Ngày 28/10, Facebook thông báo đổi tên thành Meta để tập trung xây dựng “vũ trụ ảo” (metaverse), nghĩa là một môi trường ảo mọi người chia sẻ với nhau để có thể thay thế internet di động.
Theo đó, mạng xã hội Facebook và những sản phẩm thuộc hệ sinh thái như Messenger, Instagram, Whatsapp. Oculus sẽ trở thành những sản phẩm thuộc công ty Meta.
Giải thích về việc chọn cái tên Meta, chia sẻ trên lá thư đăng trên trang cá nhân Facebook, Mark Zuckerberg cho biết “meta” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “vượt ra ngoài”.
“Đối với tôi, nó có nghĩa rằng sẽ luôn có nhiều thứ để xây dựng và luôn có một chương tiếp theo trong mỗi câu chuyện. Với chúng tôi, đó là một câu chuyện bắt đầu trong căn phòng ký túc xá và lớn dần, vượt lên những thứ mà chúng tôi có thể tưởng tượng, trở thành một nhóm ứng dụng mà mọi người sử dụng để kết nối với nhau, tìm tiếng nói của họ và bắt đầu kinh doanh, tạo dựng cộng đồng cùng các phong trào có thể thay đổi thế giới”, Mark Zuckerberg chia sẻ.
Vị CEO 37 tuổi này cho rằng thương hiệu Facebook đã bị gắn quá chặt với một sản phẩm là mạng xã hội. Điều này có thể là rào cản để phát triển các dự án tương lai. Thêm vào đó, Facebook cũng không bao hàm đầy đủ những thứ mà công ty đang làm.
Do đó, khi trở thành Meta, công ty này sẽ gồm 2 bộ phận chính, một cho ứng dụng và dịch vụ hiện có, một cho những kế hoạch tương lai.
“Hiện nay chúng tôi được xem như một công ty mạng xã hội, nhưng thực chất chúng tôi là công ty xây dựng để kết nối mọi người. Chúng tôi xây dựng một công ty công nghệ với mục đích kết nối lẫn nhau. Cùng nhau, cuối cùng chúng ta có thể đặt mọi người vào trung tâm của công nghệ. Và cùng nhau, chúng ta có thể mở ra một nền kinh tế sáng tạo lớn hơn rất nhiều” – Mark Zuckerberg cho biết.
Cũng trong lá thư, Mark Zuckerberg đã nhắc lại quan điểm rằng “chúng tôi không xây dựng dịch vụ để kiếm tiền, chúng tôi kiếm tiền để xây dựng dịch vụ tốt hơn”.
Theo đó, vị CEO này khẳng định “sứ mệnh của chúng tôi vẫn như cũ, vẫn là đưa con người gần lại với nhau. Các ứng dụng của chúng tôi cũng không thay đổi. Chúng tôi vẫn là công ty phát triển công nghệ hướng tới con người”.
Tên gọi mới phản ánh rõ tham vọng phát triển từ mạng xã hội đơn thuần sang một công ty vũ trụ ảo (metaverse) của CEO Mark Zuckerberg.
“Metaverse” là thuật ngữ mượn từ khoa học viễn tưởng, đề cập đến một phiên bản tương lai của Internet. Ở đó, mọi người truy cập bằng công nghệ VR và AR, thay vì máy tính hay smartphone. Vào tháng 7, CEO Mark Zuckerberg lần đầu tuyên bố công khai ý tưởng muốn biến Facebook trở thành một vũ trụ ảo.
Trong sự kiện Connect, Facebook cũng đã giới thiệu những hình ảnh đầu tiên về “vũ trụ ảo” do công ty tự phát triển với tên Horizon Home. Nền tảng này cho phép người dùng họp thông qua phòng ảo với kính VR. Công ty cũng hé lộ trải nghiệm người dùng ban đầu của các dự án Horizon Home và Horizon Venues.
Facebook không phải là công ty công nghệ lớn đầu tiên thay đổi tên. Năm 2015, Google cơ cấu lại hoàn toàn dưới một công ty mẹ mang tên Alphabet. Snapchat cũng đổi thương hiệu thành Snap vào năm 2016.
Tương tự việc Google trở thành công ty con của Alphabet, người dùng mạng xã hội không bị ảnh hưởng nhiều bởi quá trình tái cơ cấu của Facebook.
“Vũ trụ ảo” là gì?
Để hiểu kỹ hơn về vấn đề này, có lẽ bạn đọc nên xem thử bộ phim “Đấu trường ảo” (Ready Player One) công chiếu vào năm 2018 bởi đạo diễn Steven Spielberg. Bối cảnh của bộ phim thể hiện khá đầy đủ về một “vũ trụ ảo”.
Về lý thuyết, vũ trụ ảo là một siêu mạng lưới duy trì sự hoạt động liên tục của môi trường ảo. Trong đó, mọi người có thể tương tác với nhau hay các vật thể ảo trong môi trường thông qua những nhân vật số (Avatar) được tạo dựng nên. Hãy tưởng tượng những trò chơi nhập vai trực tuyến với vô số người chơi.
