Nhiều người thường cảm thấy mông lung và cứ bước đi như người máy mà không biết đích đến. Đừng quá đâm đầu vô định nếu không biết đến 10 chân lý giúp bạn thay đổi cuộc đời trước năm 30 tuổi.
Giai đoạn hoàng kim của một người là 10 năm từ 20 tới 30 tuổi, nhưng có nhiều người khi mới bước vào xã hội, họ đã không thể thích nghi được với việc chuyển từ học sinh sang người lớn, dẫn đến việc gặp nhiều khó khăn, hoặc phải đi rất nhiều đường vòng.
Có hai nguyên nhân, một là vì có rất nhiều kiến thức xã hội họ không được dạy khi còn đi học; hai là khi bước vào xã hội, chúng ta vẫn mang theo tâm thái và tư duy của học sinh để nhận biết về một thế giới hoàn toàn khác so với khuôn viên trường học, khó tránh khỏi việc gặp phải rất nhiều ổ gà.
Vậy có những chân lý xã hội nào mà những người hơn 20 tuổi nên hiểu?
Chân lý đầu tiên: Bạn cho rằng bạn khác biệt, nhưng phần lớn mọi người đều là người bình thường
Rất nhiều người trẻ bao gồm cả tôi, khi mới bước ra ngoài xã hội, luôn cảm thấy mình khác biệt, ôm một chí hướng vĩ đại muốn kiến công lập nghiệp.
Chỉ có điều, bạn cho mình xuất chúng phi thường, thực ra phần lớn mọi người đều bình thường như nhau.
Con người ta sau khi trưởng thành phải chấp nhận hiện thực rằng mình chỉ là một người bình thường, đừng mong đợi một tài năng bẩm sinh chưa được khám phá nào đó của mình, mà nên dựa vào học tập và siêng năng để đạt được tiến bộ.
Fang ShengYao, CHRO của một công ty bất động sản nổi tiếng tại Trung Quốc từng chia sẻ một câu chuyện như sau:
Ông chủ của một nhà hàng nọ, trong quá trình mở cửa hàng đã gặp phải nhiều vấn đề, vì vậy đã mấy lần tìm tới Zhang Yong, người sáng lập của chuỗi cửa hàng lẩu nổi tiếng Hai Dilao.
Cứ có chỗ nào không hiểu là ông sẽ tìm tới người giỏi giang hơn mình, xem người ta làm thế nào, từ đó khiêm tốn thỉnh giáo học hỏi.
Fang ShengYao giải thích rằng:
Chìa khóa để một công ty không ngừng phát triển và lớn mạnh đó là tâm thái cởi mở và khả năng vượt lên chính mình của người sáng lập. Tới một người giỏi giang như Jack Ma ngay cả sau khi thành công, ông cũng luôn giữ cho mình sự tò mò, cái gì cũng học, cái gì cũng tiếp xúc.
Chỉ có điều, có rất nhiều người luôn ôm trong mình tư tưởng khép kín, dù có đi hỏi tư vấn, xin lời khuyên, thì sau đó vẫn cứ đi con đường cũ.
Chúng ta luôn tự tin một cách mù quáng, cho rằng những người giỏi giang hoặc thành công không ngốc thì cũng xấu xa, chẳng có gì đáng để học hỏi, cho rằng mình hơn người, vì vậy mà phớt lờ đi kinh nghiệm của người khác.
Nói thật ra, ai cũng luôn cho rằng mình hơn người, nhưng trên thực tế, người với người lại không khác nhau là mấy, chúng ta thậm chí còn không bằng người khác, vậy thì, thay vì đâm đầu vào làm dù không có đường lối cụ thể để rồi phải trả một cái giá đắt, tại sao không ngồi lại xem xét một cách nghiêm túc kinh nghiệm của những người từng trải.
Đối với những điều mình tạm thời chưa hiểu hoặc chưa thấu, trước tiên có thể áp dụng chiến lược học hỏi, cố gắng học hỏi và rút ra kinh nghiệm từ những người khác càng nhiều càng tốt.
