Cựu giám đốc Facebook Việt Nam Lê Diệp Kiểu Trang cho rằng ước mơ làm giàu của các bạn trẻ không sai, nhưng vẫn còn hạn hẹp. Điều quan trọng là làm những điều “go big or go home” – đó chính là những tư tưởng được lan truyền ở Thung lũng Sillicon.
Một thời gian trước, giới kinh doanh và khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam đổ dồn sự quan tâm tới cái tên Lê Diệp Kiều Trang – người được chỉ định là nữ giám đốc mới của Facebook tại Việt Nam.
Đa phần những quan tâm ấy được gói gọn trong 2 từ “ngưỡng mộ”. Người phụ nữ sinh năm 1980 tại Thành phố Hồ Chí Minh này từng là thủ khoa đầu vào lẫn đầu ra của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Sau đó, chị dành học bổng tại Đại học Oxford danh giá rồi về làm việc tại công ty tư vấn hàng đầu thế giới McKinsey.
Trang vốn nổi danh trong giới khởi nghiệp ở Mỹ khi cùng chồng điều hành Misfit Wearables. Startup này được Sonny Vũ (chồng của Lê Diệp Kiều Trang) cùng 1 người bạn học thời phổ thông là Sridhar Iyengar và cựu CEO Apple, John Sculley sáng lập năm 2012.
Lật dở lại những cuộc phỏng vấn của nữ doanh nhân tài năng này, các bạn trẻ tại Việt Nam có lẽ sẽ phải tự vấn lại mình rất nhiều.
‘Chăm chăm làm giàu ở Việt Nam’ hay là ‘bước ra thế giới và tạo ra những thay đổi’?
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Tuổi trẻ cách đây hơn 1 năm, tân giám đốc của Facebook kể rằng người Mỹ đã rất ngạc nhiên vì người Việt Nam thần tượng Bill Gates chỉ vì ông ấy giàu.
Lăn lộn với những động lực làm giàu ‘hạn hẹp’, người Việt Nam không hề biết đến mẹ Teresa hay nhà vật lý vĩ đại Stephen Hawking – những người không giàu có nhưng cũng được đứng trên đỉnh cao của ngưỡng mộ vì những giá trị nhân văn và khoa học họ mang lại.
Trang nói: “Người Mỹ nhiều lúc hết sức ngạc nhiên khi nhiều bạn trẻ Việt Nam thần tượng Bill Gates vì ông ấy giàu. Rất ít người thần tượng những nhân vật khác như mẹ Teresa hay nhà khoa học Stephen Hawking…
Điều này phản ánh hết sức chân thật động lực của giới trẻ nằm ở ước mơ làm giàu. Tuy không sai, nhưng còn khá hạn hẹp và có thể chính điều này vô tình cản trở các bạn vươn đến ước mơ làm giàu”.
Tinh thần Founder Misfit Wearables nêu ra ở trên được thấm nhuần không ở đâu sâu sắc như ở Thung lũng Sillicon – nơi một người đàn ông ăn mặc giản dị ngoài đường cũng có thể là một Founder triệu phú, vừa ‘exit’ từ công ty ông lập ra với giá cả chục triệu USD.
Ở đây, người ta tìm kiếm những người có thể ‘disrupt’ thị trường, thay đổi thế giới, chứ không phải chỉ ham làm giàu.
“Ở Silicon Valley, một điều mình học được từ nhóm tài phiệt công nghệ đã thành công và đang đem tiền đi đầu tư cho các startup mới là hãy đi tìm những nhóm khởi nghiệp say mê về một công nghệ, một sản phẩm sẽ làm phá vỡ thị trường, chứ đừng tìm những nhóm ham làm giàu
Ước mơ làm giàu không sai, nhưng thường không đủ mạnh để đưa họ đi xa. Ngược lại, những ước mơ trong sáng nhất dành cho khoa học, công nghệ làm thay đổi thế giới như Tesla, Apple… sẽ vượt qua mọi giới hạn của sức tưởng tượng, của không gian và thời gian, đẩy nhân loại đi về phía trước.
Và dĩ nhiên cuối cùng họ chính là những người thắng lợi lớn nhất về mặt tài chính, mặc dù thắng lợi về mặt tài chính lúc đó vẫn không thể so sánh được với những đóng góp của họ cho thế giới” – Tân Giám đốc Facebook tại Việt Nam kể lại và khẳng định.
