Sếp của một công ty cho rằng “thứ hai tối thiểu” giúp nhân viên giảm bớt áp lực trong tuần mới và có thêm thời gian để hoàn tất những việc riêng còn dang dở.
Caitlin Winter (31 tuổi), giám đốc tiếp thị của Adelaide, gần đây đã nhận được sự chú ý trên mạng xã hội sau khi thử nghiệm xu hướng “ngày thứ hai tối thiểu” (Bare minimum monday) cho các nhân viên của mình.
Theo News.com.au, đây là hình thức khuyến khích người lao động khởi đầu tuần mới bằng khối lượng nhiệm vụ vừa đủ, nhằm giảm bớt sự sợ hãi và áp lực khi trở lại văn phòng.
Mỗi công ty sẽ đưa ra các giải pháp khác nhau khi theo đuổi trào lưu này. Có nơi cho phép nhân sự “điểm danh” ở nhà, trong khi một số khác giao ít công việc nhất có thể tùy theo vai trò của họ.
Winter nói rằng đối với cô, đó là cách giúp cấp dưới tận hưởng thứ 2 theo tốc độ của họ và chuẩn bị cho một tuần hiệu quả.
“Nhiều người nghĩ nó có nghĩa là tôi sẽ mặc đồ ngủ cả ngày, ngồi trước TV và không làm gì cả. Nhưng trên thực tế, đó chỉ đơn giản là một ngày chúng ta ‘work from home’, không lên lịch họp và dành thời gian cho bản thân nhiều hơn một chút để sẵn sàng cho tuần mới”, giám đốc 31 tuổi nói.
Cô cho biết thêm mọi người cũng có thể sử dụng ngày này để giặt giũ, đi chợ, lên kế hoạch cho bữa tối, dắt chó đi dạo hoặc đưa đón con cái, điều mà họ không thể làm trong giờ hành chính.
Các chuyên gia nhận định đại dịch đã vĩnh viễn thay đổi cách làm việc của nhiều ngành nghề và thị trường lao động.
Thời kỳ nhân viên phải ở trong văn phòng cả ngày, xem đồng hồ trên chiếc ghế xoay, chờ cho đến khi điểm giờ tan ca đã trở thành dĩ vãng.
Hàng loạt công ty trên khắp thế giới đã áp dụng các phương thức linh hoạt, bao gồm cả những ngày “work from home” và có mặt tại cơ quan. Các ông chủ trao quyền cho nhân viên nhiều hơn để tự do lựa chọn giờ làm.
Sự thay đổi này đã nhận nhiều lời khen ngợi và được cho là giúp cải thiện năng suất, sức khỏe tinh thần của người lao động.
Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp đã khởi động quy định quay lại văn phòng sau khi đại dịch Covid-19 lắng xuống.
Một số quản lý thậm chí còn buộc nhân viên phải đến cơ quan toàn thời gian, tạo ra phản ứng dữ dội từ những người đã thích nghi với lịch trình linh hoạt.
Ngoài ra, những xu hướng mới xoay quanh giới công sở ngày càng gia tăng, chẳng hạn tuần làm việc bốn ngày và nghỉ việc trong âm thầm.
Theo News.com.au, “thứ hai tối thiểu” đang càn quét khắp nơi, dẫn đến những luồng ý kiến khác nhau. Bên cạnh nhóm ủng hộ, những người phản đối cho rằng trào lưu này đang thúc đẩy lười biếng và lạm quyền.
Tuy nhiên, với Caitlin, đây là biện pháp tích cực vì nó giúp cô đạt được nhiều mục tiêu hơn và hoàn thành các nhiệm vụ còn dang dở trong tuần.
“Vào các ngày thứ hai, tôi dành thời gian để phát triển bản thân và nghề nghiệp. Nếu có những việc khẩn cấp, cần phải giải quyết, tôi vẫn sẽ ưu tiên chúng và không đẩy sang thứ ba”, Caitlin chia sẻ.
Quy định này cũng khiến cô nhớ lại trận chiến nội bộ giữa nhóm Millennials, những người đã làm việc như điên khi bắt đầu sự nghiệp để chứng tỏ bản thân là một nhân viên chăm chỉ.
“Tôi đã trải qua điều đó và thấy rằng mọi thứ không nên đi theo hướng như vậy”.
