Chia sẻ ý tưởng thành lập Công ty Cổ Phần Tập Đoàn The Startup, ông Trịnh Hồng Minh – Uỷ viên HĐQT The Starup khẳng định mong muốn Việt Nam có những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công mang tinh thần dân tộc…
Ngày 10/12, Công ty Cổ Phần Tập Đoàn The Startup (The Startup đã tổ chức Buổi lễ giới thiệu Sự kiện The Startup 2023 “Hành động kiến tạo Tương lai”. Đây cũng là lần đầu tiên Công ty gia đình có nguồn gốc đặc biệt này chính thức ra mắt báo giới với nhiều thông tin thú vị.
“Nền tảng động lực thúc đẩy thành lập The Startup là sự kết hợp giữa tinh thần khởi nghiệp, tinh thần yêu nước, mong muốn đóng góp cho một Việt Nam giàu đẹp vững mạnh duy trì những thành quả cống hiến của thế hệ cha ông. Đây chính là tôn chỉ, là nền tảng cơ bản của The Startup…”- ông Trịnh Hồng Minh – Uỷ viên HĐQT The Starup, hậu duệ nhà đại tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô khẳng định.
Cũng theo ông Minh, các startup hiện nay không chỉ khó khăn về vốn mà còn khó khăn về thị trường, kiến thức, liên kết…”The Starup sẽ cố gắng cho họ phát triển và phải thành công, không được chết yểu!”- ông Minh quả quyết.
“Chúng tôi cần những người có tâm huyết, có tinh thần yêu nước lớn lao đồng hành cùng chúng tôi, cùng Chính phủ xây dựng quốc gia khởi nghiệp, để Việt Nam có vị trí cùng nội lực, để được vinh danh trên thị trường quốc tế” – Uỷ viên HĐQT The Starup bày tỏ mong muốn lan tỏa tinh thần khởi nghiệp.
Chia sẻ về mục tiêu, tầm nhìn, sứ mệnh của The Statup cũng như sự kiện The Startup 2023, ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh – Chủ tịch HĐQT The Startup cho biết, tầm nhìn của The Startup là trở thành đơn vị hỗ trợ kinh tế và giải pháp chiến lược kinh doanh cho hàng trăm startup tại Việt Nam.
“Sứ mệnh của The Startup là trở thành bệ phóng thành công của các Startup, góp phần vào sự nghiệp chung của đất nước, lan tỏa các giá trị tinh thần dân tộc trong khởi nghiệp…”- Chủ tịch HĐQT The Startup nhấn mạnh.
Thấu hiểu sâu sắc các vấn đề mà startup đang gặp phải, ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh cho biết, khác với các quỹ đầu tư khác, The Startup không chỉ hỗ trợ về vốn mà sẽ hỗ trợ về thị trường, về doanh số, thị phần, kênh bán hàng cũng như các kiến thức quản trị kinh doanh…
“Mục tiêu cùng chúng tôi trong năm 2023 này là cố gắng huy động được 50 triệu USD, giải ngân cho 5- 10 dự án đủ tiêu chí và phải có tinh thần dân tộc. Chúng tôi cùng cố gắng kết nối được các nguồn lực từ xã hội, đặc biệt từ các Việt Kiều. Tìm kiếm và ươm mần hỗ trợ nhân tài khởi nghiệp…”- Chủ tịch HĐQT The Startup Trịnh Nguyên Tuấn Anh chia sẻ.
Đồng thời ông Tuấn Anh nhấn mạnh: “The Startup là sự khởi đầu – Khởi đầu của một thế hệ startup Việt Nam. Có khởi đầu nhưng sẽ không có sự kết thúc!”
Phát biểu tại sự kiện, bà Bùi Thanh Hằng, Cục Phát triển thị trường và DN (Bộ KH&CN), cho biết, tổng nguồn lực đầu tư cho các DN đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong năm 2021 là khoảng 1,5 tỷ USD. Hiện có trên 200 quỹ đầu tư, trong đó chỉ có 6 quỹ đầu tư nội. “Với việc thành lập The Startup chúng ta đang hình thành thêm nguồn nội lực quan trọng cho các DN khởi nghiệp. Đây mới là nguồn lực bền vững!”- bà Hằng khẳng định.
Với mong muốn truyền cảm hứng khởi nghiệp, làm kênh kết nối giữa các startup với nhau, giữa các startup với nhà đầu tư, sự kiện The Startup 2023 sẽ diễn ra vào từ ngày 06/01 – 08/01/2023 với các hoạt động chính bao gồm:
– Tổ chức các phiên giới thiệu sản phẩm, dự án và kêu gọi vốn đầu tư của các startup,
– Các buổi tọa đàm, hội thảo của các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực khởi nghiệp.
