Ông chủ của Netflix Reed Hastings có ý tưởng về Netflix sau một trải nghiệm tồi tệ với cửa hàng cho thuê phim truyền thống.
Tờ Financial Times cho biết: Reed Hastings – CEO Netflix, 59 tuổi, là con trai của một luật sư hành chính tại Nixon. Ông có thể được coi là một trong những người sống sót không thể tin được của Thung lũng Silicon. Ông là một chuyên gia công nghệ nhìn thế giới bằng “những con số và thuật toán”, anh ta thuộc thế hệ của Bill Gates và Jeff Bezos.
Hành trình trở thành tỷ phú của ông chủ Netflix – Reed Hastings
Reed Hastings sinh năm 1960 tại Boston. Cha của ông, Wilmot Reed Hastings, làm việc trong bộ Y tế, Giáo dục và Phúc lợi dưới thời của tổng thống Richard Nixon.
Sau khi tốt nghiệp trung học, thay vì học thẳng lên đại học, Reed Hastings đã làm nhân viên bán máy hút bụi trong suốt một năm dài. Sau đó, ông đã chọn học chuyên ngành toán ở đại học vì cho rằng tính trừu tượng trong toán học làm cho ông cảm thấy vô cùng lôi cuốn.
Mục tiêu đầu tiên của Reed Hastings là MIT. Nhưng do không được chọn vào, cuối cùng ông đã dừng chân tại đại học Stanford và tốt nghiệp ở đây.
Netflix không phải công ty đầu tiên của Reed Hastings.
Ở độ tuổi 31, Reed Hastings cùng 2 người đồng sáng lập là Raymond Peck và Mark Box đã ra mắt Pure Software vào năm 1991. Sản phẩm này được Reed Hastings coi như một “công cụ gỡ lỗi cho các kỹ sư.”
“Khi chèo thuyền kayak, nếu bạn chỉ nhìn chằm chằm và tập trung vào những vấn đề tiêu cực, nhiều khả năng là bạn sẽ gặp nguy hiểm”, Hastings nói với The Times về kinh nghiệm của mình khi điều hành Pure Software. “Tôi tập trung vào những gì tôi hướng đến và muốn nó xảy ra. Tôi không nghe theo hay bận tâm về những hoài nghi của người khác.”
Theo đó, công ty của ông đã rất thành công và tăng gấp đôi doanh thu hàng năm trước khi lên sàn lần đầu tiên vào năm 1995. Sau đó 2 năm, Rational Software (hiện công ty này không còn tồn tại) đã mua lại Pure Software với giá 750 triệu đô la. Việc mua bán này đã tạo nên tiền đồ cho Hastings để ông có thể bắt đầu khởi nghiệp với Netflix.
Hastings có ý tưởng về Netflix sau một trải nghiệm tồi tệ với cửa hàng cho thuê phim truyền thống.
“Tôi đã phải trả một khoản phí lớn cho ‘Apollo 13’. Tại thời điểm đó, tôi nợ cửa hàng cho thuê phim 40 đô la và trễ 6 tuần so với lịch hẹn. Tất cả đều là lỗi của tôi nhưng tôi không muốn nói với vợ về điều này. Sau đó, trên đường đến phòng tập gym, tôi nhận ra họ có một mô hình kinh doanh tốt hơn nhiều khi mà bạn có thể trả 30 hoặc 40 đô la một tháng và có thể tập luyện bao nhiêu tùy ý.”
Ý tưởng này đã đặt nền móng cho Netflix, công ty mà CEO Netflix Reed Hastings và doanh nhân Marc Randolph cùng nhau sáng lập vào năm 1997. Tuy nhiên, Marc Randolph đã luôn nắm vị trí đứng đầu trước khi rời công ty vào năm 2002.