Một công ty yêu cầu nhân viên làm việc kém phải “tác động vật lý” vào mặt nhau nhằm tạo động lực làm việc
Câu chuyện về công ty bảo hiểm ở Hong Kong, Trung Quốc thu hút sự chú ý khi được một nhân viên chia sẻ ẩn danh trên mạng xã hội.
Cụ thể, người đăng bài cho biết tại bữa tiệc thường niên của công ty, những nhân viên làm việc kém hiệu quả được yêu cầu tát nhau để tạo động lực, theo South China Morning Post.
Nam nhân viên kể một giám sát viên của công ty đã giục khoảng chục “nhân viên kém cỏi”, bán được ít bảo hiểm, lên sân khấu, chia thành từng cặp và tát vào mặt đối phương. Khi nhận được chỉ thị, các nhân viên đứng hình trong chốc lát rồi thực hiện theo.
“Tôi tự hỏi liệu đây có phải là tội ác hay không?”, chủ nhân bài đăng viết. Anh cũng kể những người khác tại bữa tiệc đã chết lặng khi chứng kiến sự việc.
Bài đăng nhanh chóng thu hút hàng trăm ý kiến bình luận trên mạng xã hội.
“Họ thực sự đã tát đồng nghiệp của mình, đó mới là vấn đề”, một người bình luận.
Một người khác viết: “Nếu là tôi, tôi thà chết chứ không chịu tát. Cứ sa thải tôi ngay tại chỗ!”.
“Tôi thấy đây là kiểu hành vi có thể thấy ở một giáo phái chứ không phải một công ty chuyên nghiệp”, “Công ty này tàn nhẫn đến mức coi nhân viên như đồ chơi” hay “Công ty bảo hiểm nào vậy? Nếu là chỗ tôi đã mua hợp đồng, tôi sẽ hủy ngay lập tức” là những bình luận khác.
Một số người cho rằng công ty này nên bị báo cáo lên Bộ Lao động Hong Kong, đồng thời khuyên người đăng bài nên xin nghỉ việc. Trong khi đó, số khác đặt câu hỏi về độ tin cậy của câu chuyện vì người đăng ẩn danh không chia sẻ video.
Năm 2018, hình ảnh các nhân viên một công ty bất động sản ở thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc bị tát, phạt bò trên sàn do hiệu quả công việc kém cũng gây bất bình trên mạng xã hội Trung Quốc.
Theo đó, trong cuộc họp đánh giá kết quả công việc cuối tháng 4, một quản lý nữ tát liên tiếp 6 nhân viên nam trong tiếng hoan hô của các thành viên công ty. Một đoạn video khác cho thấy hàng chục nhân viên bò trên nền đất thành vòng tròn, miệng hô vang khẩu hiệu. Một người đàn ông có vẻ như là quản lý đứng ở giữa vòng tròn và kiểm tra thời gian.
Người đứng đầu công ty cho biết hình thức phạt là do các nhân viên tự lựa chọn và nhân viên nữ tát các đồng nghiệp chỉ làm những gì cô được yêu cầu. Các nhân viên nam bị đánh cũng giải thích hình ảnh được chia sẻ đã gây hiểu nhầm, nói rất thoải mái khi được làm việc trong công ty.
Tháng 12/2017, tại chương trình kỷ niệm 14 năm ngày thành lập công ty làm đẹp Nanchang Jinhuayuan Meiye ở tỉnh Giang Tây (Trung Quốc), nhiều nữ nhân viên không hoàn thành chỉ tiêu bán hàng cũng phải chịu phạt bằng cách quỳ đối diện và tát vào mặt nhau, trước mặt hàng trăm đồng nghiệp. Họ phải làm vậy để không bị đuổi việc và chỉ được dừng lại khi có lệnh.
Theo Zingnews
Xem thêm bài liên quan
- Gen Z bộc bạch: “Tôi từ chối khi công ty bắt cam kết không nghỉ việc”
- “Bà trùm” thời trang Lưu Nga: Thu nhập không phải mục tiêu cuối cùng của người lao động, thành quả mới là mục tiêu cuối cùng
- CEO Đỗ Thùy Dương: “Đường đi lên gặp ai, đi xuống sẽ gặp người đó, sếp trân trọng nhân viên trẻ, về sau sẽ có đệ tử trung thành”