TS. Nguyễn Thành Mỹ, chủ tịch tập đoàn Mỹ Lan được mệnh danh là người đưa “thung lũng Silicon thu nhỏ” về tỉnh nghèo bậc nhất Việt Nam – Trà Vinh.
Là doanh nhân thành đạt và một nhà khoa học nổi tiếng nhưng năm 2004 ông quyết trở về Việt Nam kinh doanh với mong ước giản đơn “vì vùng đất này chính là quê hương của tôi và ước mơ lớn nhất trong đời tôi là trở về quê hương để đầu tư, giúp quê hương phát triển”.
– TS Nguyễn Thanh Mỹ – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Mỹ Lan (Mylan Group) sống tại làng Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
– Mưu sinh bằng cách bán cà rem và bánh mì, thời gian còn lại thì đi học lỏm. Năm 1978, tốt nghiệp Trường Đại học Phú Thọ (bây giờ là Đại học Bách khoa TP.HCM).
– 1979, sang Canada, làm đủ nghề: rửa chén, làm bếp, bồi bàn… để kiếm sống. 7 năm đi học, giành được một lúc hai học bổng (NSERC và FCAR), bảo vệ thành công luận án thạc sĩ về “Chất xúc tác dị thể” và tiến sĩ về “Hợp chất cao phân tử liên hợp điện quang”.
– Năm 2004, trở về Việt Nam một mình để kinh doanh, đầu tư xây dựng nhà máy, muốn tạo cho người lao động Việt Nam môi trường làm việc với chất lượng, mức lương như ở Canada (35.000 CAD/năm).
Tại cuộc hội thảo mới đây, ông Nguyễn Thanh Mỹ, nguyên Chủ tịch Mỹ Lan Group đã chia sẻ những câu chuyện thú vị về Mỹ Lan Group, tập đoàn được ông thành lập năm 2004.
Tập đoàn này là hiện thực của giấc mơ ông từng ấp ủ nhiều năm trước khi mới đặt chân ra nước ngoài. Đó là làm sao xây dựng được nhà xưởng, bệnh viện, trường học tại quê hương Trà Vinh nhằm cải thiện cuộc sống cho người dân.
Chính bởi vậy, con người được ông Thanh Mỹ xem là tài sản quý nhất của công ty. Nhân viên ở đây được ông tuyển chọn dựa vào hai yếu tố: bản chất cầu tiến và kỹ năng chuyên môn. Trong đó, bản chất cầu tiến là yếu tố được đặt lên trên vì chuyên môn có thể dạy được, còn bản chất thì không.
Đi kèm với yếu tố con người là cơ sở vật chất phải đạt tiêu chuẩn cao. “Muốn xây dựng một cộng đồng có trách nhiệm, làm việc tốt thì nhà xưởng nóng nức là không được. Phải có cơ sở tốt, từ nhà ăn đến nhà xưởng, xung quanh phải có nhiều cây xanh”, ông Thanh Mỹ chia sẻ.
Đơn cử, nhà ăn của Mỹ Lan Group gồm 2 tầng, mỗi ngày cung cấp được gần 200 phần ăn. Nhân viên có thể đến ăn bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt, ông Mỹ quy định một nhân viên chỉ được ăn chung với 1 đồng nghiệp không quá 2 lần trong tuần.
“Nếu ngồi ăn chung nhiều quá thì công ty sẽ có nhiều nhóm bà tám, ông chín lắm…”, ông Mỹ hài hước.
Ông Mỹ còn yêu cầu nhân viên phải tập thể dục giữa giờ, hai lần/ngày với các bài tập yoga vai cổ để tăng cường sức khoẻ. Trong khuôn viên 20 ha của công ty có sân chơi bóng chuyền, bóng đá, tập tennis với vợt và bóng có sẵn. “Tất cả nhà xưởng đều có phần diện tích trống để nhân viên có thể chơi cầu lông trong máy lạnh cũng được”, ông cho biết thêm.
Bên cạnh đó, để nâng cao trình độ cho nhân viên, ông Mỹ còn trực tiếp đứng lớp, giảng dạy chuyên môn. Lớp học của ông cũng có điều kỳ lạ là không có ghế. Buộc nhân viên đứng để học, ông cho biết đấy là sự bình đẳng vì: Thầy đứng sao trò lại ngồi?
Về chính sách an sinh xã hội, ông Mỹ cho biết nhân viên được khám sức khoẻ hàng năm, nhân viên nữ được khám thêm tại bệnh viện phụ sản quốc tế. Mỹ Lan Group cũng khuyến khích nhân viên trong công ty cưới nhau. Mỗi cặp nên duyên, công ty tặng 30 bàn tiệc. Những đứa trẻ sinh ra cũng được công ty chăm sóc.
