“Tại sao tôi không thể thành công dễ dàng?” – Đó là câu hỏi mà nhiều người làm kinh doanh hay thắc mắc, rằng tại sao con đường tiến tới thành công của tôi lại chậm hơn, trắc trở hơn và vất vả hơn trong khi con đường của người khác lại khá dễ dàng và bằng phẳng?
Thông qua những chia sẻ của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, vị nữ tỷ phú giàu nhất Việt Nam hiện nay, chắc hẳn mỗi người sẽ có câu trả lời cho riêng mình.
Con đường đi tới thành công không bao giờ có thảm nhung êm ái
Là đại diện đầu tiên và duy nhất của Việt Nam có tên trong danh sách 56 nữ tỷ phú tự thân trên thế giới của Forbes vào năm 2017, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đồng thời cũng là nữ tỷ phú duy nhất của Đông Nam Á và là người Việt Nam thứ 2 được Forbes ghi nhận là tỷ phú USD, sau Chủ tịch VinGroup Phạm Nhật Vượng.
Là một trong những nữ doanh nhân năng động nhất Việt Nam, bà Thảo hiện đang là Chủ tịch HĐQT Sovico, cổ đông lớn nhất của hãng hàng không Vietjet và ngân hàng HDBank.
Thuộc lứa doanh nhân trở về Việt Nam lập nghiệp sau khi du học ở Đông Âu, bà Thảo ôm ấp “giấc mơ” thay đổi cục diện ngành hàng không Việt từ chỗ độc quyền kinh doanh sang hướng cạnh trang, có sự tham gia của tư nhân.
Khi đó, ý tưởng của bà bị nhiều người đánh giá là viển vông, không thực tế bởi việc hiện thực hoá nó hoàn toàn không dễ dàng, nếu không muốn nói là khó khăn chồng chất.
Thế nhưng, bằng nỗ lực, trí tuệ và sự kiên định của mình, nhà sáng lập hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam đã biến “giấc mơ” đó thành hiện thực vào tháng 11 năm 2009 và từng bước chinh phục những đỉnh cao mới, xếp tên mình trong bảng danh vọng của những người giàu nhất Việt Nam và Đông Nam Á.
Trả lời cho câu hỏi: “Tại sao con đường dẫn tới thành công của người này lại dễ dàng hơn của người khác?”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ: thương trường không có chỗ cho những người yếu đuối.
Thương trường cũng đồng nghĩa là “sàn đấu” của những con người can đảm; đã dấn thân vào kinh doanh thì phải chấp nhận sự sòng phẳng và các đối thủ cạnh tranh không bao giờ “nương tay” đối với bạn chỉ vì giới tính của bạn là nữ.
Nhìn từ bên ngoài, nhiều người cho rằng con đường mà vị nữ doanh nhân tài ba này đi có vẻ bằng phẳng hơn so với đa số, song những sóng gió ngầm trong đó thì chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu.
Bà Thảo cho rằng, dù vấn đề giới tính cũng đem lại những hạn chế nhất định, song vẫn cần thừa nhận rằng, những thiên tính của người phụ nữ đôi khi lại là những ưu điểm và tố chất cần thiết trong kinh doanh, đó chính là đức hi sinh, sự nhẫn nại và lòng bao dung để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
“Một khi làm kinh doanh hay làm bất cứ việc gì, cơ bản bạn vẫn phải cống hiến bằng năng lực của mình, đừng trông chờ vào lợi thế.
Phụ nữ có lẽ có quỹ thời gian nhiều hơn vì nam giới phải ngoại giao nhiều hơn, còn mình dành thời gian đó cho gia đình, cho công ty. Nhưng cũng vì trách nhiệm phụ nữ mà có lẽ chúng tôi phải cố gắng gấp đôi, gấp ba nam giới. Lợi thế lớn nhất vẫn là sự hi sinh, cống hiến của bản thân” – bà Thảo chia sẻ.
Như vậy, không thể phủ nhận rằng, có những người được “sinh ra ở vạch đích”, thế nhưng nếu không tự thân nỗ lực, phấn đấu, chắc chắn người đó sẽ mãi mãi giậm chân tại chỗ và chờ người khác lần lượt vượt qua, bỏ xa mình.
Con đường để đến với thành công trong kinh doanh không được trải thảm nhung, đó sẽ là những gập ghềnh trắc trở mà có lẽ chỉ người trong cuộc mới hiểu.
Nếu bạn thấy rằng con đường của ai đó bằng phẳng hơn của bạn, đó là vì bạn chỉ nhìn thấy kết quả mà không thấy được họ đã phải trả giá như thế nào.
Nguyên tắc “bất di bất dịch” để thành công
Cần có rất nhiều yếu tố để trở thành doanh nhân thành đạt và chinh phục những đỉnh cao trong lĩnh vực kinh doanh, tuy nhiên, có một nguyên tắc “bất di bất dịch” mà nữ tỷ phú Forbes người Việt cũng như tất cả những người thành công trên thế giới đều đang áp dụng, đó là “chuẩn bị kỹ lưỡng”.
Điều này đã được nhấn mạnh trong cuốn sách gối đầu giường của rất nhiều doanh nhân: “100 quy luật thành công” của tác giả nổi tiếng Brian Tracy.