– Hoạt động triển lãm, quảng bá sản phẩm dịch vụ của các startup, lễ công bố dự án “Hệ sinh thái khởi nghiệp trực tuyến”
– Buổi chia sẻ đào tạo về đầu tư, hệ thống bán hàng và truyền cảm hứng khởi nghiệp của Jordan Belfort – “Sói già phố Wall”.
Theo Baophapluat.vn
Gia đình ông Trịnh Văn Bô: Một “bà đỡ” tài chính của chính quyền cách mạng
Ông Trịnh Văn Bô là một doanh nhân Việt Nam thành đạt ở giữa thế kỷ XX. Cách mạng tháng Tám thành công, gia đình ông đã ủng hộ 5.147 lượng vàng, tương đương số tiền gấp đôi ngân khố chính phủ lúc đó.
Năm 1992, để triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, Bộ Chính trị giao cho Đảng đoàn Mặt trận phối hợp với Ban Dân vận Trung ương chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất” vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Tổ văn kiện do đồng chí Lê Quang Đạo, Bí thư Đảng đoàn Mặt trận làm tổ trưởng. Vấn đề tư sản dân tộc lần đầu tiên được đặt ra nghiên cứu theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI – Đại hội đổi mới để “giai cấp công nhân không chỉ đoàn kết với nông dân, trí thức và các tầng lớp xã hội khác mà còn liên minh, hợp tác lâu dài với giới doanh nghiệp tư nhân vì lợi ích của hai bên theo đúng pháp luật và vì lợi ích chung của đất nước”.
Lật lại những tài liệu của Mặt trận Việt Minh, Liên Việt và Mặt trận tổ quốc Việt Nam, đọc lại những bài viết của báo Cứu Quốc những năm đó, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử-những người đã từng được sự giúp đỡ của nhà tư sản dân tộc yêu nước.
Và cuối cùng là tiếp cận với chính những “bà đỡ” về tài chính của chính quyền cách mạng khi đất nước mới giành được độc lập. Trong bản danh sách các “bà đỡ” cùng những đóng góp về tiền bạc, sức lực, tài trí gửi kèm dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị nổi lên gia đình các ông Trịnh Văn Bô và vợ là bà Hoàng Thị Minh Hồ, Đỗ Đình Thiện và bà Trịnh Thị Điền, Nguyễn Sơn Hà, Ngô Tử Hạ…
Ông Trịnh Văn Bô là một doanh nhân Việt Nam thành đạt ở giữa thế kỷ XX. Ông là một nhà tư sản dân tộc, từng tham gia Mặt trận Việt Minh, vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cách mạng tháng Tám thành công, gia đình ông đã ủng hộ 5.147 lượng vàng, tương đương số tiền gấp đôi ngân khố chính phủ lúc đó: Hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi 48 Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) là một hàng buôn tơ lụa nổi tiếng của những năm 40 thế kỷ trước.
Chính tại nơi đây, Bác Hồ đã ở vào những ngày cuối tháng Tám và đầu tháng Chín năm 1945 và cho ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Ông sinh năm 1914 tại làng Bãi, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, tỉnh Sơn Tây, nay là xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh, lại được học hành đến nơi đến chốn, thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, sau khi tốt nghiệp tú tài toàn phần, ông được gửi sang Pháp du học. Học được hơn một năm, ông bị bố gọi về để “nối nghiệp kinh doanh của gia tộc”.
Năm 1932, ông xây dựng gia đình và được cha mẹ cho ra ở riêng tại số nhà 48 Hàng Ngang và kế thừa tên hiệu Phúc Lợi.
Với phương châm “Lộc bất tận hưởng”, mỗi lần buôn may, bán đắt gia đình đều dành một phần để làm phúc.
Theo gia đình kể từ ngày đầu khởi nghiệp, sau khi ra ở riêng, bố mẹ cho 30 ngàn Đông Dương làm vốn. Do cần cù, biết tính toán, nắm bắt thời cơ và tiết kiệm cộng với uy tín của cha nên việc kinh doanh gặp nhiều thuận lợi và liên tục phát triển.
Phúc Lợi trở thành thương hiệu nổi tiếng cả trong Nam, ngoài Bắc, sang Lào, Campuchia, thậm chí có giao dịch buôn bán với cả thương nhân Pháp, Anh, Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản.
Do kinh doanh thuận lợi, công tác từ thiện ngày càng được mở rộng. Từ việc tài trợ 100 chiếc đại tiểu – để di dời hài cốt ở nghĩa trang Nghĩa Hưng đến ủng hộ vật chất cho những gia đình bị bom Mỹ – Nhật ném xuống Đông Khê, Thất Khê rồi ủng hộ những làng bị bão lụt ở Hưng Yên, mua chăn cấp cho trẻ sơ sinh ở các nhà thương, cứu giúp những người bị đói từ khắp nơi đổi về Hà Nội.
