Sự thành công của nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới “tay trắng làm nên” Chu Quần Phi của Trung Quốc đã vẽ nên một bức tranh về sự cống hiến, khao khát thành công và bất chấp mọi chuẩn mực về giới tính, nghèo đói.
Chu Quần Phi là người sáng lập ra Lens Technology, sở hữu khối tài sản 12,1 tỉ USD, theo thống kê của Forbes năm 2020 USD. Bà từng là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới năm 2018. Hiện nay, bà đang nắm giữ vị trí 221 trong danh sách tỷ phú thế giới.
Công ty của Chu Quần Phi có trụ sở tại Silicon Valley. Đối tác của bà là các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Tesla, Apple và Samsung.
Tuy nhiên, con đường bước lên đỉnh vinh quang đó thật không dễ dàng. Hành trình trở thành tỷ phú với khối tài sản đồ sộ trị giá hàng tỷ đô từ hai bàn tay trắng của một nữ công nhân Trung Quốc khiến người ta thực sự ngưỡng mộ.
Tuổi thơ nghèo đói, cơ cực thôi thúc ý chí làm giàu
Chu Quần Phi sinh ra trong một gia đình nhỏ, nghèo tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Từ nhỏ, bà đã cùng các anh chị em chăn nuôi vịt, heo để phụ giúp gia đình kiếm tiền.
Lúc lên 5 tuổi, mẹ của bà qua đời, bố của bà cũng dần mất đi thị lực do tai nạn lao động. Vì vậy, bà đã cố gắng cùng các anh chị em làm việc và dần dần quán xuyến mọi công chuyện lớn nhỏ trong nhà.
Bà quyết định bỏ học vào năm 16 tuổi và bắt đầu đi làm tại một xưởng sản xuất kính đồng hồ nhỏ ở Thâm Quyến để kiếm tiền về cho gia đình.
Dù ngày nào bà cũng dành thời gian làm làm việc tới hơn 12 tiếng/ ngày, nhưng điều này không thể đánh bại sự chăm chỉ cố gắng và tinh thần ham học của bà.
Chu Quần Phi thường dành khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn của mình để học về kế toán và nghiên cứu về các loại kính.
Vì vậy, sau nhiều năm làm việc vất vả, bà đã tiết kiệm được một khoản tiền nhỏ và thành lập cơ sở in lụa vào năm 1993 với sự giúp đỡ của một số người thân.
Năm 2003, Chu Quần Phi thành lập công ty Lens Technology – một công ty công nghệ của Trung Quốc có trụ sở tại Hồ Nam, chuyên nghiên cứu, phát triển, sản xuất và bán các sản phẩm ống kính.
Khi đó, hãng điện thoại Motorola đã gọi điện thoại cho bà và yêu cầu công ty thiết kế một loại ống kính chống xước cho chiếc điện thoại Razr V3 của họ.
Đây cũng chính là cơ hội và bước ngoặt lớn đối với Chu Quần Phi trong sự nghiệp của mình. Với sự thành công của việc thiết kế ra loại ống kính chống xước cho Motorola, các công ty di động khác như HTC, Nokia, Samsung cũng bắt đầu liên hệ và làm việc với bà.
Chẳng bao lâu, ngay cả Apple cũng xếp hàng để mua ống kính điện thoại được sản xuất bởi công ty Lens Technology.
Qua đó, sau nhiều năm bôn ba trong sự nghiệp gầy dựng công ty Lens Technology, Chu Quần Phi đã sở hữu khối tài sản trị giá 8,5 tỷ USD và trở thành nữ tỷ phú tự thân giàu nhất Trung Quốc.
Năm 2016, tạp chí Fortune đã đưa bà vào danh sách Những người phụ nữ quyền lực nhất châu Á – Thái Bình Dương. Thậm chí, những câu chuyện của bà còn là nguồn cảm hứng cho hàng triệu lao động nữ ở Trung Quốc và các doanh nhân mới khác.
“Bạn đừng bao giờ bỏ cuộc”
Chu Quần Phi từng chia sẻ rằng: “Bạn đừng bao giờ bỏ cuộc. Tôi đã bán nhà 2 lần để có tiền trả lương cho các nhân viên”.
