“Tuổi trẻ rất cần phải biết sống ước mơ, tuổi trẻ chính là ước mơ và lịch sử thuộc về những người biết ước mơ. Đó chính là chìa khóa đưa bạn đến với những trải nghiệm, những con đường thành công phía trước, tôi coi đó là một định hướng cho tương lai”. Đó chính là chủ đề chính cuốn sách Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm của tác giả Kim Woo Choong, nhà sáng lập đế chế Daewoo.
Kim Woo Choong – một nhà kinh doanh nổi tiếng Hàn Quốc – cựu Chủ tịch và là người sáng lập ra Tập Đoàn Daewoo, là một người am hiểu về kinh doanh toàn cầu, thâm nhập bạo dạn vào thị trường nước ngoài trong thập kỉ 70.
Cuốn tự truyện “Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm” chính là đứa con tinh thần mà ông muốn qua đó gửi gắm những tâm tư nhắn nhủ đến thể hệ trẻ.
“Cuốn sách tập hợp kinh nghiệm kinh doanh của một người đi “nhặt nhạnh” những “mảnh vụn” để tạo nên một tập đoàn lớn, của một người bắt đầu từ một công ty chỉ có 20 người, đến một tập đoàn có tầm cỡ quốc tế với hơn 300.000 nhân viên”.
1. Tuổi trẻ và những ước mơ
Tuổi trẻ ai chẳng muốn làm một điều gì đó thật lớn lao, nhưng nào có dễ, hãy mơ đi nhưng đừng chìm vào giấc mộng, nếu không đó sẽ là sai lầm. Những người biết ước mơ thì không biết nghèo khó ư? Vì mỗi người giàu có như chính ước mơ của mình vậy.
Giàu ước mơ nhưng có giàu thực tế, có huyễn hoặc quá hay không? Đành rằng giữa mơ và thực sẽ là một khoảng trời bơ vơ, chúng ta mơ thật nhiều chúng ta sẽ có một gia tài lớn những hoài bão, những hoạch định.
Nhưng nếu chúng ta làm không được chúng ta có nản chí hay không? bản thân mình sẽ nghĩ gì, trách đời hay quay lại xem thường chính ta. Đó liệu có thể coi là một áp lực tồn tại vô hình?
2. Quan trọng là bạn có LÀM hay không
Quyết định, đây là một trong những vấn đề tôi rất là chia sẻ với tác giả, khi bạn đưa ra một quyết định, có thể là đúng, có thể là sai nhưng ít ra bạn cũng dám làm, có nghĩa là bạn đã tôn trọng quyết định của mình.
Còn sự thành bại là một vấn đề khác, nó phụ thuộc vào năng lực và một phần nào đó may mắn. Cũng có những người sống không có quan điểm, họ cứ chung chung không rạch ròi, mặc dù họ có năng lực nhưng không dám quyết định vì họ luôn hoài nghi chính bản thân họ, họ yếu đuối với chính bản thân mình.
Bạn có thể có tất cả và cũng có thể đánh mất tất cả, nhưng bạn không có được thời gian mãi mãi. Thời gian không quay trở lại bao giờ, người già họ sợ chết, vậy người trẻ họ sợ gì? Họ không thể mua được thời gian nên họ sợ đánh mất nó.
Không phải ai cũng vậy, có biết bao người trẻ tuổi đánh mất tuổi thơ tuổi trẻ của mình vào những vòng xoáy của cuộc đời này, họ quả là lãng phí. Đành rằng thời gian là thứ qua đi không bao giờ trở lại nhưng với cách làm việc như tác giả thì quả thật là phi thường, tôi cho rằng ông ta là nô lệ của thời gian. Quả thật thời gian là gia tài to lớn mà mỗi người có được, hãy trân trọng nó nhưng đừng quá tôn thờ nó.
3. Hãy đọc và đưa ra quan điểm của bạn
Quyển sách rất hay, rất hữu ích cho việc định hướng tương lai thanh niên chúng ta. Xuyên suốt quyển sách là cả một quá trình phấn đấu, một sự nỗ lực vượt bật, một sự tự tin đến đáng phục của một con người đầy tham vọng.
Bên cạnh đó là lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước vô bờ bến, những điều rất đáng để mỗi người trong chúng ta phải học hỏi. Có những nội dung mang lại cho chúng ta niềm tin, cách suy nghĩ đầy lạc quan.
