Trong tâm lý học, có một khái niệm có tên “tâm lý gạch nung”. Mỗi viên gạch vốn là đất chôn trong lòng đất, muốn trở thành vật có ích, nó phải không ngừng chịu đựng gian khổ. Nó cần phải chịu được ngọn lửa cháy hàng nghìn độ mới có thể được nung thành gạch cứng.
Nhìn lại cuộc đời của những nhà phát minh, doanh nhân hay những vận động viên thành công nhất thế giới, đa phần trong số họ đều đã từng trải qua những giai đoạn vô cùng thử thách, hoặc mất phương hướng. Vậy điều gì đã giúp họ vượt qua những giai đoạn này?
Bài phát biểu của Steve Jobs
Trong bài phát biểu cuối cùng trước công chúng trước khi qua đời, Jobs đã chia sẻ về một trải nghiệm mà ông đã trải qua.
Khi vào đại học, tôi đã chọn một trường đắt đỏ ngang ngửa Stanford. Sáu tháng sau, tôi cảm thấy điều đó thật không đáng. Tôi không biết mình sẽ làm gì trong tương lai, và tôi không biết trường đại học sẽ định hướng cho tôi như thế nào, tôi chỉ biết mình đang tiêu tiền tiết kiệm của bố mẹ tôi… Vì vậy, tôi quyết định bỏ học và tôi tin rằng mình không làm gì sai.
Vào thời điểm đó, Cao đẳng Reed có lẽ là trường đại học giảng dạy về thư pháp tốt nhất cả nước. Mỗi tấm áp phích trong khuôn viên trường, mỗi nhãn dán trên ngăn kéo, đều được viết bằng những nét chữ rất đẹp.
Vì tôi đã bỏ học, nên tôi đã quyết định tham gia khóa học thư pháp thay vì tham gia vào các môn học bắt buộc. Trong khóa học này, tôi đã học được hai phông chữ “serif” và “sans-serif”, học được cách thay đổi khoảng cách giữa các từ trong các tổ hợp chữ cái và học được cách viết chữ đẹp.
Mười năm sau, khi chúng tôi đang thiết kế chiếc máy tính Macintosh đầu tiên, thư pháp đột nhiên xuất hiện trước mắt tôi. Thế nên, chúng tôi đã thiết kế tất cả những thứ đó vào máy tính. Đây là máy tính đầu tiên có bố cục chữ đẹp như vậy.
Nếu tôi không vô tình chọn khóa học thư pháp ở trường đại học, máy tính Macintosh sẽ không bao giờ có nhiều phông chữ hoặc cỡ chữ với khoảng cách hợp lý như vậy. Và nếu Windows không sao chép Macintosh, máy tính cá nhân hiện nay không thể có các phông chữ và kích thước chữ đẹp như vậy.
Steve Jobs đã sử dụng kiến thức về thư pháp một cách sáng tạo, góp phần tạo nên sự độc đáo và đẳng cấp cho sản phẩm của Apple.
Sau khi đọc câu chuyện này về Steve Jobs, tôi nhớ đến một lý thuyết có tên “Lý thuyết gạch nung”. Nhìn những viên gạch thô kệch, nhưng qua thời gian tôi luyện, những viên gạch ấy sẽ trở thành “mắt xích” để xây nên những toà nhà kiên cố, vững chãi, lộng lẫy.
Trên thực tế, dù là câu chuyện của Jobs hay những viên gạch được tôi luyện, chúng đều là kết quả của quá trình tích lũy trước đó.
Nhà văn Fitzgerald từng nói: “Mọi điều bạn học được, mọi khó khăn bạn gặp phải, sẽ phát huy tác dụng vào một lúc nào đó trong cuộc đời bạn.”
Những trải nghiệm tưởng chừng như vô ích đó một ngày nào đó sẽ khiến bạn ngạc nhiên.
Trải nghiệm không mong đợi thành quả
Leonardo da Vinci là một trong những tài năng vĩ đại của thời đại Phục Hưng. Ông không chỉ nổi tiếng với tư cách là một họa sĩ mà còn là một nhà phát minh, kiến trúc sư và nghiên cứu nhiều lĩnh vực khác.
