Sở thích gửi Email lúc nửa đêm cho nhân viên của “sếp tổng” Elon Musk từ lâu đã bị cho là thiếu chuyên nghiệp, không phải cách giao tiếp khôn khéo giữa sếp và nhân viên.
Trong vài tuần sau khi trở thành CEO mới của Twitter, Elon Musk đã sa thải khoảng 3.700 nhân viên. Nhưng kể từ khi mua lại công ty vào ngày 27/10, Musk vẫn chưa chính thức nói chuyện với phần lớn nhân viên ở lại Twitter.
“Bất kể hình thức giao tiếp nào về bất kỳ điều gì trung thực nên là bước đầu tiên, nhưng không ai nghe thấy điều gì cả”, một nhân viên Twitter làm việc tại New York nói với tạp chí Fast Company.
Tối 9/11, Musk quyết định sửa chữa điều này bằng cách gửi email đầu tiên đến các nhân viên của Twitter. Trong email, CEO nói về thời kỳ khó khăn của công ty và phát lệnh cấm làm việc tại nhà.
Bên cạnh nội dung không mấy vui vẻ, email gây tranh cãi khi được gửi vào lúc 2h30, khoảng thời gian mà hầu hết nhân viên của Musk đều đang ngủ say.
Đây cũng không phải lần đầu tiên Musk đưa ra một thông báo quan trọng cho nhân viên của mình vào lúc nửa đêm hoặc rạng sáng. Sở thích gửi email trong giờ nghỉ của vị tỷ phú từ lâu đã bị chỉ trích là thiếu chuyên nghiệp và không phải cách giao tiếp khôn khéo với cấp dưới.
Gửi email lúc nhân viên đang ngủ
Một số nhân viên của Twitter cho biết họ nhận được email sa thải của công ty vào tối 4/11 khi đang ngủ và không thể đăng nhập nhóm làm việc trên Slack vào sáng hôm sau.
“Thức dậy mà không có quyền truy cập slack/gmail/office và máy tính xách tay bị khóa từ xa. Bị sa thải mà không có email xác nhận khi đang ngủ?”, Jaseem Abid, cựu nhân viên Twitter, chia sẻ bức xúc.
Không chỉ riêng đối với Twitter, Elon Musk cũng thích gửi email lúc nửa đêm đối với các nhân viên của mình tại Tesla.
Theo Wall Street Journal, tháng 2/2019, các nhân viên của Tesla đã nhận được thông báo về việc công ty cắt giảm nhân sự vào lúc 1h20 (theo múi giờ ở California, nơi Tesla đặt trụ sở).
Hồi tháng 6, Musk tiếp tục gửi email đến nhân viên Tesla vào giờ nghỉ ngơi, cụ thể là lúc 22h50. Nội dung email yêu cầu các nhân viên phải làm việc ít nhất 40 giờ/tuần trong văn phòng.
Giải thích về sở thích gửi email lúc nửa đêm của Musk, André Spicer, trưởng khoa và là giáo sư về hành vi tổ chức tại Trường Kinh doanh Bayes, Đại học London, nói rằng vị tỷ phủ có thể đang cố gắng gửi đi một thông điệp.
“Rõ ràng đó là biểu tượng cho thấy ông chủ luôn làm việc bất kể ngày đêm và nhân viên cũng được kỳ vọng như vậy”, Spicer nói.
Musk được mệnh danh là “CEO nghiện việc nhất thế giới” khi từng tuyên bố mình làm việc 120 giờ/tuần và chưa có một tuần nghỉ ngơi nào kể từ trận sốt rét năm 2001.
Không chỉ dừng ở việc gửi email lúc nửa đêm, vị tỷ phú này thậm chí từng bất ngờ yêu cầu toàn bộ nhân viên làm việc tại nhà máy của SpaceX họp khẩn cấp lúc 1h, theo Ars Technica.
Nhân viên bức xúc
Dù ý định của Musk là gì, đa số nhân nói nói rằng email lúc nửa đêm không được chào đón. Một nhân viên tại văn phòng Bờ Tây của Twitter nói rằng email, và đặc biệt là thông báo nhân viên quay lại văn phòng, đã khiến mọi người suy sụp.
“Ông ấy đang hủy diệt nơi này và chắc chắn sẽ đặt dấu chấm hết cho Twitter”.
Các nghiên cứu cho thấy email sau giờ làm thúc đẩy cảm giác rằng một tin nhắn liên quan tới công việc có thể đến bất cứ lúc nào, bất kể thời gian trong ngày hay ngày nghỉ trong tuần. Điều này khiến người lao động gia tăng lo lắng, giảm chất lượng giấc ngủ và giảm mức độ hài lòng trong công việc.
