Năm tháng vội vã, chẳng vì ai mà dừng. Thế giới rộng lớn, chẳng vì ai mà nhỏ bé lại… Với những ước mơ lớn, nhà sáng lập tập đoàn Daewoo Kim Woo Choong đã xây dựng lên một đế chế hùng mạnh bậc nhất Hàn Quốc trong thời kì công nghiệp hóa.
Kim Woo Choong – một nhà kinh doanh nổi tiếng Hàn Quốc – cựu Chủ tịch và là người sáng lập ra Tập Đoàn Daewoo, là một người am hiểu về kinh doanh toàn cầu, thâm nhập bạo dạn vào thị trường nước ngoài trong thập kỉ 70.
Cuốn tự truyện “Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm” chính là đứa con tinh thần mà ông muốn qua đó gửi gắm những tâm tư nhắn nhủ đến thể hệ trẻ.
“Cuốn sách tập hợp kinh nghiệm kinh doanh của một người đi “nhặt nhạnh” những “mảnh vụn” để tạo nên một tập đoàn lớn, của một người bắt đầu từ một công ty chỉ có 20 người, đến một tập đoàn có tầm cỡ quốc tế với hơn 300.000 nhân viên”.
“Thế giới rộng lớn và có nhiều việc phải làm”
Cuộc đời là những chuyến đi và tất nhiên, đó là cả một hành trình dài. Trong hành trình ấy, cuốn sách “Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm” của Kim Woo Choong đã đến với tôi như một khoảnh khắc để tôi nhận ra rằng thế giới mà tôi đang tồn tại không nhỏ bé như tôi từng nghĩ và không nhàn rỗi như tôi đã từng tưởng tượng.
Thật đúng như vậy, năm châu bốn bể lối đi dành cho mỗi người là vô số, mấu chốt là việc bạn chọn con đường nào để đi và làm được gì với quyết định ấy.
Nhắc tới kinh tế Hàn Quốc, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay đến khái niệm chaebol (tức tài phiệt, là tên gọi của các đại tập đoàn gia đình tại Hàn Quốc), vốn được coi là công thức đưa “xứ Kim chi” thoát khỏi tình trạng đói nghèo, và Daewoo của ông Kim Woo Choong là một tập đoàn như vậy.
Trong những năm 1960 và 1970 của thế kỷ trước, để vực dậy nền kinh tế vốn chủ yếu dựa vào ngành nông nghiệp, Chính phủ Hàn Quốc đã dành nhiều ưu ái để biến một số công ty lớn theo mô hình gia đình trị thành các tập đoàn kinh tế trụ cột.
Trong số những tập đoàn này, ông Kim Woo Choong có lẽ là một trong những lãnh đạo liều lĩnh nhất. Với số vốn ban đầu chỉ 5.000 USD, ông đã tận dụng sức trẻ doanh nghiệp cùng sự ưu ái của các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc để biến Daewoo thành khối tài sản kếch xù với hơn 300.000 nhân viên ở 110 quốc gia vào thời kỳ đỉnh cao của doanh nghiệp này.
Vào thời điểm đó, Daewoo được coi là một trong những tập đoàn Hàn Quốc đi tiên phong thâm nhập các thị trường nước ngoài. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Daewoo bắt đầu vào năm 1970, khi Chủ tịch Kim – nhờ sự kiên trì tuyệt đối – đã thuyết phục các nhà bán lẻ lớn của Mỹ bao gồm Sears, J.C. Penney và Montgomery Ward, mua hàng dệt may từ Daewoo.
Khi đó, Chủ tịch Kim cũng nắm bắt được thông tin rằng Chính phủ Mỹ đang lên kế hoạch thiết lập hạn ngạch nhập khẩu hàng dệt may và ông đã đặt cược tất cả các nguồn lực có hạn của Daewoo vào nỗ lực tăng tỷ trọng nhập khẩu dệt may của Mỹ.
Khi hạn ngạch được thiết lập vào năm 1972, Daewoo được phân bổ gần 1/3 số thị phần mà Hàn Quốc có được và hạn ngạch này đã cung cấp một dòng tiền ổn định để tài trợ cho tăng trưởng của Daewoo trong tương lai và gián tiếp đưa ông Kim gia nhập giới tài phiệt Hàn Quốc. Ngoài ra, với mối quan hệ thân thiết với chính phủ, Daewoo cũng được các ngân hàng nhà nước cung cấp các khoản vay đặc quyền.
Đến thập niên 1980, Hàn Quốc được công nhận là “con hổ châu Á” và Daewoo đã phủ sóng nhiều lĩnh vực, từ dệt may và xây dựng đến điện tử, xe hơi, tàu thủy và hóa dầu.
