Tuyệt chiêu kinh doanh đại tài của ông chủ người Hoa: “Làm kinh doanh không sợ không có người mua, chỉ sợ hàng hóa của bạn không đặc biệt, sợ không ai biết đến“.
Tiểu Trương mở một cửa hàng bán cháo, đối tượng chủ yếu là dân văn phòng và những người có thu nhập trung bình. Thu nhập của cửa hàng chủ yếu dựa vào những món cháo đắt tiền, có tác dụng dưỡng sinh, bồi bổ cơ thể. Giá một bát cháo dao động trong khoảng 10 đến 30 tệ, lợi nhuận như vậy cũng không tồi.
Nhưng rồi xung quanh cũng mọc lên mấy cửa tiệm cháo với giá cả và chất lượng phục vụ y hệt, số lượng khách của Tiểu Trương bị kéo sang cũng không nhỏ. Bên cạnh đó, đối tượng thực khách của cửa hàng cháo khá đặc biệt, số thực khách không đông nên không thể bằng những tiệm ăn có những món nhiều người ưa thích khác.
Do đó khách quen cũng chỉ vài người. Vậy là mỗi khi có một tiệm cháo mới mọc lên là cửa tiệm của Tiểu Trương lại vắng khách thêm. Tất nhiên là số khách quen không thể bằng khách vãng lai đến ăn cháo.
Tiểu Trương cũng từng nghĩ đến việc giảm giá để hút khách nhưng không khả thi. Giảm giá sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận, mặt khác, nếu mình giảm giá thì các tiệm khác cũng sẽ giảm theo. Cuối cùng thì mọi người cũng đều không kiếm được tiền.
Điều quan trọng hơn, giảm giá chỉ có thể giữ chân khách hàng cũ chứ không thu hút được khách hàng mới, thị trường không được mở rộng thì cũng không thể giải quyết căn nguyên của vấn đề.
Tiểu Trương trăn trở không biết làm thế nào mới có thể chi ít tiền mà vẫn quảng cáo hiệu quả, khiến nhiều người biết và đến thưởng thức.
Hôm đó, Tiểu Trương ở nhà xem TV, một tin tức đã thu hút chú ý của anh. Các phóng viên đang phỏng vấn một chủ quán mì, một bát mì ở đó có giá 108 tệ. Mọi người đều nghĩ ông chủ quán bị điên bởi bình thường một bát mì chỉ có giá 10 tệ, đắt nhất cũng chì 20 tệ mà thôi.
Chính cái giá “trên trời” này đã thu hút giới truyền thông, phóng viên hỏi ông chủ quán mì:
– Tại sao mì của bác đắt đến vậy?
Ông chủ quán mì điềm tĩnh trả lời:
– Mỗi ngày chúng tôi chỉ bán 20 bát mì loại này, đảm bảo nước dùng được nấu từ xương bò hảo hạng, thịt bò là loại nhập khẩu, giá thịt cao đương nhiên giá bán mì cũng phải cao rồi.
Phóng viên còn phỏng vấn những thực khách đã ăn món mì có giá cao ngất ngưởng này. Trong đó có một cặp tình nhân trẻ, người thanh niên chỉ gọi một bát mì thường còn cô gái chọn bát mì bò đặc biệt giá 108 tệ. Người thanh niên ngại ngùng cúi mặt nói:
– Bạn gái tôi muốn thử món mì đặc biệt nên dù giá đắt tôi vẫn gọi, có 108 tệ mà cũng tính toán thì chắc chắn cô ấy sẽ nghĩ tôi không quan tâm đến cô ấy, chắc chắn tình cảm sẽ bị rạn nứt. Còn tôi thì thôi, không có nhu cầu nên chỉ gọi bát mì thường.
Ngoài ra phóng viên còn phỏng vấn thêm một vị khách đi ăn một mình, người này nhìn thẳng vào ống kính nói rất tự nhiên:
– Tôi nghe nói ở đây có bán một bát mì 108 tệ nên đến ăn thử xem sao.
Xem đến đây vợ Tiểu Trương ngồi bên cạnh cười phá lên và nói:
– Trên đời này đúng là lắm chuyện kỳ lạ. Thanh niên thì thích sĩ diện còn người giàu có thì lại thích tiêu tiền không đâu. Ông chủ này đúng là biết cách kiếm tiền.
Tiểu Trương không nói gì. Vốn là người khá nhạy bén trong kinh doanh, anh cứ mải nghĩ đến cửa hàng của mình. Hay là anh cũng thử làm như ông chủ quán mì? Hàng ngày anh đã gặp không ít khách hàng không để tâm đến chuyện giá cả. Chỉ cần món ăn đặc sắc, khác biệt, thể hiện đẳng cấp của thực khách thì 100 tệ cũng không phải là đắt.
Khách hàng chủ yếu của tiệm là giới văn phòng, chỉ cần món ăn hợp khẩu vị của họ thì 100 tệ cũng có người mua. Điều quan trọng nhất là khi mình bán món cháo đắt tiền như vậy, khách hàng sẽ nghĩ rằng món ăn của mình rất ngon, đáng đồng tiền và thể hiện đẳng cấp. Cái lợi hơn nữa là sẽ thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông.
Tiểu Trương nói chuyện này với vợ, vợ anh ngạc nhiên nói:
– Anh phải nghĩ cho kỹ đấy, một bát cháo giá 100 tệ, khách hàng chắc chắn sẽ chú ý đến, chúng ta sẽ trở nên nổi tiếng. Nhưng nói dại, tiếng tốt không tạo được mà lại mang tiếng xấu thì sao? Biết đâu khách hàng nghe tin lại cho rằng chúng ta học đòi, thích chơi trội?