Khái niêm vũ trụ ảo là một thuật ngữ khoa học viễn tưởng mà nhiều người trong ngành công nghệ coi đó là sản phẩm từ môi trường Internet hiện nay. Dù đây mới chỉ là khái niệm và chưa được xây dựng thành công nhưng những công ty lớn như Facebook đang cố gắng đặt những viên gạch đầu tiên cho chúng. Mạng xã hội lớn nhất thế giới này đang hướng tới mục tiêu xây dựng các các không gian ảo cho những hoạt động trực tuyến, từ làm việc, vui chơi, học hành cho đến mua sắm.
Thuật ngữ “vũ trụ ảo” (Metaverse) được ghép từ “Meta” (Siêu việt) với “Verse” trong “Universe” (Vũ trụ). Từ này được tiểu thuyết gia khoa học viễn tưởng Neal Stephenson sử dụng trong cuốn truyện “Snow Crash” năm 1992 nhằm mô tả thế giới ảo mà trong đó nhân vật chính Hiro Protagonist tương tác xã hội, mua sắm và đánh bại kẻ thù thông qua nhân vật số của anh ta.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng thuật ngữ này đã được sử dụng từ trước đó với cùng khái niệm nhưng dưới cái tên khác là “CyberSpace” trong cuốn tiểu thuyết “Neucromancer” vào năm 1984 của tác giả William Gibson.
Với khả năng kết nối mọi lúc mọi nơi với mọi người, siêu vũ trụ ảo này sẽ như một thế giới thứ hai của chúng ta. Nó mở rộng theo mọi giác quan, cả về tầm nhìn, âm thanh và xúc giác, khi mọi vật thể kỹ thuật số sẽ được hòa trộn vào thế giới thực hoặc đắm mình vào trong các môi trường hoàn toàn 3D bất cứ khi nào ta muốn. Các công nghệ để làm nên điều đó còn được biết đến với tên Thực tế Mở rộng (eXtended Reality – XR), bao gồm cả AR và VR.
Không chỉ vậy, người chơi còn có thể thay đổi vẻ ngoài của mình theo ý muốn, mua các vật phẩm ảo để sử dụng trong game. Không chỉ hữu dụng trong game, các vật phẩm này còn có giá trị ngoài đời thật khi người chơi có thể mua bán chúng và quy đổi ra tiền thật. Do vậy, các vật phẩm này trở nên rất quan trọng với người chơi, cả trong game cũng như ngoài thế giới thật.
Mộng bá chủ kinh tế, xã hội trong tương lai?
Nếu vũ trụ ảo trở thành công nghệ tương lai của con người như được dự đoán thì việc ai xây dựng chúng đầu tiên sẽ trở nên vô cùng quan trọng với nền kinh tế, xã hội hay thậm chí là cả địa chính trị.
Hiện Facebook đang nhắm đến vị trí này khi tập trung phát triển các mảng liên quan đến vũ trụ ảo mà mục tiêu đầu tiên là công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality). Trong một bài phỏng vấn, CEO Mark Zuckerberg đã giải thích quan điểm của mình rằng “vũ trụ ảo” sẽ phổ biến trên mọi nền tảng xã hội hiện nay, từ mạng xã hội cho đến truyền thông, làm việc hay giải trí.
“Mọi người sẽ nhìn nhận chúng tôi là một công ty kinh doanh vũ trụ ảo thay vì chỉ là công ty công nghệ thông thường”, CEO Mark Zuckerberg trả lời tờ The Verge.
Không riêng gì Facebook, nhiều hãng công nghệ ở Thung lũng Silicon cũng chú ý đến mảng này. Tập đoàn Microsoft đã lưu ý đến công nghệ chuyển đổi vũ trụ ảo trong khi một số hãng game thậm chí đã tuyên bố mình là công ty kinh doanh trong mảng này. Trò Roblox nổi tiếng với trẻ em hay Fortnite của hãng Epic Games đều có tuyên bố tương tự.
Những hoài nghi
Mặc dù là một ông lớn trong ngành công nghệ với nguồn tài chính dồi dào, việc Mark Zuckerberg có thể xây dựng một “Đấu trường ảo” cho riêng mình vẫn còn là nghi vấn. Trên thực tế công nghệ liên quan đến vũ trụ ảo vẫn còn quá sơ khai và sẽ phải tốn rất nhiều năm để đạt đến các đặc điểm như đã nói ở trên.
Tờ Fast Company nhận định mạng xã hội lớn nhất thế giới vẫn còn chặng đường rất dài phải đi nếu muốn xây dựng thành công vũ trụ ảo. Ngay cả công nghệ kính thực tế ảo mà họ đang dồn sức đầu tư cũng chưa thực sự hoàn thiện. Công nghệ thiết kế đảm bảo các cặp kính chất lượng cao với lượng pin dài hạn vẫn chưa thể đạt tới.
Rõ ràng, Facebook lại là một ông lớn khác trong mảng công nghệ cam kết thứ gì đó mà họ chưa thể hoàn thành. Nhiều công ty khác cũng đang phát triển kính thực tế ảo như Google hay Apple nhưng họ chẳng cần phải tuyên bố to tát về điều đó bởi chặng đường vẫn còn rất dài.
Nguồn: The Verge, Blooomberg