Năm 1989, ông Kim đã xuất bản một cuốn sách nhằm khơi dậy những ước mơ tươi sáng cho một thế hệ người Hàn Quốc mới với tựa đề “Thế giới rộng lớn và có nhiều việc phải làm”, phiên bản tiếng Anh là “Every Street is Paved With Gold”. Đây được coi như “chiếc đòn bẩy” đưa Daewoo đến gần với thế giới hơn.
Lý giải về sự tăng trưởng thần tốc của Daewoo, ông Kim Woo Choong cho biết: “Chúng tôi đã làm việc nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác. Thay vì làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, chúng tôi làm từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối. Nếu cố gắng làm việc chăm chỉ, thành tựu đạt được chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả”.
Ước mơ là điều tối quan trọng cho tuổi trẻ
Khi còn đi học tôi rất nghèo, nhưng tôi không phải là đứa học sinh nghèo duy nhất, lúc ấy ai cũng nghèo. Cách đây 30 năm thu nhập quốc dân tính theo đầu người của Triều Tiên khoảng 50 USD, còn bây giờ đạt khoảng 5.000 USD. Bạn có thể tưởng tượng được lúc ấy chúng tôi vất vả như thế nào. Dĩ nhiên ngày nay vẫn có một số người nghèo, những ngày sau cuộc chiến tranh Triều Tiên mọi người đều nghèo khổ.
Lúc ấy chúng tôi sống ở quận Chungchang, Seoul và tôi phải đi bộ hai tiếng tới trường Đại học Yonsei cách khoảng 10Km. Tôi không có lấy một đồng xu dính túi nhưng tôi lại có nhiều ước mơ. Tôi vẫn không thể quên được cái cảm giác bước ra khỏi thư viện vào lúc đêm khuya hay khi tôi nhìn lên bầu trời khi lê bước về nhà.
Dường như thế giới là của tôi và tôi có thể bao trùm vũ trụ trong cánh tay của mình. Đối với tôi dường như không có gì là không thể làm được. Dẫu rằng nghèo, nhưng cái cảm giác ấy giúp tôi tiếp tục học tập. Sinh lực của tuổi thanh niên là rất quan trọng đối với tôi và làm tràn ngập trái tim tôi bằng những ước mơ. Không có gì có thể ngăn cản tôi.
Trong số những điều mà tuổi trẻ mang lại thì ước mơ là điều quan trọng nhất. Những người biết ước mơ thì không biết nghèo khó vì mỗi người đều giàu có như chính ước mơ của mình vậy. Tuổi trẻ ước mơ rộng lớn như trời biển, dẫu bạn không có gì trong tay cả thì cũng không có gì phải ganh tị nếu có được những ước mơ.
Lịch sử thuộc về những người biết ước mơ: Ước mơ là động lực làm thay đổi thế giới. Những người có ước mơ, những xã hội làm cho ước mơ trở thành hiện thực và đất nước biết chia sẻ ước mơ và tất cả mọi người có thể trở thành bậc anh hùng trong lịch sử thế giới. Tôi cam đoan rằng tất cả những người đang làm nên lịch sử thế giới ngày hôm nay đều có những ước mơ lớn khi còn trẻ.
Có quốc gia nào mà không truyền hy vọng và ước mơ cho tuổi trẻ mà tuổi trẻ lại có được sức mạnh để lãnh đạo thế giới hay không? Nước Mỹ với lịch sử hơn 200 năm đã tạo lập thế đứng trong lịch sử thế giới hôm nay. Và cũng như chúng ta biết chính những ước mơ vĩ đại của những bậc tiên phong ban đầu với tinh thần tiên phong đã đưa lại sức mạnh cho sự phát triển.
Nhưng ngày nay tôi thường nghe nói là tuổi trẻ không còn có những ước mơ vì tương lai hay là họ có ước mơ xoáy vào hiện tại bây giờ. Nếu quả thật như vậy thì không có gì buồn hơn, không những chỉ buồn cho từng cá nhân mà còn buồn cho cả dân tộc.
Ước mơ thường tạo nên con người. Uớc mơ có thể điều khiển cả tính công việc và ngay cả hôm nay, ước mơ giống như bánh lái của con thuyền. Bánh lái có thể nhỏ và không thấy được nhưng nó điều khiển hướng đi của con tàu.
Cuộc đời không có ước mơ giống như con tàu không có bánh lái. Cũng như con tàu không có bánh lái người không có ước mơ sẽ mất hướng đi và sẽ trôi dạt lững lờ cho tới khi bị mắc kẹt trong đám rong biển.
Con người có ước mơ sai trái thì cũng nguy hiểm như là người không có ước mơ. Một người mà ước mơ không vượt qua sự tiện nghi cá nhân trong hiện tại thì cũng đáng thương như là người không có ước mơ gì cả: Anh ta không nhận thức được giá trị lớn lao nhất của tuổi thanh niên. Nếu bạn có ước mơ, hy vọng rằng bạn phải có thì hãy nâng niu nó, vì ước mơ của bạn là bánh lái sẽ quyết đinh hướng đi cho cuộc đời.