Trong quá trình làm việc, ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về giải phẫu học, mặc dù kiến thức này có vẻ không liên quan đến nghệ thuật và công việc lúc đó của ông.
Nhưng về sau nhờ những hiểu biết về cơ thể người, Leonardo da Vinci mới có thể biến những bức tranh của mình thành những kiệt tác, mô tả chân thực và sống động đến đáng kinh ngạc, từ đó nâng cao tầm vóc của ông trong lịch sử nghệ thuật.
Hay câu chuyện về nhà khoa học Michael Faraday. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở London nước Anh. Ông chỉ được học hành đến năm 14 tuổi thì phải đi làm để phụ giúp gia đình.
Trong thời gian làm việc tại một tiệm sách, Faraday đã dành thời gian tự học về khoa học, đặc biệt là hóa học. Ông đã đọc rất nhiều sách về hóa học và thực hiện các thí nghiệm tại nhà.
Faraday sau này đã trở thành một trong những nhà vật lý học và hóa học lừng danh với những đóng góp quan trọng cho lĩnh vực điện tư học. Nếu không có niềm đam mê tự học và đọc sách trong quá trình làm việc ở tiệm sách có lẽ ông sẽ không tìm được con đường đến với khoa học.
Trong một giai đoạn khó khăn của sự nghiệp, Walt Disney đã phải đối mặt với sự phản bội từ đối tác và mất quyền sở hữu nhân vật hoạt hình “Oswald – The Lucky Rabbit”.
Trong quá trình tìm kiếm nguồn cảm hứng mới, ông nhớ lại thời gian của mình ở Kansas City, nơi ông từng nuôi một con chuột ở trong văn phòng. Chính từ hình ảnh con chuột này, Walt Disney đã tạo ra nhân vật Mickey Mouse – biểu tượng của đế chế Disney và mở ra một kỷ nguyên mới cho ông trong làn phim hoạt hình.
Những câu chuyện trên cho thấy: Kiến thức và kinh nghiệm dù có vẻ không liên quan hoặc không hữu ích lúc đầu, có thể trở thành nguồn cảm hứng và động lực cho những đóng góp lớn trong tương lai. Quan trọng nhất là phải biết tận dụng, kết hợp và biến chúng thành sức mạnh cho sự nghiệp của mình.
Mỗi cuốn sách đã đọc, một ngày nào đó sẽ giúp bạn thay đổi cuộc đời
Một MC nổi tiếng từng nói: “Tôi luôn tin rằng những cuốn sách tôi đã đọc là không vô ích. Chúng sẽ luôn giúp tôi thể hiện tốt hơn trong một dịp nào đó trong tương lai.”
Đọc sách là một quá trình lắng đọng và tích lũy, nó có thể sẽ không lập tức mang lại cho bạn những phần thưởng. Nhưng sau một thời gian dài, chỉ với một cơ hội, nó sẽ phát huy tác dụng và giúp bạn đạt được sự “biến đổi” bất ngờ.
Fang Qi, một blogger người Trung Quốc sở hữu hàng triệu người hâm mộ, xuất thân từ một gia đình bình thường, thành tích của cô khi còn đi học cũng rất tầm thường. Tuy không thông minh nhưng cô rất thích đọc sách.
Mỗi ngày sau giờ học, lúc ba cô bán mồi câu cá ở chợ, cô sẽ kê một chiếc ghế nhỏ và ngồi bên cạnh lặng lẽ đọc sách. Khi còn học cấp hai, cô đã đọc nhiều tác phẩm kinh điển của Trung Quốc và nước ngoài. Tuy nhiên, trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cô chỉ đỗ trường cao đẳng tuyến ba vì học lệch môn nghiêm trọng.
Sau khi vào đại học, trong khi những sinh viên khác hoặc ngủ và trốn học, hoặc yêu đương và chơi game, cô vẫn dậy sớm mỗi sáng, lấy sách và đi vào phòng tự học. Trong khi những người khác học cho qua 4 năm, thì cô đã đọc được hàng trăm cuốn sách và tích lũy được một kho kiến thức sâu rộng.
Năm 2016, Fang Qi đã tham gia buổi thử giọng cho chương trình “Tôi là diễn giả”. Với tâm lý muốn thử sức, cô đã đăng ký tham gia cuộc thi, không ngờ cô lại đi đến vòng cuối.
