Shark Phú cho rằng bất cứ ai, từ anh xe ôm hay bà bán hàng ngoài chợ đều có khát vọng tỷ phú USD. Nhưng khác nhau là con đường dẫn đến trở thành tỷ phú, họ có vẽ ra được không, có dám bắt tay vào thực hiện hay không mà thôi.
Với vẻ ngoài gần gũi, khiếu hài hước, Shark Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn SUNHOUSE, tiếp đón phóng viên. Ông “thật thà” thừa nhận việc đầu tư trong chương trình Shark Tank gần như “không được vụ nào”. Tuy nhiên, ông vẫn vui vì tham gia chương trình được PR, được truyền dạy kinh nghiệm và cả để tìm kiếm nhân tài.
Ông nói một ngày nào đó sẽ nghỉ làm để truyền dạy những kinh nghiệm, kiến thức mà mình đã tích lũy được cho lớp trẻ. Ông may mắn có được một người vợ hiểu và thông cảm cho sự bận rộn. Với con cái, ông không ép buộc phải theo nghiệp gia đình mà khuyến khích tự khẳng định được mình.
Shark Phú nói rằng tuổi nào cũng có người giàu người nghèo, người giàu, người sướng, người khổ. Ông nói rằng ai cũng mong muốn trở thành tỷ phú USD. Tuy nhiên, điểm khác nhau là ai biến lời nói thành hành động cụ thể.
1. Ngồi chê người khác thì rất dễ nhưng ngồi làm rất khó
– Năm vừa qua là năm rất thành công của bóng đá Việt Nam với nhiều thành tích ở khu vực. Thủ tướng nhiều lần nói phải đưa tinh thần Park Hang-seo, tinh thần của đội tuyển quốc gia vào làm kinh tế. Là một doanh nhân, chúng ta cần làm thế nào để đưa “tinh thần đó” vào làm kinh tế?
– Theo tôi, để có kết quả phải qua một quá trình, phải phụ thuộc vào rất nhiều bước. Chúng ta có thành quả bóng đá hôm nay thì phải nhờ vào đào tạo trẻ 10 năm. Kết quả hôm nay là công việc diễn ra 10 năm. Tương tự một đất nước, để có được thành quả thì phải xác định bắt đầu từ đâu.
Theo tôi quan trọng nhất cần coi giáo dục đào tạo là cái gốc. Chúng ta cần đào tạo từ kiến thức, thái độ, kỷ luật, tư duy, qua đó hình thành được một lớp người dân có nhận thức, có kỷ luật, thì mới hy vọng quốc gia hùng cường, thịnh vượng được.
Nhiều lúc ngay cả bản thân Sunhouse cũng cảm thấy bất lực. Chúng tôi từng mời chuyên gia Hàn Quốc sang làm việc, nhưng sau khi cuộc họp bắt đầu, nhân viên các phòng ban lần lượt mới đến khiến người nước ngoài rất khó chịu.
Ở tầm doanh nghiệp, lớp kế cận mình mà không có kỷ luật, không trung thực, không tuân thủ các quy trình được đặt ra thì tổ chức không thể lớn lên được. Như vậy, cần cả một hệ thống, hệ thống đó cho phép các công ty có nguồn lực đầu vào đã được rèn luyện kinh nghiệm, có tố chất, có ý thức. Nếu doanh nghiệp cứ phải đào tạo lại thì khó mà có thể đào tạo được.
Người dân và Chính phủ phải nhận thức kết quả là một quá trình khổ luyện, chúng ta phải đi từ những bước đầu tiên, không được đốt cháy giai đoạn, phải bắt đầu từ đào tạo. Nghĩa đào tạo rất rộng, nhưng từng bối cảnh trường hợp có những cách đào tạo khác nhau. Chúng ta cũng cần phải có nền tảng giáo dục đào tạo của cả quốc gia.
– Ngoài giáo dục đào tạo, chúng ta cần những hành động cụ thể gì để hiện thực hóa “khát vọng về một Việt Nam thịnh vượng”?
– Chúng ta không cần nói nhiều đến khát vọng, bởi nó nằm trong từng con người rồi. Ai chẳng thích giàu, ai chẳng thích sang, ai cũng thích chiến thắng. Cũng giống như một con người sinh ra ở đâu, trong bản thân họ đã có lòng yêu nước.