Một nhà nghiên cứu của Virginia Tech, gọi đây là “căng thẳng có thể đoán trước được”, chỉ cảm giác luôn mường tượng mình nhận được email công việc vào giờ nghỉ, ngay cả khi email đó không tồn tại.
Theo một nghiên cứu của Organizational Behavior and Human Decision Processes, các nhà quản lý sử dụng điện thoại cho mục đích làm việc sau 21h nhận thấy bản thân kiệt sức vào buổi sáng, bắt đầu một chu kỳ nguy hiểm: mất tập trung vào ban ngày nhưng cố nhồi nhét công việc vào ban đêm.
Email công việc lúc đêm khuya là vấn đề nhạy cảm trong thời gian dài. Tuy nhiên, với sự gia tăng của quyền ngắt kết nối, việc sếp gửi email hay nhắn tin cho nhân viên vào giờ nghỉ đang bị coi là bất hợp pháp ở nhiều nơi.
Bồ Đào Nha cấm nhà tuyển dụng liên lạc với nhân viên sau giờ làm. Pháp đã thông qua một luật tương tự cho phép nhân viên bỏ qua các email công việc được gửi sau giờ làm việc vào năm 2017.
Philippines, Italy, Slovakia và gần đây nhất là Ontario (Canada) cũng ban hành quy định về quyền ngắt kết nối để phân tách công việc và cuộc sống của người lao động.
Tuy nhiên, riêng tại Mỹ, các chuyên gia cho rằng không dễ để thông qua luật tương tự.
Olivia Martindale, Giám đốc điều hành của tập đoàn đầu tư bất động sản FixedProperties, nói: “Bất cứ khi nào nói về tính khả thi của việc thông qua một đạo luật ở Mỹ, bạn phải cân nhắc xem luật tác động đến các lãnh đạo doanh nghiệp nhiều hơn dư luận. Sẽ rất khó khăn để thông qua một đạo luật hạn chế như vậy. Nhiều người coi nó là mối đe dọa đối với lợi nhuận”.
Còn theo Phil Strazzulla, người sáng lập SelectSoftware Reviews, mặc dù không có luật nào về cân bằng công việc/cuộc sống, điều đó không có nghĩa là nhân viên không thể tự thương lượng.
“Trên thị trường việc làm hiện nay, người tìm việc chiếm thế thượng phong. Tình trạng thiếu nhân công đã xảy ra ở hầu hết mọi ngành, vì vậy, là một nhà tuyển dụng, bạn sẽ phải thay đổi tích cực nếu muốn có được những nhân tài tốt nhất. Tôn trọng cuộc sống gia đình, cá nhân của nhân viên là một cái giá nhỏ phải trả để có được những người tài giỏi nhất trong công ty của bạn”, Strazzulla giải thích.
Theo Zingnews
Phong cách lãnh đạo của Elon Musk qua hai bức email
Để có thể gặt hái được những thành tựu như ngày nay, phong cách lãnh đạo độc đáo là một phần không thể thiếu đối với sự phát triển các doanh nghiệp của Elon Musk.
Elon Musk đã từng miêu tả chính bản thân mình không chỉ là một “Micro-manager” (nhà quản lý luôn theo đuổi sự toàn mỹ trong tất cả mọi việc, luôn cầu toàn đến từng chi tiết nhỏ) mà thực tế còn kinh khủng hơn – ông ví mình là “Nano-manager” (ý chỉ một nhà quản lý quan tâm tới những tiểu tiết, những chi tiết siêu nhỏ hơn nữa).
Là một người nổi tiếng, lại người tích cực trong giao tiếp đại chúng, CEO Elon Musk của hãng xe điện Mỹ Tesla đã thể hiện khả năng quản trị nhân sự của mình qua những dòng tweet ào ạt trên mạng xã hội Twitter cho tới những bức email gửi toàn thể nhân viên Tesla.
Hãng tin CNBC gần đây đã thu thập được hai bức email mà Musk gửi nhân viên Tesla trong tuần đầu tiên của tháng 10. Bức thư đầu tiên khá mềm mỏng, nói rằng việc nghe nhạc bằng một bên tai nghe trong lúc làm việc là chấp nhận được. Bức thư thứ hai, với quan điểm cứng rắn, nhắc nhở nhân viên về việc chỉ có ba lựa chọn khi CEO Elon Musk ra chỉ đạo về công việc.
Thời điểm hai bức email này được gửi đi là sau khi Tesla vừa công bố lượng xe được bàn giao cho khách hàng nhiều kỷ lục trong quý 3, với 241.300 xe được giao, vượt xa con số dự báo 220.900 xe mà các nhà phân tích dự báo trước đó.
Kỷ lục này được thiết lập bất chấp tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, mà chủ yếu là thiếu con chip.