Thấy được chữ Tâm ở một gia đình tư sản, Việt Minh cử các đồng chí Tạ Văn Lưu và Văn Thực bí mật đến gặp gỡ, tuyên truyền, vận động. Kết quả, ngày 14/11/1944 ông bà và người con cả chính thức gia nhập Việt Minh.
Ngày 29/3/1945, đồng chí Khuất Duy Tiến – một cán bộ cách mạng vừa vượt ngục trở về được người bạn đưa đến gặp gia đình bà Bô. Ông Tiến thông báo về tình hình thời cuộc, về “đêm trước của cuộc cách mạng” và nêu rõ: Lúc này Việt Minh rất cần tiền để xây dựng và tổ chức phát triển lực lượng. Ông Trịnh Văn Bô xin được thoát ly.
Thay mặt tổ chức, đồng chí Khuất Duy Tiên khuyên: “Cô chú ở lại, tiếp tục kinh doanh sẽ có lợi cho cách mạng hơn. Tuyên truyền, vận động mọi người ủng hộ tiền bạc cho Việt Minh cũng là nhiệm vụ cách mạng. Việt Minh lúc này cần rất nhiều tiền. Nói thật với cô chú là 5 xu mua báo cũng khó và quỹ chỉ còn mấy trăm bạc”. Gia đình hứa sẽ ủng hộ Việt Minh một vạn đồng Đông Dương (tương đương 25 cây vàng), sẽ giao tiền vào tuần sau.
Đúng hẹn, đồng chí Khuất Duy Tiến đến nhận số tiền gia đình hứa và càng vui hơn khi được gia đình hứa ủng hộ tiếp một vạn đồng nữa. Tính đến ngày 19/8, gia đình hộ Trịnh đã ủng hộ Việt Minh 8 vạn 5 nghìn đồng Đông Dương (tương đương 212,5 cây vàng theo thời giá khi đó).
Trước những khó khăn mới của chính quyền cách mạng non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra hàng loạt những giải pháp nhằm huy động sức dân “bảo vệ nền độc lập mong manh của mình”.
Ngày 4/9/1945, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, thừa lệnh Chủ tịch, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ban hành Sắc lệnh lập quỹ mang tên “Quỹ Độc Lập” để thu nhận tiền, vàng, các đồ vật có giá trị.
Ông Trịnh Văn Bô được tiến cử vào Ban Vận động. Gia đình tiếp tục đóng góp cho “Quỹ Độc Lập” hai mươi vạn đồng Đông Dương, tương đương 500 cây vàng. Ngoài ra, còn vận động thêm được hơn một triệu đồng cho quỹ.
Trong “Tuần lễ vàng” gia đình đóng góp 117 cây vàng và vận động nhân dân ủng hộ hơn một nghìn cây vàng.
Khi Chính phủ Cách mạng lâm thời từ chiến khu về Hà Nội, ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã từng được dùng làm nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Chính tại ngôi nhà này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tiếp các sĩ quan OSS Archimedes Patti và Alison Thomas.
Các lễ phục của các vị lãnh đạo Việt Minh trong ngày Lễ Độc Lập phần lớn là do gia đình ông Trịnh Văn Bô cung cấp. Các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, mặc các bộ comple của ông Bô. Riêng chiếc áo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vải may là do hiệu buôn Phúc Lợi cung cấp.
Ngày 19/12/1946 – ngày Toàn quốc kháng chiến. Cũng như nhiều gia đình Hà Nội khác, cả gia đình ông Trịnh Văn Bô tản cư lên Cao Bằng còn bản thân ông công tác tại Văn phòng Chính phủ kháng chiến tại Việt Bắc.
Năm 1954 thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương. Thủ đô được giải phóng. Năm 1955 cả gia đình ông trở về Hà Nội. Ông Trịnh Văn Bô được phân công giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội và giữ chức vụ đó đến ngày nghỉ hưu. Ông năm 1988 thọ 74 tuổi.
Cả hai ông bà đều được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Năm 2006 ông được truy tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” cùng 3 doanh nhân nổi tiếng khác là Lương Văn Can, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà.
Năm 2014 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cụ Trịnh Văn Bô, mừng đại thọ bà Hoàng Thị Minh Hồ, Bộ Tài chính có biên soạn cuốn “Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính Việt Nam”, nhằm vinh danh những công lao, đóng góp của gia đình với Đảng, Nhà nước và ngành tài chính.
Xem thêm bài liên quan
- Shark Việt nhắn nhủ giới trẻ Startup: “Tuổi khởi nghiệp từ 18 – 81 là đẹp nhất!”
- Cách khởi nghiệp “chẳng giống ai” của vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ: Chọn đối thủ lớn nhất vì chỉ có tranh đua với người đi đầu thì mới có cơ hội đi đầu!
- Có nên yêu khi đang khởi nghiệp không? Shark Hưng bảo “có”, Sếp lớn FPT Hoàng Nam Tiến bảo “khó”