Tiểu Trương cười nói:
– Anh đã nghĩ kỹ rồi, chúng ta có thể nhờ thầy thuộc Đông Y nổi tiếng phối hợp các loại nguyên liệu quý hiếm với nhau, tạo ra loại cháo dưỡng sinh gây lòng tin cho khách hàng. Chúng ta cũng có cơ sở quảng cáo. Về truyền thông, nếu có phóng viên đến phỏng vấn, chúng ta sẽ nhân tiện giới thiệu những loại cháo khác. Từ đó mọi thực khách đều biết rằng thực đơn của cửa hàng có giá cả từ trung bình đến cao cấp, cháo bình thường không hề đắt. Thế là giải quyết được vấn đề rồi.
Sau khi ra mắt món cháo đắt tiền này, quả nhiên hàng cháo của Tiểu Trương đã trở thành tâm điểm truyền thông, người khen nhiều kẻ chê cũng chẳng ít. Đài truyền hình cũng đến phỏng vấn nên càng ngày càng có nhiều người biến đến cửa hàng của anh và tìm đến với tâm lý “ăn thử xem sao”. Tuy không nhiều người gọi món cháo 100 tệ nhưng các món cháo bình dân khác bán rất chạy.
Triết lý kinh doanh từ quán cháo người Hoa
Gọi khách hàng là vua hay thượng đế không quan trọng. Quan trọng là đối xử thế nào.
Câu chuyện của một phóng viên nọ đến phỏng vấn một ông chủ tiệm cháo người Hoa trong một cuộc khảo sát về mô hình kinh doanh.
Phóng viên : Thưa ông trước khi bán cháo ông làm gì?
Chủ tiệm : Ngộ bưng cháo cho cha ngộ bán.
Phóng viên : Vậy cửa hàng này có bao nhiêu năm?
Chủ tiệm : Không có năm, chỉ có đời. Mấy đời lận. Bà cố ngộ bán cháo. Ông nội ngộ bán cháo. Cha ngộ bán cháo. Ngộ bán cháo. Con trai ngộ…
Phóng viên : Trời ơi! Không có gì khác ư?
Chủ tiệm : Khác chớ, ngày trước có một cửa hàng ở Quảng Châu, bây giờ có hai cái ở Sài Gòn, ba cái ở Hoa Kỳ, bốn cái ở Úc.
Phóng viên : Người ta thành công thì sẽ cho con cái làm Giám đốc, còn ông?
Chủ tiệm : Ngộ có thành thì vẫn cho con làm chủ cửa hàng.
Phóng viên : Ông không muốn chúng đi học sao?
Chủ tiệm : Muốn nhiều, con ngộ một đứa có bằng Thạc sĩ kinh doanh cháo, đứa khác vừa bảo vệ luận án Tiến sĩ cơm
Phóng viên : Ở trong bếp à?
Chủ tiệm : Ở Đại học Havard, Mỹ.
Phóng viên : Học xong chúng nó về đâu? Thành ông gì?
Chủ tiệm : Về nhà này, thành người rửa bát cho “papa” chúng.
Phóng viên: Ông gọi khách hàng là vua hay thượng đế?
Chủ tiệm : Gọi không quan trọng. Quan trọng là đối xử thế nào?
Phóng viên : Truyền thuyết kể lại rằng nhiều tỷ phú người Hoa đi lên từ một thùng đậu phụng rang, đúng không?
Chủ tịch : Không, những ngày đầu tiên làm sao có tới cả thùng, chỉ vài trăm hột thôi.
Phóng viên : Có tiền mà ông mặc bộ đồ vải thô thế này à?
Chủ tiệm : Dạ, người vô đây chủ yếu là người bình dân. Họ sẽ còn vô nếu thấy chủ tiệm cũng giống như họ.
Phóng viên : Lý do gì khiến người Hoa hay chọn kinh doanh ăn uống?
Chủ tiệm : Thưa, đơn giản vì kinh doanh đó phục vụ cái bụng con người. Nếu phục vụ cái đầu sẽ phát sinh nhiều rắc rối lắm.
Phóng viên : Ông bán cháo tim gan mà sao sáng ra nhà ông ăn toàn cháo trắng với củ cải muối?
Chủ tiệm : Dạ, nếu ngộ cứ ăn cao hơn khả năng của ngộ thì thế nào cũng tới lúc ngộ phải nhảy vào nồi cháo.
Phóng viên : Chắc là ông ít vay vốn ngân hàng?
Chủ tiệm : Nhà băng có tiền, nhưng không bao giờ có cách nấu cháo để mượn cả.
Phóng viên : Bây giờ tôi muốn ăn một tô, nhưng tôi chưa có tiền mai thanh toán được không, thưa ông?
Chủ tiệm : Dạ không phải là ngày mai mà 20 năm sau cũng được.
Phóng viên : Nhưng lúc ấy lãi suất thế nào?
Chủ tiệm : Dạ, lãi là ông luôn nghĩ tới hàng cháo này, đấy mới là lãi to.
Theo Trí Thức Trẻ, Tổng hợp
Xem thêm bài liên quan
- Tuyệt chiêu kinh doanh độc đáo giúp ông chủ chuỗi canh cá thành tỷ phú ở tuổi 50: Từ tiệm mì chỉ có 6 bàn ăn đến đế chế 300 cửa hàng khắp Trung Quốc
- Ngã tư đường – 4 cây xăng: Câu chuyện về 2 kiểu tư duy cạnh tranh điển hình trong kinh doanh mà ai làm ăn cũng nên nắm rõ
- Tỷ phú Jack Ma: Đừng bao giờ bán hàng cho người thân, họ hàng, bởi họ sẽ chẳng trân trọng đâu!