Nói về con số để đạt tự do tài chính, Phó chủ tịch Dragon Capital Việt Nam Trần Thanh Tân đã từng “tiết lộ” một con số cụ thể trong một Talkshow. Nhà lãnh đạo nổi tiếng chia sẻ ngắn gọn: “Trên thực tế, đời người không cần đến 100 tỷ… Đôi khi chỉ 5 tỷ thôi bạn có thể sống cả đời. Hãy tin tôi.”
Tự do tài chính là gì?
Từ khóa “Tự do tài chính” được tìm kiếm khá nhiều thời gian gần đây. Tự do tài chính cũng là mục đích hướng đến của nhiều người. Nhưng bạn thực sự hiểu bản chất của: “Tự do tài chính là gì?”
Tự do tài chính là trạng thái nguồn tiền đủ để chi trả cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày như sinh hoạt cơ bản, giải trí, sở thích riêng của mỗi người… Việc đưa ra các quyết định tài chính không bị chi phối bởi tiền.
Có thể hiểu đơn giản, tự do tài chính là “đủ” về tiền bạc và tài sản để sinh sống thoải mái, lâu dài mà không bị ảnh hưởng bởi bất cứ ai hay việc phải kiếm tiền đáp ứng chi tiêu hàng tháng. Muốn đạt được tự do tài chính, bạn cần có nguồn thu lớn hơn khoản chi.
Tự do tài chính cần bao nhiêu tiền?
“Tự do tài chính” là talkshow truyền hình đầu tiên của Việt Nam cung cấp cho người xem những kiến thức bổ ích về quản lý tài chính cá nhân và những thông tin phong phú hấp dẫn về thế giới tài chính Việt Nam và quốc tế.
Khách mời của số đầu tiên này là 2 nhà lãnh đạo nổi tiếng: ông Trần Thanh Tân – Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dragon Capital VN và bà Nguyễn Thị Thanh Mai – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh REE.
Đầu livestream, khi được MC Ngọc Trinh hỏi về con số thể hiện cá tính của mình, 2 nhà lãnh đạo đã lần lượt đưa ra câu trả lời số 1 và 1968.
Theo đó, con số 1 là con số mà bà Thanh Mai yêu thích và quyết tâm chinh phục. Ông Tân chọn con số 1968 bởi đây chính xác là số mà ông được sinh ra. Ông Tân cho biết, bản thân chọn con số này “vì nó để lại trong ký ức tất cả người dân chúng ta đó là một bức tranh Mậu Thân năm 1968. Thứ hai, hình như những ai sinh ra trong khoảng thời gian đó đều khá là may mắn có được thành công như ngày hôm nay, tiêu biểu như tỷ phú Phạm Nhật Vượng sinh 68…”.
Khi đề cập đến những con số may mắn, MC Ngọc Trinh có đề cập đến con số 98 hiện đang viral trên mạng xã hội khi gần đây, công ty Vietlott đã tìm được chủ nhân chiếc vé trúng Jackpot trị giá hơn 98 tỷ đồng.
Nhắc đến con số này, MC Ngọc Trinh đã đặt ra một câu hỏi thú vị dành cho 2 khách mời: “Theo anh chị, con số 98 có phải là con số giúp cho người khác đạt được tự do tài chính hay không?”
Với câu hỏi này, nữ Chủ tịch REE trả lời khá dài dòng và không đi vào trọng tâm. Bà cho biết: “98 tỷ là con số không nhỏ, nếu may mắn trúng số thì điều đầu tiên nhiều người nghĩ đến sẽ là làm gì với số tiền đó ? Có rất nhiều cách, người thì nghĩ tiêu xài trước rồi tính sau, còn với những người trong giới đầu tư, họ sẽ suy nghĩ đến việc phải đi đầu tư vào cái gì để cho nó sinh lời và giữ được cái số vốn đó để sinh lời. Tuy nhiên, điều đó chưa chắc đã thông minh. Bây giờ nhiều người nghĩ 35 tuổi sẽ về hưu nhưng quan điểm này mình không đồng ý…”
Để trả lời cho câu hỏi này, Phó chủ tịch Dragon Capital Việt Nam chỉ trả lời ngắn gọn: “Trên thực tế, đời người không cần đến 100 tỷ. Nếu bạn đủ thông minh, bạn dùng đủ phương pháp đầu tư, kiên trì trong vấn đề đầu tư và có kỷ luật, đôi khi chỉ 5 tỷ thôi bạn có thể sống cả đời. Hãy tin tôi.”
Cũng trong một số MONEYtalk khác, Ngô Thùy Anh, Nhà sáng lập và CEO của Hasu, Aligo Kids, Hộp ký ức, và Aligo Media lại đưa ra quan điểm rằng tự do tài chính phải đến từ việc tiêu bao nhiêu tiền.
“Mình cũng có ngồi với một người bạn và tính xem con số sẽ đủ cho gia đình và bản thân mình. Chẳng hạn gia đình có 4 người, để đề phòng những trường hợp không hay xảy ra hoặc một số thành viên không làm việc được thì số tiền ước tính sẽ là khoảng 3 tỷ đến 4,8 tỷ.
