Từ một cửa hàng nhỏ chỉ vỏn vẹn 57m2, Quan Nghị Hồng đã phát triển Jiumaojiu thành đế chế lớn mạnh với 300 nhà hàng cùng 5 thương hiệu nhờ tuyệt chiêu kinh doanh độc đáo của mình.
Khởi nghiệp từ cửa hàng mì cay nhỏ
Năm 1995, Quan Nghị Hồng đến Hải Nam và mua lại một quán mì cay nhỏ tên là Sơn Tây Diện Vương, sau đó đổi tên thành “Jiumaojiu” – Cửu Mao Cửu để khởi nghiệp. Quán rộng 57m2, chỉ kê được 6 cái bàn nhưng kinh doanh khá tốt, lượng khách khá ổn định.
Quan Nghị Hồng thuê thêm 6 nhân viên để buôn bán thuận lợi hơn. Thế nhưng khởi nghiệp chưa được bao lâu thì một cơn bão lớn đổ bộ vào Hải Nam, gây ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của ông.
Khi bão qua, tình hình điện nước chưa được khắc phục, trong cửa hàng tối om nên Quản Nghị Hồng quyết định khiêng bàn ra bên đường để bán. Vào thời điểm đó, vật giá leo thang, nguyên liệu khan hiếm nên nhiều quán ăn đã tăng giá gấp 3-4 lần. Chỉ có Jiumaojiu của Quản Nghị Hồng vẫn kiên định bán với giá cũ 6 NDT/bát mì.
Bằng cách này, công việc kinh doanh ngày càng phát triển, thương hiệu Jiumaojiu của ông cũng được nhiều khách hàng yêu mến, tin dùng. Tiếng thơm lan sang những vùng lân cận.
Chỉ 1 năm sau đó, quán nhỏ 57m2 của Quan Nghị Hồng được mở rộng với diện tích 250m2, rộng rãi và tiện nghi hơn. Năm 2002, Quan Nghị Hồng còn mở rộng thương hiệu Jiumaojiu sang thành phố hạng nhất Quảng Châu.
Bắt đầu kinh doanh ở một thị trường mới, Quan Nghị Hồng quyết định sao chép kinh nghiệm kinh doanh từ quán mì nhỏ ở Hải Nam. Nhờ giá mì rẻ cùng mùi vị thơm ngon đặc biệt, thương hiệu mì cay của Quan Nghị Hồng nhanh chóng được người dân miền Nam đón nhận.
Đến năm 2005, ông chủ Quan có 3 chi nhánh mì được mở tại Hải Nam và Quảng Châu. Sau 1 lần đổi tên thương hiệu, cuối cùng Quan Nghị Hồng quyết định đặt tên công ty là Jiumaojiu International Holdings và đặt trụ sở chính tại Quảng Châu để tập trung phát triển ở khu vực này.
Năm 2009, Quan Nghị Hồng đến Thượng Hải. Thấy các trung tâm mua sắm ở đây đều hoạt động rất nhộn nhịp, ông cảm thấy đây là cơ hội phát triển cho ngành dịch vụ ăn uống nói chung và thương hiệu Jiumaojiu nói riêng.
Trở lại Quảng Châu, Quan Nghị Hồng bắt đầu tìm cách để đưa thương hiệu của ông vào trung tâm thương mại. Năm đó, cơ hội chợt đến với ông chủ họ Quan khi Wanda Plaza kêu gọi đầu tư, Jiumaojiu của Quan Nghị Hồng nhận được một vị trí kinh doanh nhỏ trong trung tâm này.
Thành công ngay cả trong nghịch cảnh
Gia nhập Wanda Plaza thành công, công việc kinh doanh của Quan Nghị Hồng thuận lợi, phất lên như diều gặp gió. Kể từ đó, thương hiệu Jiumaojiu trở nên nổi tiếng và trở thành con cưng của các trung tâm mua sắm. Năm 2015, Quan Nghị Hồng ra mắt chuỗi cửa hàng Tai Er với món canh dưa cá cay truyền thống của tỉnh Tứ Xuyên. Món ăn này rất được yêu thích và giúp Jiumaojiu nổi tiếng hơn bao giờ hết.