Có khát vọng nhưng khó khăn nhất là các bước đi. Đó là một quá trình, phải rèn luyện, phải chịu khổ. Chúng ta có chịu được cái đó hay không, chúng ta có chịu bắt tay vào đó hay không, hay chúng ta chỉ ngồi nói.
Văn hóa chúng ta là ngồi trà đá, nói về người khác. Cần thay đổi theo hướng nói đi đôi với làm. Ngồi phán, ngồi chê người khác thì rất dễ, nhưng ngồi làm thì rất là khó. Người Việt Nam cần thay đổi tư duy, nói đi đôi với làm. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần bắt tay vào hành động, cần tôn trọng sự thật.
Giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2010-2013, chúng tôi phải tiếp rất nhiều cơ quan Nhà nước đến để tháo gỡ khó khăn. Tiếp hết đoàn này đoàn nọ, chúng tôi cứ nêu ra kiến nghị, khi họ quay về cũng không thấy hồi âm, không hồi đáp kiến nghị. Nhiều đoàn quá làm chúng tôi tốn thời gian để tiếp.
Vấn đề của chúng ta là nhiều việc không xác định mục tiêu cụ thể, ai chịu trách nhiệm, diễn ra bao lâu, dùng nguồn lực gì để thực hiện nó, thực hiện bằng phương tiện gì. Chúng ta thường không biến nó thành kế hoạch hành động, mà chỉ hô hào, rồi chìm xuống và biến mất.
Khi mà chúng ta không vạch ra kế hoạch cụ thể, không xác định rõ nguồn lực thì có hô hào thế hay nữa cũng không biến ra thành cái gì cả.
– Chính phủ đang từng bước dành sự quan tâm để phát triển khối doanh nghiệp tư nhân ngày càng lớn mạnh. Theo ông, nếu được khơi thông, khối tư nhân có thể làm được những gì?
– Việt Nam chúng ta đang ở giai đoạn vô cùng thuận lợi cả về địa chính trị và các yếu tố bên ngoài. Tôi cho rằng không bao giờ có thể lặp lại cơ hội như hiện nay. Chúng ta đang ở thời kỳ dân số vàng, về mặt địa lý ở vùng trung tâm năng động nhất thế giới, nằm cạnh thị trường rộng lớn là Trung Quốc đang phát triển vô cùng mạnh mẽ.
Chúng ta có thể tiếp cận công nghệ mới, nguồn nguyên vật liệu, tiện dụng, đặc biệt nhân công chúng ta cũng rất rẻ. Làn sóng các tập đoàn đa quốc gia đều muốn đầu tư vào Việt Nam đang rất mạnh.
Tại Nhật Bản, thế hệ những người sinh năm 30-50 đã làm thay đổi nước Nhật. Còn Hàn Quốc là thế hệ sinh năm 50-70. Còn ở Việt Nam đang ở giai đoạn những người sinh năm 60-80 giúp chuyển đổi nền kinh tế. Lứa tuổi đó đang có nguồn lực sung mãn nhất. Nếu ta không tận dụng nguồn lực đó, chắc chắn ta sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
– Vậy riêng Shark Phú và công ty ông có những khát vọng gì?
– Bản thân doanh nghiệp nào cũng tự phải lo cho mình. Tuy nhiên, trong phạm vi nguồn lực của chúng tôi thì chỉ lo được những thứ nhất định. Ví như chúng tôi cố gắng đầu tư vào chuỗi sản xuất, tạo ra dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, chiếm lĩnh thị trường trong nước. Tuy nhiên, để vươn ra toàn cầu thì cá nhân doanh nghiệp gặp thế khó vì liên quan đến các vướng mắc về chính sách.
Tại Trung Quốc, họ hỗ trợ doanh nghiệp chính sách hoàn thế 17% khi xuất khẩu. Chúng tôi được hoàn khoảng 10% thuế VAT đầu vào, nhưng thực chất chỉ khoảng 4-5%. Như vậy, nếu so sánh 2 doanh nghiệp cùng ngành ở 2 nước, chúng tôi đã thua doanh nghiệp Trung Quốc 12%. Chúng tôi không thể cạnh tranh với họ dù mình có thể làm tốt bằng, thậm chí là tốt hơn.
Nói như vậy để thấy một doanh nghiệp rất khó để vươn ra toàn cầu, nếu như những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp không đồng hành, không tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp với các đối thủ ở các nước ngoài.
