Giáo sư Phan Văn Trường chỉ ra 2 sai lầm lớn mà các bạn trẻ ngày này hay mắc phải. Đó là “vội vàng” và tư duy “làm sao để làm giàu”.
Trong buổi chia sẻ trước đây, giáo sư Phan Văn Trường khẳng định dân tộc Việt Nam vốn thông minh, chuyên cần nhưng thế hệ trẻ ngày nay có rất ít sự kết nối với nhau, tạo nên sự đứt gãy trong kế thừa nền tảng tri thức và trải nghiệm cuộc sống.
Điều này gây ra nhiều bất lợi khi chỉ trong vài thập kỉ nữa, thế hệ trẻ hiện tại sẽ đảm đương trọng trách làm chủ đất nước.

Một quan điểm đang thịnh hành thời gian gần đây ở giới trẻ là: Sự lựa chọn quan trọng hơn sự cố gắng! Quan điểm này vô tình làm cho các bạn trẻ trở nên rất hoang mang khi đứng trước những chuyện quan trọng của tương lai như tình yêu, sự nghiệp. Theo Giáo sư, chúng ta nên lựa chọn làm sao để thấy hạnh phúc!
Chia sẻ về lựa chọn sự nghiệp của mình, ông Phan Văn Trường kể: “Năm 1967, thầy thi đậu 7 trường đại học bên Pháp.
Bạn thầy người thì khuyên học viễn thông vì ngành này sẽ phát triển mạnh, có người khuyên học thiết kế tàu thuyền, có người thì khuyên học ngành điện… cuối cùng thầy quyết định chọn ngành cầu đường vì ý nghĩ sau này sẽ làm được nhiều điều có ích như ông Hoàng Xuân Hãn – cựu sinh viên Trường Cầu đường Paris”.
Tiếp đến, Giáo sư Phan Văn Trường cũng chỉ ra hai sai lầm lớn mà các bạn trẻ ngày này hay mắc phải. Đó là “vội vàng” và tư duy “làm sao để làm giàu”.
Về sai lầm thứ nhất, khi chọn nghề, Giáo sư ví dụ: “Các bạn đặt thời gian sang năm phải làm giám đốc, hai năm phải tổng giám đốc và ba năm nữa thu nhập 50.000 USD/tháng”. Tuy nhiên, lựa chọn này chưa hẳn làm chúng ta hạnh phúc.
Định nghĩa về hạnh phúc khi làm việc, Giáo sư Phan Văn Trường cho rằng: Đầu tiên là được làm việc với người kính trọng mình, làm việc cho một người sếp sáng suốt, minh triết và bình đẳng. Sau đó, công việc phải phù hợp với nếp sống, nói cách khác là ngoài công việc, chúng ta còn có đủ thời gian để dành cho gia đình mình.
Về sai lầm thứ hai, các bạn trẻ không hiểu việc làm giàu sao cho đúng. Giáo sư chỉ ra có hai nấc của cải. Nấc thứ nhất là chúng ta làm bất cứ công việc gì, miễn là có đủ thu nhập để gia đình sống êm ấm. Nấc thứ hai là giàu có như các tỉ phú nổi danh thì phải có “số (mệnh)”, chứ không phải chỉ chọn đúng nghề là được.
Vì thế, giáo sư Phan Văn Trường khuyên các bạn trẻ khoan hãy nghĩ đến chuyện làm giàu, mà trước tiên hãy nghĩ đến việc xây dựng một sự đủ đầy về mặt vật chất và đủ đầy về hạnh phúc

