Từ đam mê và năng khiếu của bản thân, những đứa trẻ này đã có thể tự mình kiếm được hàng triệu đô thậm chí trước khi có cả bằng lái xe hay tốt nghiệp trung học.
Moziah Bridges
Moziah Bridges trở thành Giám đốc điều hành của Mo’s Bows từ khi còn là một cậu bé 9 tuổi. Có sở thích đặc biệt với những bộ đồ suit hay phong cách ăn mặc cầu kì, sành điệu, cậu bé đã tự biết chọn cho mình những chiếc nơ đi kèm phù hợp. Tuy nhiên, cậu lại không thích thú với những chiếc nơ được bày bán sẵn ở ngoài. Từ đó, Moziah Bridges đã tự thành lập một công ty riêng chuyên sản xuất nơ.
Học cách may từ bà, trong vòng vài tháng, cậu bé đã tạo ra một bộ sưu tập nơ cho riêng mình.
Giờ đây, những sáng tạo của cậu bé dễ dàng được tìm thấy tại các cửa hàng bán lẻ và trực tuyến trên toàn nước Mỹ.
Moziah Bridges cũng từng xuất hiện trên chương trình truyền hình Shark Tank. Năm 2015, cậu có tên trong danh sách thiếu niên có ảnh hưởng của tạp chí Times. Trong khoảng 6 năm qua, doanh thu của công ty đã lên đến 600.000 đô la.
Brennan Agranoff
Năm 2019, Business Insider thống kê 10 thanh thiếu niên kiếm hàng triệu USD, Brennan Agranoff là một trong số đó. Nam sinh 20 tuổi đang là nhà sáng lập, CEO của hai công ty chuyên về tất (vớ) và in theo yêu cầu HoopSwagg và PetParty. Theo CNN, nhờ dịch vụ độc đáo, doanh thu của các công ty là 1 triệu USD/năm vào năm 2017.
Năm 2013, Brennan Agranoff bắt đầu khởi nghiệp từ dự án nhỏ mang tên HoopSwagg tại gara căn nhà ở TP Sherwood, Oregon, Mỹ. Cậu biến những đôi tất thể thao thành sản phẩm màu sắc sặc sỡ, mang dấu ấn riêng của người mua. Sau 4 năm, nam sinh đã “phù phép” ra hơn 200 mẫu thiết kế khác nhau với đủ phong cách.
Công ty cũng cho phép khách hàng thiết kế hoặc in bất kỳ hình ảnh nào họ muốn lên tất. Phân khúc khách hàng của công ty rất rộng – từ 6 đến 80 tuổi, cho thấy tham vọng và khao khát của nam sinh người Mỹ. Sau đó, PetParty ra đời với ý tưởng thú vị dựa trên việc in khuôn mặt chó trên một chiếc tất. Sản phẩm được nhắm mục tiêu đến thị trường ngách.
Theo PetPedia, vào năm 2019, ngành công nghiệp thú nuôi tại Mỹ tăng lên 70 tỷ USD, các sản phẩm cho chó bán rất chạy. PetParty cho phép họ thiết kế đôi tất mang dấu ấn cá nhân, in hình khuôn mặt thú cưng hoặc bất kỳ khoảnh khắc đáng yêu nào của chúng.
Sau đó, nhờ tận dụng mạng xã hội, công việc kinh doanh của Agranoff phát triển vượt bậc. Trung bình mỗi ngày, hai công ty nhận được 70-100 đơn đặt hàng. Mỗi đôi tất có giá 14,99 USD. Cậu xây một kho riêng gần 140 m2 với sự tham gia quản lý của mẹ, điều hành 17 nhân viên khác.
Mỗi ngày, Agranoff dành khoảng 6 tiếng cho kinh doanh sau khi học ở trường, hoàn thành bài tập về nhà. Nam sinh chia sẻ bản thân đã tạm gác kinh doanh sang một bên để tốt nghiệp cấp 3 sớm 6 tháng. Cậu cũng không thi đại học ngay mà sau đó tập trung toàn thời gian để phát triển HoopSwagg, PetParty.
Alina Morse
Alina Morse (14 tuổi), học sinh lớp 9 ở Michigan, là người trẻ nhất từng xuất hiện trên trang bìa Tạp chí Doanh nhân (2018) và điều hành một công ty kẹo không đường.
Nhận thức được hậu quả khi ăn những viên kẹo ngọt, cô bé đã nghiên cứu và thử nghiệm để làm ra những viên kẹo không đường nhưng vẫn đầy sức hút với trẻ em.