Không chỉ đúng trong kinh doanh mà trong bất kỳ lĩnh vực hay công việc nào, để đạt được hiệu quả, trước tiên, bạn cần có sự chuẩn bị kỹ càng.
Điều khác biệt giữa một người thành công, một người chuyên nghiệp với một người bình thường, đó là họ luôn dành rất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị. Khi những người bình thường làm việc với tâm lý đối phó, thời gian đầu tư ít nhất thì kết quả đạt được cũng vô cùng hạn chế và những người xung quanh sẽ lập tức nhận ra một cách rõ ràng.
Cơ hội luôn đến với chúng ta một cách bất ngờ và để nắm bắt được nó, chúng ta luôn phải sẵn sàng với những tư chất tốt nhất có thể, như Abrahm Lincoln từng nói: “Tôi sẽ chuẩn bị cho cuộc đời tôi và một ngày nào đó, cơ hội của tôi sẽ đến”.
Việc chuẩn bị kĩ càng sẽ là chiếc chìa khoá để mở ra cánh cửa tương lai. Những thành công vĩ đại thường được quyết định bởi những chi tiết nhỏ nhặt nhất mà mọi người thường lãng quên, không để ý tới nó; như một bức tường khổng lồ và vững chãi thì phải được xây dựng bởi từng viên gạch chắc chắn, và ngược lại, trường thành cũng có thể sụp đổ chỉ vì một lỗ hổng rất nhỏ.
Có chung quan điểm này, diễn giả Joel Weldon từng có một bài diễn thuyết nổi tiếng có tên “Voi không bao giờ đốt”. Đó là thông điệp về những thứ nhỏ nhặt mà bạn tưởng chừng có thể lờ đi lại chính là những điều gây ra nhiều phiền toái nhất.
Con voi to lớn, ai cũng có thể nhìn thấy thì lại không bao giờ đốt, nhưng những con muỗi nhỏ bé, gần như “tàng hình” thì lại làm được việc đó và gây cho bạn nhiều nguy hiểm.
Thông điệp này thực ra rất đơn giản và trực quan: Nếu bạn muốn đạt tới đỉnh cao trong lĩnh vực của mình, bạn phải làm việc với thái độ nghiêm túc, kể cả đối với những thứ nhỏ nhặt nhất.
Suy nghĩ thấu đáo, tính toán chi tiết và lập kế hoạch kỹ càng là những yếu tố quyết định của mọi sự thành công. Song điều này cũng không có nghĩa là nếu bạn đã lập kế hoạch kỹ càng trước thì thành công sẽ tự động đến với bạn, mà nó chỉ có nghĩa rằng bạn gần như sẽ luôn thất bại nếu không thực hiện điều này.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh ra trong một gia đình gốc Hà Nội. Năm 17 tuổi, bà du học tại Liên Xô chuyên ngành Tài chính với thành tích học tập xuất sắc. Ngay từ khi còn là sinh viên năm 2, bà đã kinh doanh các mặt hàng điện tử, nông sản từ châu Á sang Đông u và kiếm được 1 triệu USD đầu tiên khi chỉ mới 21 tuổi.
Từ cuối những năm 80 của thế kỷ 20, bà Thảo cùng chồng là ông Nguyễn Thanh Hùng thành lập nên công ty SOVICO Holdings chuyên kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm, điện tử, may mặc… tại Liên bang Nga.
Đến khi trở về nước, bà Thảo cùng góp vốn thành lập nên ngân hàng Techcombank và ngân hàng VIB. Đến năm 2007, SOVICO Holdings của bà Thảo cùng HDBank, tập đoàn T&C thành lập nên Vietjet Air.
Năm 2011, bà Nguyễn Thị Phương Thảo chính thức trở thành Giám đốc điều hành của Vietjet Air. Dưới sự lãnh đạo tài tình của mình, hãng hàng không giá rẻ Việt Nam đã có những bước tăng trưởng thần tốc. Tính đến năm 2019, Vietjet đã đứng đầu thị trường hàng không Việt Nam và chiếm tới 41,2% thị phần.
Ngoài nắm quyền điều hành tại Vietjet, bà Thảo còn là Phó chủ tịch thường trực của ngân hàng HDBank, Chủ tịch HĐQT của SOVICO Holdings, Chủ tịch Công ty Địa ốc Phú Long…
Với việc nắm nhiều chức vụ quan trọng tại nhiều công ty lớn của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo sở hữu một khối tài sản vô cùng đồ sộ. Bà là tỷ phú đô la thứ 2 của Việt Nam sau ông Phạm Nhật Vượng và là nữ tỷ phú Đô la đầu tiên và duy nhất của Đông Nam Á (tính đến tháng 10/2021).
Xem thêm bài liên quan
- Tỷ phú Jack Ma khuyên người trẻ: 20 tuổi đi làm thuê, 30 tuổi theo đuổi đam mê và 40 tập trung chuyên môn
- Bí quyết làm nên tỷ phú Dư Bành Niên lừng lẫy Trung Quốc: “Kể cả khi cọ toilet, tôi vẫn cố gắng là người cọ sạch nhất”
- 10 lời khuyên của “Cụ tỷ phú huyền thoại” Warren Buffett về kiếm tiền – chi tiêu: Muốn giàu bền vững thì đừng bỏ qua!