Chân lý thứ 2: “60% vạn tuế” là một triết lý đúng đắn
Có một CEO từng nói: “60% vạn tuế là một triết lý vô cùng đúng đắn, tiếc là tôi rất muộn mới ngộ được ra.”
Không phải tất cả mọi việc đều quan trọng như nhau, chúng ta không cần thiết phải nỗ lực hoàn thành mọi việc tới mức 100%, đây thực ra là biểu hiện của việc không biết nắm bắt trọng điểm.
Có những việc nếu làm tớ 60% là ok, vậy thì đừng tốn nhiều thời gian và sức lực để làm tới 100%.
Có một câu chuyện như này:
Công việc chính của T. là cung cấp thức ăn cho các công ty, cô dành ra một lượng lớn tiền bạc để mua những nguyên liệu và hộp cơm tốt nhất, nhưng món ăn của cô lại không được yêu thích, bên A thường xuyên không hài lòng.
Cô có cảm giác như tất cả mọi người đang hùa vào để làm khó cô. Nhưng thực tế là T. đang tiêu tiền không đúng chỗ.
Một mặt, cô chỉ tập trung cho nguyên liệu mà lơ là đi hương vị món ăn, một mặt quá chú trọng tới hộp bên ngoài mà không chú ý tới độ ngon hay đa dạng của món ăn bên trong, cùng một món ăn mà đưa liên tiếp 3 tháng trời cho một công ty, bên A họ có ý kiến là quá đúng.
Bỏ ra nhiều thời gian và tiền bạc vào những thứ không thể tạo ra sức cạnh tranh, cuối cùng làm giảm đi trải nghiệm hài lòng của khách hàng.
Nếu nắm bắt nhầm trọng điểm, càng nỗ lực, càng mất đi nhiều.
Chi bằng tịnh tâm lại suy nghĩ xem, việc nào nên làm tới 100%, còn việc nào chỉ nên làm 60% thôi là đủ.
Chân lý 3: Hiểu bản thân thật rõ, đừng miễn cưỡng làm việc mà dù cố gắng cả đời cũng không làm được
Albert Camus từng nói: “Phương thức thấu tình đạt lý nhất đó là đừng miễn cưỡng bản thân.”
Chúng ta có lẽ thường xuyên đối mặt với tình huống như này: dù đã tìm tòi, học hỏi nhưng dù có nỗ lực ra sao cũng không thể thành công.
Nó nói lên một điều rằng có thể bạn không thích hợp làm việc này.
Bạn cần phải hiểu một điều rằng, khi sức lực không cho phép, lúc nên từ bỏ hãy từ bỏ, chấp nhận sự không hoàn hảo của bản thân, là một trong những điều cơ bản mà một người trưởng thành nên hiểu.
“Từ bỏ” không có nghĩa là thất bại, nó chỉ đơn giản là bạn không hợp với chuyện đó thôi.
Nhiều khi bạn không muốn từ bỏ, không phải vì bạn yêu thích nó tới nhường nào, mà chỉ vì bạn đã bỏ quá nhiều công sức cho nó và bạn cảm thấy tiếc công sức của mình mà thôi.
Chân lý số 4: Nỗ lực để trở nên giàu có thay vì dành thời gian đi nói này nói nọ người giàu
Thích hóng hớt, đưa ra ý kiến bình luận là bản tính của con người, nhưng quá đắm chìm vào việc đó lại không tốt chút nào.
Có rất nhiều người luôn có những lời nói bình luận phê bình, nói này nói nọ về người giàu, kiểu “ông nhiều tiền ông nói gì mà chẳng đúng”, hay “tôi mà ở vị trí của ông, tôi còn làm tốt hơn” … đại loại vậy.
Thực ra, bạn nghĩ người khác thế nọ thế kia, bạn không phục người ta, đó là bởi tầm nhìn của bạn quá hẹp hòi.
Tốn thời gian đi phê phán hay bình luận về người khác sẽ chẳng mang lại chút ý nghĩa thực tế nào, chi bằng dành thời gian nỗ lực để trở nên giàu có.