Câu chuyện ở đây là cơ quan quản lý phải ngồi với doanh nghiệp theo từng nhóm ngành. Đất nước cần phát triển nhóm ngành nào, thì phải xây dựng chính sách để ngành đó cạnh tranh được với các đối thủ ở những nước cạnh tranh với chúng ta.
2. Khó là có vẻ ra được con đường dẫn đến tỷ phú USD hay không?
– Vậy ông có khát vọng trở thành tỷ phú USD không?
– Như tôi đã nói, bản thân khát vọng đã nằm trong bất cứ ai, từ anh xe ôm hay bà bán hàng ngoài chợ đều có khát vọng tỷ phú USD cả. Nhưng khác nhau là con đường dẫn đến trở thành tỷ phú, họ có vẽ ra được không, có dám bắt tay vào thực hiện hay không mà thôi.
Các quốc gia cũng thế. Quốc gia nào chẳng thích mình hùng cường, số 1 thế giới, nhưng quốc gia nào có kế hoạch cụ thể, chuẩn bị nguồn lực cụ thể, Nhà nước và người dân cùng bắt tay vào thực thi kế hoạch đó thì quốc gia đó sẽ thành công. Quốc gia nào mà chỉ hô hào trong cuộc họp thì kết thúc cuộc họp, đâu lại vào đấy.
– Như ông đã nói, bóng đá để có thành công ngày hôm nay phải có sự chuẩn bị của hàng chục năm trước. Còn Shark Phú có ngày hôm nay đã tích lũy như thế nào?
– Tôi có một may mắn, nói thực nó là không may nhưng lại là may: Tôi sinh ra trong giai đoạn đất nước vô cùng khó khăn là thập kỷ 70-80. Khi đó những đứa trẻ sinh ra đều đói, nghèo, thiếu thốn đủ thứ. Không chỉ riêng gia đình tôi mà cả nước đều như vậy.
Chúng tôi cũng may mắn hơn thế hệ 4X, 5X, 6X. Họ lớn lên khi đất nước bị cấm vận, chiến tranh… họ không có nhiều cơ hội. Chúng tôi may mắn hơn là khi lớn lên, đến độ tuổi lao động thì đất nước mở cửa, bắt đầu tiếp cận với bên ngoài. Đó cũng là lúc các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam rót vốn đầu tư. Sinh ra vào thế hệ đó, sự mở cửa đó giúp chúng tôi học hỏi được rất nhiều.
Cái khổ của tuổi thơ tạo cho chúng tôi nghị lực, đến khi đi làm cho các doanh nghiệp nước ngoài lại học hỏi được họ phương pháp, cách thức tư duy, cách thức giải quyết vấn đề.
Đó là một trong những cơ may dẫn cho chúng tôi khát vọng thoát nghèo. Đó là lý do từng bước chúng tôi lăn lộn trong 18 năm. Từ 2 bàn tay trắng, tôi cũng làm qua nhiều thứ, từ nhân viên bán hàng, giám đốc, kế toán… vì lúc đầu công ty chỉ có mỗi mình mình thôi.
Công ty chúng tôi từng rất nhỏ, chỉ với số vốn khởi nghiệp là 2.000 USD, nay đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu ngành gia dụng. Nhưng chúng tôi cũng không tránh khỏi những khiếm khuyết và đang tự tìm tòi từng bước hoàn thiện. Chúng tôi sẽ dồn toàn lực vào nâng cao chất lượng sản phẩm, để trở thành thương hiệu toàn cầu, hướng đến những thị trường khó tính nhất. Đó chính là ước mơ và khát vọng của chúng tôi.
– Ông từng nói một câu gây tranh cãi: “Tôi sẵn sàng dùng nguyên liệu Trung Quốc vì rẻ”. Nhiều người sau đó nói sẽ tẩy chay Sunhouse. Giờ góc nhìn của ông có thay đổi?
– Câu nói đó không dẫn đầy đủ ý của tôi. Doanh nghiệp nào muốn tồn tại thì phải tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tức là sản phẩm tạo ra phải cạnh tranh trên toàn cầu. Muốn làm được điều đó, doanh nghiệp phải tận dụng được mọi thế mạnh trên toàn cầu, ở đâu rẻ nhất thì phải tìm đến. Ở đây rẻ không có nghĩa là không đạt chất lượng.
Ví như Samsung, họ đặt nhà máy ở Việt Nam, trung tâm R&D ở Mỹ, mua nguyên liệu ở Trung Quốc, vì những nơi đó đã cấp cho họ những thứ tốt nhất, rẻ nhất, cấu thành nên sản phẩm cạnh tranh nhất trên toàn cầu.
