Kết quả kinh doanh thấp hơn dự kiến nên tập đoàn Thế Giới Di Động (MWG) sẽ không chia cổ phiếu thưởng ESOP như mọi năm, cấp quản lý bị mất nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng.
Trong tài liệu họp cổ đông thường niên mới công bố, Công ty Đầu tư Thế giới Di động (MWG) thông báo không phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) do kết quả kinh doanh thấp hơn kỳ vọng.
Năm ngoái, ông lớn ngành bán lẻ ghi nhận doanh thu hơn 133.400 tỷ, giảm 8% so với năm 2021 và chỉ thực hiện 95% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế đạt 4.102 tỷ, giảm 16% và chỉ bằng 65% kế hoạch cả năm.
Điều kiện để doanh nghiệp thực hiện phát hành ESOP được đưa ra khi tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đạt từ 10% trở lên. Đây là lần đầu đội ngũ quản lý mất đi khoản thưởng lớn sau gần một thập kỷ tăng trưởng cao của doanh nghiệp.
Thưởng ESOP là nguồn thu đáng kể cho lãnh đạo Thế Giới Di Động trong những năm gần đây. Chẳng hạn, năm ngoái công ty phát hành 19,2 triệu cổ phiếu thưởng cho 567 nhân sự quản lý chủ chốt với giá bán 10.000 đồng/cổ phiếu, tức mỗi người nhận khoảng gần 34.000 cổ phiếu thưởng.
Với giá cổ phiếu thời điểm đó ở mức 3 chữ số (tức khoảng 100.000-150.000 đồng/cổ phiếu) thì lượng cổ phiếu ESOP này có giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
ESOP từng là câu chuyện nóng trong mỗi kỳ họp cổ đông của MWG khi nhiều nhà đầu tư cho rằng khối lượng phát hành quá nhiều là không công bằng với cổ đông bên ngoài, làm tăng vấn đề pha loãng cổ phần và giảm giá trị đầu tư.
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài từng nhấn mạnh ESOP có ý nghĩa sẽ giúp cả tập thể có động lực phấn đấu và nỗ lực vì tập đoàn. Ông khẳng định vẫn sẽ ủng hộ chính sách này bởi với vị trí là người lãnh đạo và là cổ đông lớn nhất tại đây, ông hiểu chính sách này đang đem lại điều gì cho tập thể và đem lại gì cho MWG.
Đương nhiên cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 4 năm là một phương pháp giữ chân nhân tài. Sau mỗi năm, người lao động được nhận ESOP mới được quyền chuyển nhượng 25% tổng số cổ phiếu đã được thưởng, nếu nghỉ việc sẽ phải bán lại phần cổ phiếu ESOP với giá chỉ đúng 10.000 đồng.
Vị này từng thẳng thắn nói rằng nếu một ngày nào đó chính sách ESOP không được thông qua thì hiệu quả kinh doanh của công ty có vấn đề.
Vấn đề kinh doanh của MWG không chỉ suy giảm trong năm 2022 mà còn gặp nhiều thách thức trong năm 2023, do đó lãnh đạo tập đoàn này cũng đang lên kế hoạch tài chính khá thận trọng.
MWG đặt ra mục tiêu doanh thu thuần 135.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.200 tỷ đồng, lần lượt tăng nhẹ ở mức 1% và 2% so với kết quả thực hiện năm 2022. Kế hoạch lập ra dựa trên giả định sức mua sẽ có sự hồi phục tích cực từ quý III.
Thế Giới Di Động cho biết kết quả sơ bộ về sức mua điện thoại, điện máy đang giảm mạnh hơn so với dự báo của doanh nghiệp trong các tháng đầu năm.
Tâm lý thận trọng trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm giá trị cao đang diễn ra ngay cả với nhóm khách hàng trung – cao cấp do suy giảm niềm tin tiêu dùng trước những thách thức của nền kinh tế. Trong khi đó, nhóm khách hàng thu nhập thấp cũng khó khăn hơn trong việc tiếp cận vay tiêu dùng qua hình thức trả góp.
Mục tiêu của chuỗi Điện Máy Xanh và Thế giới Di động theo đó là duy trì doanh thu, tối ưu danh mục hàng hoá. MWG cũng nhấn mạnh, biên lợi nhuận hai chuỗi này sẽ thấp hơn do sức mua yếu và Công ty tiếp tục triển khai các chương trình khuyến mãi.
Phân khúc hàng thiết yếu như thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh và dược phẩm cũng xảy ra xu hướng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu thông qua việc lựa sản phẩm cùng công dụng với mức giá thấp hơn.
Bách Hoá Xanh đã hoàn thành công cuộc tái cấu trúc, năm 2023 sẽ tiến hành thay đổi cách thức vận hành kho, tăng giá trị giỏ hàng…
Cổ phiếu ESOP là gì?
ESOP là viết tắt Employee Stock Ownership Plan, tức là cổ phiếu do doanh nghiệp lớn phát hành dành riêng cho những người lao động hoạt động lâu năm hoặc có thành tích tốt trong doanh nghiệp.
Hiểu một cách dễ dàng hơn, chương trình ESOP là chương trình phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động. Mỗi doanh nghiệp lại có những quy định và tiêu chuẩn riêng để đánh giá xem người lao động nào sẽ được nhận cổ phiếu ESOP. Cổ phiếu ESOP được phát hành với mục đích tạo sự gắn kết giữa nhân viên và doanh nghiệp.
