Bà Indra Nooyi – Chủ tịch và từng là Giám đốc điều hành của hãng thực phẩm lớn thứ hai thế giới PepsiCo trong khoảng thời gian 12 năm từ năm 2006-2018 chia sẻ: “Xin tăng lương là điều đáng xấu hổ, tôi chưa từng làm vậy suốt 12 năm”.
Indra Nooyi (sinh năm 1955) là nhà điều hành doanh nghiệp người Mỹ gốc Ấn, giữ chức chủ tịch của PepsiCo, doanh nghiệp thực phẩm lớn thứ hai thế giới về sản lượng tiêu thụ, bà là CEO 12 năm trong khoảng thời gian 2006-2018.
Bà giữ vị trí vững chắc trong số 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Năm 2014, bà đứng thứ 13 trong số 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, theo tạp chí Forbes, đứng thứ 2 trong danh sách những phụ nữ quyền lực nhất theo tạp chí Fortune vào năm 2015.
Bà Indra Nooyi là một trong số ít những phụ nữ da màu từng điều hành một công ty đại chúng lớn của Mỹ. Thế nhưng, có một sự thật không phải ai cũng biết là nữ doanh nhân này chưa bao giờ yêu cầu tăng lương – điều mà rất nhiều người thực hiện sau thời gian dài gắn bó với công ty.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, nữ CEO từng điều hành Pepsi từ năm 2006 đến 2018, cho biết khi còn đảm nhiệm vị trí này, bà chưa từng yêu cầu ban giám đốc công ty tăng lương cho mình.
Thậm chí, khi được hội đồng quản trị quyết định tăng lương, bà còn từ chối vì cảm thấy không thoải mái khi nhận mức lương cao hơn trong cuộc khủng hoảng tài chính lúc đó.
“Tôi chưa bao giờ yêu cầu tăng lương. Tôi thấy điều đó thật đáng xấu hổ. Tôi không thể tưởng tượng được việc làm việc cho ai đó và nói với họ rằng tiền lương của mình không xứng đáng”, bà Nooyi chia sẻ với New York Times.
Cựu CEO 65 tuổi cho biết thêm: “Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình không mấy khá giả. Vợ chồng tôi đã không nâng cấp nhà trong thời gian tôi làm CEO của Pepsi”.
Theo New York Times, bà Nooyi đã nhận được tổng cộng hơn 31 triệu USD trong năm cuối làm việc tại Pepsi. Bà hiện là thành viên hội đồng quản trị của Amazon. Gần đây, bà đã xuất bản cuốn hồi ký “My Life in Full.”
Bà Nooyi lớn lên ở Chennai (Ấn Độ) và từng theo học tại hai trường đại học danh tiếng nhất nước này. Sau này, bà liên tục được xếp hạng là một trong những nữ doanh nhân có ảnh hưởng nhất trong kinh doanh của Fortune trong suốt thời gian làm việc tại Pepsi.
Theo nghiên cứu của McKinsey và Lean In, nữ giới thường yêu cầu tăng lương và thăng chức nhiều hơn nam giới trong kinh doanh. Tuy nhiên, khi đàm phán vấn đề này, họ bị cấp trên miêu tả là “đáng sợ”, “quá hung hăng” hay “yêu cầu quá đáng”.
Theo một thống kê, chỉ có 31 nữ CEO điều hành những công ty trong chỉ số S&P 500 và con số đó đã giảm đi khi bà Nooyi từ chức năm 2018. Trong năm cuối cùng làm việc tại Pepsi, bà không nằm trong số những CEO được trả lương cao nhất tại các công ty đại chúng ở Mỹ.
Một sự thật khá đáng buồn là hầu hết các nữ CEO đều không có tên trong danh sách này. Năm 2018, Safra Catz của Oracle là nữ CEO được trả lương cao nhất trong bảng xếp hạng của Bloomberg, giữ vị trí thứ 33.
Trong những năm đầu khi bà Nooyi làm việc tại Pepsi, một nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng nữ giới không thường xuyên yêu cầu tăng lương hoặc thăng chức như nam giới. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần làm tăng sự chênh lệch thu nhập giữa hai giới.
Trong cuốn sách “Lean In”, Sheryl Sandberg – COO của Facebook, nói rằng trong thế giới ngày nay, chỉ cần yêu cầu, phụ nữ sẽ nhận được điều mình muốn. Kể từ đó, nghiên cứu của McKinsey cho thấy tỷ lệ đưa ra yêu cầu tương tự ở nữ giới đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, khả năng thành công của họ vẫn thấp hơn so với đồng nghiệp nam.
Năm 2018, Harvard Business Review đã công bố một báo cáo cho thấy phụ nữ yêu cầu tăng lương ngang bằng nam giới nhưng tỷ lệ thành công của nam giới cao hơn với 20%. Trong khi đó, con số này ở nữ giới chỉ là 15%.
