Theo danh sách tỷ phú thế giới 2023 của Forbes, tỷ phú Phạm Nhật Vượng là người giàu nhất Việt Nam với 4,3 tỷ USD, vị trí thứ 2 là bà Nguyễn Thị Phương Thảo.
Theo báo cáo mới nhất của tập đoàn tư vấn bất động sản Knight Frank (Anh), số lượng người siêu giàu tại Việt Nam với tài sản trên 30 triệu USD (tương đương hơn 700 tỷ đồng) đã tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2022.
Cụ thể, Việt Nam có 583 người siêu giàu trong năm 2017. Đến cuối năm 2022, con số này đã đạt tới 1.059 người, tăng 82% chỉ sau 5 năm.
Knight Frank dự báo đến năm 2027, số người siêu giàu ở Việt Nam sẽ gần chạm mốc 1.300, thêm 22% so với hiện tại và tương đương mức tăng 122% trong 10 năm.
Cùng với giới siêu giàu, số người giàu với tài sản từ 1 triệu USD trở lên ở Việt Nam cũng đã tăng 70% trong 5 năm qua.
Vậy trong số 1.059 người siêu giàu Việt Nam, có bao nhiêu gương mặt là các đại gia trên sàn chứng khoán?
Theo thống kê của chúng tôi, có ít nhất 139 người đang nắm giữ khối tài sản hơn 30 triệu USD trên TTCK Việt Nam ở thời điểm hiện tại, ít hơn 27 người so với hồi cuối năm 2022.
Theo danh sách tỷ phú giới năm 2023 do Forbes vừa công bố hồi tháng 4, Việt Nam vẫn có 6 tỷ phú USD trong danh sách người giàu nhất thế giới, giảm 1 người so với năm 2022.
Các tỷ phú USD gồm: Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng , Tổng giám đốc VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Tập đoàn Ô tô Trường Hải (Thaco Group) Trần Bá Dương.
Hiện tại, tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn giữ vị trí dẫn đầu danh sách người giàu tại Việt Nam khi sở hữu khối tài sản ròng có giá trị 4,3 tỷ USD, cũng là người giàu thứ 654 trên thế giới. Dù vậy, tài sản của ông Vượng đã giảm mạnh so với ước tính của Forbes vào đầu năm 2022 với 6,2 tỷ USD.
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo trở lại vị trí thứ 2 với tài sản trị giá 2,2 tỷ USD – xếp hạng 1.318 trên toàn cầu. So với 1 năm trước, tài sản bà Thảo cũng bị giảm 800 triệu USD.
Trong khi đó, “vua thép” Trần Đình Long từ vị trí thứ 2 của năm trước nay lùi xuống thứ 3 với tài sản đạt 1,8 tỷ USD. Giá cổ phiếu Hòa Phát giảm mạnh trong thời gian qua có thể là nguyên nhân khiến tài sản của ông Long giảm sâu, sụt mất 1,4 tỷ USD sau 1 năm.
Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Tập đoàn Ô tô Trường Hải có tài sản trị giá 1,5 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 4. Tài sản tỷ phú Trần Bá Dương chỉ giảm 200 triệu USD so với đầu năm 2022.
Đứng vị trí thứ 5 là ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch Techcombank – hiện sở hữu tài sản trị giá 1,4 tỷ USD. Trong khi đó, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang có khối tài sản 1,1 tỷ USD, thấp hơn 800 triệu so với 1 năm trước.
7 gương mặt tiếp theo sở hữu hơn 10.000 tỷ đồng trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay gồm có ông Trần Đình Long (Chủ tịch Hoà Phát), ông Đỗ Anh Tuấn (Chủ tịch Sunshine Homes), bộ đôi tỷ phú Hồ Hùng Anh – Nguyễn Đăng Quang, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Bùi Thành Nhơn.
Xét ở ngưỡng 1.000 tỷ đồng trở lên thì TTCK Việt Nam có tất cả 111 người nắm trong tay khối tài sản này.
Điểm thú vị là người đầu tiên và người cuối cùng trên sàn giao dịch đủ tiêu chuẩn làm người siêu giàu thế giới đều là các gương mặt liên quan đến Vingroup. Bà Phạm Hồng Linh – chị gái bà Phạm Thu Hương, Phó Chủ tịch Vingroup (cũng là phu nhân ông Phạm Nhật Vượng) khép lại danh sách này với tài sản 710 tỷ đồng thông qua số cổ phiếu VIC đang nắm giữ.
Nhìn chung, phần lớn người siêu giàu Việt Nam đều chủ yếu nắm giữ lượng lớn cổ phiếu bất động sản và tài chính.
Để lọt vào top 1% dân số có tài sản lớn nhất Việt Nam, bạn cần có tài sản tối thiểu là 291.334 USD. Để lọt vào top 10% thì bạn cần có tài sản tối thiểu 68.680 USD. Tài sản trung bình của những người nằm trong top 5% dân số giàu nhất năm 2021 là 316.658 USD (tương đương 7,8 tỷ đồng), top 10% giàu nhất là 181.132 USD (tương đương 4,1 tỷ đồng). Trong khi, tài sản trung bình của 50% người nghèo nhất chỉ là 3.429 USD (gần 78 triệu đồng).