Nước Mỹ giàu lên nhờ những “ước mơ Mỹ”
Nếu muốn tìm lấy ví dụ về những tư tưởng trên thì chẳng cần xa vời, các bạn trẻ Việt Nam có thể nhìn ngay vào sự nghiệp của chính Lê Diệp Kiều Trang.+
Năm 2012 là thời điểm mang tính bước ngoặt với Trang khi chị thay đổi sự nghiệp của mình từ ‘làm corp’ (đi làm thuê tại công ty, tập đoàn lớn) sang ‘startup’ (tự khởi nghiệp). Lúc đó, chị quyết định rời cuộc sống ở Boston với tập đoàn tư vấn danh giá nhất toàn cầu McKinsey về Thung lũng Sillicon để đầu quân cho startup của chồng mình là Misfit Wearables.
Dù từng thừa nhận rằng mình chưa có quá nhiều tinh thần khởi nghiệp khi bắt đầu với Misfit, thế nhưng có lẽ điều này sau này đã thay đổi, đủ để khiến Trang ở lại Misfit cho đến khi công ty được định giá hàng trăm triệu USD.
Thực sự, việc Lê Diệp Kiều Trang, Sonny Vũ (chồng Trang) hay John Sculley (cựu CEO Apple) bắt đầu làm Misfit với những sản phẩm đeo theo dõi sức khỏe và đo mức vận động của cơ thể ngay từ những năm 2011, 2012, chẳng khác nào việc họ đã tiên phong trong một ‘đại dương xanh’ mới đầy màu mỡ.
Những sản phẩm ‘wearable’ giúp đo đếm nhịp tim, bước chạy, thời gian ngủ…ra đời ở thời điểm cách đây 6 -7 năm từng được coi như một sự thay đổi lớn đối trong các công nghệ theo dõi sức khỏe con người.
Xa hơn thế, những thiết bị nhỏ gọn trang bị vào cơ thể cũng là công cụ để đẩy nhanh hơn cuộc cách mạng về IoT – nơi con người thông qua những thiết bị trên có thể kết nối, điều khiển mọi vật xung quanh. Chỉ sau một vài sản phẩm, Misfit cũng đã hướng các sản phẩm của mình đến thế giới IoT này.
Tính tiên phong của Misfit càng được thể hiện khi theo sau các startup này chính là các ông lớn công nghệ hàng đầu thế giới. Năm 2014, Apple cho ra mắt chiếc Apple Watch đầu tiên của mình. Trong cùng năm, Google cũng cho ra mắt Wear OS.
Sau đó là một loạt những thương hiệu quen tên như LG, Samsung…nhảy vào khiến cho thị trường các sản phẩm ‘wearable’ thông minh trở nên nóng bỏng chưa từng thấy. Còn đối với công nghệ IoT thì kể từ năm 2014 cho đến nay, nó liên tục được xếp ở Top những công nghệ tương lai của thế giới.
Chính vì những lý do này nên vào năm 2015, Misfit đã được định giá tới 260 triệu USD và được tập đoàn Fossil mua lại. Đội ngũ sáng lập đã nổi danh khắp nước Mỹ không chỉ vì giá trị ‘lớn nhanh như thổi’ của công ty mà còn vì những điều ý nghĩa họ làm được sau 4 năm lao động từ con số 0.
Quay trở lại với cuộc phỏng vấn trên, chị Trang cho rằng ước mơ làm giàu của các bạn trẻ Việt ‘dù không sai nhưng vẫn còn quá hạn hẹp’.
“Nước Mỹ giàu lên nhờ những “ước mơ Mỹ” (“American dreams”) – câu chuyện về những người di cư tay trắng với lòng can đảm và làm việc cật lực vươn lên làm giàu. Việt Nam không thể giàu mạnh được nếu giới trẻ chỉ ngưỡng mộ những nhân vật hào nhoáng trong phim Hàn Quốc Những người thừa kế (The Heirs) được”, cô nhắn nhủ.
Theo Trí thức trẻ
Gia thế ‘khủng’ của cựu Giám đốc Facebook Việt Nam Lê Diệp Kiều Trang
‘Cô gái vàng’ của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam – Lê Diệp Kiều Trang (Christy Lê) được bổ nhiệm vị trí Giám đốc Facebook Việt Nam và làm việc tại trụ sở ở Singapore năm 2018. Lê Diệp Kiều Trang chính là ái nữ của ông Lê Văn Trí – nguyên Phó tổng giám đốc Casumina.
Lê Diệp Kiều Trang (Christy Lê) sinh năm 1980 tại TP. HCM. Cô là ái nữ của ông Lê Văn Trí, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina – CSM).
Anh trai cô là Lê Trí Thông, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á và hiện là Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Chồng cô là Sony Vũ (Vũ Xuân Sơn), đồng sáng lập kiêm CEO của công ty Misfit Wearables.
Ông Lê Văn Trí (sinh năm 1953) – bố của Lê Diệp Kiều Trang – đã thôi giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Casumina từ ngày 11/3/2013 do đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động. Ông Lê Văn Trí đảm nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc Casumina từ năm 2006.