Khi ta định hướng cho mình một con đường, một hướng đi thì điều cuối cùng là ta làm được hay không và làm như thế nào cho đạt. Một điều nữa về bài học thành công hay thất bại là thất bại để thành công còn thành công thì không nên tự mãn, phải luôn luôn phấn đấu nỗ lực tự hoàn thiện bản thân, hoàn thiện kỹ năng.
Vì cuộc sống vốn dĩ là một cuộc hành trình mà đích đến là sự hoàn thiện. Có những điều ở đây vẫn như trong đời thường ta vẫn ước, mối quan hệ giữa người và người, quan hệ cạnh tranh thật tốt đẹp, quả không dễ trở thành sự thật.
Cuộc đời vẫn đẹp nhưng không thật sự lãng mạn, hãy tin, hãy mơ, lạc quan đi tôi ơi. Xin giới thiệu quyển sách quý giá này đến với mọi người.
“Thế giới rộng lớn và có nhiều việc phải làm”
Cuộc đời là những chuyến đi và tất nhiên, đó là cả một hành trình dài. Trong hành trình ấy, cuốn sách “Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm” của Kim Woo Choong đã đến với tôi như một khoảnh khắc để tôi nhận ra rằng thế giới mà tôi đang tồn tại không nhỏ bé như tôi từng nghĩ và không nhàn rỗi như tôi đã từng tưởng tượng.
Thật đúng như vậy, năm châu bốn bể lối đi dành cho mỗi người là vô số, mấu chốt là việc bạn chọn con đường nào để đi và làm được gì với quyết định ấy.
Nhắc tới kinh tế Hàn Quốc, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay đến khái niệm chaebol (tức tài phiệt, là tên gọi của các đại tập đoàn gia đình tại Hàn Quốc), vốn được coi là công thức đưa “xứ Kim chi” thoát khỏi tình trạng đói nghèo, và Daewoo của ông Kim Woo Choong là một tập đoàn như vậy.
Trong những năm 1960 và 1970 của thế kỷ trước, để vực dậy nền kinh tế vốn chủ yếu dựa vào ngành nông nghiệp, Chính phủ Hàn Quốc đã dành nhiều ưu ái để biến một số công ty lớn theo mô hình gia đình trị thành các tập đoàn kinh tế trụ cột.
Trong số những tập đoàn này, ông Kim Woo Choong có lẽ là một trong những lãnh đạo liều lĩnh nhất. Với số vốn ban đầu chỉ 5.000 USD, ông đã tận dụng sức trẻ doanh nghiệp cùng sự ưu ái của các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc để biến Daewoo thành khối tài sản kếch xù với hơn 300.000 nhân viên ở 110 quốc gia vào thời kỳ đỉnh cao của doanh nghiệp này.
Vào thời điểm đó, Daewoo được coi là một trong những tập đoàn Hàn Quốc đi tiên phong thâm nhập các thị trường nước ngoài. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Daewoo bắt đầu vào năm 1970, khi Chủ tịch Kim – nhờ sự kiên trì tuyệt đối – đã thuyết phục các nhà bán lẻ lớn của Mỹ bao gồm Sears, J.C. Penney và Montgomery Ward, mua hàng dệt may từ Daewoo.
Khi đó, Chủ tịch Kim cũng nắm bắt được thông tin rằng Chính phủ Mỹ đang lên kế hoạch thiết lập hạn ngạch nhập khẩu hàng dệt may và ông đã đặt cược tất cả các nguồn lực có hạn của Daewoo vào nỗ lực tăng tỷ trọng nhập khẩu dệt may của Mỹ.
Khi hạn ngạch được thiết lập vào năm 1972, Daewoo được phân bổ gần 1/3 số thị phần mà Hàn Quốc có được và hạn ngạch này đã cung cấp một dòng tiền ổn định để tài trợ cho tăng trưởng của Daewoo trong tương lai và gián tiếp đưa ông Kim gia nhập giới tài phiệt Hàn Quốc. Ngoài ra, với mối quan hệ thân thiết với chính phủ, Daewoo cũng được các ngân hàng nhà nước cung cấp các khoản vay đặc quyền.
Đến thập niên 1980, Hàn Quốc được công nhận là “con hổ châu Á” và Daewoo đã phủ sóng nhiều lĩnh vực, từ dệt may và xây dựng đến điện tử, xe hơi, tàu thủy và hóa dầu.
Năm 1989, ông Kim đã xuất bản một cuốn sách nhằm khơi dậy những ước mơ tươi sáng cho một thế hệ người Hàn Quốc mới với tựa đề “Thế giới rộng lớn và có nhiều việc phải làm”, phiên bản tiếng Anh là “Every Street is Paved With Gold”. Đây được coi như “chiếc đòn bẩy” đưa Daewoo đến gần với thế giới hơn.