Giới siêu giàu đổ tiền vào đâu ngoài biệt thự, siêu xe, hàng hiệu: Không những tiêu sản mà còn sinh lời!
Thú tiêu khiển mua sắm và tiêu xài của giới nhà giàu luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm bàn tán. Liệu các đại gia tiêu tiền có khác người bình thường không, cùng điểm sơ qua nhé!
Biệt thự, villa, bất động sản đếm không xuể
Bất động sản luôn chiếm ⅓ trong tổng số tài sản của giới siêu giàu Việt. Ngoài phục vụ cho nhu cầu sống hạng sang của mình, đây còn là kênh đầu tư khá gần gũi với các đại gia. Thực tế chứng minh rằng, 40 năm qua, giá BĐS tăng liên tục. Chính vì vậy, bỏ tiền vào BĐS cũng chính là cách gia tăng giá trị tài sản một cách nhanh nhất ngay cả trong khủng hoảng do dịch Covid-19.
Tuy nhiên, cái khác biệt ở chỗ là các đại gia không đầu tư ở những dự án nhỏ mà chủ yếu là các biệt thự hạng sang, penthouse, villas và thậm chí là căn hộ cao cấp chỉ để nghỉ dưỡng.
Đồng hồ hàng tỷ và đồ hiệu
Nói về giới siêu giàu thì không thể không kể đến hàng hiệu và đồng hồ hạng sang. Các thương hiệu đồng hồ mà các đại gia nhắm tới đều có giá bán hàng tỉ đồng như Rolex, Hublot, Franck Muller, Patek Philippe, Master Square, Cartier, Hermes,… với giá trị hàng tỷ đến hàng chục tỷ đồng. Cùng với đồng hồ, họ cũng mua sắm không ghê tay với loạt túi xách, giày cao gót, trang phục đến từ các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, với giá trị hàng trăm triệu mỗi món.
Siêu xe hạng sang, chục tỷ trở lên là chuyện thường
Việc mua siêu xe và sở hữu xế sang đã là điều quá quen thuộc với giới showbiz và doanh nhân giàu có của không chỉ Việt Nam mà còn trên thế giới.
Nhiều người nổi tiếng và giàu có sẵn sàng bỏ ra một số tiền khủng hơn chục tỷ đồng , thậm chí trăm tỷ để tậu một chiếc xế xịn, chưa kể chi phí bảo trì và sửa chữa cũng tốn hơn gấp 10 lần xe thường, cùng với đó là các phát sinh chi phí khác.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn ngoài mặt mà bắt hình dong rằng mua siêu xe chục tỷ là phí hay lỗ thì bạn đã nhầm to. Việc mua siêu xe đối với giới siêu giàu đã không còn nằm trong phạm vi phục vụ nhu cầu cuộc sống và đi lại, mà còn là đòn bẩy cho sự nghiệp và hình ảnh, thương hiệu cá nhân của họ.
Sưu tập rượu: Lên tới hàng triệu USD/chai
Khi nhắc tới các thú vui xa xỉ của người giàu người ta sẽ không bao giờ quên việc uống rượu vang, với những chai rượu vang có giá trên trời đôi khi bạn không dám nghĩ tới. Những người giàu có, tỷ phú thường rất am hiểu về rượu. Nhất là các loại rượu thượng hạng như rượu vang hay rượu champagne.
Tìm hiểu và biết về rượu như một yêu cầu cơ bản, một môn học trong các kiến thức bắt buộc. Khi họ bước chân vào giới thượng lưu, đó cũng là cách giúp họ hòa nhập với người khác, từ đó có cơ hội tốt hơn khi giao tiếp trên bàn tiệc, cũng như thể hiện đẳng cấp của bản thân.
Đồ nội thất xa xỉ: Cái gương soi đã 200 triệu, riêng đèn chùm vài tỷ cũng có
Không chỉ sở hữu những dinh thự siêu sang với không gian sống hiếm có, các đại gia đang đầu tư rất nhiều vào những món nội thất xa xỉ, thể hiện đẳng cấp thượng lưu đích thực.
Nếu như trước kia, giới siêu giàu thường có xu hướng khoe sự giàu có qua những dinh thự dát vàng hay ốp gỗ từ trong ra ngoài, những món đồ quý giá hoành tráng như tượng ngọc khủng hay bộ tràng kỷ làm bằng gỗ quý… thì giờ đây, nhà giàu tinh hoa thường chọn mua những món nội thất xa xỉ từ những thương hiệu có danh tiếng trên thế giới. Đồ nội thất có thương hiệu là một sự khẳng định đẳng cấp của gia chủ. Một người được coi là giàu có khi bỏ hàng chục tỷ đồng mua một căn biệt thự, nhưng chắc chắn phải là người siêu giàu mới sẵn sàng chi vài tỷ chỉ cho một bộ đèn phòng khách hoặc mẫu gương soi.
