Thế nào là 1 người lãnh đạo tốt? Sếp FPT Hoàng Nam Tiến lại thêm 1 lần khiến các bạn trẻ phải gật gù khi đưa ra 1 câu nói định nghĩa về người sếp tốt.
Sau khi tốt nghiệp ngành CNTT ĐH Bách Khoa năm 1993, ông Hoàng Nam Tiến đã gia nhập FPT. Qua nhiều năm cống hiến cho hoạt động kinh doanh của tập đoàn, ngày 3/3/2020, ông Hoàng Nam Tiến được bầu làm Chủ tịch FPT Telecom.
Trải qua 3 năm ở vị trí này, ông “rời ghế” Chủ tịch, trở thành Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, tiếp tục gắn bó với tập đoàn ở một cương vị rất khác.

Nổi tiếng với cơ ngơi đồ sộ, sự nghiệp vững chãi, ông Hoàng Nam Tiến là 1 trong những người nhận được sự chú ý, ngưỡng mộ của cộng đồng mạng. Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT còn thường xuyên gây chú ý với những phát ngôn thú vị, thể hiện các góc nhìn mới mẻ.
Mới đây nhất, trong 1 đoạn video ngắn chia sẻ trên kênh FPT Chúng ta, sếp Hoàng Nam Tiến đã thực hiện thử thách “điền vào chỗ trống”. Trong đó, có 1 phát ngôn đang gây bão cộng đồng mạng, chỉ ra đặc điểm của 1 người lãnh đạo tuyệt vời.
Sếp tốt phải biết… ting ting liền tay
Cụ thể, khi người hỏi đưa ra câu: “Một người sếp tốt là người sẽ nhìn thấy…”, sếp Hoàng Nam Tiến đã nhanh chóng đáp “nhân viên thiếu tiền khi nào để mình ting ting luôn”.
Câu nói thẳng thắn và có phần hài hước của sếp Nam Tiến khiến nhiều người chú ý. Theo góc nhìn từ sếp Tiến, 1 lãnh đạo tốt sẽ biết nhân viên của mình “thiếu tiền” lúc nào để tiện bề… “ting ting”.

Khi phát ngôn của ông Hoàng Nam Tiến được chia sẻ, cộng đồng mạng đưa ra nhiều phản hồi. Hầu hết người dùng mạng đều cảm thấy góc nhìn của sếp Tiến mới mẻ, khác biệt. Câu nói này đang tạo nên 1 chủ đề bàn luận thú vị của các Gen Z, khiến nhiều người gật gù công nhận.
“Câu nói thu hút quá”, “Mấy ai hiểu được nhân viên như sếp Hoàng Nam Tiến”, “Chuẩn sếp nhà người ta rồi, mấy ai mà gặp được đâu” … là những lời bàn luận từ phía người dùng mạng với phát ngôn mới của sếp Hoàng Nam Tiến.

Hàng loạt chia sẻ thú vị về việc làm, nghề nghiệp
Đây không phải lần đầu tiên ông Hoàng Nam Tiến gây chú ý bởi phát ngôn. Cũng trong đoạn video nói trên, sếp Tiến đưa ra không ít câu nói thể hiện sự hài hước và hóm hỉnh.
Điển hình có lẽ phải kể tới các câu: “Việc nhờ vả đồng nghiệp sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn chỉ khi… có thêm ly trà sữa”, “Người bi quan chỉ thấy công việc, người lạc quan luôn nghĩ đến… tiền thưởng”, “Nhân viên nghỉ việc không phải vì họ rời công ty mà vì… có chỗ khác trả lương cao hơn”.
Nhiều câu nói, quan điểm liên quan tới việc làm, nghề nghiệp của Gen Z cũng được sếp Hoàng Nam Tiến thể hiện rõ ràng. Điều này còn góp phần giúp giới trẻ có thêm động lực để phát triển bản thân, đạt được mục tiêu trong sự nghiệp.
Trong đó, nổi bật nhất là quan niệm “còn trẻ thì hãy cố gắng làm những gì ra tiền, thật nhiều tiền, rồi mới làm việc mình thích. Nếu bây giờ làm việc mình thích trước, về cơ bản thì không ra tiền đâu”.
Đây là lời khuyên của sếp Tiến khi xuất hiện trong 1 tập phát sóng của Cơ hội cho ai. Thay vì “đi đường vòng”, vị doanh nhân này khẳng định còn trẻ cần cố kiếm nhiều tiền, việc mình đam mê chưa chắc đã đáp ứng được.
Trên thực tế, quả thật có rất nhiều bạn trẻ đang loay hoay giữa 2 ngã rẽ: Làm việc lương cao hay làm công việc mình yêu thích dù lương rất thấp.