Thế giới Di động tuyên bố sẵn sàng hy sinh lợi nhuận để giữ chân khách hàng
Ghi nhận đáng chú ý tại tờ trình của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) cho ĐHĐCĐ thường niên 2023, tình hình kinh doanh đang giảm mạnh hơn dự đoán, tâm lý mua sắm thận trọng đã lan sang nhóm khách hàng có tiền.
Trước đó, Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Đức Tài đã nhấn mạnh 2022 là năm lạ lùng, và khó khăn dự kéo dài đến quý 3 năm sau. 2023 cũng là năm MWG không còn giữ được “phong độ” tăng 2 chữ số.
Dù vậy, theo kết quả ghi nhận sơ bộ những tháng đầu năm, sức mua điện thoại và điện máy đang giảm mạnh hơn dự báo.
Nếu trước đây, những đơn vị bán đồ điện tử như MWG hay Digiworld chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi nhu cầu mua sắm sụt giảm, nguyên nhân nhóm khách hàng trung cao cấp vẫn chịu chi tiền cho sản phẩm giá trị cao, thì ghi nhận mới nhất từ MWG cho thấy: “Tâm lý thận trọng, trì hoãn trong quyết định chi tiêu sản phẩm lâu bền và giá trị cao đang diễn ra với cả khách hàng trung cao cấp do suy giảm niềm tin tiêu dùng trước những thách thức của nền kinh tế. Trong khi, khách hàng có nhu cầu ở phân khúc thấp hơn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vay tiêu dùng thông qua hình thức trả góp”.
Trước áp lực này, MWG đề ra kế hoạch doanh thu và lợi nhuận gần như đi ngang với 135.000 tỷ và 4.200 tỷ đồng. MWG cho biết, Công ty sẽ theo dõi sát sao diễn biến thị trường và đưa ra điều chỉnh phù hợp.
Chiến lược năm nay của MWG là nỗ lực duy trì doanh thu và ưu tiên bảo về dòng tiền. Đặc biệt, việc thu hút và giữ chân khách hàng MWG đánh giá là có ý nghĩa vô cùng quan trọng để Công ty tiếp tục gia tăng thị phần cũng như tăng trưởng khi nhu cầu hồi phục.
Nên, “Công ty sẵn sàng hy sinh lợi nhuận để chia sẻ những khó khăn khi khách hàng đang có tâm lý thắt chặt chi tiêu, chủ động đưa ra nhiều lựa chọn mua sắm linh hoạt, tăng cường giảm giá khuyến mãi để thu hút khách hàng, bao gồm cả nhóm người tiêu dùng nhạy cảm về giá cả” , văn bản MWG ghi.
Ở diễn biến khác, đại diện một hệ thống siêu thị Nhật Bản lớn tại Việt Nam mới đây cũng bày tỏ lo ngại về việc khách hàng thắt chặt chi tiêu.
“So sánh với giai đoạn Covid-19, người tiêu dùng giảm tần suất đi mua nhưng số lượng mỗi lần mua hàng tăng mạnh. Còn bây giờ, tần suất đi mua giảm và số lượng hàng mua cũng có nguy cơ giảm trong thời gian tới, khi người dân chỉ mua những mặt hàng thiết yếu”, đại diện hệ thống này cho hay.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự phóng, hiện doanh nghiệp vẫn trong thời gian đo lường xem dự phóng này có ảnh hưởng đến doanh thu hay không, từ đó mới lên chiến lược ứng phó phù hợp.
Trở lại với MWG, năm nay Công ty cũng tập trung kiểm soát chặt chẽ và giảm đáng kể các hạng mục chi phí lớn bao gồm chi phí thuê mặt bằng, chi phí điện, tài chính, nhân sự, chi phí hàng tồn kho… để đảm bảo sức chống chịu của doanh nghiệp trong giai đoạn thị trường nhiều thách thức.
Kế hoạch cho từng chuỗi của MWG, cụ thể:
Thứ nhất, chuỗi Điện Máy Xanh và Thế giới Di động: duy trì doanh thu, tối ưu danh mục hàng hoá. MWG cũng nhấn mạnh, biên lợi nhuận hai chuỗi này sẽ thấp hơn do sức mua yếu và Công ty tiếp tục triển khai các chương trình khuyến mãi.
Thứ hai, chuỗi Bách Hoá Xanh: MWG đánh giá khúc hàng thiết yếu như thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh (và cả dược phẩm) đang có xu hướng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng cũng diễn ra, thông qua việc họ sẽ lựa sản phẩm cùng công dụng với mức giá thấp hơn.
Năm 2023, Công ty cũng sẽ thay đổi cách thức vận hành kho để đảm bảo hàng hoá song song giảm hàng hao hụt, giảm tỷ lệ huỷ hàng tươi sống tạo dư địa tăng biên lợi nhuận, cải thiện hiệu suất logistics.
Cuối cùng, chuỗi An Khang và AVAKids: Ngưng mở rộng và chỉ giữ những cửa hàng có lợi nhuận dương. Năm 2023 sẽ tập trung tăng doanh thu trên mỗi điểm bán, kiểm soát chặt chi phí vận hành và giảm lỗ.
Theo Zingnews, Nhịp sống thị trường
Xem thêm bài liên quan
- Thế Giới Di Động đóng toàn bộ chuỗi điện máy ở Campuchia sau 6 năm hoạt động để “Tập trung vào những mô hình kinh doanh khác và những thị trường khác”
- Chuỗi cửa hàng Điện máy Xanh “siêu nhỏ” cán mốc 1000, Thế Giới Di Động muốn thu nửa tỷ USD trong năm nay
- “Ông lớn bán lẻ” Thế giới Di động sa thải hơn 12.000 nhân viên trong nửa năm qua, lợi nhuận hợp nhất rơi về vùng thấp nhất 10 năm