Kim cương và trang sức: Món đồ không thể thiếu
Đã từ lâu kim cương luôn đồng nghĩa với sự lộng lẫy, sang trọng bởi vẻ đẹp tinh khiết. Tuy nhiên với giới siêu giàu, giờ đây sở hữu những viên kim cương đang ngày càng được coi như biểu hiện của sự quyền quý, đẳng cấp… Thông thường, những viên kim cương trắng hạng D đã có giá từ 14.000 – 15.000 USD/carat. Một viên kim cương vàng tương tự sẽ có giá khoảng 6.500 USD/carat trong khi những viên kim cương vàng “lộng lẫy, rực rỡ” thường được bán với giá hơn 40.000 USD/carat.
Thực tế cho thấy: ngoài là thú chơi xa xỉ bền vững, trang sức kim cương còn được coi là một kênh đầu tư thông minh bởi thị giá của kim cương gần như không thay đổi và ít chịu chi phối từ thị trường như các loại xa xỉ phẩm khác, kể cả vàng. Do đó, trang sức kim cương đang được chọn là cách thể hiện vị thế và đẳng cấp của người sử dụng trước hàng vạn những giá trị đại trà khác đang cùng tồn tại trên thế giới.
Du thuyền: Đẳng cấp của sự xa hoa
Trong khối tài sản đồ sộ của giới thượng lưu, bên cạnh siêu xe, bộ sưu tập nhà đẹp nhiều nơi, không thể “vắng bóng” những chiếc du thuyền sang trọng. Sở hữu du thuyền là cách giới siêu giàu khẳng định đẳng cấp với những tiện ích có “1-0-2”. Đó có thể là “ngôi nhà” siêu sang giữa không gian mênh mông sóng nước, nơi thư giãn riêng tư cùng người thân, bạn bè; đôi khi lại là “văn phòng” làm việc giàu cảm hứng giữa khung trời rộng mở.
Mỗi chiếc du thuyền có giá hàng triệu đô la trở lên. Trên thực tế, để sở hữu chiếc du thuyền, ngoài số tiền khủng ban đầu, người chơi còn phải bỏ ra số tiền không nhỏ để “nuôi” chiếc du thuyền. Theo tính toán, trung bình chi phí này tốn khoảng 50 triệu đồng mỗi tháng, du thuyền càng xịn chi phí càng cao. Trong đó chi phí cao nhất là tiền lương cho đội ngũ thủy thủ, gồm ít nhất là 3 người thuyền trưởng, tàu công và bếp. Đó là chưa kể các khoản chi thường xuyên gồm vật tư bảo trì, chi phí đăng kiểm, tiền thuê bến đậu, tiền điện khi tàu nằm bến, tiền xăng dầu và hàng loạt khoản tiền không tên khác như tiền “mãi lộ”, tổ chức tiệc mời bạn bè lên du thuyền.
Tốn tiền chơi golf, ăn uống nhà hàng năm sao
Là bộ môn thể thao được xếp vào hàng “quý tộc”, chi phí cho mỗi lần chơi golf cũng được xếp vào dạng “tốn kém”. Với hội nhà giàu, không chỉ là môn thể thao dễ gây nghiện, việc chơi golf còn thể hiện được đẳng cấp cá nhân và kết bạn gần hơn với giới thượng lưu. Với chi phí mỗi lần ra sân từ 5 triệu nếu không cược, chưa kể học phí đầu vào từ 1.500- 2.000USD và tiền tip cho Caddie, chắc hẳn đây là một sở thích “đốt tiền” của hội nhà giàu.
Bên cạnh đó, họ còn tiêu tiền cho những bữa tiệc hạng sang tại tầng thượng tòa nhà chọc trời, khách sạn 5 sao, nhà hàng với đầu bếp thượng hạng với mỗi bữa ăn được tính bằng tiền chục triệu. Cuối cùng, kiếm tiền nhiều cũng tỷ lệ thuận với tiêu tiền nhiều không kém. Tuy nhiên, việc tiêu tiền của các đại gia không chỉ phục vụ cho nhu cầu cuộc sống mà còn khẳng định được đẳng cấp thượng lưu, danh tiếng và phát triển mối quan hệ, làm ăn của họ nữa.
Theo Tri thức và cuộc sống, Zingnews, Tổng hợp
Xem thêm bài liên quan
- Tài sản 7 tỷ phú giàu nhất Việt Nam thay đổi thế nào trong năm 2022: Bốc hơi “vỏn vẻn” chỉ trăm nghìn tỷ
- Học vấn những tỷ phú hàng đầu Việt Nam: Người chuyên toán lại giỏi văn, nữ tỷ phú ước mơ làm cô giáo
- 6 tỷ phú USD của Việt Nam thời đi học đều chọn 2 ngành này, có ngành điểm chuẩn gần “chạm” mức tuyệt đối