Tính đến cuối năm 2016, 95% trong số hơn 130 cửa hàng do Jiumaojiu điều hành trực tiếp đã ổn định tại các trung tâm mua sắm, điều này chứng tỏ sự phát triển vượt bậc của chuỗi thương hiệu Jiumaojiu trên thị trường. Trung bình, Jiumaojiu bán hơn 50.000 bát mì mỗi ngày, có hơn 6.000 nhân viên. Đến năm 2019, doanh thu của Jiumaojiu tăng 42% lên 2,7 tỷ NDT, trong đó 98% đến từ chuỗi Tai Er.
Năm 2020, Quan Nghị Hồng quyết định đưa Jiumaojiu lên sàn chứng khoán và phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) ngay trước khi Trung Quốc áp lệnh phong tỏa để ngăn ngừa đại dịch Covid-19 lây lan. Để tiết kiệm chi phí, Jiumaojiu đóng cửa những cửa hàng lưu lượng khách thấp. Chọn thời điểm đầy rủi ro để niêm yết cổ phiếu và phải tạm đóng cửa hàng loạt nhà hàng vì dịch bệnh, thế nhưng việc này không ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của hãng. Thậm chí, giá cổ phiếu của tập đoàn còn tăng nhanh trong mùa dịch.
Theo Bloomberg Billionaires Index, năm 2020, 44% cổ phần của Quan Nghị Hồng có giá 1,1 tỷ USD, đưa vị chủ tịch 50 tuổi này vào danh sách tỷ phú. Cũng trong năm đó và năm 2021, Jiumaojiu tiếp tục kế hoạch mở rộng chuỗi nhà hàng canh cá cay Tai Er. Đến nay, Jiumaojiu hiện có hơn 300 nhà hàng với 5 thương hiệu và nhượng quyền một số cơ sở, phục vụ nhiều món ăn khác nhau cho các thực khách thập phương.
Vậy là, từ một quán ăn đường phố, nhờ thích ứng nhanh với các xu hướng thị trường, nắm bắt cơ hội phát triển của các trung tâm mua sắm mà Jiumaojiu đã nhanh chóng mở rộng mạng lưới nhà hàng của mình, trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng trong ngành dịch vụ ăn uống tại đất nước tỷ dân.
Mạo hiểm tăng thêm giá, chuỗi cửa hàng đồng giá 1 USD lớn nhất tại Mỹ nhận kết quả bất ngờ
Không những không bị khách hàng quay lưng, chuỗi này còn thu hút thêm được nhiều người mua sắm mới.
Dollar Tree là chuỗi cửa hàng giá 1 USD lớn nhất tại Mỹ. Thương hiệu này nổi tiếng với việc bán hầu hết các sản phẩm với giá 1 USD. Năm ngoái, khi Dollar Tree thông báo sẽ tăng giá lên 1,25 USD sau 35 năm gắn bó với mức giá 1 USD, họ đã vấp phải một số ý kiến phản đối của người tiêu dùng. Trong khi đó, các nhà phân tích trong ngành đặt câu hỏi về tính hiệu quả của quyết định này.
Ở thời điểm hiện tại, động thái từng gây tranh cãi của Dollar Tree có vẻ như đang được đền đáp. Việc tăng giá đã giúp doanh số của Dollar Tree tăng lên đồng thời cho phép công ty giới thiệu những mặt hàng mà trước đây họ không thể kinh doanh do hạn chế của mức giá 1 USD. Điều này góp phần thu hút thêm những người mua sắm mới.
Bên cạnh đó, nhiều hãng bán lẻ cũng đã tăng giá nên Dollar Tree không bị khách hàng phản đối nữa. Ngày 22/11 vừa qua, công ty cho biết doanh số tại các cửa hàng của họ đã tăng 8,6% trong quý trước so với cùng kỳ năm 2021.
