Chuỗi Điện Máy Xanh Supermini đã mở trên 1.000 cửa hàng sau 2 năm phát triển và kỳ vọng có thể đạt doanh số 12.500 tỷ đồng trong năm nay.
“Với số lượng đó, ước tính doanh thu cả năm 2022 của mô hình này ước chừng 12.500 tỷ đồng” – ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Thế Giới Di Động chia sẻ.
Dù tác động của dịch Covid 19, chuỗi liên tục tăng trưởng và mở rộng đạt mốc 1.000 shop phủ khắp 63 tỉnh, thành phố, trở thành át chủ bài giúp MWG duy trì tăng trưởng trong 2 năm qua.
Xét về quy mô hàng hóa, diện tích, số lượng nhân viên…, mô hình supermini đứng hàng thứ 3 trong các mô hình bán lẻ của Điện máy Xanh, với thiết kế nhỏ và tinh gọn hơn.
Chỉ sau hơn 1 năm “thực chiến” do nhiều tháng bị phong tỏa vì dịch và những tháng Tết tạm dừng mở mới, Điện máy Xanh Supermini chạm mốc 1.000 cửa hàng.
“Tận dụng tài nguyên và cơ hội để tiến về phía trước là sự khác biệt của Thế Giới Di Động. Hiện nay, khi 2 mô hình Điện máy Xanh lớn và mini đã có doanh thu ổn định và gần như đã phủ sóng hết các địa điểm mà nó cần có mặt, việc gia tăng thị phần bán lẻ ngành hàng điện máy tại thị trường Việt Nam là trọng trách của mô hình supermini còn non trẻ này”, ông Đoàn Văn Hiểu Em nói.
Việc tận dụng này giúp chi phí đầu tư thấp, trong khi hàng hóa được lựa chọn bán tại chuỗi Điện máy Xanh supermini có giá phải chăng hơn. Dịch vụ bán và sau bán hàng chuyên nghiệp vốn hạn chế ở khu vực nông thôn nay được chuỗi bán lẻ áp dụng để chiều lòng khách hàng thôn quê.
Chiến lược uyển chuyển của mô hình này cho thấy hiệu quả khi không chỉ giúp công ty gia tăng thị phần, mà giá trị thương hiệu của Điện máy Xanh cũng phổ biến rộng rãi hơn.
Theo báo cáo kinh doanh nửa đầu năm, Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) ghi nhận tổng doanh thu tăng trưởng 13% lên hơn 70.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế nhích nhẹ 1% đạt 2.567 tỷ.
Đóng góp chính cho doanh số tập đoàn vẫn đến từ chuỗi bán lẻ Điện Máy Xanh với tỷ trọng gần 54%; kế đến là chuỗi Thế Giới Di Động gần 27% và Bách Hóa Xanh chiếm hơn 18% doanh thu.
Tập đoàn này cho biết động lực tăng trưởng đến từ sự mở rộng doanh số cửa hàng cũ và đóng góp từ các cửa hàng mới. Trong đó có sự tăng trưởng mạnh mẽ của mô hình Điện máy Xanh Supermini (ĐMS).
Tỷ trọng đóng góp của ĐMS đã tăng từ mức 9% trong quý I lên 10% doanh thu toàn tập đoàn trong quý II.
Số cửa hàng ĐMS cũng gia tăng liên tục từ mức 800 hồi đầu năm lên 972 địa điểm tại cuối tháng 7. Mới nhất, chuỗi bán lẻ siêu nhỏ này cán mốc 1.000 cửa hàng trên toàn quốc từ ngày 20/8.
Điện máy Xanh Supermini là phát kiến của của tập đoàn bán lẻ MWG sau thất bại của chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ, bắt đầu xây dựng từ giữa năm 2022 và có 9 cửa hàng đầu tiên tại tỉnh An Giang trong tháng 7/2020 với doanh số trên 1 tỷ đồng/shop.
Điện máy Xanh Supermini là mô hình có diện tích nhỏ nhất trong hệ thống chuỗi điện máy với chỉ 80 – 120m2, giá thuê mặt bằng chỉ thấp cùng số lượng nhân viên vỏn vẹn 3 – 4 người. Do vậy ĐMS đã nhanh chóng xâm nhập được thị trường ngách ở khu vực nông thôn.
Chuỗi cửa hàng siêu nhỏ này nhân rộng nhanh là nhờ thừa hưởng hệ thống quản lý và kho bãi sẵn có của tập đoàn mẹ, không gia tăng đội ngũ quản lý cấp cao, chi phí mặt bằng và nhân sự thấp…
Lãnh đạo chuỗi này cho biết sự mở rộng của mô hình điện máy siêu nhỏ này đang dần trở thành ác chủ bài mới đóng góp lớn vào doanh số và lợi nhuận của tập đoàn
Cụ thể, MWG vừa đưa ra mục tiêu ĐMS sẽ mang về doanh thu khoảng 12.500 tỷ đồng trong năm nay (hơn nửa tỷ USD). Doanh số kỳ vọng cho năm 2023 tiếp tục tăng lên mức 20.000 tỷ đồng.
Theo Zingnews, Đầu tư chứng khoán
Xem thêm bài liên quan
- Kinh doanh không đạt kỳ vọng, Sếp Thế Giới Di Động mất khoản thưởng hàng nghìn tỷ từ ESOP, quyết giữ chân khách hàng
- Thế Giới Di Động và những mô hình kinh doanh phải “dọn dẹp, đóng cửa”: Dám dấn thân, không ngần ngại
- Thế Giới Di Động đóng toàn bộ chuỗi điện máy ở Campuchia sau 6 năm hoạt động để “Tập trung vào những mô hình kinh doanh khác và những thị trường khác”