Lý giải về sự tăng trưởng thần tốc của Daewoo, ông Kim Woo Choong cho biết: “Chúng tôi đã làm việc nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác. Thay vì làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, chúng tôi làm từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối. Nếu cố gắng làm việc chăm chỉ, thành tựu đạt được chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả”.
“Làm thế là đủ rồi” là tư duy của kẻ thua cuộc!
Vào năm 1967, khi Daewoo mới được thành lập, hầu như mọi sản phẩm xuất khẩu vẫn còn được chuyên chở bằng tàu. Kỹ nghệ chuyên chở lúc ấy không phát triển cho lắm, đồng thời kéo theo sự cạnh tranh gay gắt để xếp được hàng lên tàu rồi chở đi.
Nếu không giành được tàu đúng lúc, Daewoo phải chờ ít nhất là một tuần mới có chuyến khác và mọi nỗ lực sản xuất căng thẳng trước đó cho kịp thời gian giao hàng đều về con số 0.
Toàn bộ tài sản của công ty phụ thuộc vào việc có giành được tàu hay không, vì vậy áp lực và trách nhiệm của các đại diện tại bến cảng vô cùng quan trọng. Thậm chí, có trường hợp hàng một công ty đã bốc lên tàu rồi và sau khi người đại diện trở về mãn nguyện thì hàng bị dỡ xuống và thay thế bởi hàng của công ty khác.
Theo quan sát của ông Kim, điều thú vị là có 3 loại đại diện công ty tại cảng.
Loại thứ nhất cảm thấy rằng đi về sau khi xác nhận là hàng công ty mình đã tới bến tàu thì cũng đủ tốt rồi.
Loại thứ hai muốn là hàng tới bến cảng và ở lại cho tới khi người ta bốc hàng.
Loại thứ ba ở lại để xác nhận là tàu đã nhổ neo đi.
Và ông nghiệm ra rằng: Loại đại diện thứ nhất thường bị thua cuộc. Loại thứ hai thua cuộc một hay hai lần trong tổng số 10 lần. Và loại thứ ba thì luôn luôn thành công.
“Hai loại đại diện đầu chỉ làm điều họ nghĩ rằng đủ tốt vào những lúc ấy, nhưng thường là thất bại. Tôi ra lệnh cho đại diện công ty ở lại bến cảng cho đến khi thực sự tàu đã vượt quá tầm chân trời. Đó mới gọi là hoàn tất xong sản phẩm. Kết quả là chúng tôi không hề bị chuyến hàng nào tắc tại bến cảng và luôn giao hàng đúng hẹn”, ông Kim kể.
Từ những trải nghiệm của bản thân, dẫu làm gì vị cựu Chủ tịch này cũng muốn làm cho hoàn hảo, và ông cho biết đó là chìa khoá dẫn tới thành công. Ông cũng đã truyền nguyên tắc làm việc tới mức hoàn hảo này cho nhân viên, yêu cầu là nguyên tắc phải áp dụng cho mọi điều chứ không phải chỉ cho sản phẩm.
“Tôi hy vọng lớp trẻ ngày nay sẽ đắm mình vào những hoạt động mang tính sáng tạo và nổi bật chứ đừng chỉ học “vừa đủ” và làm theo một số đông người khác. Hãy chọn những gì đúng cho bạn, những khả năng cơ bản và dành cho những việc đó với tất cả nỗ lực của mình”.
“Chỉ lúc đó, mồ hôi của những nỗ lực ngày hôm qua mới tiếp tục đưa lại kết quả cho ngày mai. Dù đang học hoặc đang kiếm sống thì khái niệm ‘Vừa đủ không bao giờ là vừa đủ cho bạn cả’”, huyền thoại kinh doanh Hàn Quốc nay đã 81 tuổi khuyên nhủ.
Tổng hợp
Xem thêm bài liên quan
- Nhà sáng lập đế chế Daewoo để lại bài học cho người trẻ: Không phải học sinh giỏi, chính những em hay gây rối mới cần được quan tâm và khám phá tiềm năng vô hạn!
- Cha đẻ đế chế Daewoo: “Tuổi trẻ thường mạo hiểm và không lùi bước trước thất bại, nhưng khi đã cứng cáp, cái đầu của bạn phải thấp xuống!”
- Nhà sáng lập đế chế Daewoo: Tuổi trẻ thường mạo hiểm và không lùi bước trước thất bại, nhưng khi đã cứng cáp, cái đầu của bạn phải thấp xuống!