Michael Witynski – CEO của Dollar Tree cho biết trong một cuộc họp: “Việc chuyển sang mức giá 1,25 USD đã cho phép hoạt động kinh doanh của chúng tôi phát triển đáng kể”. Dollar Tree hiện có hơn 8.000 cửa hàng.
Năm ngoái, Dollar Tree cho biết họ đưa ra quyết định tăng giá để bù đắp chi phí cao hơn và cải thiện chất lượng hàng hóa. Việc lựa chọn sản phẩm về kinh doanh của công ty đã gặp khó khăn do phải giữ mọi thứ dưới 1 USD, điều khiến doanh số của các cửa hàng rất chậm chạp.
Thậm chí, Dollar Tree đã buộc phải ngừng cung cấp một số sản phẩm yêu thích của khách hàng vì họ không thể giữ mức giá dưới 1 USD, đặc biệt là thực phẩm đóng gói và đông lạnh cũng như nhu yếu phẩm gia đình.
Sau khi tăng giá lên 1,25 USD, Dollar Tree đã đưa những sản phẩm này trở lại cửa hàng của mình. Ngoài ra, công ty còn mở rộng sang cung cấp thịt, pizza, bữa sáng cùng một số mặt hàng tiêu dùng khác. Những thay đổi này đã dẫn đến tăng trưởng doanh số.
Cũng theo chia sẻ của Witynski, Dollar Tree cũng đang bổ sung thêm các mặt hàng có giá 3 USD và 5 USD, dựa trên thành công của chiến lược trước đó.
Ngoài các kế hoạch trên, Dollar Tree còn xây dựng các cửa hàng “combo” – sự kết hợp giữa Dollar Tree và Family Dollar (chuỗi bán lẻ mà Dollar Tree mua lại năm 2015 và bán các sản phẩm với mức giá khác nhau).
Tuy nhiên, Phố Wall vẫn thận trọng về triển vọng dài hạn của công ty. Giá cổ phiếu của Dollar Tree đã giảm 8% trong ngày 22/11 vì hãng hạ thấp kỳ vọng lợi nhuận trong năm nay.
Những khách hàng chịu áp lực lạm phát của Dollar Tree đang chuyển từ việc mua sắm tùy ý sang các mặt hàng phục vụ cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Theo Dollar Tree, chúng mang lại ít lợi nhuận hơn cho họ.
Jeffrey Davis – giám đốc tài chính của Dollar Tree cho biết: “Nền kinh tế tiếp tục gây áp lực lên các khách hàng có thu nhập trung bình và thấp, dẫn đến việc mua hàng theo nhu cầu thiết yếu tăng lên”.
Mặt khác, công ty cho biết họ đang thu hút nhiều khách hàng có thu nhập cao hơn so với bình thường. Những vị khách này mua sắm tại Dollar Tree để cắt giảm chi phí sinh hoạt.
Ngoài Dollar Tree, Walmart và một số chuỗi bán lẻ khác tại Mỹ cũng cho biết họ đã thu hút thêm nhiều vị khách “có điều kiện” hơn đến mua sắm do ảnh hưởng của lạm phát.
Theo Nhịp sống thị trường, Tổng hợp
Xem thêm bài liên quan
- Bí quyết khởi nghiệp quán ăn nhỏ, vốn ít mà vẫn thu cả trăm triệu 1 tháng mặc kệ suy thoái kinh tế
- Tuyệt chiêu kinh doanh “Không làm mà vẫn có ăn” của chuỗi siêu thị Mỹ Costco: Bán hàng chỉ là phụ, bán thẻ thành viên mới chính, thu tỷ USD mỗi năm
- Bát cháo giá cao gấp 10 lần đối thủ mà khách vẫn nườm nượp, tuyệt chiêu kinh doanh đại tài của ông chủ người Hoa