Có câu nói: Hiền không cầm được binh, lãnh đạo không nghiêm minh nhân viên khó mạnh. Quả thật theo quan điểm của CEO lừng danh của PepsiCo Indra Nooyi thì điều này là hoàn toàn đúng.
Indra Nooyi là nhà điều hành doanh nghiệp người Mỹ gốc Ấn, giữ chức chủ tịch của PepsiCo, doanh nghiệp thực phẩm lớn thứ hai thế giới về sản lượng tiêu thụ, bà là CEO 12 năm trong khoảng thời gian 2006-2018. Bà giữ vị trí vững chắc trong số 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.
Indra Nooyi đảm nhiệm vị trí CEO của PepsiCo với nhiệm vụ điều hành cả thương hiệu thức uống nổi tiếng Pepsi cùng “cánh tay phải” của hãng là thương hiệu thức ăn nhẹ Frito-Lay. Mục tiêu của Nooyi là đưa PepsiCo trở thành một trong những thương hiệu đồ uống và thức ăn nhẹ nổi tiếng thế giới.
Từ khi bà Nooyi lên nhận chức vào năm 2006, doanh thu toàn cầu của công ty đã tăng từ 40 tỷ USD năm 2007 lên 63 tỷ USD năm 2015. Năm 2014, bà được Fortune vinh danh là một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất thế giới.
Điểm nổi bật trong phong cách quản lý của Nooyi là sẵn sàng phá vỡ các quy tắc và luôn tập trung làm hài lòng khách hàng. Điều này bao gồm cả việc quan sát thói quen ăn uống của khách hàng như bổ sung thêm nhiều nước và các loại đồ uống ít calo.
“Trong nhiều trường hợp, bạn phải phá vỡ quy tắc một cách hợp lý. Nếu không làm được điều này, bạn sẽ mất nhiều thời gian để thỏa hiệp với những nhân viên cứng nhắc” – Nooyi chia sẻ trong một buổi nói chuyện với sinh viên trường Stanford.
Bên cạnh đó, “nữ tướng” PepsiCo cũng phản đối nguyên tắc quản lý ngắn hạn. Theo bà, quản lý nên tập trung vào lợi ích dài hạn. Đồng thời, bà cũng đồng ý với quan điểm của cha đẻ Apple – Steve Jobs “Nhà quản lý không nên tỏ ra quá thân thiện và dễ dãi với nhân viên”.
Dưới đây là 6 lời khuyên về quản lý mà Indra Nooyi đã chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với CEO Walmart Doug McMillon.
Phá vỡ quy tắc
Khi nói đến truyền thống kinh doanh, các nhà lãnh đạo thường nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc bảo tồn và duy trì lịch sử và văn hóa của công ty. Tuy nhiên theo bà Nooyi, đây là một quan niệm đã lỗi thời, thậm chí nó còn là vật cản đối với thành công của công ty.
Ở trường hợp của PepsiCo, bà Nooyi rất ít khi chú trọng tới những truyền thống của công ty. Thay vào đó, bà thường nhắc nhở nhân viên rằng: Chúng ta không có nhiều thời gian đâu, chúng ta phải thay đổi. Thay đổi có nhiều thử thách và đau đớn, nhưng không còn cách nào khác cả, hãy bước về phía trước dù bạn có bị gục ngã nhiều lần.
Không nên tỏ ra quá thân thiện
Steve Jobs, “huyền thoại” Apple từng chia sẻ rằng, ông là một người nóng tính nhưng đôi khi việc mất kiểm soát cũng không phải là điều gì quá xấu.
“Đừng tỏ ra quá dễ dãi. Khi bạn không đạt được điều bạn mong muốn hoặc bạn tin rằng một điều gì đó thực sự tốt cho công ty, hãy ném tất cả mọi thứ xung quanh đi và yêu cầu tất cả mọi người thực hiện nhiệm vụ” – Nooyi nhắc lại lời khuyên của Steve Jobs dành cho bà.
Cẩn thận
Rất nhiều CEO lớn đã từng gặp rắc rối vì những phát ngôn bất cẩn của mình. Vì thế, bà Nooyi cho rằng, các nhà lãnh đạo phải luôn cẩn thận trong mọi lời nói và không bao giờ được truyền tải sai thông điệp đến người tiêu dùng.
Quan tâm đến các vấn đề ngắn hạn
Việc cân bằng giữa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn là yếu tố cần thiết để quản lý thành công. Bạn sẽ phải quan sát thật kỹ các danh mục đầu tư của công ty, cái nào có khả năng đạt được sớm thì đưa vào danh mục đầu tư ngắn hạn. Đừng quá tham lam với mục tiêu dài hạn mà bỏ lỡ nhiều cơ hội trước mắt.
Không ngừng học hỏi
Các nhà quản lý nên sống như những sinh viên dài hạn, tức là không ngừng học hỏi và vươn lên. Họ cũng không phải là những sinh viên chỉ tham gia một khóa học ngắn hạn để lấy chứng chỉ hay đọc vài ba quyển sách để vượt qua kỳ thi.
