Theo CNN, ông chủ Meta Mark Zuckerberg đã nỗ lực trong nhiều năm để đánh bại Twitter. Và hiện tại, cuối cùng Mark cũng có cơ hội giữa lúc mạng xã hội của Elon Musk đang rối ren.
Thứ ba vừa qua (4/7), Meta thông báo sẽ ra mắt Threads – một ứng dụng nhằm đối đầu Twitter – trên App Store vào ngày 6/7.
Đây được miêu tả là một ứng dụng hội thoại dạng văn bản của Instagram, trong đó người dùng có tên tài khoản như tên trên Instagram và danh sách bạn bè cũng tương tự.
Trong khi đó, Twitter thì đang mắc kẹt với những phẫn nộ của người tiêu dùng sau khi đưa ra thông báo điều chỉnh khả năng xem tweet của mỗi tài khoản. Dù đã giải thích rằng đây chỉ là động thái tạm thời nhằm chống lại các bot tự động, mạng xã hội này vẫn chìm sâu trong những lời chỉ trích.
Theo các chuyên gia, với bất kể lý do gì, hành động này của Twitter đã vô tình tự tạo ra lý do để người dùng rời bỏ hẳn ứng dụng này. Đồng thời, đây cũng như “giọt nước tràn ly” sau nhiều tháng không chắc chắn về tương lai của nền tảng.
Hưởng lợi từ tình huống này, một số mạng xã hội như Threads, Mastodon hay BlueSky đã nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Nhất là Threads, với nguồn lực khổng lồ từ Meta và một danh sách người dùng bất tận từ Facebook, ứng dụng này hoàn toàn có thể phủ sóng ra toàn thế giới. Đồng thời, với kinh nghiệm từ những lần thành công vượt qua đối thủ của mình, Meta có cơ sở để tự tin đánh bại đối thủ.
Một tuần tồi tệ của Twitter
Dưới bàn tay của Musk, Twitter đã chìm vào hết khủng hoảng này tới khủng hoảng khác, từ sa thải hàng loạt đội ngũ kiểm duyệt đến việc ra mắt hệ thống xác minh gây tranh cãi. Các nhà đầu tư sở hữu cổ phần Twitter đã nhắc đi nhắc lại việc hạ giá trị công ty kể từ sau thương vụ mua lại nói trên.
Tuy nhiên, những việc diễn ra trong tuần qua có thể khiến nhiều người dùng rời xa nền tảng này hơn bất kỳ điều gì Musk làm trước đây.
Cụ thể, cuối tuần trước, Twitter đã chặn truy cập đối với những người không đăng nhập, qua đó làm giảm tỷ lệ tiếp cận nội dung của nền tảng.
Dù Musk đã giải thích rằng những thay đổi này chỉ là “biện pháp tạm thời” nhằm giải quyết vấn đề “cướp dữ liệu” từ bên thứ 3, người tiêu dùng vẫn không hài lòng.
Chưa kể, câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó. Vào thứ bảy (1/7), Musk đã công bố thêm “giới hạn tạm thời” để hạn chế số lượng tweet mà người dùng có thể xem trong ngày.
Các thành viên trả phí của Twitter Blue sẽ bị giới hạn đọc 6.000 tweet mỗi ngày, trong khi giới hạn của những người không đăng ký là 600. Sau phản ứng dữ dội nhanh chóng của người dùng, Musk đã 2 lần buộc phải tăng giới hạn: Lần đầu tiên lên 8.000 và 800 tweet, rồi sau đó lên 10.000 và 1.000 tweet/ngày.
Kế đó, đến thứ hai (3/7), người lại được thông báo sẽ sớm phải trả tiền để sử dụng TweetDeck – một chức năng miễn phí lâu năm được người dùng chuyên nghiệp yêu thích, cho phép họ xem nhiều nguồn dữ liệu Twitter cùng một lúc và hiển thị kết quả tìm kiếm tùy chỉnh trên Twitter.
Được biết, thông báo này sẽ có hiệu lực từ tháng 8 và sẽ yêu cầu người dùng TweetDeck phải đăng ký Twitter Blue để duy trì quyền truy cập.