Chúng ta không nên quan tâm là Trung Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam. Hãy tìm đến những nơi cung ứng giúp ta có thể cạnh tranh toàn cầu nhất, giúp chúng ta có chất lượng như mong muốn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang muốn Apple sản xuất iPhone ở Mỹ, nhưng họ vẫn sản xuất điện thoại ở Trung Quốc. Điều đó không có nghĩa họ không yêu nước Mỹ, nhưng họ biết rằng nếu đưa về sản xuất ở Mỹ, họ sẽ mất tính cạnh tranh, khó bán trên toàn cầu.
Doanh nghiệp muốn cạnh tranh thì đừng câu nệ, hãy nhìn thẳng vào sự thật. Trách nhiệm chất lượng là của hãng, nếu anh không quản trị được chất lượng thì người tiêu dùng sẽ tẩy chay và anh cũng sẽ biến mất.
3. Đầu tư vào Shark Tank không được vụ nào
– Có người nói rằng việc tham gia Shark Tank cũng là một chiêu PR của doanh nghiệp và cá nhân ông? Ông thấy điều đó đúng bao nhiêu phần?
– Chuyện PR là đương nhiên, khi làm một việc gì đó, ai cũng tư duy một số mục đích nào đó. Một thương hiệu muốn phát triển phải được nhiều người biết đến. Khi tôi tham gia Shark Tank có rất nhiều mục đích.
Thứ nhất, chúng tôi có quỹ đầu tư và mong muốn tìm được những cơ hội đầu tư sinh lời. Bản thân tôi cũng muốn truyền đạt những câu chuyện kinh doanh, bài học kinh nghiệm trong quản trị, để hỗ trợ các doanh nghiệp mới, tìm kiếm các đối tác.
Thứ hai, khi tôi tham gia chương trình kéo dài như vậy, thay vì quảng cáo, nhiều người cũng biết đến chúng tôi.
Thứ ba, chúng tôi có thể tìm kiếm được nhân tài ở những ngành nghề liên quan đến công nghệ, phù hợp chiến lược phát triển. Chúng tôi có thể đồng hành, hỗ trợ cùng họ để phát triển cùng.
Một việc mình tạo ra càng nhiều giá trị thì càng tốt.
– Doanh nghiệp của ông đã đầu tư bao nhiêu tiền cho các startup? Đâu là doanh nghiệp mà ông thấy ưng ý nhất? Đâu là doanh nghiệp đang đem lại những thành công nhất?
– Nói thật, nếu xét về góc độ đầu tư, chúng tôi không được vụ nào.
Đó là điều hơi đáng buồn vì thực trạng, nền tảng của các startup còn quá non trẻ, thiếu quá nhiều điều kiện, cơ hội thành công trong thương trường không cao. Tỷ lệ thất bại là rất rất cao, lên đến 99%. Tôi đang hy vọng 1% còn lại có thể rơi vào mình, may mắn được một vụ nào đó.
Khi đầu tư tôi cũng xác định có thể mất 100%. Khi mất cái này tôi có thể có được các lợi ích khác như tôi đã nói vì khi tham gia tôi có nhiều mục đích. Nếu thất bại trong đầu tư thì tôi vẫn đạt được những mục đích khác.
– Nhưng việc không thương vụ nào thành công có nguyên nhân từ ông không? Ví như ông đã “chọn sai mặt gửi vàng”?
– Không hẳn. Trên thị trường, để một quỹ đầu tư rót vốn thì họ phải làm rất kỹ lưỡng, các startup cũng phải đạt những tiêu chí nhất định. Tuy nhiên, trong chương trình thời lượng rất ngắn, bản thân tôi lên chương trình cũng không phải duy nhất mục đích đầu tư, nên tôi chấp nhận rủi ro.
Tôi tin tỷ lệ thành công trên thế giới cũng vậy. Shark Tank ở Mỹ tỷ lệ thành công cũng rất rất thấp. Ngay cả họ là đất nước phát triển rồi. Ở Việt Nam chuyện thấp là đương nhiên, chúng tôi chấp nhận chuyện đó.
– Trong các Shark, ông thích Shark nào nhất? Ai là đối thủ đáng gờm nhất trong cuộc cạnh tranh giành lấy các startup?