Đó cũng là thời điểm Tesla triển khai nút “Full Self-Driving Beta” được chờ đợi từ lâu, cho phép các chủ xe Tesla đăng ký dùng thử phần mềm trợ lái mới trước mỗi đợt nâng cấp.
Ngoài ra, vào hôm 4/10, Tesla thua một vụ kiện lớn tài một toà án liên bang ở San Francisco, trong đó thẩm phán ra phán quyết buộc Tesla phải bồi thường cho một nhân viên cũ có tên Owen Diaz số tiền 137 triệu USD.
Lý do bồi thường là người này đã phải chịu một môi trường làm việc có mức độ phân biệt chủng tốc cao tại một nhà máy lắp ráp ô tô của Tesla ở Fremont, California.
Đây không phải là lần đầu tiên CNBC thu thập được những bức email mà Musk gửi nhân viên. Trong những tháng gần đây, hãng tin này đã có được một số email khác từ Musk, từ khuyến khích nhân viên làm việc trong nhà máy mới của Tesla ở Berlin, Đức, cho tới bày tỏ nhất trí với một dự báo của giới phân tích hồi tháng 9 nói rằng giá cổ phiếu Tesla có thể đạt mức 3.000 UISD/cổ phiếu.
Dưới đây là nội dung hai bức email của Musk gửi nhân viên vào hôm 3/10 và 4/10:
Bức email đầu tiên là về việc nghe nhạc ở nơi làm việc:
“Gửi: Tất cả mọi người
Từ: Elon Musk
Ngày: Chủ nhật, 3/10
Chủ đề: Nghe nhạc trong nhà máy
Tôi chỉ muốn nói rằng tôi rất ủng hộ việc nghe nhạc trong nhà máy, cũng như những thứ nho nhỏ khác giúp thời gian làm việc trở nên thú vị hơn.
Một đồng nghiệp vừa gửi tôi một lời nhắn, hỏi xem liệu chúng ta có thể đeo tai nghe một bên tai để nghe nhạc và bên tai còn lại để nghe các vấn đề về an toàn. Điều này có vẻ ổn đối với tôi.
Ngoài ra, việc nghe nhạc bằng loa ngoài cũng hoàn toàn chấp nhận được, miễn sao có một thoả thuận hợp lý giữa đồng nghiệp của các bạn về vấn đề lựa chọn nhạc.
Nếu có những điều khác mà các bạn cho là sẽ giúp ngày làm việc của các bạn trở nên tốt hơn, hãy vui lòng cho tôi biết. Tôi đặc biệt quan tâm đến việc các bạn mong chờ được tới nơi làm việc mỗi ngày”.
Qua bức thư, CEO Tesla thể hiện bản thân là một người rất quan tâm đến đời sống tinh thần của nhân viên. Ông khuyến khích mọi nhân sự của Tesla tự tạo cho mình sự thoải mái khi làm việc song vẫn nhẹ nhàng, tinh tế khi khéo léo nhắc nhở mọi người nên cân đối mọi thứ trong không gian làm việc để tránh gây ảnh hưởng đến người khác, ví dụ ở đây là nghe nhạc.
CEO Tesla dù ủng hộ việc nghe nhạc trong giờ làm nhằm tạo không khí thoải mái khi làm việc nhưng ông cũng không quên bảo nhân viên sử dụng tai nghe một bên để vừa nghe nhạc vừa có thể phản ứng khi giao tiếp với đồng nghiệp.
Trong khi đó, việc bật loa cũng được Elon Musk nhắc nhở rất nhẹ nhàng là “nên hỏi ý kiến đồng nghiệp trước”, điều này sẽ giúp tránh được việc tạo ra sự khó chịu cho người khác tại nơi làm việc.
Bức email thứ hai nhắc nhở nhân viên Tesla về việc ông chủ là ai.
CEO Tesla cho biết khi ông đã trực tiếp gửi email nói rõ vấn đề, người nhận được thư chỉ được chọn một trong ba hành động: chỉnh những gì Musk nói sai, hỏi rõ lại hoặc thực hiện mệnh lệnh.
“Nếu không làm điều gì trong số đó, vị quản lý sẽ bị yêu cầu nghỉ việc ngay lập tức”, Musk viết trong câu kết thư.
Cụ thể, bức thư được trình bày như sau:
“Gửi: Tất cả mọi người
Từ: Elon Musk
Ngày: Thứ Hai, 4/10
Chủ đề: Vui lòng ghi nhớ
Nếu có một bức email gửi từ tôi với những chỉ đạo rõ ràng, chỉ có ba hướng duy nhất mà các nhà quản lý có thể cho phép.