Thông qua chiến dịch “Hai triệu nụ cười” giúp lan tỏa thông điệp tới những đứa trẻ về tác hại của kẹo ngọt, Alina cam kết đem đến những chiếc kẹo không chứa 7 chất gây dị ứng hàng đầu.
Chỉ một năm sau đó, công ty Jolly Candy của cô bé đã đến được với Kroger – một trong những chuỗi cửa hàng thực phẩm lớn nhất tại Mỹ.
Sau đó, công ty bắt đầu bán sản phẩm trên Amazon. Đây là nơi mang lại 1/4 doanh thu thường niên cho Jolly Candy. Alina cũng đã kiếm được 6 triệu đô la trong năm 2018.
Alina còn vinh dự khi hai lần được Cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama mời trao kẹo tại Lễ hội phục sinh hàng năm tại Nhà Trắng.
Ishaan Thakur và Aanya Thakur
Theo CNBC Make It, Ishaan Thakur (14 tuổi) và em gái Aanya (9 tuổi) đã dành cả mùa hè để đào 3 loại tiền ảo Bitcoin, Ether và Ravencoin. Công cụ giúp hai anh em ở Frisco, Texas, Mỹ, là dàn máy tính mà Ishaan vốn dùng để chơi điện tử. Cặp anh em tại Mỹ biết đến tiền ảo vì muốn tìm hiểu về công nghệ, sau đó, họ hiểu được cách vận hành, “đào coin” và kiếm được 30.000 USD/tháng.
Họ bắt đầu công cuộc đào tiền từ tháng 4. Cha mẹ không hề phản đối mà ngược lại rất ủng hộ kế hoạch này của hai con. “Chúng tôi có thể dành cả mùa hè để vùi đầu vào các trò chơi điện tử. Nhưng thay vào đó chúng tôi sử dụng thời gian rảnh để tìm hiểu về công nghệ”, nam sinh lý giải.
Dù thành công với số tiền kiếm được không nhỏ, Ishaan và Aanya vẫn khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi con đường học tập. “Đào coin” là một trong những đam mê của họ ở lĩnh vực công nghệ, giúp cả hai tự trả tiền học phí mà không phải xin cha mẹ. Cả hai hy vọng công việc tiếp tục thuận lợi để họ có thể tự đóng học phí đại học. Ishaan dự định nộp hồ sơ vào Đại học Pennsylvania, ngành y và muốn trở thành bác sĩ. Em gái Aanya cũng có mơ ước giống anh trai. Cô muốn trở thành sinh viên của Đại học New York.
Beau Jessup
15 tuổi, Beau Jessup vay 2.000 USD để bắt đầu kinh doanh. 19 tuổi, cô đã kiếm được hơn 400.000 USD. Nữ sinh người Anh hiện là nhà sáng lập và CEO của Special Name – website giúp phụ huynh Trung Quốc đặt tên tiếng Anh cho con. Cách thức hoạt động của Special Name là hỏi người dùng để chọn 5/12 đặc điểm được liệt kê mà họ mong muốn ở con. Thuật toán sẽ chọn ra 3 cái tên phù hợp cũng như giới tính dự đoán.
Chỉ sau 6 tháng được truyền cảm hứng, Jessup đã đặt tên cho khoảng 200.000 đứa trẻ và kiếm được hơn 60.000 USD. Đến nay, nền tảng của cô giúp đặt tên cho gần 678.000 trẻ em Trung Quốc và có doanh thu ước tính vượt 400.000 USD.
Theo News Australia, số tiền kiếm được giúp cô trả tiền học đại học, đầu tư bất động sản và tất nhiên là cả trả nợ cho cha mình kèm theo lãi suất. Nữ sinh sẽ tiếp tục phát triển nền tảng này và “đá sân” sang một số lĩnh vực kinh doanh khác.
Nick D’Aloisio
Nick D’Aloisio đã tự học cách viết phần mềm từ khi mới 12 tuổi. Năm 15 tuổi, Nick phát triển ứng dụng Trimit có khả năng tóm tắt những bài báo dài một cách cô đọng nhất, chỉ trong khoảng 140 đến 1.000 ký tự.
Điều này đã khiến Nick nhanh chóng lọt vào “mắt xanh” của tỷ phú người Hong Kong- Li Ka Shing. Ông đã không ngại đầu tư cho Nick 300.000 USD để làm cho ứng dụng này trở nên thật hoàn hảo và Summly ra đời từ đó.
Lên 17 tuổi, Nick bán ứng dụng của mình cho Yahoo! Inc. với giá gần 20 triệu đô la.