Chân lý số 5: Ai cũng có quyền đưa ra quyết định, bạn có thể chịu trách nhiệm được với chính mình là tốt rồi
Có rất nhiều người nói với tôi rằng, tôi luôn khích lệ mọi người nỗ lực, cố gắng làm việc, vậy không nỗ lực là không được hay sao?
Trên thực tế, tôi không tuyệt đối hóa khích lệ người khác phấn đấu, mà chủ trương của tôi là: cuộc đời của bạn nên do bạn quyết định, chứ không nên bị người khác ràng buộc, chỉ cần bạn thích, và có thể tự chịu trách nhiệm được cho mình là được.
Nhưng phần lớn mọi người lại không thể chọn lối sống riêng theo sở thích của mình vì phải tính đến các yếu tố như gia đình, đánh giá xã hội, mong muốn cá nhân… đây cũng là một thực tế cơ bản.
Chân lý số 6: Bạn nên biết mình muốn gì, tuyệt đối đừng thả trôi theo đám đông
Chúng ta luôn phải đối diện với đủ mọi lựa chọn mọi lúc mọi nơi, nếu bạn không biết mình muốn gì, bạn sẽ rất dễ rơi vào tình trạng “lạc trôi”, làm việc mà mình không thích, bất kể nỗ lực bao nhiêu cũng không thấy vui vẻ, ngoài việc cơ thể ngày càng rệu rạc hơn thì chẳng thu thêm được điều gì.
Nếu bạn quả thực không biết mình muốn gì, vậy thì trước tiên hãy lựa chọn giữa kiếm tiền và hạnh phúc gia đình cũng được, sau này nghĩ ra rồi lại bàn tiếp. Tuyệt đối đừng sống qua ngày trong sự mơ hồ hoang mang, hoặc không muốn làm gì, lãng phí thời gian.
Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh một điều là, đầy đủ về vật chất cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nên hạnh phúc, vì vậy, lúc còn đang mơ hồ, hãy kiếm tiền!
Chân lý số 7: Có thể mở rộng quan hệ, nhưng tuyệt đối đừng tốt bụng một cách mù quáng
Con người ta muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng nếu muốn đi cho vững cho ổn định, hãy đi với mọi người.
Sống ở đời, giao tiếp xã hội là điều cơ bản nhất. Quen biết nhiều đôi khi cũng giúp ích được rất nhiều trong nhiều trường hợp.
Nhưng có một điều cần chú ý rằng, tuyệt đối đừng luôn trong trạng thái hi sinh lợi ích và thời gian của mình để đi giúp đỡ người khác.
Trở thành một người quá tốt bụng không những không khiến người khác biết ơn, ngược lại những gì bạn bỏ ra còn bị họ xem là đương nhiên, một ngày nào đó nếu bạn từ chối họ, mọi nỗ lực trước đó của bạn sẽ có thể quay về con số 0.
Có một người trẻ khi mới ra đi làm, cậu ấy rất siêng năng, người ta kêu gì cậu cũng giúp. Mới đầu mọi người ai cũng cảm ơn rối rít, nhưng lâu dần, họ cho rằng đó là việc cậu ấy nên làm.
Sau này, khi cậu thanh niên bi bệnh, không ai tình nguyện giúp cậu làm việc, và cậu cũng chẳng thể giúp ai, kì lạ ở chỗ là mọi người cho rằng cậu giả vờ ốm để trốn việc, mà quên mất rằng, có nhiều việc không phải là trách nhiệm của cậu ấy.
Thiết nghĩ, những trường hợp như vậy ở nơi công sở có lẽ không quá hiếm gặp.
Chân lý số 8: Bắt đầu tự tiết kiệm lương hưu cho mình ngay từ ngày đầu đi làm
Sau khi bước ra xã hội, tôi phát hiện ra rằng, có hai thứ có thể đem lại cho người trưởng thành cảm giác an toàn, một là tiền lương ổn định và hai là một tài khoản tiết kiệm dồi dào.