Đối mặt với những câu hỏi ngẫu hứng của ban giám khảo, cô có thể trả lời vô cùng lưu loát và hùng hồn. Sau cùng, Fang Qi giành được quán quân nhờ tài ăn nói đầy học thức và đậm tính văn chương của mình.
Từ việc tốt nghiệp trường cao đẳng tuyến ba đến khi trở thành nhà vô địch trong một cuộc thi tầm cỡ quốc gia, những gì người ngoài nhìn thấy chỉ là vài phút phát biểu nhưng chỉ có cô mới hiểu rằng đó là kết quả của quá trình đọc sách hơn 10 năm mang lại.
Trên thực tế, nhiều người đã từng được cơ hội gõ cửa, nhưng cuối cùng lại tự mình bỏ lỡ nó. Có thể là khi không trả lời được câu hỏi của nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn; có thể là khi không nắm bắt được tâm lý khi giao tiếp với khách hàng; cũng có thể là lúc mắc lỗi diễn đạt khi giao tiếp với lãnh đạo.
Cuộc sống không thiếu những cơ hội, nhưng rất nhiều khi, chúng ta lại chỉ biết ngồi nhìn cơ hội trôi đi. Một giáo viên từng nói rằng việc học, việc đọc, có thể không giúp bạn thành công ngay lập tức, nhưng nó sẽ tiếp thêm sức mạnh để bạn vươn lên khi bế tắc.
Khi bạn đọc nhiều sách, kiến thức và trí tuệ sẽ hòa vào máu, trở thành niềm tin để bạn tiến về phía trước. Khi cuộc sống không suôn sẻ, thay vì phàn nàn về những điều không may mắn và từ bỏ bản thân, tốt hơn hết, hãy đọc sách.
Mỗi cuốn sách bạn mở ra chính là chỗ dựa, động lực để bạn bứt phá trong tương lai.
Những đường vòng bạn từng phải đi, một ngày nào đó sẽ giúp bạn xoay chuyển cuộc đời
Edison từng nói, đừng bao giờ lãng phí cơ hội để phạm sai lầm, bạn phải học cách thất bại, nếu không bạn sẽ không học được cách thành công. Để phát minh ra bóng đèn, ông đã sử dụng hơn 1.600 vật liệu.
Sau hai năm liên tục thử nghiệm, sai sót và sửa chữa, ông kết luận rằng dây tóc làm từ sợi vải tẩm Carbon là vật liệu dây tóc tốt nhất. Chính vì có thể không ngừng tổng kết kinh nghiệm từ những sai lầm của mình, ông đã tạo ra hơn 2.000 phát minh và được mệnh danh là Vua của các phát minh.
Trong cuộc sống, nhiều người chúng ta sợ mắc sai lầm, sợ đi đường vòng. Bạn có biết không, cuộc đời, không có con đường nào đi là vô ích, những trải nghiệm, kinh nghiệm bạn tích lũy được trên những chặng đường vòng sẽ có ngày giúp bạn thành công.
Conan Doyle, tác giả của tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng “Sherlock Holmes”, nổi tiếng giỏi văn từ khi còn nhỏ, nhưng lại yêu thích y học. Khi lớn lên, ông trở thành bác sĩ và mở một phòng khám nhỏ ở London.
Tuy nhiên, tay nghề y học của ông lại không quá xuất sắc, công việc kinh doanh của phòng khám ảm đạm, ông thậm chí còn không thể trang trải cuộc sống. Chỉ khi đó, ông mới chợt nhận ra rằng mình không được sinh ra để trở thành bác sĩ.
Hết lần này đến lần khác, ông hối hận vì đã lãng phí quá nhiều thời gian và sức lực cho con đường theo đuổi ngành y. Để duy trì kế sinh nhai, Conan bắt đầu cố gắng kiếm tiền bằng cách viết tiểu thuyết trinh thám.
Nhờ hành nghề y nhiều năm nên ông được tiếp xúc với đủ kiểu người, nghe kể nhiều vụ án hình sự kỳ quái khác nhau. Vì vậy, không giống như những tiểu thuyết trinh thám rập khuôn khác, những câu chuyện do ông tạo ra là chưa từng có, các tình tiết này tới tình tiết khác, logic chặt chẽ.
