Nhiều đại gia, chủ doanh nghiệp Việt có mức thu nhập lên tới cả tỷ đồng 1 tháng khiến nhiều người không khỏi ngưỡng mộ.
Các doanh nhân điều hành những tập đoàn, doanh nghiệp lớn kinh doanh hiệu quả, xứng đáng được nhận mức lương và thù lao hậu hĩnh lên đến nhiều tỷ đồng mỗi năm.
Bà Trần Mai Hoa – Tổng Giám đốc Vincom Retail
Mới đây, dư luận xôn xao về mức lương và thù lao cả năm 2022 gần 12 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Vincom Retail (mã chứng khoán: VRE) trả cho bà Trần Mai Hoa – Tổng Giám đốc. Với mức thu nhập cả năm như vậy, trung bình lương mỗi tháng của bà Hoa đạt gần 1 tỷ đồng.

Bên cạnh những chỉ tiêu tài chính, các doanh nghiệp niêm yết bắt đầu công bố thu nhập năm 2022 của các thành viên hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc trong báo cáo tài chính kiểm toán.
Số liệu từ CTCP Vincom Retail (mã: VRE) cho biết lương, thưởng và các phúc lợi khác của bà Trần Mai Hoa (49 tuổi), Tổng giám đốc Vincom Retail năm 2022 là 11,7 tỷ đồng. Có nghĩa trung bình, bà nhận 976 triệu đồng/tháng.
So với năm 2021, tổng thu nhập năm qua của bà Trần Mai Hoa cao hơn đến 2.862 tỷ đồng. Con số này ngang ngửa với cả CEO Danny Le của Tập đoàn Masan (11,9 tỷ đồng năm 2022).
Bên cạnh bà Hoa, các thành viên quản lý khác trong Ban giám đốc có tổng thu nhập 16,795 tỷ đồng, giảm 478 triệu đồng so với năm trước. Các thành viên này gồm 2 Phó Tổng Giám đốc là bà Phạm Thị Thu Hiền, ông Nguyễn Duy Khánh cùng với Giám đốc Tài chính Phạm Thị Ngọc Hà.
Bà Hoa nhận lương và thù lao năm 2022 cao hơn năm trước, trong bối cảnh kết quả kinh doanh của VRE trong năm 2022 tăng vượt bậc.
Tính trong cả năm 2022, doanh thu của Vincom Retail đạt 7.309 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.736 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với mức 1.315 tỷ đồng trong năm trước đó.
Bà Trần Mai Hoa chính thức ngồi ghế Tổng giám đốc Vincom Retail từ tháng 4/2016 đến nay. Trước đó, từ tháng 9/2014 đến tháng 4/2016 bà là Phó TGĐ vận hành Vincom Retail. Hiện, bà còn là 1 trong số 5 thành viên thuộc HĐQT.
Trước khi gia nhập Vincom Retail, bà giữ chức vụ Giám đốc Tài chính của Công ty Cổ phần Tập đoàn Gami, và nhiều vị trí lãnh đạo tại Công ty CP truyền thông và dữ liệu thanh toán An Du (Nhà phân phối ủy quyền Mercedes-Benz Việt Nam).
Bà có bằng Cử nhân tại Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long
Ông Trần Đình Long là một tỉ phú với sức ảnh hưởng khổng lồ đến ngành thép. Năm 2020, trên sàn chứng khoán, ông đứng thứ 2 trong top những doanh nhân giàu nhất. Hiện tại, ông đang là Chủ tịch HĐQT CTY Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát. Trong giới, mọi người gọi ông với biệt danh đầy ca ngợi là Vua thép Việt. Năm 2018, ông lần đầu được Forbes vinh danh là tỉ phú thế giới, giàu thứ 4 tại Việt Nam.
Qua hàng chục năm, bằng sự tính toán và kiến trì, ông đã thành công xây dựng một đế chế thép hùng mạnh và trải rộng khắp Việt Nam. Những sản phẩm, hoạt động kinh doanh của Hòa Phát đều chiếm thị phần lớn trên thị trường. Cũng từ đây, ông ngày càng trở thành cái tên khiến mọi doanh nhân phải kính nể và ngưỡng mộ.