BÀI HỌC QUẢN LÝ TỪ NỮ TƯỚNG PEPSICO
Điểm nổi bật trong phong cách quản lý của Nooyi là sẵn sàng phá vỡ các quy tắc và luôn tập trung làm hài lòng khách hàng. Điều này bao gồm cả việc quan sát thói quen ăn uống của khách hàng như bổ sung thêm nhiều nước và các loại đồ uống ít calo.
“Trong nhiều trường hợp, bạn phải phá vỡ quy tắc một cách hợp lý. Nếu không làm được điều này, bạn sẽ mất nhiều thời gian để thỏa hiệp với những nhân viên cứng nhắc” – Nooyi chia sẻ trong một buổi nói chuyện với sinh viên trường Stanford.
Bên cạnh đó, “nữ tướng” PepsiCo cũng phản đối nguyên tắc quản lý ngắn hạn. Theo bà, quản lý nên tập trung vào lợi ích dài hạn. Đồng thời, bà cũng đồng ý với quan điểm của cha đẻ Apple – Steve Jobs “Nhà quản lý không nên tỏ ra quá thân thiện và dễ dãi với nhân viên”.
Dưới đây là 6 lời khuyên về quản lý mà Indra Nooyi đã chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với CEO Walmart Doug McMillon.
1) Phá vỡ quy tắc
Khi nói đến truyền thống kinh doanh, các nhà lãnh đạo thường nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc bảo tồn và duy trì lịch sử và văn hóa của công ty. Tuy nhiên theo bà Nooyi, đây là một quan niệm đã lỗi thời, thậm chí nó còn là vật cản đối với thành công của công ty.
Ở trường hợp của PepsiCo, bà Nooyi rất ít khi chú trọng tới những truyền thống của công ty. Thay vào đó, bà thường nhắc nhở nhân viên rằng: Chúng ta không có nhiều thời gian đâu, chúng ta phải thay đổi. Thay đổi có nhiều thử thách và đau đớn, nhưng không còn cách nào khác cả, hãy bước về phía trước dù bạn có bị gục ngã nhiều lần.
2) Không nên tỏ ra quá thân thiện
Steve Jobs, “huyền thoại” Apple từng chia sẻ rằng, ông là một người nóng tính nhưng đôi khi việc mất kiểm soát cũng không phải là điều gì quá xấu.
“Đừng tỏ ra quá dễ dãi. Khi bạn không đạt được điều bạn mong muốn hoặc bạn tin rằng một điều gì đó thực sự tốt cho công ty, hãy ném tất cả mọi thứ xung quanh đi và yêu cầu tất cả mọi người thực hiện nhiệm vụ” – Nooyi nhắc lại lời khuyên của Steve Jobs dành cho bà.
3) Cẩn thận
Rất nhiều CEO lớn đã từng gặp rắc rối vì những phát ngôn bất cẩn của mình. Vì thế, bà Nooyi cho rằng, các nhà lãnh đạo phải luôn cẩn thận trong mọi lời nói và không bao giờ được truyền tải sai thông điệp đến người tiêu dùng.
4) Quan tâm đến các vấn đề ngắn hạn
Việc cân bằng giữa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn là yếu tố cần thiết để quản lý thành công. Bạn sẽ phải quan sát thật kỹ các danh mục đầu tư của công ty, cái nào có khả năng đạt được sớm thì đưa vào danh mục đầu tư ngắn hạn. Đừng quá tham lam với mục tiêu dài hạn mà bỏ lỡ nhiều cơ hội trước mắt.
5) Không ngừng học hỏi
Các nhà quản lý nên sống như những sinh viên dài hạn, tức là không ngừng học hỏi và vươn lên. Họ cũng không phải là những sinh viên chỉ tham gia một khóa học ngắn hạn để lấy chứng chỉ hay đọc vài ba quyển sách để vượt qua kỳ thi.
“Bạn sẽ phải không ngừng học hỏi, mở rộng kiến thức, quan sát thị trường, tìm kiếm xu hướng mới và tạo ra các mối quan hệ trong mạng lưới kinh doanh của mình” – CEO PepsiCo nhấn mạnh.
6) Đặt địa vị vào người tiêu dùng
Nooyi cho biết, cách đây 20 năm, các bàn trong phòng họp của Pepsi luôn đầy đồ uống có đường. Nhưng vài năm sau đó, những đồ uống này đã được thay thế bằng đồ uống giảm cân và đến nay, đó chỉ là những chai nước lọc.
“Bạn không cần thiết phải thuê một nhà tư vấn chỉ để họ nói cho bạn về xu hướng tiêu dùng bây giờ ra sao mà chính bạn phải là một người tiêu dùng” – Nooyi chia sẻ.
Theo Yahoo, Ins, Doanh nghiệp tiếp thị