Liệu Twitter có biến mất?
Trong nhiều năm, Twitter đã trở thành nền tảng nổi tiếng cho tin tức và bình luận theo thời gian thực. Điều này đã giúp ứng dụng được nhiều người nổi tiếng lựa chọn nhất, bao gồm cả các nhà lãnh đạo thế giới, doanh nhân và những người dùng quyền lực khác.
Thành công của Twitter phản ánh một quy luật bất di bất dịch của ngành phương tiện truyền thông xã hội: Càng nhiều bạn bè tại đó thì càng khó rời xa.
Tuy nhiên, vấn đề đang xảy ra với Twitter là công ty đã giảm mạnh chi phí chuyển đổi của người dùng.
Bằng cách hạn chế các chức năng cốt lõi và tính khả dụng của riêng mình, Twitter đã xóa nhòa đi các rào cản để thử một ứng dụng mới và tăng chi phí sử dụng cho chính bản thân. Càng nhiều người dùng lựa chọn rời khỏi mạng xã hội này, càng nhiều lựa chọn thay thế được hưởng lợi.
Ngay cả khi những thay đổi của Twitter chỉ là tạm thời như công ty tuyên bố, rất nhiều thiệt hại cố định đã xảy ra.
Chỉ sau khi tung ra tin giới hạn lượt đọc một ngày, người sáng lập nền tảng Mastodon – ông Eugen Rochko cho biết cơ sở người dùng hoạt động của nền tảng đã tăng tới 110.000 trong hôm đó và tổng cộng 300.000 vào cuối tuần, nhiều hơn cả số thành viên hiện tại.
Trong khi đó, Bluesky báo lỗi hệ thống do “lưu lượng truy cập cao kỷ lục” và “lượng lớn” người dùng mới. Giờ đây, với Threads, Meta dường như cũng mong muốn đạt được một số điều tích cực tương tự như vậy.
Mạng xã hội Threads có gì nổi trội hơn Twitter?
Threads tương tự như Twitter, cho phép người dùng đăng trạng thái dưới dạng nội dung văn bản, trả lời người dùng khác, thích hoặc đăng lại tin nhắn.
Dịch vụ này cũng cho phép người dùng Instagram do Meta sở hữu theo dõi cùng một tài khoản trên Threads, từ đó có thể giúp mọi người thêm lượng người theo dõi.
Meta cho biết tầm nhìn của hãng là tận dụng những phần tốt nhất của Instagram và tạo ra trải nghiệm mới cho văn bản, ý tưởng và thảo luận về những gì người dùng đang nghĩ.
Trong những ngày trước khi công bố chính thức, nhiều người dùng trên mạng xã hội đã gọi Threads là sản phẩm sẽ hạ bệ Twitter, kỳ vọng người dùng của nền tảng đối thủ sẽ ủng hộ ứng dụng mới.
Nhiều người dùng Twitter đã bày tỏ sự thất vọng với những thay đổi gần đây do Elon Musk khởi xướng, mới đây nhất vị tỉ phú này chỉnh số lượng tweet mà người dùng không trả phí có thể xem mỗi ngày.
Twitter cũng chứng kiến sự gia tăng đột biến về các ngôn từ căm thù kể từ khi Elon Musk mua lại nền tảng này vào năm ngoái.
Theo công ty nghiên cứu công nghệ Forrester, Meta đang nhắm vào một thời điểm mà sự thất vọng về Twitter đang ở mức rất cao.
Threads được quảng cáo là một ứng dụng Instagram, là một động thái bắt chước khác từ Meta, tập đoàn đã có quá khứ giới thiệu các dịch vụ bắt chước các công cụ độc lập khác. Có thể điểm lại là ứng dụng nhắn tin Slingshot hay IGTV, dịch vụ video từ Instagram.
Meta coi Threads là nơi người dùng có thể theo dõi và kết nối trực tiếp với những nhà sáng tạo yêu thích của họ. Nói cách khác, Threads giống như Twitter nhưng tập trung nhiều hơn vào những nhà sáng tạo và người nổi tiếng trên Instagram.
Theo CNN/Zingnews