Có mức thù lao cao ngất ngưởng lên tới 16,83 tỷ đồng/năm, tỷ phú Trần Đình Long của Tập đoàn Hoà Phát (HPG) cũng từng khiến dư luận choáng ngợp.
Cụ thể, trong năm 2021 các thành viên Hội đồng quản trị nhận tổng thù lao 117,8 tỷ đồng. Với tổng thù lao thành viên Hội đồng quản trị hơn 117,8 tỷ đồng, nếu chia bình quân cho 7 thành viên Hội đồng quản trị thì tỷ phú Trần Đình Long và mỗi thành viên Hội đồng quản trị của HPG sẽ nhận được mức thù lao 16,83 tỷ đồng/năm, tương ứng với khoản thù lao 1,4 tỷ đồng/tháng.
Bà Mai Kiều Liên – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam
Được mệnh danh là “Nữ tướng sữa” hay “Margaret Thatcher của Việt Nam”, bà Mai Kiều Liên – Tổng Giám đốc của Vinamilk là một trong những vị doanh nhân khiến ai cũng ngưỡng mộ. Trong hành trình 46 năm xây dựng nên vị thế thương hiệu Vinamilk, không thể không kể đến vai trò của bà Mai Kiều Liên.
Tham gia vào Vinamilk từ những ngày đầu thành lập sau khi du học trở về nước, bà Mai Kiều Liên đã gắn bó cùng doanh nghiệp qua nhiều giai đoạn phát triển. Tại mọi cương vị, vai trò, sự ảnh hưởng của nữ doanh nhân ngành sữa này vẫn luôn rõ nét, không chỉ với Vinamilk mà còn với các thế hệ doanh nhân trẻ sau này.
Năm 2022 cũng là tròn 30 năm bà Mai Kiều Liên đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc của Vinamilk, gây dựng và phát triển nên một doanh nghiệp sữa lớn nhất của đất nước và ngày càng gia tăng giá trị thương hiệu trong ngành sữa toàn cầu.

Bà Mai Kiều Liên đã được trao Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới (2005), Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì (2006, 2001), được vinh danh trong chương trình Vinh quang Việt Nam – Dấu ấn 30 năm đổi mới (2017).
Bà cũng nhiều lần được các tổ chức quốc tế uy tín như Nikkei, Forbes châu Á bình chọn là một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á trong nhiều năm liền và là người duy nhất được Forbes Việt Nam trao tặng danh hiệu “Thành tựu trọn đời” ghi nhận sự cống hiến và tầm ảnh hưởng tại Việt Nam cũng như quốc tế.
Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng kinh tế toàn cầu song Vinamilk vẫn duy trì tăng trưởng doanh thu, lần đầu vượt mốc 60 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2022, Vinamilk đạt doanh thu hơn 60.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 8.700 tỷ đồng.
Với 2 cương vị chủ chốt của VNM, bà Liên ước nhận thù lao trong năm 2022 tổng cộng hơn gần 6,5 tỷ đồng. Trong đó, vài trò Thành viên HĐQT bà Liên nhận thù lao hơn 2 tỷ đồng, trong khi ở cương vị Tổng giám đốc bà nhận 366 triệu đồng/tháng. Tính trung ở hai cương vị, bà Liên mỗi tháng nhận hơn 538 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch HĐQT REE
Doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh sinh ngày 25/12/1952 tại huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Tốt nghiệp chuyên ngành Cơ khí, mảng Điều hòa không khí, bà lập gia đình với một tiến sĩ hóa học người Việt tại Đức rồi cùng chồng trở về nước. Sau đó, bà trở thành kỹ sư của Xí nghiệp Quốc doanh liên hiệp Thiết bị lạnh (TP. Hồ Chí Minh).
Năm 1992, với cương vị là người lãnh đạo, bà Mai Thanh đã dẫn dắt xí nghiệp thực hiện cổ phần hóa và trở thành một trong những công ty cổ phần đầu tiên có vốn Nhà nước, vốn của cán bộ công nhân viên và vốn nước ngoài. Năm 1993, Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) được thành lập.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE (mã chứng khoán: REE), lương và thù lao của bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT được trả trong quý IV là 1,1 tỷ đồng, tương đương, mỗi tháng bà Thanh nhận trung bình 367 triệu đồng.
Mức lương được nhiều người mong muốn, nhưng con số trên vẫn thấp hơn so với con số 1,5 tỷ đồng bà Mai Thanh nhận được cùng kỳ năm 2021. Tính ra, bà Thanh được REE trả trung bình mỗi tháng 500 triệu đồng.
Trong năm 2022, dưới sự lãnh đạo của bà Thanh, REE đạt tổng doanh thu cả năm hơn 9.300 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 66% so với năm 2021. Tổng tài sản của REE cũng tăng từ 31.800 tỷ đồng hồi đầu năm lên 33.900 tỷ đồng, trong khi tổng nợ giảm từ 15.469 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 14.700 tỷ đồng.
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo
Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 tại Hà Nội, hiện là Tổng Giám đốc của VietJet Air, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng HDBank. Trước khi về Việt Nam lập nghiệp, bà Thảo có gần 20 năm kinh doanh ở nước ngoài. Bà Phương Thảo từng khởi nghiệp với vai trò đại lý phân phối hàng điện tử, máy văn phòng, hàng tiêu dùng, cao su tự nhiên…để tích lũy số vốn ban đầu.
Trở về quê hương, bà xây dựng VietJet Air với mong muốn vừa mang Việt Nam ra thế giới, vừa kéo thế giới lại gần hơn với Việt Nam. Chuyến bay đầu tiên của hãng cất cánh vào ngày 24/12/2011, từ TP.HCM đi Hà Nội. Đến nay, Vietjet Air nắm giữ thị phần lớn trong vận chuyển hàng không nội địa và đang phát triển mạnh mạng bay quốc tế.
Trong những doanh nhân Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là một trong số ít người nhiều lần được vinh danh trên phạm vi toàn cầu.