Trả lời cho câu hỏi: “Gen Z có nên nhảy việc không” , sếp Hoàng Nam Tiến cũng đưa ra lời khuyên, định hướng cho giới trẻ: “Trong cuộc đời có rất nhiều điểm được gọi là checking point, thời điểm đó bạn phải vượt qua được. Khi đã vượt qua được, hãy tự tin ứng tuyển ở một chỗ làm mới, làm được những việc mình thích và được trả lương cao hơn 30% thì hãy nhảy việc”.
Những phát ngôn khiến Gen Z phải “giật mình” của ông Hoàng Nam Tiến
Sinh năm 1969, năm nay đã 54 tuổi nhưng Chủ tịch Hoàng Nam Tiến vẫn là 1 “diễn giả” đặc biệt, đem đến nhiều bài học thú vị cho Gen Z. Trong nhiều buổi chia sẻ, ông gây ấn tượng bởi cách trò chuyện dân dã, gần gũi, không có chút khoảng cách nào dù là người “đứng trên nhiều người”.
Chia sẻ với thế hệ trẻ về các quan điểm kiếm tiền, làm giàu và thành công, ông Hoàng Nam Tiến khiến nhiều người giật mình vì những câu chuyện thẳng thắn, “đánh trúng” tâm lý người nghe. Xuất hiện tại TEDxFPTUniversityHCMC 2022, ông Nam Tiến đã từng trở thành tâm điểm của sự chú ý nhờ phần diễn thuyết sâu sắc, thú vị.
Nói về việc kiếm tiền, ông Hoàng Nam Tiến tự cảm thấy xấu hổ trước các bạn trẻ đã bỏ ra tới 20 tiếng mỗi ngày để cống hiến cho công việc. “Tôi rất tự hào mình có thể làm việc 12, 14, 16 giờ/ngày, không có thứ 7, chủ nhật, làm từ năm này qua năm khác, nhưng tôi vẫn cảm thấy xấu hổ khi gặp các bạn trẻ làm việc 20 giờ/ngày.
Các bạn ấy bị vợ mắng nếu mà có vợ, các bạn bị người yêu bỏ, chắc chắn bỏ rồi, bởi vì không còn thời gian nào. Các bạn sống bằng đam mê, bằng hành động của mình và làm việc điên cuồng mỗi ngày”.

Có tới 3 thập kỷ làm việc và trở thành người có ảnh hưởng trong lĩnh vực kinh doanh, ông Hoàng Nam Tiến vẫn chưa cảm thấy “đủ”. Ông cảm thấy hối hận vì không mang nhiều tiền về cho mẹ sớm hơn, để giờ đây mẹ đã bị lẫn và không còn hỏi câu đó nữa.
Những câu chuyện, quan điểm mà sếp Hoàng Nam Tiến chia sẻ không chỉ khiến Gen Z được “giác ngộ” mà còn là động lực, cảm hứng giúp họ nỗ lực hơn trong công việc. Việc tìm ra đam mê vô cùng quan trọng, và việc kiếm tiền cũng là vấn đề “nòng cốt” trong tư duy của cựu Chủ tịch FPT Telecom.
“Tôi chưa biết đối với mỗi người thì giá trị cao nhất của họ là gì. Có người là tình yêu gia đình, có người là tín ngưỡng của riêng họ, có người tham mê quyền lực, nhưng tôi tin rằng giá trị thứ nhì mà chúng ta quan tâm đến là phải làm ra tiền” – ông nhấn mạnh vai trò của việc kiếm tiền trong cuộc đời mỗi người.
Ngoài ra, ông Hoàng Nam Tiến còn liên tục trở thành tâm điểm của cộng đồng mạng vì nhiều phát ngôn thấm thía, thể hiện góc nhìn thú vị, điển hình có thể kể tới:
– “Muốn sống sót trong thời đại hiện nay, chúng ta phải học tập suốt đời”,
– “Mới ra trường, còn trẻ thì hãy cố gắng làm những gì ra tiền, thật nhiều tiền, rồi mới làm việc mình thích. Nếu bây giờ làm việc mình thích trước, về cơ bản thì không ra tiền đâu”
– “Những người mù chữ trong thế kỷ 21 sẽ không phải là những người không biết đọc, biết viết, mà là những người không có khả năng học, rồi quên đi chính những thứ mình đã học và tiếp tục học cái mới”…
Quan điểm dạy con “khác người”
Không chỉ là 1 người truyền cảm hứng cho giới trẻ, ông Hoàng Nam Tiến còn là 1 người cha mẫu mực trong tổ ấm của mình. Ông có những quan điểm dạy con thú vị, khác người khiến nhiều người bất ngờ khi tìm hiểu.

