiêu duy nhất: bán càng nhiều ôtô càng tốt”.
Cái giá phải trả cho những lỗi lầm là quá lớn, cho đến khi có thể bình tâm và nhìn lại những sóng gió thăng trầm đã trải qua, Kim Woo Choong mới nhận ra mình đã đi quá nhanh, quá vội vã, để rồi chỉ trong thoáng chốc, cơ ngơi hoành tráng mà cả đời ông xây dựng đã sụp đổ hoàn toàn…
Trải qua thất bại đau đớn, giờ đây, Kim Woo Choong muốn chia sẻ với thế hệ trẻ rằng:
“Các bạn có đủ thời gian sống và được đảm bảo về một tương lai sống chắc chắn còn tốt đẹp hơn nữa. Bởi vậy, điều quan trọng các bạn cần làm là học tập một cách từ tốn, chắc chắn và tích cực tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Vội vã vì mục đích trước mắt sẽ cản trở mục tiêu đích thực lâu dài. Bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh sẽ thành công trong mọi việc”.
Có thể nói rằng Kim Woo Choong là một huyền thoại “hai mặt”. Người ta học được ở ông rất nhiều điều, không chỉ là những bài học thành công mà quan trọng hơn là bài học sinh tử rằng sự tham lam vội vã có thể giết chết bạn bất cứ lúc nào.
Xem thêm bài liên quan
- Tỷ phú Jack Ma và lời khuyên “gây bão”: 25 tuổi cứ sai lầm đi, 30 tuổi tìm 1 người sếp giỏi, 40 tuổi làm những gì bạn giỏi
- Cha đẻ huyền thoại Daewoo Kim Woo Choong: “Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm”
- Cha đẻ đế chế Daewoo: “Tuổi trẻ thường mạo hiểm và không lùi bước trước thất bại, nhưng khi đã cứng cáp, cái đầu của bạn phải thấp xuống!”