Ngày 9/3/2017, tạp chí Forbes công bố danh sách các nữ tỷ phú USD trên thế giới, ghi nhận bà Phương Thảo là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, với khối tài sản ước tính khoảng 1,7 tỷ USD. Tính đến ngày 7/3/2021, Forbes ước tính bà Thảo sở hữu 2,8 tỷ USD.
Trên sàn chứng khoán Việt, bà Thảo luôn trong top đầu những người giàu tại Việt Nam. Bà Thảo đồng thời là phụ nữ giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt.
Ngoài ra, Bloomberg từng đánh giá bà là một trong 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu.
Theo báo cáo hợp nhất quý III/2022, CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air) chi tổng lương, thù lao cho các thành viên HĐQT trong kỳ là 1,5 tỷ đồng; chi cho ban Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng là 3,5 tỷ đồng.
Trung bình, mỗi thành viên HĐQT Vietjet nhận lương và thù lao trung bình 101 triệu đồng/tháng/người; Ban Tổng giám đốc và Kế toán trưởng nhận trung bình 120 triệu đồng/tháng/người.
Trước đó, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng có mức lương đáng mơ ước khi đạt hơn 200 triệu đồng/tháng tại Vietjet.
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vừa là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, vừa là Tổng giám đốc Vietjet. Như vậy, ước tính bà Thảo có thể nhận lương, thù lao trung bình khoảng 221 triệu đồng/tháng.
Trước đó, năm 2018, mức thu nhập từ công việc lãnh đạo của bà Thảo ước đạt gần 5,9 tỷ đồng, tương đương 489 triệu đồng/tháng.
Cụ thể, tại Vietjet Air – nơi bà Thảo đang là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc, công ty này cho biết chi tổng cộng 31 tỷ đồng trả thù lao và lương cho Thành viên HĐQT, Ban giám đốc và Ban kiểm soát.
Mức thù lao của bà Thảo vì thế tương ứng khoảng 3,3 tỷ đồng chỉ từ Vietjet cho 2 vai trò lãnh đạo trong HĐQT và Ban giám đốc công ty.
Bà Thảo còn là Phó chủ tịch HĐQT tại HDBank. Các thành viên lãnh đạo trong HĐQT, BKS và Ban tổng giám đốc nhà băng này được chi trả tổng cộng 54 tỷ đồng thù lao, tương đương, mỗi vị trí lãnh đạo nhận khoảng 2,6 tỷ đồng thù lao.
Tính chung tại cả 2 doanh nghiệp, mức thu nhập từ công việc lãnh đạo của bà Thảo ước đạt gần 5,9 tỷ đồng, tương đương 489 triệu đồng/tháng.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Ông Phạm Nhật Vượng (sinh ngày 5/8/1968 tại Hà Nội, quê gốc Hà Tĩnh) hiện là người giàu nhất Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn VinGroup. Ông chủ Vingroup hơn một lần có tên trong danh sách 200 người giàu nhất thế giới với khối tài sản tỷ đô.
Ông là người Việt đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú do tạp chí Forbes của Mỹ công bố, Top 10 tỷ phú mới xuất sắc nhất năm 2013, liên tiếp nhiều năm liền đứng đầu danh sách tỷ phú giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt,…’
Trước khi trở thành tỉ phú thế giới với khối tài sản khổng lồ, ông Phạm Nhật Vượng từng có quãng thời gian khởi nghiệp từ kinh doanh nhà hàng, sản xuất mì ăn liền ở Kharkov, Ukraine. Là người đi lên từ bàn tay trắng, ông đã làm được những điều không ai tin là có thể.

Báo cáo của Vingroup cho biết trong năm 2018 cũng cho thấy, công ty đã chi ra tổng cộng gần 55,3 tỷ đồng tiền lương và thưởng cho các thành viên HĐQT và Ban giám đốc công ty.
Với 9 thành viên trong HĐQT và 6 thành viên trong Ban giám đốc, bình quân mỗi thành viên lãnh đạo của Vingroup trong năm nhận được gần 3,7 tỷ đồng thu nhập (gồm lương và thưởng).
Tính trung bình, mỗi nhân sự lãnh đạo cấp cao của tập đoàn bất động sản lớn này, bao gồm tỷ phú Phạm Nhật Vượng , nhận về thu nhập tương đương 307 triệu đồng/tháng.
Tổng hợp