Là 1 người cha, ông Hoàng Nam Tiến luôn mong muốn con mình có tư duy đúng đắn, có động lực để phát triển bản thân. Và trên tất cả, ông luôn cho con hiểu được giá trị đồng tiền, cách sử dụng tiền và làm thế nào để kiếm tiền.
Từ khi con còn khá nhỏ, cựu chủ tịch FPT Telecom đã thẳng thắn trò chuyện với con về chủ đề tiền nong. Chia sẻ trên truyền hình, ông Hoàng Nam Tiến bộc bạch: “Người ta có thể tranh cãi nhưng tôi nghĩ điều quan trọng thứ 2 trong cuộc đời là kiếm tiền. Điều thứ nhất thì tùy mỗi người. Thực ra người ta càng ít nói về vấn đề gì thì người ta nghĩ về vấn đề đấy nhiều hơn.
Đối với con của tôi chẳng hạn. Tôi nói rất thẳng thắn rằng tôi không thể học hộ, tôi không thể sống thay được. Điều duy nhất mà hiện nay tôi làm là tạo điều kiện tốt nhất, trong đó có học tập. Học hành chỉ là 1 phần trong cuộc sống cho con mình. Tôi cũng nói rất rõ là sẽ chi bao nhiêu tiền cho việc học của con”.
Khác với những ông bố bà mẹ thường xuyên né tránh nhắc tới chủ đề tiền bạc với con cái, ông Hoàng Nam Tiến lại giúp con có những nhận thức mới về điều này. Ngay cả việc chi bao nhiêu tiền cho con học tập, ông Hoàng Nam Tiến cũng công khai rõ ràng cho con nắm được.
Sau những chia sẻ về học phí của con, ông Hoàng Nam Tiến được con chia sẻ những dự định học tập, công việc trong tương lai. Vì được tiếp xúc với người bố cởi mở ngay từ nhỏ nên người con này cũng rất thoải mái tâm sự với bố. Ông Hoàng Nam Tiến cũng đồng ý với các quyết định sử dụng tiền của con miễn sao con biết cách chi tiêu phù hợp.
Khác với số đông các ông bố, bà mẹ ở Việt Nam, thay vì cố gắng làm bạn với con, sếp Tiến luôn đề cao việc dạy con sử dụng tiền, kiếm tiền. Bên cạnh đó, ông tôn trọng các sở thích, đam mê của con và không áp đặt quan điểm cá nhân vào chúng.
“Rất nhiều cháu bây giờ phải sống để nuôi mơ ước của bố mẹ. Hầu như đứa trẻ nào cũng phải học piano, vì bố mẹ thích. Tôi nghĩ rằng học đàn rất tốt, nó giúp con phát triển trí tuệ nhưng gia đình nào cũng ép con đi học món đó thì đấy là điều buồn cười.
Nhiều gia đình, con cái còn phải làm những điều mà xưa bố mẹ không thể thực hiện được, ví dụ như luôn luôn hỏi con đứng thứ mấy trong lớp? Tôi nói thật là con tôi đứng thứ nào cũng được, miễn là con học được” – tư duy hiện đại của sếp Nam Tiến khiến nhiều bậc phụ huynh cũng phải xem lại cách giáo dục con.
Theo Nhịp sống thị trường
Xem thêm bài liên quan
- “Nữ hoàng trang sức” PNJ Cao Thị Ngọc Dung: Là lãnh đạo, đừng bao giờ nghĩ mình đang nuôi nhân viên, mà chính họ mới là người nuôi mình
- Tỷ phú Richard Branson: “Với tôi, khách hàng không phải thượng đế, nhân viên mới là thượng đế. Nhân viên phải hạnh phúc trước thì khi đó khách hàng mới hài lòng”
- Sếp lớn FPT Hoàng Nam Tiến chia sẻ: Sếp nào cũng nói tài sản quý nhất là con người, nhưng hễ gặp khó khăn lại cho bớt ‘tài sản’ ấy ra đường