– Các Shark ai cũng có mặt mạnh, yếu, ưu điểm, nhược điểm, bởi mỗi người lại làm một lĩnh vực khác nhau. Có người làm công ty bất động sản, có người làm quỹ đầu tư, có người làm công ty sản xuất… Nếu nói là thích ai nhất thì tôi thích tất.
Mỗi người là một mảnh ghép để hoàn thiện cho một bức tranh chung, rút bài học cho các startup để hoàn thiện doanh nghiệp của mình. Vì các startup trên đất nước ta rất đa dạng, đủ một ngành nghề. Các Shark mỗi người một ưu điểm, mỗi lĩnh vực lại có câu chuyện quản trị khác nhau, là một sự kết hợp tương đối hoàn hảo.
– Trong chương trình ông thường hỏi các startup “nếu thất bại có về làm cho anh không”. Ông cũng nói nhiều startup thất bại, vậy đã có ai về làm cho ông chưa?
– Một trong các mục đích của tôi khi tham gia Shark Tank cũng là tìm kiếm nguồn nhân lực. Để khởi nghiệp thành công, người sáng lập (founder) là vô cùng quan trọng, quyết định thành bại đến 90%. Trong trường hợp không thành, không phải là họ bất tài, họ vẫn rất giỏi trong lĩnh vực nào đó.
Tại sao tôi có câu hỏi đó, vì tôi hy vọng những người có gan, tuổi trẻ mà dám làm, trong trường hợp thất bại trong dự án của mình vẫn có thể dùng cho mục đích khác. Khi kết hợp với chúng tôi có thể cùng nhau phát triển. Khi đó các bạn không phải làm từ A-Z mà chỉ làm một công đoạn, và có thể làm rất tốt.
– Vậy đã có ai về làm cho ông chưa?
– (Cười) Thực ra nó vẫn chưa đến thời hạn.
4. Nhiều tiền có khi là khổ, chứ không hạn phúc đâu
– Các cụ thường có câu người tuổi Hợi thường sung sướng, nhàn hạ và giàu có. Ông cũng tuổi Hợi, vậy ông thấy điều các cụ đúc kết có đúng không?
– Xét người thành danh trên thế giới thì có tất cả các tuổi khác nhau. Trong mỗi độ tuổi đều có người nhàn, người khổ, người thành, người bại. Tôi không cho rằng tuổi Hợi khác với tuổi khác. Trong mỗi độ tuổi đều có người này người khác do tác động bởi gia đình, môi trường, nền giáo dục, nhiều yếu tố cấu thành sự thành bại, sướng khổ của mỗi con người.
– Jack Ma đã về hưu khi 40 tuổi. Ông cũng nói yêu thích việc truyền đạt kỹ năng kinh nghiệm cho lớp trẻ. Ông có nghĩ mình sẽ nghỉ hưu sớm để làm thầy giáo hay người truyền cảm hứng hay không?
– Đa phần con người ta đều có một chu kỳ. Như các cụ nói tre già, măng mọc, đời người sinh ra từ cát bụi, khi chết cũng về với cát bụi. Chúng ta sinh ra đều có giai đoạn trẻ già, đó là quy luật của tạo hóa. Người trẻ thì ai cũng khát khao muốn mình làm được điều gì đó. Khi vượt qua thế hệ đó, đã tích lũy đầy đủ kinh nghiệm rồi, tích lũy đầy đủ các hành trang rồi, vật chất và cả tinh thần rồi, chuyển sang thế hệ tuổi già, thì chúng ta luôn luôn có xu hướng đi tìm và chuyển giao lại những gì mình có.\
Thông thường những người đã về hưu thường có nhu cầu đi làm cố vấn, thầy giáo, các võ sư thì đi tìm truyền nhân. Tích lũy bao năm để học ra các thế võ, mà chết đi không truyền được cho ai thì rất đau khổ.
Tôi cũng như những người khác, mong muốn tìm được người để truyền lại từ kinh nghiệm quản lý, cũng như những gì mà mình tích tụ từ hồi trẻ tuổi, để không bị lãng phí đi, đó cũng là một trong những lý do tôi tham gia Shark Tank.
– Khi tìm được người truyền lại, ông có sẵn sàng để lại công ty của mình? Nói cách khác ông muốn Sunhouse là công ty gia đình hay là một công ty đại chúng?
– Trong công ty tôi đang chia cả 2 dạng. Một dạng đi theo gia đình trị, một dạng đi theo công ty đại chúng, để xem mô hình nào hơn mô hình nào. Kinh nghiệm thế giới chứng minh cả 2 mô hình đều có ưu và nhược. Những công ty tồn tại vài trăm năm nay chủ yếu là công ty gia đình. Còn những công ty đa quốc gia, lại đa phần là công ty đại chúng.