Bởi, như ông tâm sự: “Tôi và bà xã ở Việt Nam còn con cái ở hết nước ngoài, công ty là gia đình của tôi. Bọn trẻ là sản phẩm của công ty chúng tôi, phải lo cho chúng nó chứ!”.
Theo ông, chính nhờ những chính sách như vậy, công ty là một thể kết dính, giúp phát huy điểm năng về doanh số, môi trường và xã hội.
Ông Thanh Mỹ cũng hài hước cho biết bản thân ít khi nào nhìn vào báo cáo tài chính của công ty. Cái ông nhìn, là chính sách an sinh, cuộc sống nhân viên. “Hạnh phúc gia đình, sức khoẻ của họ là quan trọng nhất, con số báo cáo nên nhìn sau cùng”, ông cho biết và lý giải rằng sự phát triển của công ty sẽ được thể hiện rất rõ thông qua cuộc sống của nhân viên, chừng nào họ còn tươi thì công ty còn lời.
“Kinh nghiệm của tôi là chừng nào cổ đông làm phiền mình thì mới đọc báo cáo tài chính, không tôi cứ nhìn nhân viên thôi”, ông Thanh Mỹ hài hước.
“Người Việt mình vốn thông minh”
Chúng tôi gặp TS. Nguyễn Thanh Mỹ tại nhà ăn của Tập đoàn Mỹ Lan ở Trà Vinh. Lâu lắm mới đặt được lịch hẹn với ông, nên chúng tôi rất hào hứng. Ông cũng có vẻ như vậy.
“Nhân viên là tài sản quý nhất của chúng tôi. Mọi người được miễn phí bữa trưa, còn bữa sáng và bữa tối chỉ phải mua với giá hỗ trợ. Do vậy, họ ở công ty hoài”, TS. Nguyễn Thanh Mỹ nói vui với chúng tôi trong không gian nhà ăn khang trang, tràn ngập ánh sáng tự nhiên ùa vào qua các cửa sổ kính lớn ở tứ phía.
Thức ăn của Mỹ Lan đều là “cây nhà lá vườn”, tự canh tác, tự chế biến. Đầu bếp là những người có tay nghề được tuyển chọn kỹ càng. Đồ ăn không chỉ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mà đầy đủ dinh dưỡng và thơm ngon.
Buổi trò chuyện của chúng tôi luôn bị cắt ngang bởi những lời chào hỏi, vì đang là giờ ăn trưa, từng tốp nhân viên đi vào nhà ăn. Một số người còn tranh thủ báo cáo nhanh tiến độ công việc…
“Công ty tạo không khí thoải mái, không gian rộng mở nhất cho nhân viên sáng tạo, làm việc, nhưng yêu cầu kỷ luật công việc cũng rất cao. Tôi từng nói, tôi không thể đưa tất cả nhân viên của mình qua Sillicon Valley, nhưng sẽ cố gắng tạo một môi trường làm việc giống Sillicon Valley nhất có thể ở Mỹ Lan, ở Trà Vinh, tạo điều kiện cho lớp trẻ nơi đây ngày càng phát triển, vươn xa”, ông Mỹ chia sẻ đầy tâm huyết sau khi dẫn chúng tôi đi một vòng nhà máy.
Ở Mỹ Lan, nhân viên đều rất trẻ, nhiều người vừa tốt nghiệp đại học. Ông Mỹ lý giải, người Việt mình vốn thông minh, nhưng vì nhiều lý do, từ điều kiện, đến cách thức học tập, rồi môi trường, nên chưa phát huy hết tiềm năng.
Do vậy, khi ra quyết định đầu tư, ông Mỹ chọn phương án tuyển dụng, đào tạo lại và tìm kiếm nhân tài ngay tại địa phương. Năm 2007, ngoài việc điều hành một nhà máy mới đi vào hoạt động, ông kết hợp với Trường đại học Trà Vinh mở Khoa Hóa học ứng dụng, đích thân ông làm Trưởng khoa và giảng dạy trực tiếp. Với cách làm này, ông đã lựa chọn những sinh viên xuất sắc nhất về làm việc cho Tập đoàn Mỹ Lan.
“Với nhân sự mới, ngoài chuyên môn, chúng tôi chú trọng đào tạo bổ sung 3 kỹ năng: sáng tạo, tự chủ và làm việc nhóm”, TS. Nguyễn Thanh Mỹ chia sẻ.