Công ty nhận được 239.000 người đăng ký chỉ trong năm đầu tiên. Ở thời điểm đó, cách Netflix hoạt động là để người dùng liệt kê toàn bộ các đĩa DVD mà họ muốn xem trên Netflix.com và công ty có nhiệm vụ gửi từng đĩa một trong những phong bì màu đỏ. Người đăng ký có thể giữ phim bao lâu tùy thích mà không phải trả phí trễ hạn.
Sau hàng loạt khó khăn, Netflix ra mắt công chúng vào năm 2002 và cổ phiếu của công ty đạt mức cao mới vào năm 2011. Đến nay, Netflix là một trong những công ty công nghệ mạnh nhất của Mỹ.
Hastings trở thành tỷ phú vào năm 2014 khi cổ phiếu của Netflix tăng mạnh.
Giá trị tài sản ròng của Hastings – CEO Netflix không ngừng tăng lên cùng với giá cổ phiếu của Netflix. Vị tỷ phú này đã được thêm vào danh sách Forbes 400 (400 người giàu nhất nước Mỹ) vào năm 2017.
Ông sở hữu khoảng 1% của Netflix. Forbes ước tính tài sản của ông hiện tại ở mức 5 tỷ đô la. Tại Netflix, Hastings được biết đến là nhà lãnh đạo với phong cách quản lý chặt chẽ.
Phong cách quản lý khác biệt của CEO Netflix Reed Hastings
Tầm nhìn mang tính thời đại
Sự ra đời của Netflix được xem như một điều tất yếu cho sự phát triển của truyền thông và công nghệ nhưng lại là một sự bất ngờ và ngẫu nhiên đối với Reed Hastings. Như đã nói, ý tưởng thành lập Netflix được đưa ra sau khi Hastings phải trả một khoản phí 40 USD vì quá hạn trả DVD thuê từ Blockbuster.
Nhận thấy sự bất tiện trong việc thuê trả dịch vụ một cách thụ động và bất tiện, đồng thời nắm bắt được sự phát triển vượt bậc của Công nghệ đầu thế kỷ XX đã thôi thúc ý tưởng sơ khai ban đầu là cho thuê DVD qua email.
Chính tầm nhìn xa và rộng của Hastings – CEO Netflix đã giúp Netflix thành công và vững mạnh, tiếp tục phát huy những thế mạnh trên thị trường vốn chỉ còn một mình Netflix độc chiếm.
Trong khi đó, gã khổng lồ cạnh tranh một thời là Tập đoàn Blockbuster vẫn kiên trì bám trụ vào dịch vụ cho thuê DVD và video trò chơi trong suốt thời gian dài, và kết quả là đã phá sản vào năm 2010.
“Khi truyền hình được phổ biến lần đầu tiên vào những năm 1960 tại Mỹ, nó được gọi là một “vùng đất hoang rộng lớn” và truyền hình sẽ khuấy động tâm trí của mọi người. Tất nhiên tâm trí mọi người đều ổn, chỉ có truyền hình cần phải có thời gian điều chỉnh một số chỗ. Vì vậy, tôi nghĩ rằng tất cả các công nghệ mới đều có ưu điểm và khuyết điểm. Trong xã hội này, chúng tôi vẫn trên con đường tìm ra điều đó”.
Thực sự rằng trong bất kỳ chặng đua nào, kẻ có tầm nhìn luôn luôn là kẻ chiến thắng, và Netflix dưới sự chỉ đạo của Reed Hastings đang dẫn đầu cuộc đua ấy.
Môi trường làm việc rất “anti – Apple”
“Anti – Apple” chính là tính từ mà vị CEO Netflix từng dùng để nói về môi trường cũng như phong cách làm việc của Netflix.
Ông từng chia sẻ trong hội nghị TED rằng: “Chúng tôi giống như đang anti-Apple vậy. Nếu như văn hóa của họ là ngăn cách thông tin ra bên ngoài thì chúng tôi hoàn toàn ngược lại. Tại đây tất cả mọi người đều có thể nhận được bất cứ thông tin nào. Bất cứ khi nào tôi tìm và thực hiện bất cứ quyết định lớn nào, tôi đều không hề có ý định giấu diếm hay làm gì với chúng”.