Trước khi trở thành một người đặc biệt có tầm ảnh hưởng lớn, chúng ta nên làm tốt vai trò là nhân tố bình thường giúp xã hội vận hành đều đặn. Thêm vào đó, các bạn trẻ cần học tính khiêm nhường, cầu thị và tôn trọng trong cách đối xử với đồng nghiệp.
Sống trong xã hội, chúng ta cần quan sát để tìm đúng con đường tiến bộ của mình. Giáo sư Phan Văn Trường cho rằng, lí luận phải cố gắng học để lấy bằng thạc sỹ, tiến sỹ, để nhanh chóng thăng tiến sự nghiệp và đạt đến thành công, chỉ đúng với một vài người, chứ không phải tất cả.
“Những lí luận như thế và nhiều lí luận sai lầm khác đang làm giới trẻ “trật đường ray” trên đường đời. Các bạn trẻ cần xem xét lại khung thời gian của mình đã định ra cho sự thành công.
Hơn 99% người trên thế giới không làm tỉ phú năm 30 tuổi nên người hạnh phúc trong giai đoạn này là tạo được không khí ấm áp, bao dung xung quanh mình trong môi trường làm việc.
Chính sự ấm áp, bao dung đó kết hợp với tính khiêm nhường, không ngừng tự học tập, sẽ dẫn dắt chúng ta lên đỉnh cao trong sự nghiệp về sau.”, Giáo sư Trường kết luận.
GS Phan Văn Trường, cố vấn thường trực của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế từ thập niên 1990, đã 2 lần được Tổng thống Pháp phong Hiệp sĩ (Đài ghi công, năm 1990 và Bắc đẩu Bội tinh năm 2006).
Tại Việt Nam, ông được Chủ tịch nước tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục vào năm 2010. Ông là giáo sư giảng dạy tại Trường đại học Paris 1 – Pathéon Sorbonne, Đại học Kiến trúc TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM.
Ông là nhà lãnh đạo, quản lý và quản trị của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực kinh doanh, xây dựng, điện lực, giao thông vận tải, lọc nước, đô thị và dầu khí. Năm 2017, ông cùng 22 nông dân trẻ thành lập Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp mực.
Chỉ sau 2 năm, câu lạc bộ đã có 80.000 thành viên, trở thành hệ sinh thái nơi nông dân khắp các tỉnh, thành được kết nối, chia sẻ thông tin.

Ông là tác giả của bộ sách Một đời gồm 3 cuốn Một đời thương thuyết, Một đời quản trị, Một đời như kẻ tìm đường; cuốn Công dân toàn cầu – Công dân vũ trụ. Cuốn sách đầu tay của ông Một đời thương thuyết được trao tặng Giải sách hay năm 2016.
Ông thấy tiếc vì Việt Nam đáng phải thuộc nhóm hàng đầu thế giới khi hội tụ nhiều yếu tố thuộc hàng nhất từ thực phẩm, hải sản, cảnh đẹp cho đến con người, nhưng lại vẫn chưa làm được. Theo ông, lý do là bởi người Việt vẫn còn nhiều “cái dại”.
Chẳng hạn, theo ông, một “cái dại” là người Việt thường mang tư duy “đánh lẫn nhau” để bán hàng trong khi toàn thế giới đã chứng minh muốn bán được nhiều thì phải bán cùng nhau, gọi thế là cạnh tranh tạo sự sầm uất.
Ông nhắc lại, ngày xưa, ở Hà Nội, những phố hàng như Hàng Trống, Hàng Đào, Hàng Than… người ta bán hàng cùng mặt hàng ở đấy. Điều ông muốn và đang hướng nhiều doanh nghiệp trong nước là quay lại tư duy của các cụ ngày xưa “buôn có bạn, bán có phường”, cùng tạo ra những phố hàng như thế.
Một điều nữa mà ông trăn trở là người Việt không chịu chơi luật chơi chung mà có thể thấy ngay khi đi ra đường, người người vẫn theo kiểu “đường tôi tôi đi”. Trong khi, ngay những nước bạn xung quanh ta là Malaysia, hay Thái Lan từ lâu đã biết chơi đúng luật. “Họ đủ khôn ngoan để thấy rằng việc lách luật chơi dễ như chơi, nhưng mà khi lách luật chơi là nước họ sẽ bị loại”, ông nói.

Dù đang có những vấn đề trước mắt, nhưng ông lạc quan bởi dân tộc Việt là dân tộc cho thấy sự sẵn sàng giải quyết. Tuy nhiên, điều chúng ta cần củng cố là sự tự tin, ông muốn “đất nước dạy nhau tự tin”, mà dạy nhau tự tin chẳng có gì khó, cứ chia sẻ cho nhau những thành công hay cả những thất bại.
Điều mà ông đang làm cũng là giúp cho “những cánh chim cuối đàn” tin tưởng lẫn nhau hơn, tin tưởng vào bản thân mình hơn.
Xem thêm bài liên quan
- Shark Việt nhắn nhủ giới trẻ Startup: “Tuổi khởi nghiệp từ 18 – 81 là đẹp nhất!”
- Tỷ phú Bill Gates: “Những năm 20 tuổi, tôi chưa bao giờ nghỉ ngơi ngày nào, một ngày cũng không”
- Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ: Tôi tự thấy mình có sứ mệnh với thanh niên Việt Nam, mong muốn họ tin rằng, những gì tôi có thể làm được, họ cũng làm được