Theo thống kê, trong 12 tháng qua, số lượng tài sản của tỷ phú Trung Quốc tăng thêm 1.500 tỷ USD, Trung Quốc cũng đang là quốc gia có số lượng tỷ phú tang nhanh nhất.
Hiện, tổng tài sản của giới siêu giàu Trung Quốc đạt 4.000 tỷ USD, cao hơn cả GDP trong năm 2019 của Đức – nền kinh tế lớn thứ 4 châu Âu. Riêng tổng tài sản tăng thêm trong năm qua của giới siêu giàu Trung Quốc tương đương với GDP của Nga, và xấp xỉ một nửa GDP của Anh, ở mức 1.500 tỷ USD.
Theo Hurun Report – đơn vị nghiên cứu đứng sau Hurun Rich List (Danh sách Người giàu của Hurun), nơi đã thống kê tài sản của giới siêu giàu Trung Quốc, 2020 cũng là thời điểm ghi nhận mức gia tăng tài sản lớn nhất trong suốt 22 năm danh sách này được thực hiện.
Chủ tịch, trưởng nhóm nghiên cứu của Hurun Report Rupert Hoogewerf cũng cho biết: “Lượng tài sản tăng thêm của giới siêu giàu Trung Quốc trong năm nay nhiều hơn cả tổng mức tài sản cộng lại của 5 năm trước”.
Không chỉ tổng lượng tài sản nói chung tăng lên, số lượng tỷ phú mới nổi có tên trong danh sách người giàu Trung Quốc của Hurun cũng gia tăng với tốc độ kỷ lục.
“Thế giới chưa từng chứng kiến mức tài sản như thế này được tạo ra chỉ trong 1 năm. Doanh giới Trung Quốc đã làm tốt hơn nhiều so với dự báo. Bất chấp đại dịch Covid-19, số lượng của họ vẫn tăng lên với tốc độ kỷ lục”, Hoogewerf nói, khi nhận xét về việc có tới 5 tỷ phú USD xuất hiện tại Trung Quốc chỉ trong một tuần vào năm qua.
Để lý giải cho nguyên nhân của sự tăng trưởng này, không thể không kể đến sự hỗ trợ đắc lực từ việc Trung Quốc nhanh chóng kiểm soát Covid-19 thành công.
Dù trong 2 tháng đầu bùng phát, dịch bệnh đã “thổi bay” một lượng lớn tài sản của giới siêu giàu, do tình trạng sản xuất và thương mại tê liệt, song việc kiểm soát dịch bệnh trong 6 tháng đầu năm đã giúp doanh nghiệp Trung Quốc phục hồi theo đồ thị hình chữ V. Cụ thể, trong quý II/2020, mức tăng 4,9% GDP của Trung Quốc chủ yếu nhờ vào đà phục hồi của ngành dịch vụ, bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp.
Đồng thời, Hurun Rich List cũng nhấn mạnh rằng, sự bùng nổ của thương mại điện tử và công nghệ trong giai đoạn đại dịch đã thúc đẩy tài sản của “giới siêu giàu”.
Theo nghiên cứu, các lĩnh vực “kinh tế mới” như thương mại điện tử và công nghệ tài chính đang tăng trưởng mạnh, khi hơn 1/3 người giàu nhất Trung Quốc kiếm tiền từ các ngành này, trong khi 64% làm giàu từ các lĩnh vực truyền thống như sản xuất hay bất động sản.
“Điều này cho thấy cấu trúc nền kinh tế đã và đang thay đổi, theo hướng phát triển, dịch chuyển khỏi các ngành nghề truyền thống như sản xuất hay bất động sản và hướng tới các ngành kinh tế mới như công nghệ”, Hoogewerf nói.
Thêm vào đó, thị trường chứng khoán bùng nổ, với hàng loạt doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế mới chứng kiến giá cổ phiếu lập kỷ lục, và nhiều doanh nghiệp đổ xô tới Hồng Kông và New York để IPO cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo ra thêm nhiều tỷ phú USD.
Tiêu biểu trong nhóm này phải kể đến nhà sáng lập hãng nước uống đóng chai Nongfu – Zhong Shanshan.
Zhong bất ngờ trở thành người giàu thứ 3 Trung Quốc, với tài sản hơn 53 tỷ USD, khi Nongfu IPO trên sàn chứng khoán Hồng Kông, huy động được 1,08 tỷ USD vào đầu tháng 9/2020. Trong phiên giao dịch đầu tiên sau khi chào sàn, giá cổ phiếu Nongfu tăng tới 85%.
Ngoài ra, startup công nghệ tài chính Ant Group của tỷ phú Jack Ma cũng đang chuẩn bị IPO ở cả Hồng Kông và Thượng Hải. Nếu thành công IPO, thương vụ này sẽ không chỉ đưa tỷ phú Jack Ma lần đầu vào nhóm 10 người giàu nhất hành tinh, mà 19 thành viên cấp cao khác của Ant Group cũng sẽ trở thành tỷ phú.
Được Hurun Rich List định nghĩa là cá nhân sở hữu với tài sản từ 2 tỷ CNY (300 triệu USD) trở lên, Trung Quốc hiện có 2.303 “người siêu giàu”, với 878 trong đó là tỷ phú USD, nhiều hơn nước Mỹ 178 tỷ phú, theo dữ liệu về tài sản cập nhật đến ngày 28/8/2020.
Đứng đầu Hurun Rich List năm thứ ba liên tiếp là tỷ phú Jack Ma – nhà sáng lập Alibaba, với tài sản tăng đến 45% trong năm qua, lên 58,8 tỷ USD. Theo sát Jack Ma là CEO của Tencent – tỷ phú Ma Huateng, và nhà sáng lập hãng nước uống đóng chai Nongfu – tỷ phú Zhong Shanshan.
Không chỉ tại Trung Quốc, xu hướng người giàu ngày càng giàu hơn cũng diễn ra tại nhiều nơi khác trên thế giới. Số liệu từ báo cáo Riding the Storm của ngân hàng UBS và công ty kiểm toán PwC cho thấy, tổng tài sản nắm giữ bởi các tỷ phú trên toàn cầu đã tăng mạnh mẽ trong thời gian đại dịch, lên 10.200 tỷ USD. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay, và đồng thời cho thấy tốc độ tăng trưởng tài sản nhanh nhất của giới tỷ phú thế giới trong 10 năm qua.
Ngoài ra, một kỷ lục đáng chú ý nữa cũng được xác lập trong thời gian Covid-19: Sự xuất hiện của tỷ phú 200 tỷ USD đầu tiên trên thế giới – Jeff Bezos. Theo báo cáo, tổng giá trị tài sản ròng của ông chủ Amazon đã cán mốc trên vào tháng 8/2020, ngay khi UBS và PwC tổng kết số liệu báo cáo năm về các tỷ phú.
Tạp Chí Doanh Nhân tổng hợp
Xem thêm bài liên quan
- Phát ngôn thẳng thắn của Jack Ma đã thổi bay 35 tỷ USD của Ant Group
- Cuộc đời truyền kỳ đầy cảm hứng của “Gã điên không bao giờ lùi bước” Jack Ma: Đứa trẻ nghèo 2 lần trượt đại học, 10 lần bị Harvard từ chối và 30 lần xin việc thất bại đến tỷ phú nổi tiếng thế giới
- Cuộc đời đầy cảm hứng của “Gã điên không bao giờ lùi bước” Jack Ma: Từ con nhà nghèo 2 lần trượt đại học, 10 lần bị Harvard từ chối và 30 lần xin việc thất bại đến tỷ phú nổi tiếng thế giới