Trang tin Business Insider đã dẫn lời Reed Hastings trong một lần phỏng vấn về văn hóa Netflix: “Mô hình tương lai của chúng tôi là tăng quyền tự do cho nhân viên chứ không hạn chế bất cứ điều gì, điều này giúp chúng tôi có thể tiếp tục thu hút nhân tài và nuôi dưỡng sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Chúng tôi nhận thấy sẽ có cơ hội thành công cao hơn nếu theo đuổi chiến lược này”.
Để thu hút và giữ chân những nhân viên tiềm năng, Hastings sẵn sàng trao cho họ những quyền lợi và sự hỗ trợ tốt nhất mà ông có thể làm cho họ.
Khi một nhân viên nữ trong Netflix lên chức mẹ, Reed Hastings sẽ cung cấp chính sách nghỉ phép “không giới hạn” trong vòng một năm sau khi sinh mà vẫn giữ nguyên mức lương cho họ. Một nhân viên lên chức cha cũng có thể nghỉ tùy thích trong vòng một năm và vẫn nhận lương thưởng đầy đủ. Đây là điều mà không ít công ty có thể làm được.
Ngoài ra, Netflix cũng không giới hạn ngày nghỉ phép cho nhân viên của mình. Công ty sẽ không gò bó và không theo dõi ngày nghỉ của nhân viên. Thay vào đó, nhân viên và người quản lý của họ sẽ cần có những cuộc trò chuyện về những gì là thích hợp cho sự phát triển và đảm bảo đặc quyền này sẽ không bị lạm dụng hoặc sử dụng không hiệu quả.
“Tại Netflix, chúng tôi cho rằng các nhân viên có thể tự mình xây dựng ý thức trách nhiệm khi họ thực sự cảm thấy yêu công việc của họ làm. Điều chúng tôi thấy cần thiết là hiệu suất công việc chứ không cần để tâm nhiều đến thời gian nhân viên có mặt tại công ty. Vì thế Netflix sẵn sàng tạo mọi điều kiện để tài năng của nhân viên được ươm mầm, phát triển và khiến họ cảm thấy vui vẻ để gắn bó lâu dài với công ty”, CEO Netflix chia sẻ trên Business Insider.
CEO Netflix cũng là người tạo ra nền văn hóa làm việc độc lạ tại công ty, khi cho tất cả nhân viên tự do ngôn luận và chia sẻ tất cả thông tin với nhau. Điều đó khiến Netflix như một hãng “anti-Apple” với văn hóa công ty hoàn toàn trái ngược.
Apple – một trong những công ty công nghệ hàng đầu với nền văn hóa được cho là bảo mật nhất thế giới. Những thông tin nhạy cảm về các sản phẩm đều được nhân viên công ty hết sức giữ kín. Thậm chí còn có quy định, nếu họ không tuân thủ thì sẽ phải đối mặt với án phạt về pháp luật nếu làm rò rỉ thông tin ra bên ngoài.
Ngược lại với Netflix. Hasting cho rằng chiến lược chia sẻ thông tin nhằm thúc đẩy các cuộc tranh luận của các nhân viên để việc đưa ra quyết định cuối cùng được tốt nhất. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi Netflix là một dịch vụ phục vụ người xem phim và các chương trình truyền hình, việc thu nhập ý kiến đóng góp từ mọi người trong công ty có thể làm nội dung, ý tưởng trở nên phong phú hơn.
CEO Netflix chia sẻ thêm: “Chúng tôi mong muốn mọi người nói lên chính kiến của bản thân mình, vì việc phản đối trong âm thầm sẽ đồng nghĩa với việc không trung thành. Không nên để một quyết định được đưa ra mang tính cá nhân. Chúng tôi cho rằng việc càng nhiều ý kiến tranh luận sẽ khiến mọi thứ trở nên tốt hơn”…
Nguồn: Tổng hợp