Bởi lẽ, từ khi còn nhỏ, bà đã gặp nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Vì vậy, bà vẫn luôn không ngừng cố gắng, kiên trì làm mọi thứ có thể và không bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh.
Trong suốt thời gian làm việc tại nhà máy sản xuất kính đồng hồ, bà đã phải làm việc từ sáng sớm đến tối muộn dưới áp lực cao nhưng chưa bao giờ bà có suy nghĩ từ bỏ ước mơ được học tập thêm nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống.
Chu Quần Phi đã dành thời gian trau dồi kiến thức và luôn theo đuổi các nền giáo dục tốt nhất tại Trung Quốc. Mặc dù không được vào trường đại học tốt nhất, bà vẫn cố gắng đạt được thành tích tốt nhất và không sợ hãi khi vấp ngã.
Những năm tháng lăn lộn giữa công việc nhà máy và các khóa học đại học đã hun đúc nên sự nhạy bén và chuyên môn của nữ tỉ phú trong ngành chế tạo ống kính.
Vì vậy, vào thời điểm mà Chu Quần Phi quyết định thành lập công ty, bà đã có đủ hành trang kiến thức về kế toán, tin học, thương mại để bắt đầu ước mơ.
Bên cạnh đó, Chu Quần Phi nói với tờ The New York Times rằng:
“Bạn hãy sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi được yêu cầu. Ở ngôi làng nơi tôi lớn lên, có rất nhiều cô gái không có sự lựa chọn về việc có nên đi học cấp hai hay không. Họ sẽ đính hôn hoặc kết hôn và giành cả cuộc đời ở ngôi làng đó. Với nhiều người, đó là một sự lựa chọn an toàn vì hầu hết ai cũng đi theo con đường đó. Tuy nhiên, tôi đã chọn kinh doanh và tôi không hối tiếc”.
Lúc bắt đầu khởi nghiệp, bà sẵn sàng đầu tư gần 3.000 USD tiền của mình và người thân vào các công ty liên doanh.
Bà nói: “Tôi không cho phép bản thân có những nghi ngờ hay phản đối về đầu tư vào năm 22 tuổi. Điều này đã giúp tôi tự thành lập công ty và trở thành nữ tỷ phú vào năm 47 tuổi”.
Ngoài ra, tỷ phú Chu Quần Phi luôn nói về sự cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ trong sự nghiệp của mình, bà cũng chia sẻ với nhiều người rằng:
“Hãy thư giãn để có thể gia tăng sự sáng tạo và năng lượng cho bản thân”.
Nữ tỉ phú thích leo núi và chơi bóng bàn. Điều này giúp bà cân bằng sự khắc nghiệt của cuộc sống doanh nhân.
Vì vậy, bà đã khuyên những người đang làm việc trong công ty và những người xung quanh nên dành thời gian cho bản thân nếu có. Hãy trân trọng thời gian ấy và sử dụng nó một cách hữu ích.
Câu chuyện của Chu Quần Phi là một bằng chứng cho thấy nghèo đói không thể là rào cản cho ước mơ.
Đối với nhiều người, Chu Quần Phi như một biểu tượng của tia sáng hy vọng cho nhiều công ty khởi nghiệp đang còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm vị trí của mình trên các thị trường lớn.
Qua đó, bà vẫn không ngừng xây dựng và nỗ lực trong những chặng đường tiếp theo để hỗ trợ và giúp các doanh nghiệp trong nước cùng tiến bộ.
Theo Doanh nghiệp và tiếp thị
Xem thêm bài liên quan
- Chuyện đời cha đẻ “vua bán dẫn TSMC” Morris Chang: 25 năm đi làm thuê, đến tận 50 tuổi mới bắt đầu khởi nghiệp và bí quyết tuyển dụng
- Kỳ tích kinh doanh: Góa phụ mù chữ khởi nghiệp khi đã 49 tuổi để trở thành nữ tỷ phú hàng đầu Trung Quốc
- Tỷ phú sáng lập hãng máy tính Dell: “Cuộc sống như nhận nhiều cú đấm, khi ngã xuống hãy đứng dậy và tiếp tục chiến đấu!”