Ông Lê Trí Thông – anh trai Lê Diệp Kiều Trang – sinh năm 1979, tốt nghiệp hạng ưu chương trình MBA tại đại học Oxford và là kỹ sư công nghệ hóa học. Ông Thông đã trải qua nhiều vị trí quản lý khác nhau tại các tập đoàn quốc tế cũng như các tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam.
Gia nhập Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) vào năm 2008, đến cuối 2012, ông Thông là Phó tổng giám đốc ngân hàng này, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Kiều hối Đông Á, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thẻ thông minh ViNa – V.N.B.C.
Đại hội cổ đông thường niên tháng 4/2017 của Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận (PNJ) đã thông qua nghị quyết về bổ nhiệm thành viên HĐQT mới nhiệm kỳ 2017 – 2022. Theo đó, ông Thông được bầu làm Phó Chủ tịch PNJ.
Misfit Wearbles do ông Vũ Xuân Sơn – chồng của Lê Diệp Kiều Trang, sáng lập là startup chuyên về các thiết bị đeo theo dõi sức khỏe và đo mức vận động của cơ thể, đã nhận được khá nhiều vốn đầu tư từ các đại gia trên thế giới trong đó có thể kể đến John Sculley, cựu CEO của Apple và tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành.
Thuở còn đi học, Lê Diệp Kiều Trang sở hữu bảng thành tích học tập đáng nể. Đến năm lớp 9, Kiều Trang đã lấy bằng C và được đặc cách theo học đại học tại chức tiếng Anh của Đại học Nguyễn Tất Thành. Với kết quả thủ khoa tuyển sinh đầu vào PTTH chuyên Lê Hồng Phong (TP. HCM), đồng thời cũng là thủ khoa tốt nghiệp lớp 12 của trường.
Năm 1998, Lê Diệp Kiều Trang nhận học bổng học dự bị đại học 2 năm tại Anh và năm 2000 giành học bổng Đại học Oxford.
Lê Diệp Kiều Trang gặp chồng Sony Vũ năm 2006 tại TP. HCM trong lần về nước theo lời mời của bà Tôn Nữ Thị Ninh, người khi ấy mang hoài bão xây dựng một ĐH Trí Việt đẳng cấp thế giới và ra sức chiêu mộ tài năng Việt ở nước ngoài.
Năm 2008, cô thạc sĩ thủ khoa ngành kinh tế học ở ĐH Oxford (Anh) khóa 2003 – 2005 và đang làm việc cho Ngân hàng HSBC tại TP. HCM đã “bỏ cuộc chơi” theo chồng về Thung lũng Silicon.
Sau đó cô sang Mỹ định cư và được học bổng Legatum của Trường Quản trị Sloan của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Năm 2011, cô tốt nghiệp thủ khoa ngành thạc sĩ quản trị kinh doanh và đầu quân cho Tập đoàn Tài chính Mc Kinsey, văn phòng tại Boston với vị trí chuyên gia tư vấn tài chính.
Đến tháng 1/2014, Kiểu Trang nghỉ việc tại Mc Kinsey để về phụ trách nhân sự và tài chính cho công ty Misfit Wearables của chồng. Công ty này sau đó được Fossil Group, tập đoàn chuyên về đồng hồ thời trang của Mỹ, mua lại với giá 260 triệu USD vào cuối năm 2015. Sau khi bán công ty, Lê Diệp Kiều Trang giữ vị trí Tổng giám đốc Fossil Việt Nam.
Đến ngày 9/3/2017, cộng đồng startup Việt Nam khá bất ngờ khi Kiều Trang tuyên bố rời Fossil Việt Nam, cùng lúc Sonny Vũ cũng rút khỏi vị trí Tổng giám đốc Công nghệ của Fossil.
Với việc giữ chức Giám đốc Facebook Việt Nam và làm việc tại trụ sở Singapore, Kiều Trang cho biết chọn Facebook để có thể phát huy được kinh nghiệm làm việc của mình cả ở Việt Nam lẫn nước ngoài để kết nối cộng đồng doanh nghiệp tốt hơn.
Theo Nhà đầu tư
Xem thêm bài liên quan
- Shark Việt nhắn nhủ giới trẻ Startup: “Tuổi khởi nghiệp từ 18 – 81 là đẹp nhất!”
- Doanh nhân Lê Diệp Kiều Trang: “Người thành công thì không nên để mình nghèo, nhưng đừng gói gọn ước mơ của mình chỉ trong 2 chữ làm giàu”
- Giáo sư Phan Văn Trường: Giới trẻ mắc sai lầm với tư duy “làm sao để giàu”, muốn giàu phải có “số” như các tỷ phú