1. Gửi email hồi đáp tôi, giải thích vì sao những gì tôi nói là không đúng. Đôi khi, tôi cũng sai như thường.
2. Đề nghị giải đáp kỹ hơn nếu những gì tôi nói còn chưa rõ.
3. Thực hiện theo chỉ đạo.
Nếu không có một điều nào trong ba điều trên được làm, nhà quản lý đó sẽ được yêu cầu từ chức ngay lập tức.
Cảm ơn các bạn,
Elon”
Đây là bức thư mà Elon Musk gửi tới các quản lý yêu cầu họ chỉ rõ những điều mà ông nói đang gặp phải vấn đề gì; làm rõ vấn đề; và tuân theo các yêu cầu của sếp.
Cụ thể, vị tỷ phú cho rằng bản thân không phải lúc nào cũng đúng hoàn toàn và nhân viên của ông có thể giúp mình sửa những lỗi sai đó.
Tuy nhiên, ông yêu cầu nếu có khiếu nại thì cần phải giải thích rõ cái sai của vị tỷ phú, nếu điều gì ông nói khiến mọi người cảm thấy khó hiểu thì mọi người có thể hỏi lại để làm rõ ý của CEO Tesla.
Tỷ phú Elon Musk tỏ ra mình là một người rất tôn trọng ý kiến của nhân viên song ông yêu cầu những ý kiến phản biện cần phải có sự giải thích rõ ràng. Nếu không đưa ra được lí do cụ thể nhưng vẫn bất tuân theo mệnh lệnh từ cấp trên, rõ ràng là trát sa thải luôn sẵn chờ.
Ngoài ra, vào năm 2018, trong một email gửi cho nhân viên bị rò rỉ ra bên ngoài, CEO Elon Musk của Tesla cũng đã gửi một lời “cảnh báo” đến các nhân viên quản lý của mình. “Giao tiếp nên là con đường ngắn nhất, cần thiết nhất để hoàn thành công việc, không phải thông qua những chuỗi mệnh lệnh. Bất kỳ người quản lý nào cố gắng thực thi chuỗi mệnh lệnh sẽ sớm tìm nơi khác để làm việc”.
Elon Musk khi đó đang rất lo lắng về những gì mà nhiều công ty phải đối mặt – giao tiếp kém khiến mọi thứ chậm lại và hạn chế sự sáng tạo.
Đối với Musk, thông tin phải đi theo bất kỳ hướng nào, giữa tất cả các cấp bậc trong một tổ chức. Nếu một điều gì đó cần được truyền đạt theo cách giúp tăng hiệu quả và năng suất, theo quan điểm của ông, nó phải đi một quãng đường ngắn nhất.
Ông cũng nói thêm trong email này rằng: “Để hoàn thành công việc giữa các bộ phận, một cá nhân phải nói chuyện với quản lý, sau đó quản lý nói chuyện với Giám đốc, Giám đốc nói chuyện với Phó Chủ tịch, Phó Chủ tịch này nói chuyện với một Phó Chủ tịch khác”
“Bản thân người Phó Chủ tịch đó cũng nhận thông tin từ Giám đốc, quản lý, người đóng góp… những điều siêu ngớ ngẩn chắc chắn sẽ xảy ra. Mọi người cần nói chuyện trực tiếp và chỉ làm cho điều đúng đắn xảy ra”.
Quyền tự chủ là một trong những yếu tố cơ bản thúc đẩy con người, dẫn đến hiệu suất tốt hơn. Các nhà lãnh đạo giỏi hiểu rằng họ không có tất cả câu trả lời cho vấn đề của tổ chức và mỗi nhân viên bên dưới đều có thể đóng góp.
Đó là sự thay đổi mô hình giao tiếp “chuỗi mệnh lệnh” mà Elon Musk đề cập sang mô hình mà các nhà lãnh đạo và quản lý từ bỏ quyền kiểm soát để những người hiểu vấn đề nhất được trao quyền tự hành động.
Theo CNBC, Elon Musk thỉnh thoảng vẫn gửi email tới toàn công ty. CEO Tesla có khi gửi mail động viên nhân sự ở nhà máy gần Berlin, hay bày tỏ sự đồng ý với phân tích cổ phiếu của công ty này có thể đạt tới giá 3.000 USD.
Đối với truyền thông và người hâm mộ, cách giao tiếp chính của Musk vẫn là trên Twitter. Ông thậm chí sử dụng Twitter để hỏi người dùng nhiều câu có ảnh hưởng lớn, như liệu có nên bán 10% cổ phần của mình tại Tesla nhưng đối với nhân viên, Elon Musk luôn cho thấy một sự lãnh đạo tuyệt vời khi vừa mềm mỏng, lại có phần vô cùng nghiêm khắc.
Tham khảo Techconnect