“Bạn sẽ phải không ngừng học hỏi, mở rộng kiến thức, quan sát thị trường, tìm kiếm xu hướng mới và tạo ra các mối quan hệ trong mạng lưới kinh doanh của mình” – CEO PepsiCo nhấn mạnh.
Đặt địa vị vào người tiêu dùng
Nooyi cho biết, cách đây 20 năm, các bàn trong phòng họp của Pepsi luôn đầy đồ uống có đường. Nhưng vài năm sau đó, những đồ uống này đã được thay thế bằng đồ uống giảm cân và đến nay, đó chỉ là những chai nước lọc.
“Bạn không cần thiết phải thuê một nhà tư vấn chỉ để họ nói cho bạn về xu hướng tiêu dùng bây giờ ra sao mà chính bạn phải là một người tiêu dùng” – Nooyi chia sẻ.
CEO Pepsi: Đằng sau thành công là những giọt nước mắt đắng cay
Dù Tài ba và quyết đoán nhưng ‘nữ tướng’ Indra Nooyi của Pepsico vẫn cảm thấy việc cân bằng giữa công việc và gia đình khiến bà đau khổ tột cùng.
Phát biểu trong cuộc hội thảo bên lề về Phụ nữ trong hội nghị thượng đỉnh thế giới tại Manhattan, Nooyi chia sẻ rằng bà đã nhặt được một mẩu giấy do con gái lớn viết khi cô bé được 4 hoặc 5 tuổi.
Cô bé viết: “Mẹ ơi, Con yêu mẹ. Mẹ hãy về nhà với con đi” Nooyi nghẹn ngào nói.
Con gái của bà hiện tại đã trưởng thành nhưng vẫn phản đối việc bà có ý định thay mới chiếc bàn từng là cái “nôi” của cô bé vào những ngày đầu sau khi bà quay trở lại với công việc.
“Tôi phải nhắc nhở bản thân mình về những gì tôi đã bỏ lỡ”, Nooyi nói khi đề cập đến những khó khăn trong việc vừa điều hành công ty thuộc top Fortune 500 vừa nuôi dạy hai con khôn lớn.
Mặc dù nói rằng không hề hối tiếc về quyết định của mình, nhưng điều đó không có nghĩa là Nooyi không cảm thấy buồn đồng thời bà cũng tư vấn cho hai đứa con mình cần “cẩn thận với những lựa chọn trong cuộc sống.”
‘Đến một lúc nào đó bạn nhìn lại chặng đường đã qua và sẽ cảm thấy như rơi xuống địa ngục” Nooyi nói “và quả thực là như vậy.”
Cùng tham gia hội thảo, Bà Anne-Marie Slaughter, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của New America, cũng là tác giả cuốn sách về kinh doanh chưa xuất bản mang tên: Phụ nữ, đàn ông, công việc và gia đình, cũng chia sẻ câu chuyện của riêng mình về khoảng thời gian khi con trai nhỏ của bà vẽ một bức tranh gia đình trong đó Slaughter đã đóng vai chiếc máy tính xách tay.
“Lúc đó, tôi nghĩ, không sao, còn rất nhiều thời gian để sắp xếp lại cuộc sống và công việc”, Slaughter nói.
Cả hai người phụ nữ quyền lực này dù bản lĩnh trên thương trường nhưng cũng là những người mẹ. Vì vậy dù chẳng “thần dược” nào có thể giúp các bậc phụ huynh tránh khỏi những giây phút đau lòng ấy nhưng họ cũng đưa ra một số giải pháp cho vấn đề này.
Tập trung vào tầm quan trọng của chăm sóc trẻ, Nooyi cho biết PepsiCo đang xem xét việc xây dựng một trung tâm giữ trẻ tại khuôn viên của công ty. Bà cũng nhấn mạnh là những trung tâm này sẽ ưu tiên tuyển dụng các chuyên gia chăm sóc đủ năng lực và cung cấp dịch vụ chăm sóc cho trẻ em bị bệnh.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia của ông bà và các thành viên khác trong gia đình trong việc chăm sóc trẻ em, Nooyi cho biết bà còn tham vọng tạo ra “các cộng đồng nguyên mẫu” cung cấp nhà ở cho các bậc cha mẹ trẻ và gia đình nhiều thế hệ, kết hợp với chăm sóc trẻ tại chỗ.
“PepsiCo có thể xây dựng các nhà trẻ,” bà nói. “Chúng tôi rất muốn có một nhà phát triển tiến bộ tham gia với chúng tôi.” Còn Slaughter bà gợi ý việc trả lương cao cho các nhân viên giữ trẻ để họ có trách nhiệm hơn với công việc của mình.
Hi vọng Nooyi và những nỗ lực của mình sẽ nhanh chóng biến ý tưởng thành hiện thực.
Theo Business Insider, Fortune