Tôi có một ước mơ khi năm đứa chúng tôi bắt đầu mở Công ty Kỹ nghệ Daewoo – Đó là cống hiến cho sự phát triển xã hội qua hoạt động của Công ty. Khởi đầu chúng tôi có 10.000$ trong căn phòng thuê nhỏ bé bẩn thỉu ở một góc tòa nhà, nhưng lúc ấy chúng tôi có một ước mơ còn lớn hơn cả vũ trụ.
Ước mơ ấy bắt đầu trở thành hiện thực khi Công ty càng ngày càng phát triển và chỉ trong vòng 10 năm tôi đã có được tòa nhà lớn nhất ở Triều Tiên bây giờ là trung tâm Daewoo. Tuy nhiên vào lúc ấy tôi ngần ngại về việc xây dựng trung tâm Daewoo.
Tôi nghĩ là đầu tư tiền vào thiết bị sản xuất để góp phần vào việc phát triển kinh tế thì tốt hơn. Tôi cũng e rằng người ta sẽ phê phán Công ty đầu cơ bất động sản.
Tuy nhiên tôi thay đổi cách nghĩ của mình và bắt đầu ước mơ mới, đó là khuếch trương Công ty tới mức tòa nhà đồ sộ ấy chứa hết nhân viên của Daewoo. Vào lúc ấy, hành động đó hầu như là không ai có thể tưởng tượng nổi, tuy nhiên tôi đã thực hiện được ước mơ ấy trong vòng 5 năm.
Ngày nay Daewoo có hơn 100.000 nhân viên đủ để ngồi kín hết 3 tòa như vậy. Giờ đây tôi có một ước mơ khác. Đó là làm ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất trên thế giới trong khi tôi còn sống. Tôi đã lập nên một số kỷ lục thế giới, chẳng hạn có được xưởng đóng tàu lớn duy nhất như thế trên thế giới tại Daewoo Dapo.
Phân xưởng áo quần lớn nhất thế giới ở Pusan; doanh số bán áo quần lớn nhất thế giới. Nhưng vẫn còn cái mà chúng tôi vẫn chưa đạt được, đó là làm ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất trên thế giới.
Tôi vẫn nuôi dưỡng ước mơ này, với bất cứ sản phẩm nào miễn là nổi tiếng tốt nhất trên thế giới đối với những thứ cùng loại như viết máy Paker hay máy ảnh Nikkon. Dẫu là sản phẩm nào đi nữa cũng được, miễn sao họ nói là cái đó do ông Kim Woo Choong làm ra thuộc loại tốt nhất.
Đó là ước mơ của tôi nhưng dường như không dễ gì đạt được. Trong một tương lai gần đây có thể điều đó là trở thành hiện thực, sau khi tôi truyền lại nỗ lực to lớn của Daewoo cho một người kế nghiệp xuất chúng.
Tôi cũng có một ước mơ khác, ước mơ lớn nhất đó là được tưởng nhớ là nhà doanh nghiệp đáng kính. Tôi không muốn nổi tiếng là giàu có hay là có nhiều tiền.
Theo như truyền thống thì ở Nam Triều Tiên, người ta không kính trọng thương nhân hay nói đúng hơn thì thương nhân là những người bị coi thường hoặc bị mọi người xa cách. Có lẽ lý do cơ bản nhất là truyền thống Khổng giáo ăn sâu trong mọi người về thứ bậc trong xã hội: Sĩ, Nông, Công, Thương…
Vì theo trật tự này thì thương nhân nằm ở cuối. Cũng có một lý do khác là khuynh hướng gần đây có một số nhà kinh doanh nhắm tới mục đích cuối cùng là tích lũy tiền của. Nhưng không hiểu tại sao một doanh nhân không thể đạt được sự kính trọng như người ta dành cho giáo sư hay nghệ sĩ.
Tôi muốn tưởng nhớ như là một người chuyên nghiệp xuất chúng trong lĩnh vực của mình và ước mơ cuối cùng của tôi là giúp tạo nên một xã hội trong đó doanh nhân được mọi người kính trọng. Và tôi tiếp tục làm việc để hướng tới biến ước mơ đó thành hiện thực.
Tuổi trẻ không có ước mơ thì không phải là tuổi trẻ. Ước mơ là điều tối quan trọng cho tuổi trẻ. Tuổi trẻ chính là ước mơ và lịch sử thuộc về những người biết ước mơ.
* Trích cuốn tự truyện “Thế Giới Quả Là Rộng Lớn Và Có Rất Nhiều Việc Phải Làm” của tác giả Kim Woo Choong, nhà sáng lập tập đoàn Daewoo.
Tham khảo: Nhịp sống kinh tế