Từ trẻ mồ côi, tỷ phú Hứa Gia Ấn gây dựng Evergrande – đế chế Bất động sản lớn nhất Trung Quốc, từng tham vọng thành nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới nhưng giờ đây đứng trên bờ vực phá sản và cú sốc giảm giá BĐS lớn nhất Trung Quốc.
Evergrande nổi danh là nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới. Một loạt tin xấu liên tục trong những tuần gần đây đã khiến nhiều chuyên gia cảnh báo về sự sụp đổ của đế chế này.
Evergrande đang phải đối mặt với khoản nợ hơn 300 tỷ USD, hàng trăm tòa nhà chung cư chưa hoàn thành và các nhà cung cấp giận dữ đã đóng cửa các công trường xây dựng. Công ty thậm chí đã bắt đầu thanh toán các khoản nợ quá hạn bằng cách bàn giao các công trình dang dở.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch cho biết trong việc vỡ nợ “là có khả năng”. Moody’s, một cơ quan xếp hạng tín nhiệm khác, cho biết Evergrande đã không còn tiền và thời gian.
Từng là trẻ mồ côi với tuổi thơ rất nghèo khổ, gian nan
Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan) sinh ngày 9 tháng 10 năm 1958 tại Thái Khang, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ông có tuổi thơ rất nghèo khổ, gian nan. Năm ông mới 1 tuổi, mẹ ông mắc chứng ung thư máu rồi qua đời, ông trở thành trẻ mồ côi. Năm 1975, sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông nghỉ học về nhà, làm nông.
Năm 1977, Trung Quốc khôi phục chế độ thi đại học, chàng trai Hứa Gia Ấn hăm hở đi thi nhưng bị trượt vì bỏ bẵng bài vở suốt mấy năm không ngó ngàng đến. Năm 1978, ông quay trở lại trường để ôn tập và thi đỗ vào Học viện Gang thép Vũ Hán, với thành tích đứng thứ 3.
Năm 1982, sau khi tốt nghiệp đại học, ông được phân về công tác tại Công ty gang thép Vũ Dương, Hà Nam làm trợ lý quản đốc phân xưởng. Ông đã bỏ công ngày đêm nghiên cứu dây chuyền sản xuất, tổng kết nhiều sáng kiến có giá trị…
Đến năm 1992, ông bỏ công việc đang làm để tới Thâm Quyến, miền đất hứa vào thời điểm đó. Ông lập ra Evergrande vào năm 1996, đặt trụ sở tại Quảng Châu.
Tỷ phú Hứa Gia Ấn đưa Evergrande trở thành đế chế BĐS lớn bậc nhất Trung Quốc
Kể từ những năm 2000 các dự án nhà ở tại các thành phố ở Trung Quốc mọc lên như nấm sau mưa để đáp ứng nhu cầu tăng vọt vì quá trình đô thị hóa. Giá nhà cũng tăng rất mạnh. Tận dụng cơ hội, Evergrande như “diều gặp gió” phát triển vượt bậc..
Evergrande có chi nhánh, hiện diện tại 280 thành phố, với số lượng nhân viên lên tới 200.000 người. Tập đoàn đã hoàn thành 900 dự án xây nhà thương mại, hạ tầng bất động sản. Gần đây, Evergrande còn mở rộng hoạt động sang những lĩnh vực mới như thực phẩm, giải trí, nghiên cứu phát triển xe điện.
Từ năm 2020, vấn đề lớn nhất mà Evergrande đang gặp phái là sức ép đến từ “núi nợ” lên đến 300 tỉ USD sau nhiều năm đi vay để có đủ vốn hỗ trợ tăng trưởng nhanh. Trước đó, Evergrande cũng đã đẩy nhanh việc mua bán, sáp nhập, vì muốn tận dụng được đà tăng trưởng nóng của ngành bất động sản.
Quá trình vướng nợ
Ngay từ khi bất động sản nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ về chính trị của Trung Quốc, ngành này đã sử dụng mô hình “ba cao một thấp” (nợ cao, đòn bẩy cao, doanh thu cao, chi phí thấp) rất rủi ro, kết quả là cầm cố thế chấp để phát triển nhanh chóng. Hứa Gia Ấn vay nợ từ các tỷ phú khác như Jeff Bezos hay Sheldon Adelson.
Trong nhiều năm, Evergrande đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển đi lên ở Trung Quốc. Theo New York’s Times, 3/4 tài sản tư nhân ở Trung Quốc có liên quan đến quyền sở hữu tài sản. Evergrande hoạt động ở trung tâm của một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, người sáng lập Hứa Gia Ấn nắm giữ khoảng 70% cổ phần của công ty, đã kiếm được rất nhiều tiền.
Vào thời kỳ đỉnh cao, năm 2017, tạp chí Forbes đã ước tính tài sản của Hứa Gia Ấn là 45 tỷ USD. Tập đoàn Evergrande phát triển vượt ra ngoài thị trường bất động sản khi mua lại câu lạc bộ bóng đá Guangzhou FC và các lĩnh vực kinh doanh mới. Tập đoàn còn có một thời gian làm trang trại chăn nuôi.
Evergrande tham gia lĩnh vực sản xuất ôtô điện khi Hứa Gia Ấn đưa ra tầm nhìn sẽ vượt qua Tesla của Mỹ để trở thành hãng xe điện lớn nhất thế giới vào năm 2025. Giá trị thị trường của công ty ôtô của Evergrande đã tăng vọt lên tới 90 tỷ USD vào thời điểm đó dù vẫn chưa có một chiếc xe nào được đưa ra đại chúng.