Khởi nghiệp là sự sáng tạo
Trước cuộc hẹn với TS. Nguyễn Thanh Mỹ, chúng tôi có dịp trò chuyện với chủ của một trong những dự án khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã nhận được sự hỗ trợ của ông. Đó là vợ chồng Phạm Đình Ngãi và Thạch Thị Chal Thy với Dự án khởi nghiệp từ mật hoa dừa Sokfarm.
Họ đã kể nhiều về người đã định hướng, khuyên bảo và hỗ trợ họ hồi sinh nghề truyền thống tưởng bị thất truyền của đồng bào Khmer tại Trà Vinh – thu mật từ hoa dừa. Hiện tại, nhà máy của Sokfarm đang sử dụng nhiều máy móc, công nghệ in ấn từ Mỹ Lan… “Ông ấy là thầy chúng tôi”, họ đã nói vậy.
Nghe kể lại chuyện này, ông vui lắm. Dù đã 70 tuổi, nhưng mỗi khi đề cập đề tài khởi nghiệp, ông Mỹ lại tràn đầy năng lượng. Với ông, khởi nghiệp là đi từ 0 đến 1, là tạo ra một vật, một thứ mới hoàn toàn, dù chỉ nhỏ thôi, nhưng có thể nhân rộng mô hình, giải quyết được vấn đề của nhóm đối tượng nhất định. “Nếu anh chỉ bán thứ gì đó có sẵn, làm những gì người ta đã làm, thì đó là lập nghiệp. Khởi nghiệp về cơ bản là sự sáng tạo, đổi mới”, ông Mỹ chia sẻ.
Sự nghiệp của ông Mỹ có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho quan niệm này. Ông đang sở hữu hơn 400 bằng sáng chế liên quan đến chất dẻo dẫn điện, bản in offset CTP, mực in phun 3D, mực chống giả…, được công nhận ở nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Canada, châu Âu…
Trở về quê hương sau 25 năm sinh sống và làm việc tại Canada, TS. Nguyễn Thanh Mỹ không chỉ đưa Trà Vinh từ một trong những tỉnh nghèo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nghèo thứ ba Việt Nam bước vào bản đồ công nghệ cao của thế giới, mà còn có nhiều phát minh, dự án khởi nghiệp giúp phát triển nền nông nghiệp Việt.
Khi nói về nông nghiệp, giọng ông bỗng trầm xuống: “Sản xuất lúa gạo, trái cây, cá tôm… đều là thế mạnh của Việt Nam, nhưng vì sao bà con nông dân chưa giàu được, nông sản vẫn cứ phải giải cứu, chuỗi giá trị nông nghiệp nói mãi mà vẫn chưa thành hiện thực? Tôi mong sẽ làm được điều gì đó để hoàn thiện phần nào chuỗi giá trị nông nghiệp của Việt Nam”.
Theo phân tích của ông, Việt Nam có cả 5 phân khúc của chuỗi giá trị nông nghiệp, bao gồm vật tư đầu vào, canh tác, chế biến, phân phối và tiêu thụ. Vấn đề là cả 5 phân khúc này đều có những vấn đề cần sửa lỗi. Vì vậy, ông đã thành lập 3 công ty mới, tập trung ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. Đó là RYNAN Smart fertilizers sản xuất phân bón thông minh, thiết bị nông nghiệp; RYNAN Technologies sản xuất thiết bị IoT như ổ khóa, đồng hồ nước, trạm quan trắc nước, hệ thống giám sát côn trùng thông minh…; RYNAN Agrifoods về thương mại điện tử. Nhiệm vụ của 3 công ty này là ứng dụng công nghệ cao để khắc phục các lỗi, tiến tới hoàn thiện chuỗi nông nghiệp công nghệ cao trên mảnh đất Trà Vinh.
Theo GocnhinAlan, Tổng hợp
Xem thêm bài liên quan
- Sếp một công ty cho phép nhân viên “lười biếng” vào thứ hai hàng tuần: Giúp giảm bớt áp lực trong tuần mới và có thêm thời gian để hoàn tất những việc riêng còn dang dở
- Gen Z bộc bạch: “Tôi từ chối khi công ty bắt cam kết không nghỉ việc”
- Công thức “Bất khả chiến bại” đảm bảo thành công cho mọi doanh nghiệp: Minh quân + Quân sư + Mạnh thường quân + Đại tướng quân + Tướng Quân + Trung thần + Lính tinh nhuệ