Từ khi kết hôn sinh con cho tới khi mua nhà, cho con đi học rồi lấy vợ gả chồng con con, phụng dưỡng ba mẹ, rồi tiền đi ăn đi chơi đi mừng…
Cuộc sống của người trưởng thành không phải chỉ có một chữ tiền, nhưng phần lớn lại liên quan tới tiền bạc, một tài khoản tiết kiệm dồi dào giống như đồ dằn giữ cho tàu, thuyền thăng bằng khi không có hàng, giúp bạn không bị lật chìm bởi những cơn sóng của cuộc sống, giúp bạn bình yên vô sự hoàn thành hành trình biển đời của mình.
Chân lý số 9: Tri thức thay đổi vận mệnh, hãy xem chuyện học hành là chuyện sống chết
Quan sát rất nhiều bạn bè và tiền bối xung quanh mình, tôi nhận ra rằng hầu hết những người thành công đều là những nhân tài ưa học tập.
Bất kể là ai, dù một ngày có bận rộn ra sao, họ cũng đều cố gắng dành ra một khoảng thời gian để học tập.
Nếu nói khỏe mạnh là “7 phần nhờ cơm”, vậy thì công việc của chúng ta cũng là “7 phần nhờ học hỏi”.
Tuổi càng lớn, kinh nghiệm càng nhiều, càng phát hiện ra nhận thức của bản thân với câu “tri thức thay đổi vận mệnh” là quá ít.
Đây cũng là lý do vì sao tôi luôn nói rằng hãy xem chuyện học hành là chuyện sống chết, hôm nay mệt rồi không học, ngày mai đón con muộn nên không học, ngày kia cãi nhau với vợ/chồng nên không học… đó cũng chỉ nói lên rằng bạn chưa nghiêm túc xem chuyện học hành là chuyện quan trọng và cần thiết.
Không có một hệ thống tri thức đủ lớn để hỗ trợ, tiềm năng phát triển của bạn không cần nghĩ cũng biết.
Chân lý số 10: Nỗ lực làm người khác thích mình bao nhiêu cũng vô dụng, trong tay có nhiều quân bài quý giá, người khác tự nhiên sẽ thích bạn
Có người từng hỏi tôi rằng: làm sao để được nhiều người yêu thích, tôi nên áp dụng sách lược xã giao nào mới có thể hòa nhập được vào với nhiều nhóm xã hội?
Tôi nói với họ, nếu bạn có thời gian nghiên cứu những người được yêu thích trong các nhóm xã hội khác nhau, bạn sẽ thấy rằng họ thường là những người có lợi thế rõ ràng, họ đẹp trai, xinh xắn, giàu có, có năng lực, hoặc có tính cách hòa đồng…
Người mà mọi người yêu thích luôn là người đa tài, đa nghệ, nhiều tiền, có nhan sắc… chứ không phải một người luôn cố gắng tiếp cận người khác.
Trong tay bạn càng có nhiều quân bài quý thì bạn sẽ càng được yêu thích, điều này về cơ bản không liên quan gì đến việc bạn có đang cố gắng hòa nhập với mọi người hay không.
Vì vậy, điều bạn cần làm không phải là cố gắng để người khác thích mình, mà là nỗ lực để biến mình trở nên ưu tú hơn, và rồi, mọi người tự nhiên sẽ yêu mến bạn mà thôi.
Hi vọng rằng những người trẻ có thể sớm ý thức ra được những kinh nghiệm này và nhanh chóng trưởng thành, chín chắn hơn!
Theo Trí thức trẻ
Xem thêm bài liên quan
- 15 thói quen khiến sự nghiệp của bạn mãi dậm chân tại chỗ: Mắc phải 1 cái cũng khiến bạn thất bại!
- 15 thói quen khiến sự nghiệp của bạn dậm chân tại chỗ: Mắc phải 1 cái cũng khiến bạn thất bại!
- Chuyện về 2 anh em Ivan Massow và David: Cùng điểm xuất phát, anh thành triệu phú còn em là kẻ vô gia cư: 4 thứ khiến đời người “lên voi” hay “xuống chó”