Tôi đang xem mô hình nào tốt hơn, hoặc có thể cho tồn tại cả 2.
– Shark Phú là một người truyền cảm hứng rất giỏi, chắc hẳn con cái ông sẽ rất hạnh phúc?
– Tôi nghĩ là bất hạnh hơn hạnh phúc. Khi có một người có cái bóng quá lớn, dù những đứa trẻ rất giỏi, rất thành công, thiên hạ luôn nghĩ sự thành công đó nhờ cha mẹ. Tôi nghĩ rằng những đứa trẻ đó, sinh ra ở những gia đình có bố mẹ, ông bà thành công, là bất hạnh hơn những đứa trẻ sinh ra ở gia đình khổ sở.
Tôi chứng kiến nhiều bạn trẻ sinh ra ở các gia đình có điều kiện, nhưng họ cảm thấy tiêu cực, họ làm ra được nhưng thiên hạ không công nhận.
Tôi chỉ mong muốn rạch ròi việc đó, để con cái mình tự tạo ra giá trị của bản thân, của riêng nó. Mình cũng không cố gắng dùng các uy tín, lợi thế của mình để giúp đỡ các bạn ấy. Chỉ cố gắng khuyến khích các bạn ấy tự lập, làm sao đi theo con đường riêng của mình. Khi nào thực sự trải nghiệm rồi, quay lại tham gia công ty. Tôi không gò ép theo nghiệp gia đình, mà do các bạn tự quyết định.
– Vợ có bao giờ phàn nàn về một người chồng doanh nhân quá bận rộn hay không?
– Chắc chắn. Người phụ nào cũng mong muốn chồng dành nhiều thời gian cho gia đình. Tôi vẫn chia sẻ với vợ rằng cuộc đời cái gì cũng có giá của nó. Cạnh hòn núi cao bao giờ cũng có vực sâu. Ở cạnh người thành đạt ở lĩnh vực này thì bao giờ cũng thua thiệt ở lĩnh vực khác. Rất khó để hài hòa, mà hài hòa thì mọi thứ lại bình bình.
Mọi người phải đứng ở góc nhìn của người khác, để hiểu và chia sẻ được, rồi chấp nhận. Mong muốn một cái gì đó hoàn hảo thì rất khó. Muốn một người đàn ông thành đạt thì phải chấp nhận việc có ít thời gian họ trao cho mình.
Tôi nghĩ đó là cái giá của sự đánh đổi. Rất may bà xã tôi rất hiểu việc đó nên chỉ phàn nàn cho vui thôi.
– Tiền với ông bao nhiêu là đủ? Ông sẽ còn kiếm tiền đến bao giờ?
– Thực ra nếu nói về tài sản cá nhân, tôi cho rằng chỉ cần tiền đủ để trang trải nhu cầu tối thiểu như ăn uống, đi lại, nhà cửa. Nếu lớn hơn số đó không có nhiều giá trị cho cá nhân. Tôi nghĩ một gia đình có khoảng 100 tỷ thôi là đầy đủ phục vụ. Lớn hơn 100 tỷ để phục vụ cá nhân thì không còn nhiều giá trị.
Tuy nhiên, tiền là vật ngang giá, là phương tiện để ta đạt được mục đích. Nếu ai đó có tham vọng làm thay đổi thế giới, tạo cái gì đó cho thế giới thì lại phải cần rất rất nhiều tiền. Vậy thì tôi nghĩ tiền nhiều chỉ có ý nghĩa cho người có tham vọng, muốn làm gì đó cho nhân loại. Nếu cá nhân nào không có tham vọng đó, không nhất thiết phải nhiều tiền làm gì.
Bởi nhiều tiền có khi là khổ, chứ không hạnh phúc đâu.
Theo Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- Shark Phú: Bất cứ ai đều có khát vọng tỷ phú USD, khác nhau là bắt tay vào hành động hay không
- Căn bếp hạnh phúc Sunhouse và ước mơ cả đời của Shark Phú: “Tôi sẽ hạnh phúc nếu những người xung quanh cũng hạnh phúc”
- Thời khởi nghiệp gian truân của “Vua chảo” Nguyễn Xuân Phú: Tôi từng vừa làm bốc vác, vừa làm Sale, vừa làm giám đốc