Các chuyên gia cho rằng việc Evergrande vay nợ quá nhiều khi phát triển rồi đến lúc bị chính phủ siết chặt quản lý nợ nên mới tạo ra tình hình này. Riêng mảng xe điện đã khiến tập đoàn chịu lỗ 740 triệu USD. Trước tình hình đó, Evergrande đã bán cổ phần hãng xe điện, một công ty bất động sản ở Hàng Châu và một ngân hàng. Sắp tới, công ty tính toán bán nốt mảng du lịch và nước giải khát.
Theo hãng tin Bloomberg, trước mắt, Evergrande phải đối mặt với cuộc kiểm tra tính thanh khoản quan trọng vào tuần này khi phải trả 83,5 triệu USD tiền lãi vào ngày 23/9 cho đồng ngoại tệ và 232 triệu tệ (36 triệu USD) cho đồng nội tệ. Sau đó là khoản thanh toán 669 triệu USD lãi vay vào cuối năm nay. Đầu năm sau, khoảng tháng 3, tập đoàn sẽ phải thanh toán tiếp 2 tỷ USD trái phiếu đáo hạn và tiếp đó là 1,45 tỷ USD.
Trong bối cảnh đó, các tổ chức đánh giá tín nhiệm liên tục hạ điểm của Evergrande. Tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P Global Ratings đã hạ xếp hạng tín dụng của Evergrande xuống mức rác “CC”, điều đó có nghĩa là trái phiếu công ty này có rủi ro cao, không thuộc loại đầu tư.
Bị đồng minh thân cận quay lưng
Joseph Lau là ông chủ của Chinese Estates, vốn có mối quan hệ khăng khít với Hứa Gia Ấn khi tham gia với tư cách người mua hoặc người bán trong hầu hết các dự án của Evergrande. Lau cũng là người đăng ký mua 50 triệu cổ phiếu đầu tiên khi tập đoàn bất động sản của Hứa Gia Ấn IPO vào năm 2009.
Khi Lau bị kết án tội hối lộ năm 2014, Evergrande đã mua lại tòa tháp Mass Mutual Tower của Chinese Estates với mức giá cao hơn thị trường. Cùng năm đó, Evergrande tiếp tục mua một số văn phòng ở Thành Đô và khu phức hợp cư dân ở Tránh Khánh từ Chinese Estates.
Tuy nhiên, khi Evergrande đứng trước nguy cơ sụp đổ vì món nợ quá lớn, Lau và vợ đã bán đi 138 triệu cổ phiếu Evergrande với tổng giá trị 64 triệu USD. Hành động này khiến tỷ lệ nắm giữ cổ phần của hai vợ chồng giảm xuống còn 7,96%, đứng sau Hứa Gia Ấn với 70,7%.
Vào tháng 8, Xia Haijun, Phó chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Evergrande từ năm 2014, cũng đã bán 14,8 triệu USD cổ phiếu trong lĩnh vực ôtô điện và quản lý tài sản có trong tập đoàn.
Tham vọng trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới
Dù gánh khoản nợ khổng lồ, China Evergrande Group vẫn gây xôn xao khi tìm cách tấn công thị trường ôtô điện. Mục tiêu tỷ phú Hứa Gia Ấn là vượt qua Tesla và các tên tuổi khác để trở thành nhà sản xuất xe điện “lớn mạnh nhất thế giới” vào năm 2025.
Điều đặc biệt, khi các nhà sản xuất xe điện khác phải tốn hàng tỷ USD để phát triển một mẫu xe. Evergrande cho biết họ đang phát triển cùng lúc 14 mẫu. Dù không có nền tảng kỹ thuật hay công nghiệp, công ty xây dựng hàng loạt nhà máy.
Có thời điểm vốn hóa của China Evergrande New Energy Vehicle Group Ltd., hay Evergrande Auto, đã tăng vọt lên khoảng 87 tỷ USD, nhiều hơn hầu hết nhà sản xuất ôtô trên thế giới như Ford Motor và General Motors. Vốn hóa của Evergrande Auto thậm chí gấp 4 lần công ty mẹ, ngay cả khi công ty chưa bán bất cứ chiếc xe nào.
Evergrande từng khẳng định bất động sản và sản xuất ôtô sẽ tạo “sức mạnh tổng hợp”. Theo đó, 6 triệu chủ nhà của Evergrande là “cơ sở khách hàng khổng lồ” của công ty. Các đại lý bất động sản của công ty cũng bán thêm xe điện.
Mặc dù có những tham vọng rất lớn trong ngành xe điện cũng như bất động sản nhưng hiện nay Evergrande đang rơi vào tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” với khoản nợ hơn 300 tỷ USD. Theo tính toán của Bloomberg, tính đến tháng 8/2021, tài sản của Hứa Gia Ấn chỉ còn khoảng 9,82 tỷ USD.
Theo Bloomberg, SCMP
Xem thêm bài liên quan
- Thời hoàng kim của các tỷ phú bất động sản Trung Quốc đã kết thúc?
- Jack Ma bị nghi liên quan tới vụ siêu tham nhũng, sự nghiệp kết thúc từ đây?
- Cuộc đời truyền kỳ đầy cảm hứng của “Gã điên không bao giờ lùi bước” Jack Ma: Đứa trẻ nghèo 2 lần trượt đại học, 10 lần bị Harvard từ chối và 30 lần xin việc thất bại đến tỷ phú nổi tiếng thế giới