Isabella Barrett
Isabella Barrett là cái tên khá quen thuộc với khán giả truyền hình Mỹ. Sau khi đăng quang trong cuộc thi tìm kiếm hoa hậu nhí, Isabella đã khéo léo tận dụng sự nổi tiếng của mình để tham gia “Toddlers and Tiaras”, một chương trình thực tế chuyên khai thác cuộc sống thường nhật của các em bé tham gia thi hoa hậu nhí tại Mỹ.
Isabella bắt đầu chuyển sang đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm và khiến nhiều người ngưỡng mộ khi sở hữu khối tài sản lên tới hàng triệu đô la dù mới chỉ 6 tuổi.
Isabella nói rằng cô bé có động lực khi thấy những thanh thiếu niên và trẻ em khác làm được những điều lớn lao hơn mình.
Benyamin Ahmed
Không giống những bạn bè đồng trang lứa, lên 5 tuổi, niềm đam mê của cậu bé đến từ London, Anh, là lập trình. Cha của Ahmed cũng là kỹ sư công nghệ nên cậu thường quan sát ông làm việc từ nhỏ, học theo cách phát triển website.
Cậu bắt đầu với HTML, CSS, sau đó nâng cao kỹ năng viết code, học JavaScript và các ngôn ngữ lập trình khác. Gần đây, NFT (Non-Fungible Token) – thuật ngữ chỉ tài sản số sử dụng công nghệ blockchain – đã hấp dẫn Ahmed. Nhờ đó, cậu bé đã tạo ra sản phẩm có doanh thu trên 5 triệu USD.
Ahmed đã hợp tác với các nhà phát triển đứng đằng sau Boring Bananas để tạo ra Non-Fungible Heroes (NFH), bộ sưu tập NFT gồm 8.888 nhân vật truyện tranh, ra mắt vào ngày 18/9. Chỉ sau 12 phút, bộ sưu tập cháy hàng. Bên cạnh NFH, mùa hè vừa rồi Ahmed cũng đã khởi động hai dự án NFT, trong đó có Weird Whales – dự án giúp cậu thu về khoảng 400.000 USD chỉ sau hai tháng.
Ryan Kaji
Ryan Kaji (8 tuổi) từng được xem là một “hiện tượng mạng” khi sở hữu kênh Youtube Ryan’s World.
Từ khi còn nhỏ, Ryan Kaji đã rất thích xem những video về đánh giá đồ chơi. Từ đó, Ryan đã nhờ mẹ lập cho mình một kênh Youtube, nhưng thời gian đầu chưa thu hút được nhiều người theo dõi.
Sau này, nhờ ý tưởng quay cảnh Ryan chơi 100 món đồ từ bộ phim Cars của hãng Pixar, kênh của bé đã thu hút được nhiều lượt xem và được lan truyền nhanh chóng.
Theo dữ liệu của Social Blade, kênh Youtube của Ryan đã có khoảng 35 tỷ lượt xem kể từ ngày thành lập. Tuy chỉ mới 9 tuổi nhưng cậu bé đã trở thành một trong những nhà sáng tạo nội dung có thu nhập cao nhất trên nền tảng Youtube, gần 30 triệu đô la.
Nastya
Anastasia Radzinskaya (Nastya) cũng là một trong những nhà sáng tạo nội dung trẻ tuổi và kiếm được bội tiền hiện nay. Nastya sinh ra tại Nga và được chẩn đoán mắc chứng bại não bẩm sinh từ khi chào đời.
Lo lắng cô bé không thể nói được, bố mẹ Nastya đã quyết định thành lập một kênh Youtube để quay lại những khoảnh khắc đẹp và quá trình điều trị của con gái.
Vào năm 2015, bố mẹ của Nastya quyết định bán công ty của họ để đầu tư vào kênh Youtube “Like Nastya”. Các video của Nastya đã thu hút lượng lớn người xem nhờ những khoảnh khắc tinh nghịch, đáng yêu khi đang chơi đùa, học tập, nấu ăn.
Theo thống kê, kênh của Nastya đã kiếm được 18,5 triệu USD vào năm 2020.
Tổng hợp: CNBC, CNN
Xem thêm bài liên quan
- Từ lớp 9 đã khởi nghiệp, cô bé sở hữu thương hiệu kẹo doanh thu vài trăm tỷ/năm, hiện vừa đi học vừa làm CEO ở tuổi 17
- Ý tưởng khởi nghiệp: Công ty Mỹ hút CO2 từ không trung để chế kim cương, vừa tốt cho môi trường, vừa kiếm bộn tiền
- Cô gái Việt đang gây sốt với Startup làm snack từ con dế, gọi vốn thành công 10.000 SGD chỉ sau 3 ngày