Đấy là về mặt cơ bản mình có thể sống được, tuy nhiên, quyết định giữ khoản tiền đó như thế hay cố gắng vì nó như thế nào, đầu tư vào đâu lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.” Nhà sáng lập Hasu cho hay.
Sabatier, một người đạt được sự độc lập về tài chính ở tuổi 30 đã đưa ra công thức tính số tiền để có được tự do tài chính trên CNBC.
Theo đó, khi có số tiền gấp 25 lần chi phí sinh hoạt hàng năm tối thiểu của mình (tương tự cho hộ gia đình) thì bạn có thể để đạt được sự độc lập về tài chính và sống nhờ số tiền đó cho đến hết đời. Ví dụ, bạn cần chi tiêu 200 triệu một năm, thì cần ít nhất 6 tỷ để cơ bản đạt được tự do tài chính.
Phép tính 25 lần thu nhập bắt nguồn từ quy luật 4% trong một nghiên cứu năm 1998, còn được biết đến với cái tên “Trinity study”, trong đó phân tích danh mục đầu tư của nhiều người trong khoảng thời gian 1926 – 1995.
Kết quả cho thấy 99% các trường hợp, nếu mỗi năm rút 4% số tiền từ danh mục đầu tư cổ phiếu và trái phiếu thì sẽ đủ tiền hoặc dư để sống thêm 30 năm.
Nguyên tắc để đạt được tự do tài chính
Tự do tài chính là cơ sở để nghỉ hưu sớm, được làm những điều mình thích mà không bị áp lực kiếm tiền và công việc. Có một số nguyên tắc để đạt được tự do về tiền bạc bạn cần tuân thủ:
Tăng nguồn thu nhập
Về cơ bản, tự do tài chính là thu nhập luôn lớn hơn chi tiêu. Do vậy, cần tăng nguồn thu để làm giàu quỹ tài chính, giúp các hoạt động chi tiêu không bị giới hạn, mức sống được đảm bảo. Trước khi đạt được tự do tài chính, bạn cần tăng nguồn thu nhập chủ động và thụ động của bản thân.
Nguồn thu nhập càng lớn, khoảng cách để đạt được tự do tài chính càng rút ngắn. Bạn cần nâng cao hiệu suất công việc, tăng lương, làm việc chăm chỉ để kiếm tiền. Đồng thời, đa dạng nguồn thu không chỉ từ một nguồn duy nhất.
Tích lũy tiền bạc
Tích lũy tiền bạc là yếu tố quan trọng không thể thiếu để đạt tự do tài chính. Bạn cần có một khoản tích lũy dự phòng cho bản thân trong những trường hợp khẩn cấp, đáp ứng nhu cầu chi tiêu trong thời gian dài không làm việc.
Tiết kiệm và tích lũy là nền tảng để làm chủ tài chính của bản thân mỗi người. Nếu không tiết kiệm, sẽ không bao giờ giàu có và đạt tự do về tiền bạc.
Giảm nhu cầu vật chất
Nhu cầu vật chất là nguyên nhân khiến nhiều người gia tăng chi tiêu, lạm phát thu nhập và không thể tiết kiệm tiền. Nhiều người chi tiêu quá mức cần thiết dẫn đến lâm vào cảnh thiếu tiền, vay nợ.
Nếu bạn không cắt giảm những nhu cầu vật chất không thực sự cần thiết, lãng phí sẽ khiến ngân quỹ thâm hụt, nhanh chóng tiêu tan khoản tiết kiệm, ảnh hưởng đến kế hoạch tự do tài chính và nghỉ hưu non.
Quy tắc 4%
Quy tắc 4% là nguyên tắc căn bản mà những người có kế hoạch nghỉ hưu sớm cần tuân thủ. Có thể hiểu đơn giản, mỗi năm sẽ trích 4% số tiền mình có (tích lũy hoặc thu nhập thụ động sau lạm phát) để phục vụ chi tiêu.
Tuy nhiên với tình trạng lạm phát và khủng hoảng tài chính, bạn có thể điều chỉnh mức rút ra là 3% tổng giá trị tài sản mỗi năm, để đảm bảo an toàn.
Trong cuốn sách “21 nguyên tắc tự do tài chính” của Brian Tracy có đưa ra những nguyên tắc vàng để một người ở bất cứ đâu, xuất phát điểm như thế nào cũng có thể đạt được sự tự do về tiền bạc, tài chính.
Bạn có thể trở thành 1 triệu phú nếu có ước mơ, tuân thủ kỷ luật, có những kế hoạch rõ ràng và cam kết thực hiện đến cùng.
Theo Nhịp sống kinh tế, Finhay
Xem thêm bài liên quan
- “Bậc thầy tài chính” Trần Thanh Tân: Đời người không cần đến 100 tỷ, đôi khi chỉ 5 tỷ thôi bạn cũng có thể sống cả đời
- Bí kíp xây dựng cỗ máy kiếm tiền với công thức “3 bình + 6 bánh” hiệu quả cho mọi cá nhân: Áp dụng sớm, giàu sớm
- Tài chính cá nhân: Sống thận trọng quá mức là không khôn ngoan để thành công