Ông cũng xen kẽ các phân tích y tế chuyên nghiệp vào các vụ án với những chi tiết thực tế và hấp dẫn. Cuối cùng, khi cuốn tiểu thuyết được xuất bản, nó đã được độc giả đón nhận vô cùng nhiệt liệt.
Dựa trên kinh nghiệm y khoa, Conan Doyle đã đạt được thành công lớn trong lĩnh vực viết lách.
Nữ văn sỹ Trương Ái Linh từng nói: “Trên đường đời, có một con đường mà ai cũng phải đi, đó là con đường vòng của tuổi trẻ.” Không bị ngã, không va vào tường, không bị bầm dập, làm sao có thể tạo nên một tinh thần thép, làm sao chúng ta có thể trưởng thành?
Cuộc sống vốn đầy rẫy những khúc ngoặt, nếu bạn dừng lại chỉ vì không nhìn thấy con đường phía trước, sau cùng, bạn sẽ bị mắc kẹt tại chỗ và sẽ chẳng đạt được gì. Chỉ bằng cách mạnh dạn tiến về phía trước, tìm hiểu về thế giới trên những con đường vòng và học hỏi từ những thất bại, bạn mới có thể biến những khuyết điểm của mình thành lợi thế.
Những cái hố bạn từng ngã xuống, những con sông bạn đã vượt qua sẽ trở thành những trải nghiệm sống quý giá nhất, một ngày nào đó sẽ giúp bạn tránh được những nguy hiểm, những con đường vòng và cho phép bạn bước đi trên con đường tươi sáng hơn.
Lý thuyết gạch nung
Trong tâm lý học, có một khái niệm có tên “tâm lý gạch nung”. Mỗi viên gạch vốn là đất chôn trong lòng đất, muốn trở thành vật có ích, nó phải không ngừng chịu đựng gian khổ. Nó cần phải chịu được ngọn lửa cháy hàng nghìn độ mới có thể được nung thành gạch cứng.
Trong quá trình dùng trong xây dựng, nó cũng cần phải chịu được áp lực rất lớn từ mọi hướng. Một khi vỡ, nó sẽ trở thành một viên gạch vô dụng và nhanh chóng được thay thế.
Nhưng khi trải qua mọi đau đớn và trở thành một phần của tòa nhà cao tầng, nó sẽ có thể nhìn ra khung cảnh đẹp nhất thế giới.
Cuộc sống cũng vậy, cả tôi và bạn vốn đều là những viên gạch vô danh. Những khó khăn bạn gặp phải, những nỗi đau bạn chịu đựng, một ngày nào đó sẽ nâng bạn lên một vị trí cao hơn. Ai cũng đều sẽ trải qua những khoảnh khắc đau đớn và khó khăn trong cuộc sống.
Một khi bạn vượt qua và nhìn lại, bạn sẽ thấy rằng chính những ngày đó đã tạo nên bạn của ngày hôm nay. Cuộc đời không có quà tặng miễn phí, muốn có thứ gì, bạn cần phải trả một cái giá tương đương.
Mọi nỗ lực bạn bỏ ra trong cuộc sống sẽ được gói và trả lại cho bạn vào một ngày nào đó trong tương lai. Chỉ cần đi tốt con đường hiện tại, chăm chỉ học hỏi, chịu đựng gian khổ, hoa rồi cũng sẽ nở, và đó sẽ là bông hoa rực rỡ nhất.
Nguồn: Tổng hợp và biên soạn
Xem thêm bài liên quan
- Ghi chép: Thói quen đơn giản nhưng “Vô địch” của tỷ phú Bill Gates, Richard Branson và những người siêu thành công trên thế giới
- Steve Jobs và Elon Musk chia sẻ bí quyết phân chia và chinh phục khách hàng, ngay cả người khó tính nhất cũng phải “Siêu lòng”
- 5 thói quen “nhỏ nhưng có võ” từ các siêu tỷ phú Bill Gates, Warren Buffett, Steve Jobs để đạt đến đỉnh cao tiền tài, danh vọng